“Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào của đất nước nói chung, của tỉnh ta nói riêng. Theo kế hoạch, Lễ đón nhận Bằng UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại được tổ chức vào tối ngày 2-4-2017 (tức tối 6-3 âm lịch) tại xã Kim Thái (Vụ Bản). Báo Nam Định có cuộc phỏng vấn đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Lễ đón nhận Bằng UNESCO ghi danh về ý nghĩa và chương trình hành động của tỉnh trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.
PV: Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của việc Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” khi được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại?
Đồng chí Trần Lê Đoài: Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ do cộng đồng người Việt sáng tạo, có quá trình hình thành phát triển lâu đời, biến chuyển, thích ứng trong sự đổi thay của xã hội người Việt. Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn; thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc, mọi người đều có thể tham gia, không phân biệt xu hướng chính trị, tôn giáo, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp. Người Việt tôn thờ các vị Thánh Mẫu, các vị thánh bản địa và tiếp nhận các vị thần. Các vị thần có nguồn gốc là dân tộc thiểu số trong điện thần thể hiện sự giao lưu
văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam… Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ phân bố ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó tỉnh Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu.
“Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là do tín ngưỡng thờ Mẫu có giá trị nhân văn sâu sắc, gắn với đời sống tinh thần và các phong tục, tập quán của người dân, được cộng đồng trân trọng và liên tục lưu truyền từ ngàn đời nay. Đây cũng là kết quả của sự quyết tâm cao và nỗ lực của tỉnh Nam Định trong việc bảo tồn di sản và xây dựng hồ sơ; sự hướng dẫn tích cực của Bộ VH, TT và DL, các nhà khoa học cùng các nghệ nhân trong công tác xây dựng hồ sơ; sự phối hợp hiệu quả của Bộ Ngoại giao, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam trong công tác quảng bá, tuyên truyền “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.
Việc Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ góp phần tăng cường vị trí, vai trò của di sản văn hóa đối với xã hội, làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam và của nhân loại. Việc ghi danh Di sản này sẽ góp phần vào khả năng bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nói chung và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản ở các cấp độ khác nhau, do có những điểm tương đồng văn hóa giữa các cộng đồng và các nhóm người tôn thờ các Thánh Mẫu (nữ thần) như là biểu tượng của lòng từ bi và ban ơn. Sự sáng tạo của con người sẽ phong phú hơn vì các yếu tố nghệ thuật của di sản bao gồm những bộ trang phục, điệu múa và âm nhạc trong lễ hội.
Lễ hội Phủ Dầy. Ảnh: Chu Thế Vĩnh |
PV: Đề nghị đồng chí cho biết chương trình hành động của tỉnh trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”?
Đồng chí Trần Lê Đoài: Trong quá trình tồn tại và phát triển, Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được cộng đồng giữ gìn và bảo vệ. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị của di sản nhằm chống lại các mối đe dọa; chẳng hạn như việc thương mại hóa quá mức hay các nghi thức cúng bái bị bóp méo. Sau khi Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Bộ VH, TT và DL và UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động: Xây dựng kế hoạch tổ chức lễ vinh danh và đón Bằng công nhận của UNESCO; xây dựng chương trình hành động bảo vệ và phát huy giá trị của Di sản. Nội dung chương trình hành động gồm: Tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa Di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” và các tập quán, nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với di sản. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, một đạo lý, một tâm thức suy tôn phụng thờ người mẹ của người Việt Nam và vai trò của Di sản trong đời sống, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” nói riêng. Tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trong cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân địa phương và cộng đồng. Khuyến khích những nghệ nhân hát văn cao tuổi truyền dạy những bài bản cổ cho thế hệ trẻ; tăng cường các hình thức giáo dục về giá trị và ý nghĩa của Di sản trong trường học. Tôn vinh cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa của Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Ngành VH, TT và DL thực hiện các biện pháp quản lý Nhà nước nhằm giữ gìn, bảo vệ, phát huy những giá trị tốt đẹp của Di sản, đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục và hành vi lợi dụng Di sản để trục lợi, có tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, xã hội và làm sai lệch Di sản; ngăn chặn, xử lý nghiêm việc lợi dụng thương mại hóa, hoặc các hiện tượng khác làm biến dạng Di sản. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá về giá trị Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tới công chúng trong nước và ngoài nước.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Minh Tân (Thực hiện)