Thị trấn Thịnh Long, trước đây là xã Hải Thịnh, là vùng đất trẻ. Cách đây 135 năm, nơi đây còn là bãi biển hoang sơ đầy lau lác. “Đất lành chim đậu”(!) những cư dân từ các địa phương trong tỉnh và vùng lân cận đã về đây cùng chung sức, chung lòng, vừa chống chọi với thiên tai, giặc ngoại xâm, vừa quai đê lấn biển, cải tạo đồng ruộng, làm thuỷ lợi, thau chua, rửa mặn, xây dựng làng, xã trở thành một vùng quê giàu đẹp.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Thịnh Long đã tiễn đưa 238 con em lên đường tòng quân đánh giặc; đóng góp hàng trăm tấn thóc và nhiều tiền của, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thị trấn Thịnh Long là nơi hứng chịu bom đạn nhiều nhất của cả tỉnh, bởi máy bay Mỹ sau khi oanh tạc các mục tiêu, trước khi tháo chạy, còn bao nhiêu bom đạn, chúng đều trút hết xuống vùng biển này. Quán triệt phương châm lực lượng vũ trang là nòng cốt của chiến tranh nhân dân, Đảng bộ Thịnh Long đã tập trung chỉ đạo củng cố xây dựng lực lượng du kích, sẵn sàng chiến đấu, luôn chủ động chiến đấu và chiến đấu thắng lợi. Với tinh thần sẵn sàng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, trong chiến đấu ác liệt, mỗi người dân Thịnh Long là một chiến sĩ kiên cường; nhiều người con quê hương đã anh dũng hy sinh trên chính mảnh đất quê hương. Từ năm 1965 đến năm 1972, đế quốc Mỹ đã trút xuống mảnh đất “Đầu sóng” này hơn 700 tấn bom đạn các loại. Mặc dù chiến tranh ác liệt nhưng quân dân Thịnh Long vẫn kiên cường bám trụ, vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Từ chiến công đầu “Đội bom đạn Mỹ ra khơi cứu tàu hải quân” ngày 22-5-1965, đến khi giặc Mỹ chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc. Quân dân Thịnh Long đã anh dũng đánh trả hải quân, không quân Mỹ trên 500 trận. Độc lập bắn rơi 2 máy bay, bắn cháy 1 tàu chiến, phối hợp với đơn vị bạn bắn rơi 6 chiếc khác. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc đã có trên 3.000 con em lên đường chiến đấu. Trong đó, 241 đồng chí anh dũng hy sinh, hơn 300 thương, bệnh binh, 25 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 2 liệt sĩ được truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, được tặng thưởng 19 huân chương, 70 cờ thi đua và nhiều phần thưởng cao quý khác cho tập thể và trên 3.000 huân, huy chương các loại cho cá nhân; Thị trấn Thịnh Long được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
|
NTM Thị trấn Thịnh Long hôm nay. Ảnh: Việt Thắng |
Ngày 26-2-1997, Chính phủ ban hành Nghị định 19/CP về việc thành lập Thị trấn Thịnh Long trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số xã Hải Thịnh. Sau 20 năm xây dựng và phát triển, Thị trấn Thịnh Long hôm nay đang vững bước trên con đường CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Đời sống nhân dân được nâng cao, hệ thống cơ sở hạ tầng được hoàn thiện, nhiều công trình kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng, tạo diện mạo mới cho khu đô thị vùng chân sóng thêm khang trang, hiện đại. Năm 2014, Thị trấn Thịnh Long được công nhận là đô thị loại IV. Theo quy hoạch, đô thị Thịnh Long đến năm 2030 bao gồm Thị trấn Thịnh Long hiện nay và 2 xã Hải Châu, Hải Hòa với tổng diện tích 3.326,86ha. Đô thị tương lai sẽ phát triển về phía bắc và phía đông bắc, khai thác quỹ đất ngoại thị của Thị trấn Thịnh Long và khu vực ven biển xã Hải Hòa. Mô hình phát triển đô thị theo dạng hỗn hợp, dựa trên mạng lưới ô bàn cờ là chủ đạo, kết hợp các mạng đường vành đai. Phạm vi nội thị bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính Thị trấn Thịnh Long và một phần diện tích xã Hải Châu, Hải Hòa. Dự kiến sẽ chia thành 7 phường, trong đó có 4 phường tại khu đô thị hiện hữu và 3 phường tại khu vực dự kiến mở rộng. Phạm vi ngoại thị bao gồm toàn bộ xã Hải Hòa và xã Hải Châu hiện tại. Đô thị Thịnh Long tương lai lấy khu vực dọc tỉnh lộ 488 kết nối từ Thành phố Nam Định đến khu du lịch biển Thịnh Long làm trục không gian cảnh quan chủ đạo. Thời gian qua, sau khi được công nhận là đô thị loại IV, Đảng ủy, UBND thị trấn đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng văn minh, hiện đại. Trong đó, địa phương đã chú trọng đầu tư xây dựng, khai thác các công trình, dự án, tạo ra điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan và mở rộng không gian đô thị. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ bản đáp ứng yêu cầu đô thị loại IV với 6 tiêu chuẩn và 49 tiêu chí về chức năng đô thị như: quy mô dân số, mật độ dân số, cơ cấu kinh tế và các hệ thống công trình hạ tầng, hệ thống giao thông, hệ thống điện, đèn chiếu sáng, xử lý môi trường và kiến trúc cảnh quan đô thị từng bước được cải tạo chỉnh trang theo đồ án quy hoạch chung đô thị Thịnh Long đến năm 2030.
Nằm bên Biển Đông, Thị trấn Thịnh Long giàu tiềm năng phát triển kinh tế. Thực hiện công cuộc đổi mới, với tinh thần đoàn kết, thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thị trấn Thịnh Long tiếp tục vươn lên, xây dựng bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc. Tháng 5-2014, Thị trấn Thịnh Long là một trong 9 đơn vị cấp xã đầu tiên của tỉnh được công nhận “đạt chuẩn quốc gia NTM” giai đoạn 2011-2015. Những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị trấn đạt bình quân 12%/năm. Hằng năm, tổng giá trị thu nhập trên địa bàn đạt trên 600 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển đổi tích cực, trong đó: CN-TTCN, du lịch dịch vụ chiếm trên 70%. Bình quân thu nhập đầu người đạt trên 40 triệu đồng/người/năm. Trong những năm qua, toàn thị trấn đã huy động trên 200 tỷ đồng đầu tư xây dựng, nâng cấp và tu bổ các công trình phúc lợi như: Khu xử lý rác thải, chợ, nhà văn hóa, đường điện chiếu sáng, 13,5km đường trục thị trấn, 46,8km đường tổ dân phố (TDP), 90km mương thoát nước trong khu dân cư. Đến nay, 100% TDP được UBND huyện công nhận TDP NTM. Từ năm 2016, hưởng ứng phong trào xây dựng NTM bền vững và phát triển, thị trấn đã có 14/22 TDP được UBND huyện công nhận là “TDP NTM bền vững và phát triển”. Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác quốc phòng, an ninh luôn được giữ vững. Lĩnh vực văn hoá, xã hội có nhiều tiến bộ. Các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong các trường học triển khai đạt hiệu quả cao, luôn được đứng trong tốp đầu của huyện. Đến nay, Thịnh Long có 95% số gia đình đạt gia đình có nếp sống văn hóa, 100% các TDP, các trường học, trạm y tế đạt tiêu chuẩn nếp sống văn hóa, 22/22 TDP đều có nhà văn hóa với đầy đủ trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cộng đồng; 4/4 trường của 3 cấp học đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và mức độ 2. Đảng bộ, chính quyền thường xuyên chăm lo củng cố đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống trong sáng, có trình độ chuyên môn và kỹ năng điều hành xử lý các công việc. Trong thực thi công việc, vừa giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, vừa phát huy vai trò trách nhiệm cá nhân, thường xuyên tu dưỡng rèn luyện và tự kiểm điểm, phê bình, tự phê bình, cải tiến lề lối làm việc, nhất là cải cách các thủ tục hành chính trong giải quyết các công việc. Làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại của nhân dân, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật và công tác vận động quần chúng. 100% cán bộ, công chức thị trấn đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp lý luận chính trị, trung cấp quản lý Nhà nước và trung cấp chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ... Với những thành tích đạt được, năm 2016, Thị trấn Thịnh Long được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc khối các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc.
Phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu, xây dựng và phát triển, thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân Thịnh Long nêu cao ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo, phát huy lợi thế tiềm năng, đẩy lùi khó khăn, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đưa kinh tế biển phát triển bền vững. Tập trung trí tuệ, tranh thủ nguồn lực, đầu tư hạ tầng đô thị; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng Thịnh Long thành đô thị ven biển giàu đẹp trong tương lai./.
Lê Mạnh Đương
Chủ tịch UBND Thị trấn Thịnh Long