Tổng Bí thư Lê Duẩn với tư tưởng xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân làm chủ

05:04, 07/04/2017

NGUYỄN XUÂN PHÚC
 Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ

Tổng Bí thư Lê Duẩn là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đồng chí Lê Duẩn luôn là một nhà lãnh đạo chiến lược sáng suốt, tư duy nhạy bén và có những quyết sách kịp thời.

Một nét đặc sắc của đồng chí là luôn kết hợp nhuần nhuyễn lý luận cách mạng với thực tiễn cách mạng. Với đồng chí, lý luận không phải là lý luận sách vở mà đã là lý luận thì phải là lý luận sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn và trở lại chỉ đạo thực tiễn. Ðược sự dìu dắt, chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã tiếp thu sâu sắc và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh suốt quá trình hoạt động cách mạng, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Ðồng chí đã để lại di sản tư tưởng lý luận phong phú trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, quân sự, kinh tế, đến văn hóa, xã hội, ngoại giao, xây dựng Ðảng... Trong đó, một trong những đóng góp nổi bật nhất là đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Ðảng dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ kính yêu hoạch định đường lối chiến lược của Ðảng ta về xây dựng chính quyền cách mạng, xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân làm chủ, đặt nền móng cả về tư duy lý luận và thực tiễn cho công cuộc đổi mới của đất nước ta sau này.

Năm 1949, trong bài báo “Dân vận”, Bác Hồ viết: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”(1). Thấm nhuần sâu sắc tư duy của Bác, trong Báo cáo chính trị tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Ðảng, đồng chí Lê Duẩn nêu rõ: “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân oanh liệt của mấy chục triệu nhân dân nước ta. Nó đã xóa bỏ chính quyền Nhà nước của thực dân và phong kiến, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Nhà nước độc lập, dân chủ thật sự của nhân dân, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của nước ta”(2). Ðây là tư tưởng chủ đạo đã góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của dân tộc ta đi đến thắng lợi với Hiệp định Giơ-ne-vơ lịch sử.

Đồng chí Lê Duẩn thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân dân vùng giới tuyến Vĩnh Linh (Quảng Trị), tháng 2-1973. Ảnh tư liệu
Đồng chí Lê Duẩn thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân dân vùng giới tuyến Vĩnh Linh (Quảng Trị), tháng 2-1973. Ảnh tư liệu

Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Tổng Bí thư Lê Duẩn tiếp tục phát triển tư tưởng về xây dựng Nhà nước do nhân dân làm chủ. Ðồng chí nói: “Nhà nước dân chủ nhân dân của ta là Nhà nước thật sự dân chủ”(3). Ðồng chí yêu cầu: Tất cả các cán bộ, nhân viên của Nhà nước, bất kỳ ở cương vị công tác nào, đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng hết dạ phục vụ nhân dân, phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư(4). Ðây là một công cụ sắc bén được toàn Ðảng, toàn dân ta phát huy triệt để trong những giai đoạn cam go của công cuộc kháng chiến, kiến quốc, thể hiện rõ sức mạnh của Nhà nước dân chủ nhân dân của ta, bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân. Việc toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực tập trung xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân ở miền Bắc đã góp phần quan trọng động viên sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt, trực tiếp đánh thắng chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, cùng cả nước tạo nên Ðại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử.

Sau khi đất nước thống nhất, cả nước ta bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội với bao khó khăn, thách thức sau chiến tranh, cả từ bên trong lẫn từ bên ngoài. Trong bối cảnh đó, cùng với những đối sách với thù trong, giặc ngoài, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã luôn trăn trở về xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, làm thế nào để tổ chức bộ máy của Nhà nước vừa tinh gọn, vừa có hiệu quả. Tháng 12-1976, trong Báo cáo chính trị tại Ðại hội IV của Ðảng, trên cơ sở thống nhất của Trung ương và Bộ Chính trị, đồng chí trình bày rõ quan điểm của Ðảng về xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, thể hiện bằng sự làm chủ của nhân dân lao động lấy liên minh công nông làm nòng cốt, là làm chủ bằng Nhà nước xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Ðảng tiên phong của giai cấp công nhân. Nội dung của làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa bao gồm nhiều mặt: Làm chủ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân; làm chủ trong phạm vi cả nước, trong mỗi địa phương, trong mỗi cơ sở; là kết hợp hữu cơ quyền làm chủ tập thể với quyền tự do chân chính của từng cá nhân. Ðó là làm chủ thật sự, làm chủ đầy đủ nhất. Xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa chính là xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh các quan hệ xã hội, thể hiện ngày càng đầy đủ làm chủ của nhân dân lao động về tất cả các mặt nói trên. Ðó là một quá trình tiến hóa không ngừng từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện. Chính vì vậy, tư tưởng về chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa do đồng chí Lê Duẩn khởi xướng là cơ sở lý luận để tạo ra nền móng vững chắc cho chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa mà toàn Ðảng, toàn dân ta đang xây dựng.

Về mối quan hệ giữa Ðảng, Nhà nước và nhân dân, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã chỉ rõ: “Phải ra sức xây dựng một Nhà nước kiểu mới, Nhà nước do chính giai cấp công nhân và nhân dân lao động tự tổ chức để thực hiện quyền làm chủ tập thể của mình, Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân, thông qua đó, Ðảng thực hiện sự lãnh đạo của mình đối với xã hội”(5). Những tư tưởng lớn này của đồng chí về công tác xây dựng Ðảng, Nhà nước và mối quan hệ với nhân dân cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ðặc biệt, đó là yêu cầu phải xây dựng Ðảng thật sự vững mạnh, đủ năng lực lãnh đạo toàn bộ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa; Ðảng lãnh đạo cách mạng bằng đường lối, chính sách của mình và chủ yếu thông qua Nhà nước; mọi hoạt động của Nhà nước đều tiến hành dưới sự lãnh đạo của Ðảng; Ðảng lãnh đạo Nhà nước nhưng không làm thay Nhà nước. Ðây là những tư tưởng ở tầm tư duy chiến lược, nhìn xa, trông rộng mang tính sống còn đối với sự phát triển của chế độ ta, làm định hướng cho công tác xây dựng Ðảng và tổ chức bộ máy Nhà nước của dân, do dân, vì dân mà chúng ta đang dày công vun đắp và phát triển hiện nay.

Một trong những đặc điểm hết sức nổi bật trong tư duy phát triển của Tổng Bí thư Lê Duẩn là không giáo điều, cứng nhắc, khuôn mẫu mà hết sức chủ động, sáng tạo, phù hợp với yêu cầu và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện thực của đất nước. Tháng 7-1984, tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa V bàn về vấn đề sắp xếp lại lực lượng sản xuất và đổi mới quản lý kinh tế, đồng chí đã có bài phát biểu hết sức sâu sắc “Nắm vững quy luật, đổi mới quản lý kinh tế” với 10 vấn đề có tính quy luật cần nắm vững trong khi tiến hành đổi mới cơ chế quản lý kinh tế; trong đó có một vấn đề đặc biệt quan trọng là: Xây dựng cơ chế Ðảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý. Ðây là ba khâu gắn bó chặt chẽ với nhau thành một thể thống nhất mà mỗi khâu có vị trí và chức năng riêng của mình. Ðảng lãnh đạo để nhân dân làm chủ. Không có sự lãnh đạo của Ðảng, nhân dân lao động không thực hiện được quyền làm chủ của mình. Nhân dân lao động làm chủ chủ yếu bằng Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Nhà nước là người đại diện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Nhà nước quản lý có nghĩa là Nhà nước phải cụ thể hóa đường lối, chính sách của Ðảng thành chế độ, chính sách, quy tắc, pháp luật để hướng dẫn và tổ chức hành động cách mạng của quần chúng. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng. Nhà nước gắn bó mật thiết với Ðảng, chịu sự lãnh đạo thường xuyên và chặt chẽ của Ðảng. Ðồng thời, Nhà nước là bản thân nhân dân lao động tự tổ chức lại thành cơ cấu quyền lực để thực hiện quyền làm chủ của mình. Nhà nước quản lý là thể hiện sự lãnh đạo của Ðảng và quyền làm chủ của nhân dân. Bản chất đó phải thể hiện trong tất cả những gì thuộc về Nhà nước, trong chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động, lề lối làm việc của Nhà nước, cũng như trong trách nhiệm, quyền hạn, tác phong công tác và làm việc của cán bộ Nhà nước.

Cùng với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nhận thức rõ những yếu tố trì trệ, yếu kém và sự cần thiết phải đổi mới cơ chế quản lý kinh tế để thúc đẩy xã hội phát triển, tại Ðại hội lần thứ V của Ðảng, cùng với Trung ương Ðảng, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã chủ trương phê bình rõ hai loại nhận thức: Một là, chủ quan nóng vội, trong đó có việc đề ra một số chỉ tiêu quá cao về quy mô, tốc độ phát triển sản xuất. Hai là, bảo thủ trì trệ, duy trì quá lâu cơ chế quản lý hành chính, quan liêu, bao cấp, chậm thay đổi các chính sách chế độ. Trên cơ sở đó, đại hội đã đi đến quyết định đổi mới chế độ quản lý và kế hoạch hóa; xóa bỏ cơ chế quản lý hành chính quan liêu, bao cấp; khắc phục bằng được tình trạng trì trệ, bảo thủ; coi trọng giá trị và quy luật giá trị. Ðây cũng chính là những tư tưởng nền tảng tạo nên công cuộc đổi mới toàn diện đất nước bắt đầu từ Ðại hội VI của Ðảng.

Nhìn suốt chặng đường lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước sau khi giành độc lập, chúng ta có thể thấy, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Lê Duẩn và cũng là của Ðảng ta về xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân là sợi chỉ đỏ xuyên suốt và đã được hiện thực hóa thành công. Bài học thực tiễn công cuộc đổi mới của chúng ta trong suốt hơn 30 năm qua cho thấy, xây dựng được đúng đắn cơ chế Ðảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - nhân dân làm chủ thì phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống, làm dấy lên được phong trào quần chúng sôi nổi để thực hiện thắng lợi cách mạng xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Cơ chế Ðảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - nhân dân làm chủ trở thành nguyên tắc vận hành của chế độ xã hội chủ nghĩa mà toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta đang tiếp tục làm rõ và phát triển.

Hơn 30 năm qua, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy di sản quý báu của Tổng Bí thư Lê Duẩn, Ðảng và nhân dân ta đã tiến hành công cuộc đổi mới sâu sắc và toàn diện. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện; uy tín và vị thế quốc tế của nước ta không ngừng được nâng cao. Thông qua hoạt động thực tiễn và tổng kết lý luận, nhận thức của chúng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ rõ: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ”(6). Toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta chung sức, đồng lòng phấn đấu đi lên chủ nghĩa xã hội và chúng ta đều hiểu rõ đây là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ðây cũng chính là nền tảng tư tưởng và phương thức chủ yếu để xây dựng Chính phủ và bộ máy hành chính Nhà nước các cấp liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn, chúng ta bày tỏ niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc tới một con người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân, cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa; một con người đã có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng lý luận cách mạng của Ðảng ta. Hệ thống hành chính Nhà nước chúng ta cần đặc biệt trân trọng tầm nhìn chiến lược và tư duy sáng tạo của đồng chí về xây dựng một Nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân làm chủ, đặt dưới sự lãnh đạo của Ðảng.

Trong những ngày này, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chúng ta hãy nỗ lực phấn đấu hết sức mình để đưa Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng vào cuộc sống, đặc biệt toàn thể hệ thống hành chính Nhà nước cần quán triệt sâu sắc, triển khai hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả đã đạt được, chúng ta cần tiếp tục phấn đấu, làm hết sức mình để xây dựng Ðảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò tiên phong lãnh đạo cả dân tộc; tập trung xây dựng Nhà nước ta thực sự là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng, đạo đức và tinh thần cách mạng cao cả của những thế hệ cha anh, từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống hành chính Nhà nước chúng ta hãy thực hiện đúng những lời dạy của Bác Hồ kính yêu về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và “việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”(7), cùng cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Ðảng phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng, quyết tâm xây dựng Chính phủ và bộ máy hành chính Nhà nước các cấp thực sự liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân./.

-----------------------

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr.XIX.

(2). Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðảng toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, t.21, tr.496.

(3). Lê Duẩn Tuyển tập (1950-1965), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2007, t.I, tr.330.

(4). Lê Duẩn Tuyển tập (1950-1965), Sđd, t.I, tr.334.

(5). Lê Duẩn Tuyển tập (1975-1986), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, t.III, tr.265.

[6]. Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.24.

[7]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.IX.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com