Những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống tham nhũng, lãng phí tới cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, góp phần đảm bảo an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng, lãng phí, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nhất là sau khi Bộ Chính trị khóa XII ban hành Kết luận số 10-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong đó, nội dung tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí được gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan: Báo
Nam Định, Đài
PT-TH tỉnh xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; các tin, bài về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tập trung vào các chủ đề: Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí. Tham gia phát hiện, giám sát việc xử lý và thông tin kịp thời kết quả xử lý các vụ việc, vụ án; phê phán, lên án những hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương... Qua đó đã tạo hiệu ứng xã hội tích cực cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ngoài ra, trên các trang thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương, mạng lưới phát thanh, truyền thanh cơ sở cũng tăng cường việc cung cấp thông tin, phổ biến, tuyên truyền các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giúp người dân tiếp cận các thông tin về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, từ đó phát huy vai trò giám sát, tố giác các trường hợp tham nhũng. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã đổi mới hình thức tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong đó, đã gắn kết công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí với việc xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trung thực, công tâm, chuyên nghiệp, trên cơ sở xây dựng nền công vụ hiệu quả, minh bạch phục vụ nhân dân; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các điều kiện phát sinh tham nhũng trên tất cả các lĩnh vực, các ngành, các cấp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng. Tiêu biểu như: Sở Tư pháp đã tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí cho các ngành trong khối nội chính, các hội, đoàn thể của tỉnh và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở các huyện, thành phố; biên soạn và cấp phát tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Thanh tra tỉnh phổ biến về Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tiếp công dân ở tất cả các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn. Sở GD và ĐT đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy trong các trường THPT. Sở Nội vụ, Trường Chính trị Trường Chinh đưa chương trình này vào nội dung tập huấn cán bộ, thi tuyển công chức, viên chức… Các huyện, thành phố cũng đã tích cực đổi mới hình thức tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh việc tuyên truyền thông qua các CLB pháp luật, cổ động trực quan, các nội dung về phòng, chống tham nhũng còn được lồng ghép trong việc tổ chức các hội thi, trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, giám sát đầu tư cộng đồng, thanh tra, kiểm tra... để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tại huyện Ý Yên, huyện và một số xã, thị trấn đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận những phản ánh, đề xuất của người dân; lồng ghép việc tuyên truyền về phòng chống tham nhũng, lãng phí với việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đồng thời chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép tại 120 hội nghị; phát 70 tin, bài trên Đài phát thanh truyền hình huyện với nhiều nội dung như: Các quy định của Hiến pháp 2013 có liên quan đến phòng chống tham nhũng; Công ước của LHQ về phòng chống tham nhũng; Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành; Quy định về kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Tiếp công dân; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời phát huy vai trò giám sát của các tổ chức, đoàn thể trong việc phát hiện, ngăn chặn, tố giác những hành vi, biểu hiện tham nhũng, lãng phí. Kết quả, toàn huyện phát hiện 8 vụ việc liên quan đến tham nhũng, đã xử lý 7 vụ việc. Qua giải quyết không phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng phải xử lý hình sự xong đã kịp thời phát hiện những sai sót, xử lý đối với tập thể, cá nhân để kiểm điểm nghiêm túc rút kinh nghiệm, tạo điều kiện cho thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, xây dựng, củng cố lòng tin của nhân dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Việc tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Từ năm 2016 đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã lồng ghép tổ chức gần 700 hội nghị, lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật... cho trên 10 nghìn lượt người; cấp phát 1.500 cuốn tài liệu, in ấn và phát hành 7.000 tờ gấp và hàng nghìn băng rôn, pa-nô, áp phích, trong đó có lồng ghép tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng tới cán bộ và nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí./.
Văn Trọng