Diện mạo xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) đang ngày càng “thay da đổi thịt” với những con đường bê tông trải dài khắp các thôn xóm, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát nhau, đời sống của người dân đang ngày càng khởi sắc. Có được những kết quả trên là nhờ sự đoàn kết, nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân trong xã, đặc biệt là vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong đó có ông Nguyễn Tất Thạnh, phó bí thư chi bộ 12, Chi hội trưởng Nông dân đội 12, thành viên của tổ liên kết nuôi trồng thủy sản của xã.
Ông Nguyễn Tất Thạnh (bên trái), phó bí thư chi bộ 12, xã Nghĩa Bình đang chia sẻ kinh nghiệm về trồng cây đinh lăng với người dân trong xã. |
Chúng tôi gặp ông Thạnh đang lúi húi, chăm chú trên những luống cà chua đang độ lớn, lá xanh mơn mởn. Nói đến ông Thạnh, không chỉ người dân chi bộ 12 mà cả nhiều người trong xã Nghĩa Bình đều khẳng định ông là người cán bộ gương mẫu, tận tình trong công việc và luôn tiên phong trong mọi phong trào của địa phương, dám nghĩ, dám làm, khai thác phát huy được thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế gia đình. Xuất thân từ gia đình thuần nông, tuổi thơ ông Thạnh gắn liền với đồng ruộng, cây lúa. Năm 1985, khi đang trong độ tuổi đôi mươi, ông cùng bạn bè trang lứa lên đường nhập ngũ. Hoàn thành nhiệm vụ, năm 1989, ông Thạnh xuất ngũ và trở về quê hương, tham gia sản xuất nông nghiệp cùng gia đình. Sau một năm công tác, rèn luyện tại địa phương năm 1990, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Từ đó ông Thạnh luôn tự nhắc mình phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện, trau dồi đạo đức, phẩm chất chính trị của người đảng viên. Ngoài trách nhiệm người chủ, trụ cột chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông luôn sẵn sàng nhận, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng ủy, chính quyền địa phương giao cho. Năm 2013, Đảng ủy, UBND xã Nghĩa Bình thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả để phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ông Thạnh đã tiên phong nhận thầu 1 mẫu đất ở vùng chuyển đổi thuộc đội 12 để phát triển nuôi thủy sản. Vay mượn từ các kênh được 100 triệu đồng cộng với khoản tiền gia đình tích lũy, ông đầu tư cải tạo đào ao thả tôm thẻ chân trắng… Với suy nghĩ “một lần không tốn, 4 lần không xong”, ông chủ trương mạnh tay đầu tư làm tốt hạ tầng kỹ thuật, đào ao xây bờ kiên cố, chắc chắn, xây dựng cống cấp thoát nước, đầu tư máy sục khí, máy cấp nước... Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, ông không ngừng tìm tòi, học hỏi kiến thức từ sách báo, tham quan những mô hình của các địa phương khác; hăng hái tham gia các lớp tập huấn về nuôi thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi của xã, huyện tổ chức. Ông tận dụng diện tích bờ ao để trồng các loại cây dược liệu: đinh lăng, hòe, chùm ngây… Chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp, ông Thạnh cho biết: “Những ngày đầu nhiều áp lực tôi cũng mất ăn mất ngủ. Tôi thường xuyên ở ngoài ao theo dõi tình hình đàn tôm, chỉ lo tôm bị dịch bệnh, bị chết. Cũng do tham gia tích cực các lớp tập huấn nên tôi đã biết cách xử lý nguồn nước, thực hiện đúng những biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả cho tôm. Chính vì vậy nên ngay từ năm đầu thực hiện mô hình tôi đã có những thành công nhất định và tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế”. Cứ túc tắc như thế, sau 4 năm thực hiện mô hình nuôi thủy sản ở vùng chuyển đổi, hiện cơ sở của ông Thạnh khá khang trang, rộng rãi với 3 ao nuôi tôm thẻ chân trắng, cá diêu hồng và các loại cá truyền thống, 200 cây hòe, 100 cây chùm ngây và hàng trăm cây đinh lăng. Mỗi năm, với mô hình trên, trung bình ông Thạnh thu được 200-300 triệu đồng sau khi trừ chi phí; cuộc sống gia đình không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thành công thực tế là cơ sở để ông Thạnh vận động anh em, người dân trong xã mạnh dạn đầu tư khai phá xây dựng mô hình kinh tế ở vùng chuyển đổi. Ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ khắc phục khó khăn ban đầu từng bước phát triển kinh tế vươn lên ổn định cuộc sống. Nhờ những gương “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” như ông Thạnh, đến nay, vùng chuyển đổi của xã Nghĩa Bình có hơn 20 hộ phát triển kinh tế thủy sản kết hợp trồng cây rau màu, dược liệu có giá trị kinh tế khá như cà chua, đinh lăng, hòe… cho thu nhập ổn định. Hộ ông Vũ Ngọc Quý, đội 12 là một trong những hộ được ông Thạnh vận động ra vùng đất chuyển đổi để nuôi thủy sản, trồng cà chua từ năm 2014. Ông Quý cho biết: “Nhờ được đồng chí phó bí thư chi bộ vận động, đi tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên những người dân chúng tôi như được tiếp thêm động lực. Đồng chí Thạnh là người nói được, làm được nên chúng tôi ai cũng kính nể. Từ ngày ra vùng chuyển đổi, kinh tế của gia đình tôi cũng khấm khá hơn, thu nhập gấp hàng chục lần so với trồng lúa trước kia, giờ cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều”. Hiện nay, ông Quý cũng nuôi tôm thẻ chân trắng, cá diêu hồng và trồng cà chua. Mỗi năm trung bình ông thu hoạch khoảng 3 tấn cá diêu hồng, 8 tạ tôm và hơn 10 tấn cà chua. Bên cạnh việc khuyến khích bà con phát triển kinh tế, với vai trò một phó bí thư chi bộ, ông Thạnh thường xuyên gặp gỡ, cởi mở với bà con, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân để tham mưu, đóng góp ý kiến với chi bộ, Đảng ủy xã trong lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ ở địa phương; đồng thời kết hợp tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Trong mỗi cuộc họp chi bộ, họp xã, ông thường nói: “Học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại, mỗi đảng viên phải có lối sống lành mạnh, siêng năng, tiết kiệm thì mới được dân tin, dân phục”. Ông luôn nêu cao tinh thần tự giác, đoàn kết, hành động theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, ông còn vận động, kêu gọi các đảng viên trong xóm, trong xã tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, không ngừng tiến bộ, vươn lên góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng NTM. Công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước luôn được ông quan tâm và thực hiện tốt; tích cực tham gia các phong trào của địa phương… Trong gia đình, ông luôn chăm lo, răn dạy con cháu lòng yêu nước, niềm tin đối với Đảng, ý chí vươn lên trong học tập, công tác, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết với cộng đồng, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dòng họ, của quê hương.
Thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” hằng ngày, hằng giờ, đồng chí Nguyễn Tất Thạnh luôn tâm niệm phải nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm với công việc, với bản thân, gia đình và xã hội, góp phần vào phát triển kinh tế xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh và văn minh./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa