Thành tựu 20 năm xây dựng và phát triển

07:03, 27/03/2017
Huyện Nam Trực nằm ở cửa ngõ phía nam Thành phố Nam Định, có diện tích tự nhiên 161,7km 2, dân số trên 19 vạn người. Thực hiện Nghị định số 19-CP ngày 26-02-1997 của Chính phủ, ngày 1-4-1997 huyện Nam Trực chính thức được tái lập sau 29 năm hợp nhất với huyện Trực Ninh thành huyện Nam Ninh. Những ngày đầu tái lập, Nam Trực vẫn là huyện thuần nông; thu ngân sách thấp; hệ thống cơ sở hạ tầng thấp kém hoặc xuống cấp nghiêm trọng… Song, được sự giúp đỡ của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong huyện đã tập trung trí tuệ, phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết và sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; cụ thể hóa nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện thành các nghị quyết chuyên đề để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
 
Để có cơ sở hạ tầng đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển trong điều kiện ngân sách hạn chế, huyện Nam Trực đã chủ động quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, làm cơ sở để quy hoạch các ngành, lĩnh vực; trên cơ sở đó tập trung nguồn lực cho đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. 100% các xã, thị trấn đã hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng NTM. Nhằm tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, thu hút đầu tư, huyện đã chủ động làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, phục vụ việc thi công các tuyến đường do Trung ương và tỉnh quản lý. Đến nay, 49km quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp, quy mô từ cấp IV đồng bằng trở lên; 10 tuyến đường trục huyện và đường liên xã với tổng chiều dài trên 65,8km đã và đang cải tạo, nâng cấp; 163,7km đường trục xã cơ bản được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% đường thôn, xóm được cứng hóa hoặc bê tông hóa. 
 
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế như thủy lợi, điện, các cụm, điểm công nghiệp cũng được huyện Nam Trực quan tâm đầu tư. Hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp được xây dựng, nâng cấp với tổng kinh phí trên 600 tỷ đồng, với nhiều công trình trọng điểm như: cống, trạm bơm An Lá, kênh tiêu Kinh Lũng, kênh tưới đường Vàng, trạm bơm Nam Hà… Huyện cũng phối hợp với ngành Điện nâng cấp 257 trạm biến áp, 137km đường dây trung thế, 1.264km đường dây hạ thế phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Huyện cũng đã chủ động quy hoạch và đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các CCN: Đồng Côi, Vân Chàng và Nam Hồng để tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong đó, CCN Nam Hồng, diện tích 14ha, được xây dựng cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ, đảm bảo giao thông thuận tiện, hệ thống điện, nước cung cấp đến tận hàng rào công trình và có khu đất sinh thái bảo vệ môi trường, tổng trị giá 10 tỷ đồng; CCN Đồng Côi diện tích 28ha, tổng mức đầu tư 42 tỷ đồng… Một số điểm công nghiệp ở các xã: Tân Thịnh, Đồng Sơn, Nam Tiến với tổng diện tích 20,4ha; tổng kinh phí đầu tư gần 600 tỷ đồng được triển khai thực hiện tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. 
Một góc Thị trấn Nam Giang.
Một góc Thị trấn Nam Giang.
Việc tập trung nguồn lực xây dựng hạ tầng kỹ thuật đã tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế của huyện, nâng cao đời sống nhân dân. Sau 20 năm tái lập phát triển sản xuất CN-TTCN của huyện đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về “lượng” và “chất”. Năm 2016 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 4.390 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010); tăng gấp 31,8 lần so với năm 1997. Toàn huyện đã phát triển được 3.000 cơ sở sản xuất CN-TTCN, 220 doanh nghiệp, 7 làng nghề thu hút 17.230 lao động. Nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống sản xuất CN-TTCN đã được phục hồi và phát triển ổn định như: làng nghề đúc đồng Đồng Quỹ (xã Nam Tiến); làng nghề thủy tinh Xối Trì, đúc nhôm Bình Yên, dệt Trung Thắng (xã Nam Thanh); làng nghề dệt Liên Tỉnh (xã Nam Hồng). Việc thu hút các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đầu tư vào huyện cũng được chú trọng và đạt kết quả tích cực; nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đã lựa chọn Nam Trực để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh như Tập đoàn Syngenta Việt Nam, Cty TNHH LongYu Việt Nam, Cty TNHH Yamani Dynasty, Cty TNHH VietPan Pacific, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định… 
 
Với lợi thế tự nhiên, đất nông nghiệp được phân thành 3 vùng rõ rệt: trên 8.500ha đất lúa, 1.000ha đất màu, 300ha đất bãi bồi ven sông, huyện Nam Trực tạo điều kiện khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, hình thành và phát triển nhiều mô hình cánh đồng lớn, nhiều vùng sản xuất có giá trị kinh tế cao như vùng chuyên canh cây màu, cây vụ đông; vùng trồng hoa cây cảnh; vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm; vùng nuôi trồng thủy sản. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của huyện có những bước phát triển khá toàn diện; năm 2016, sản lượng lương thực quy thóc của huyện đạt 107 nghìn tấn; giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích canh tác đạt 105 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp 4 lần; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 17 nghìn tấn, tăng gấp 3 lần so với năm 1997. 
 
Đặc biệt, sự đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ, chính quyền địa phương, sự đồng thuận trong nhân dân đã thu hút được nhiều nguồn lực để xây dựng NTM. Nhân dân đã góp hơn 243,7ha đất, hơn 1.020 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa khu dân cư… Đến nay, 9/20 xã, thị trấn đã hoàn thành các tiêu chí NTM. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của huyện liên tục đạt khá, bình quân 12%/năm, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của huyện nâng lên đạt 33 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 17,2% (năm 1997) xuống còn 2,82% (năm 2016). Cơ cấu kinh tế của huyện có sự chuyển dịch tích cực: tỷ trọng ngành CN-TTCN, xây dựng chiếm 44,5%; dịch vụ 34,3%; tỷ trọng ngành nông nghiệp thuỷ sản giảm xuống còn 21,2%.
 
Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục và các lĩnh vực xã hội khác cũng được huyện quan tâm phát triển, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa có sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động; toàn huyện hiện có 289 thôn, xóm đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa. Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững ở các cấp học; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 98%; trong đó có trên 60% học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Công tác xây dựng hệ thống chính trị có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đạt 80% trở lên, 85% đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ; 85% đơn vị chính quyền vững mạnh; 85% đoàn thể tiên tiến. Sức chiến đấu của các tổ chức Đảng được nâng cao, vai trò lãnh đạo của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được phát huy. Mối quan hệ giữa cấp ủy với các thành viên trong hệ thống chính trị chặt chẽ, nhịp nhàng; kỷ cương trong các tổ chức nghiêm minh, trách nhiệm công việc của mỗi cán bộ, đảng viên tốt hơn. Công tác quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.  
 
Phát huy những kết quả, thành tựu của 20 năm xây dựng và phát triển, truyền thống cách mạng, sức mạnh đoàn kết, kết quả, kinh nghiệm của nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, quân và dân Nam Trực tiếp tục tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, vươn lên hoàn thành thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIX của tỉnh./.
 
Bài và ảnh: Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com