Phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo, quyết tâm xây dựng Trực Ninh phát triển toàn diện, bền vững

06:03, 15/03/2017

Nguyễn Mạnh Hiền
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh,
Bí thư Huyện ủy Trực Ninh

Trực Ninh là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; nhân dân dũng cảm trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, cùng với nhân dân trong tỉnh đã góp phần làm nên những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Tháng 7-1926, chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng huyện Trực Ninh được thành lập, là 1 trong 5 chi bộ đầu tiên của tỉnh Nam Định và là tiền thân của chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Trực Ninh. Ngày 10-12-1929, lá cờ đỏ búa liềm tung bay trên cây gạo cầu Cao (xã Trực Tuấn) trở thành biểu tượng kiêu hãnh của tinh thần cách mạng chống thực dân Pháp của nhân dân Trực Ninh. Trong Cách mạng Tháng Tám, Trực Ninh là huyện đầu tiên trong tỉnh giành được chính quyền vào ngày 17-8-1945. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, 15.035 người con quê hương Trực Ninh đã lên đường tham gia quân đội, du kích, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong. Trong đó có 3.031 người đã anh dũng hy sinh, cống hiến trọn đời cho Tổ quốc được công nhận là liệt sĩ; 6.193 thương, bệnh binh; 218 bà mẹ được truy tặng, phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Với những thành tích đặc biệt đó, nhân dân, lực lượng vũ trang huyện Trực Ninh và 14 xã, thị trấn trong huyện đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp… Truyền thống đầy tự hào đó đã trở thành nền tảng, là tiền đề quan trọng cho quá trình đổi mới, phát triển quê hương trong tiến trình CNH-HĐH hôm nay.

Sau 29 năm hợp nhất với huyện Nam Trực thành huyện Nam Ninh, ngày 1-4-1997, huyện Trực Ninh chính thức được tái lập theo Nghị định số 19/CP ngày 26-2-1997 của Chính phủ. Những năm đầu tái lập, Đảng bộ và nhân dân huyện đối mặt với không ít khó khăn: Kinh tế chậm phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu; thu nhập bình quân đầu người và thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thấp… Song, kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng vẻ vang của quê hương, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, hai mươi năm qua, Đảng bộ và nhân dân Trực Ninh đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Năm 2016, kinh tế huyện tăng trưởng 13,51% (tính theo giá cố định năm 1994), cao hơn nhiều so với năm 1997 là 6,75%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Đến năm 2016, nông nghiệp - thủy sản chiếm 25,18% (năm 1997 là 56,36%), công nghiệp - xây dựng chiếm 41,14% (năm 1997 là 15,59%), dịch vụ chiếm 33,68% (năm 1997 là 28,05%). Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm để gia tăng giá trị và sản xuất bền vững. Thu hút đầu tư, liên kết doanh nghiệp với nông dân thực hiện tích tụ ruộng đất, ứng dụng công nghệ vào sản xuất đã tạo ra những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bước đầu đạt kết quả như: Sản xuất giống lúa của Cty TNHH Cường Tân (200ha); trồng nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn Hoà Phát (67ha); sản xuất lúa sạch của Cty TNHH Toản Xuân (30ha); trồng rau, củ, quả theo công nghệ thuỷ sinh và hữu cơ của Cty CP Sản xuất rau, củ quả sạch Ngọc Anh... Nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đạt thu nhập cao từ 200-220 triệu đồng/ha/năm đang được nhân rộng ở các địa phương. Năm 2016, giá trị trên 1ha canh tác đạt 106,8 triệu đồng/năm; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp - thủy sản đạt hơn 537 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 1997. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM được các cấp ủy Đảng, chính quyền xác định là nhiệm vụ trọng tâm; đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Từ năm 2010 đến nay, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM của huyện đạt 1.350 tỷ đồng. Đến hết năm 2015, toàn huyện đã có 15/21 xã, thị trấn được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Năm 2016, đã thẩm định và đề nghị UBND tỉnh công nhận thêm 4 xã đạt chuẩn NTM; 2 xã còn lại là Phương Định, Trực Thuận đang hoàn thiện các điều kiện và hồ sơ, đề nghị tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM vào quý II năm 2017. Đang tích cực triển khai hoàn thành 9 tiêu chí của huyện để quý IV năm nay hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương thẩm định công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Phát triển CN-TTCN, dịch vụ được BCH Đảng bộ huyện các khóa xác định là khâu đột phá nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn. Từ chủ trương đó, cấp uỷ, chính quyền các cấp đã tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển. Nhiều doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư trên địa bàn huyện có quy mô lớn như: Cty May 9, Cty May 1 Nam Định, Cty Giầy AMARA, Cty Sản xuất đồ chơi trẻ em Dream plastic… Tổng vốn đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn trong 5 năm qua đạt trên 8.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 60 triệu USD. Huyện có 3 CCN, 11 làng nghề, 346 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, doanh nhân đã nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định và có bước phát triển mới, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 30 nghìn lao động. Năm 2016, giá trị sản xuất ngành công nghiệp (tính theo giá cố định năm 1994) đạt gần 2.296 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2015 và gấp 55 lần so với năm 1997. Các ngành dịch vụ, thương mại được quan tâm, tạo điều kiện và không ngừng phát triển. Hệ thống chợ được đầu tư nâng cấp, với tổng số 26 chợ, đảm bảo phục vụ nhu cầu giao thương cung ứng hàng hoá phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Hệ thống điện được tập trung xây dựng đồng bộ theo quy hoạch; bưu chính, viễn thông phát triển mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Huyện đã tranh thủ các nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh và sử dụng ngân sách địa phương cùng với việc huy động tốt các nguồn lực trong dân để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo động lực phát triển. Tổng vốn đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện trong 20 năm qua trên 13 nghìn tỷ đồng.

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ và đạt được thành tích mới. Đến nay, toàn huyện có 61/86 trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT đạt chuẩn quốc gia. Ngành GD và ĐT vươn lên xếp thứ 2/10 huyện, thành phố. Các hoạt động văn hóa thông tin, TDTT được đẩy mạnh. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được phát động sâu rộng, góp phần thiết thực vào việc động viên các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương. Đến nay có 333/391 xóm, tổ dân phố; 46/46 cơ quan, đơn vị; 87/90 trường học, 21/21 trạm y tế đạt tiêu chuẩn nếp sống văn hóa. Nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố ở nhiều xã, thị trấn được xây dựng khang trang phục vụ tốt cho sinh hoạt, hội họp của nhân dân. Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh; hệ thống đài phát thanh huyện, đài truyền thanh xã được quan tâm đầu tư. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng.

Công tác quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, vững mạnh về mọi mặt. Công tác xây dựng Đảng được tăng cường toàn diện trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị, địa phương. Số lượng, chất lượng đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng được nâng lên. Đến năm 2016, Đảng bộ huyện có 9.690 đảng viên, tăng 33,6% và 81 tổ chức cơ sở Đảng, tăng 14 tổ chức so với năm 1997; tỷ lệ đảng viên hoàn thành nhiệm vụ trở lên chiếm 99,17%; 81/81 tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành nhiệm vụ trở lên. Tổ chức bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở được củng cố theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành; nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ hành chính Nhà nước. Tích cực thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử. Chỉ số cải cách hành chính năm 2015 xếp thứ 2/10 huyện, thành phố. MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động thu được nhiều kết quả tốt.

Với những thành tích xuất sắc đã đạt được trong 20 năm xây dựng và phát triển; Đảng bộ, quân và dân huyện Trực Ninh được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý: 38 tập thể, 48 cá nhân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương, Chính phủ tặng thưởng Cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen và danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Năm 2011, nhân dân và cán bộ huyện được Chủ tịch nước phong tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày tái lập huyện, Đảng bộ, quân và dân huyện Trực Ninh vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Đạt đ­ược những thành tích trên là do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, động viên, giúp đỡ của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và trực tiếp là Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố trong tỉnh; sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, quân và dân trong huyện, trong đó bài học sâu sắc đ­ược rút ra là: Trực Ninh đã triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà n­ước, các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Trong chỉ đạo điều hành giải quyết công việc tập trung, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, phân công, phân cấp rõ ràng; coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm ng­ười đứng đầu. Phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương, kỷ luật, tạo sự đoàn kết và đồng thuận cao trong xã hội. Phát động và đẩy mạnh các phong trào hành động cách mạng, các phong trào thi đua trong nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân là yếu tố quan trọng tạo nên động lực đảm bảo thắng lợi mọi nhiệm vụ.

Những thành tích Đảng bộ và nhân dân huyện Trực Ninh đạt đ­ược trong 20 năm qua là rất đáng tự hào. Những thành quả đó đã tạo ra một diện mạo mới, động lực, niềm tin và khí thế mới cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện phấn đấu v­ươn lên giành nhiều thắng lợi trong những năm tới. Kỷ niệm 20 năm tái lập huyện là dịp để Đảng bộ, quân và dân trong huyện phấn khởi trước những kết quả và ý nghĩa to lớn của những thành tích ấy, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn những mặt còn yếu kém, những thời cơ, thuận lợi cũng như những khó khăn, thách thức trong giai đoạn tới; từ đó, xác định rõ trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị và mỗi ng­ười dân đối với quá trình đổi mới, phát triển của quê h­ương Trực Ninh.

Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đã xác định ph­ương hướng, mục tiêu trong nhiệm kỳ này là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý của bộ máy chính quyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ và nhân dân tạo bước phát triển mạnh, toàn diện về kinh tế - xã hội. Tập trung khai thác, phát huy các nguồn lực xây dựng NTM. Tạo bước đột phá về phát triển CN-TTCN. Chú trọng phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nâng cao chất lượng GD và ĐT và nguồn nhân lực. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu năm 2017 huyện Trực Ninh đạt chuẩn NTM.

Để đạt đ­ược mục tiêu trên, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV và BCH Đảng bộ huyện đã đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện cụ thể và đang đ­ược các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân nỗ lực thi đua thực hiện.

Tin rằng, với truyền thống cách mạng, với những thành tựu, bài học kinh nghiệm đã tích lũy đ­ược trong hai thập kỷ qua, Đảng bộ, quân và dân toàn huyện sẽ tiếp tục đoàn kết, chủ động, sáng tạo, chung sức, đồng lòng, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng quê hương Trực Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com