Ngày 1-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận các nội dung liên quan đến vấn đề về tài chính, ngân sách, đầu tư công…
Buổi sáng, Quốc hội thảo luận về Kế hoạch tài chính 5 năm; Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015); Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ KH và ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận nợ công giai đoạn 2011-2015 tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Nếu như năm 2001 nợ công là 36,5% GDP, 2005 là 40,8%; 2010 là 50% thì năm 2015 đã tăng lên thành 62,5% GDP. Tốc độ tăng nợ công của giai đoạn 2011-2015 bằng 18,4% năm, cao gấp 3 lần tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, trong thực hiện hằng năm phải đảo nợ với con số năm 2013 là 47 nghìn tỷ đồng, 2014 là 106 nghìn tỷ đồng, 2015 là 125 nghìn tỷ đồng và năm 2016 là 95 nghìn tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng đó là do tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 7-7,5% nhưng do nguyên nhân khách quan, đặc biệt là sự suy thoái của nền kinh tế thế giới, Quốc hội đã quyết định tỷ lệ tăng trưởng kinh tế là 6,5-7%/năm. Mặt khác, trong thực hiện, giá trị GDP không đạt theo dự toán làm tỷ lệ nợ công tăng (như năm 2015 nợ công tăng thêm 0,9% so với GDP dự toán).
Bên cạnh đó, tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước, ngân hàng thương mại đều không đạt yêu cầu. Trong 5 năm qua đều phải điều chỉnh chính sách để giảm thu nhằm tháo gỡ khó khăn kinh doanh, thúc đẩy phát triển sản xuất. Ngược lại, mức chi cho an sinh xã hội, chi giảm nghèo, chi tăng lương đều tăng. Phần chi ngân sách, Bộ trưởng nhấn mạnh chi thường xuyên đã lên tới 67,8%, tăng 8% so với giai đoạn trước và chi cho con người tác động đến 7/10 tỷ trọng tăng chi thường xuyên.
Bộ trưởng cũng cho biết, thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ, xoá đói giảm nghèo... trong giai đoạn này, Chính phủ đã trình Quốc hội phát hành trái phiếu Chính phủ 2012-2014 thêm 225 nghìn tỷ đồng, 2014-2016 thêm 170 nghìn tỷ đồng, tăng tỷ lệ bội chi ở mức cao để tăng cho đầu tư phát triển. “Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn là nhận định hoàn toàn đúng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Trước thực tế này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý nợ công, quản lý ngân sách. Bộ đang tiến hành rà soát và trong thời gian tới sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý nợ công. Bên cạnh đó, cần tái cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng nợ trong nước và giảm dần nợ nước ngoài, đồng thời tái cơ cấu lại kỳ hạn, lãi suất nợ công. Hiện nay, cơ cấu vay nợ trong nước đang ở mức trên 57% và nợ nước ngoài còn 43%.
Trong điều kiện ngân sách khó khăn thì việc chọn mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách để ưu tiên bố trí vốn, tránh tình trạng đầu tư dàn trải. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ KH và ĐT Nguyễn Chí Dũng khi giải trình trước Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là lần đầu tiên đề ra kế hoạch đầu tư công trung hạn. Việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn dựa trên quan điểm, một mặt để phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho phát triển doanh nghiệp, thúc đầy tăng trưởng, mặt khác đầu tư công thực hiện các mục tiêu xã hội, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào miền núi dân tộc, bảo đảm quốc phòng an ninh,...
Về định hướng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, có ý kiến đại biểu cho rằng đầu tư cho giao thông là phần lớn, đặc biệt là vốn trái phiếu Chính phủ chiếm tỷ trọng lớn, một số lĩnh vực chưa được quan tâm nhiều như nông nghiệp, kinh tế, biến đổi khí hậu..., Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc đầu tư sử dụng cả vốn bao gồm cả ngân sách Trung ương và địa phương, trái phiếu Chính phủ. Trong báo cáo trình Quốc hội cũng đã cho thấy đầy đủ định hướng đầu tư 14 ngành, lĩnh vực đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết 1023.
“Trong dự kiến phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ thì dành tỷ trọng lớn cho ngành GTVT là nhằm thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng và bên cạnh đó cũng dành một tỷ lệ vốn thích đáng để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cũng như các lĩnh vực khác như an ninh quốc phòng, nông ngiệp nông thôn, biến đổi khí hậu, khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn, xây dựng bệnh viện, kiên cố hóa trường lớp học, di dân tái định cư thủy điện Sơn La”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện nay nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn, trong khi ngân sách hạn hẹp. Do đó Chính phủ đã báo cáo Quốc hội nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn giai đoạn 2016-2020. “Trước hết là ưu tiên bố trí đủ cho các công trình xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản ứng trước... rồi mới đến các dự án chuyển tiếp. Sau khi bố trí đủ vốn cho các dự án này thì mới bố trí đến các dự án mới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Liên quan đến ý kiến đại biểu cho rằng cần có cơ chế đặc thù ưu tiên cho một địa bàn trọng điểm như Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Bắc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong kế hoạch cũng đã bố trí đầy đủ và đảm bảo ưu tiên từ các nguồn vốn ODA khác như từ biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long, an sinh xã hội ở Tây Bắc, các hệ thống hồ chứa thủy lợi ở Tây Nguyên... Đường nối Thành phố Lai Châu và cao tốc Hà Nội - Lào Cai cũng đã đưa vào dự án của ADB và dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới. Riêng tại các tỉnh có kinh tế - xã hội đặc thù, khó khăn, hiện Bộ KH và ĐT cũng đang xây dựng các cơ chế đặc thù cho các tỉnh này trong thời gian tới và sẽ báo cáo Quốc hội sau.
Về hồ sơ trình dự án Luật Đầu tư công trung hạn, có ý kiến cho rằng cần phải có danh mục các dự án theo quy định của Điều 52 của Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải, do kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được thực hiện từ tháng 8-2014, đến nay có sự thay đổi so với tổng mức đầu tư nên phải báo cáo Ban Chấp hành Trung ương và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên Chính phủ mới báo cáo danh mục dự án có vốn trái phiếu Chính phủ và mức vốn cụ thể cho từng dự án. Riêng danh mục cho dự án nhóm B trở lên sử dụng ngân sách Trung ương và danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư nước ngoài chưa báo cáo được mức vốn bố trí.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Đầu tư công, việc lựa chọn danh mục và mức bố trí cụ thể cho từng dự án thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành và địa phương, hiện mức đầu tư có giảm nên các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần có thêm thời gian để rà soát, lựa chọn và dự kiến lại danh mục và mức vốn bố trí từng dự án cho phù hợp thực tế.
Bộ trưởng cũng cho biết, để tăng quyền tự chủ và đẩy mạnh công tác điều hành cho các địa phương, Chính phủ đã trình Quốc hội đổi mới cách thức giao kế hoạch. Theo đó, Bộ KH và ĐT thông báo tổng số vốn (trước kia Chính phủ thông báo theo cả ngành, lĩnh vực và chương trình) mà các địa phương, bộ, ngành sử dụng, còn các địa phương sẽ tự lựa chọn mức độ ưu tiên của mình để quyết định đầu tư trong giai đoạn 5 năm tới. Bộ Tài chính, KH và ĐT chỉ rà soát lại và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tính đến thời điểm này các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành kế hoạch phân bổ theo cách này và sẽ gửi cho Bộ vào thời gian tới.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017./.
PV