Thủ tướng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

07:11, 18/11/2016

Ngày 16-11, kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XIV tiếp tục phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Trong ngày làm việc, có ba Bộ trưởng đã trả lời chất vấn của các đại biểu QH, gồm: Bộ trưởng Bộ TN và MT Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Sáng 17-11, bắt đầu từ 8 giờ 30, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu QH về những nội dung thuộc trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến 4 nhóm vấn đề đã chất vấn trong 2 ngày 15 và 16-11.

Đây cũng là buổi chất vấn cuối cùng tại kỳ họp QH này.

Trước khi trả lời chất vấn trực tiếp các đại biểu QH, Thủ tướng đã có báo cáo trước QH.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) là đại biểu đầu tiên chất vấn Thủ tướng. Đại biểu cho rằng, cử tri nhân dân ủng hộ sự quyết tâm trong chỉ đạo điều hành của Thủ tướng cũng như những thông điệp của Thủ tướng. Nhưng cử tri bất bình trước việc thực thi kỷ luật kỷ cương không nghiêm trong nhiều lĩnh vực. Có nhiều cán bộ tha hóa. Thủ tướng có quyết tâm chấn chỉnh tình trạng này hay không?

Trả lời, Thủ tướng nhấn mạnh, Thủ tướng cùng hệ thống chính trị sẽ quyết liệt xử lý tình trạng bộ máy nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng để tạo niềm tin cho nhân dân trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Loại bỏ những cán bộ thoái hóa ra khỏi bộ máy. Sẽ có những giải pháp rất cụ thể. Thủ tướng vừa có chỉ thị về tăng cường kỷ luật hành chính, phải rèn luyện đạo đức cán bộ. Đi liền với đó là xử lý nghiêm khắc những tập thể, cá nhân sai phạm. Công khai minh bạch việc kiểm soát quyền lực, đây là việc rất cần thiết đối với bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Hạn chế xin - cho nhất là những lĩnh vực nhạy cảm. Cải cách chính sách tiền lương, tinh giản bộ máy. “Những giải pháp này cùng với quyết tâm chính trị của chúng ta, làm liên tục trong quá trình chỉ đạo, điều hành sẽ đáp ứng yêu cầu của nhân dân”, Thủ  tướng nói.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long): Chính phủ có giải pháp đột phá gì để phát triển ngành Du lịch, vì Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng hiệu quả chưa cao?

Thủ tướng cho rằng, du lịch là kinh tế mũi nhọn của nước ta. Tiềm năng lớn nhưng lượng khách mới chỉ đạt 7,5 triệu lượt khách, rất thấp so với các nước trong khu vực.

Giải pháp nào để phát triển du lịch? Chính phủ đã có hội nghị toàn quốc về vấn đề này. Chúng ta phải có môi trường du lịch lành mạnh, hạn chế ăn xin, người lang thang; có nhiều sản phẩm tốt, có khung pháp lý hoàn thiện, quảng bá tốt, bảo đảm nguồn lực, nhân lực... Nếu làm tốt thì chắc chắn du lịch Việt Nam sẽ cất cánh.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, Chính phủ đã xử lý tốt việc nợ đọng văn bản. Nhưng biện pháp nào để tiếp tục nâng cao thể chế, đưa pháp luật vào cuộc sống hiệu quả hơn? Những giải pháp để phát triển Tây Nguyên?

Thủ tướng cho rằng, thể chế là rất quan trọng để phát triển, các bộ ngành, địa phương phải chú trọng. Chính phủ vừa qua rất tập trung cho khâu này, lần đầu tiên không còn nợ đọng văn bản. Thời gian tới, phải tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, có nhiều người giỏi cho lĩnh vực này. Tuyên truyền mạnh để chính sách đi vào cuộc sống.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) chất vấn, tài sản công đang bị sử dụng lãng phí, kém hiệu quả. Vậy Chính phủ có giải pháp gì để sử dụng hiệu quả nguồn lực này? Thủ tướng thừa nhận còn nhiều lãng phí trong sử dụng tài sản công, từ đất đai, ô tô... Thủ tướng đã có chỉ thị về vấn đề này. Tới đây, phải có nhiều hình thức để sử dụng hiệu quả như ban hành định mức sử dụng tài sản công, khoán xe công, xử lý người đứng đầu cơ quan lãng phí tài sản công... Mục tiêu là hạn chế tình trạng lãng phí đã kéo dài nhiều năm.

Đại biểu Thường cũng chất vấn, Chính phủ đã báo cáo về 5 dự án lớn có nguy cơ thua lỗ, phá sản. Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã giải trình nhưng đại biểu QH, cử tri vẫn lo lắng. Thủ tướng nhấn mạnh, không sử dụng tiền thuế của dân để khắc phục hậu quả 5 dự án. Tinh thần là cắt lỗ, nếu không sử dụng được thì phải bán, thậm chí cho phá sản. Ngân sách không thể tiếp tục đổ vào đây. Từng dự án, Chính phủ sẽ xem xét để xử lý tốt nhất tài sản của Nhà nước và sẽ báo cáo QH ở kỳ họp sau.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) hỏi, qua trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, Thủ tướng nhận xét gì về trí tuệ, phẩm chất của các thành viên Chính phủ, đây có phải là một tập thể Chính phủ tốt để xây dựng Chính phủ hành động như Thủ tướng kỳ vọng? Quan hệ Việt - Mỹ sẽ thế nào dưới thời tân Tổng thống Mỹ?

Thủ tướng nói, Chính phủ mới thực hiện nhiệm vụ chỉ trong 7 tháng, tất cả đều quyết tâm, nỗ lực, đoàn kết, thống nhất để tạo nên một Chính phủ kiến tạo, liêm chính. 27 thành viên Chính phủ có những người rất xuất sắc, như “bàn tay có ngón ngắn ngón dài” nhưng tất cả đều đoàn kết thống nhất để thực thi nhiệm vụ tốt nhất.

Trả lời về mối quan hệ với Mỹ, Thủ tướng cho biết, 2 nước đã có 10 quy chế hợp tác, chúng ta tiếp tục thực hiện các quy chế đó. Đảng và Nhà nước kiên trì đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ. Việt Nam sẵn sàng hợp tác toàn diện với Mỹ trên tinh thần tôn trọng độc lập chủ quyền, đa phương hóa, đa dạng hóa. “Tôi tin quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ thời gian tới sẽ ngày càng tốt đẹp” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) thể hiện niềm cảm phục tinh thần làm việc của Thủ tướng, Chính phủ. Đại biểu cho rằng, lần này QH đã thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng. “Nhưng cách triển khai mới là quan trọng. Làm thế nào để đạt mục tiêu tốc độc tăng trưởng GDP 6,5-6,7% trong điều kiện vẫn bảo đảm kinh tế vĩ mô và an toàn nợ công. Giải pháp nào để cơ cấu lại nền nông nghiệp Việt Nam còn manh mún hiện nay?”, đại biểu Trần Hoàng Ngân chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Hoàng Ngân, Thủ tướng nói nền kinh tế Việt Nam có quy mô GDP chưa đến 200 tỷ USD, quy mô như vậy còn khá nhỏ, nợ công tỷ trọng lại cao. “Chỉ tiêu phát triển GDP 6,7% trong giai đoạn tới là khó nhưng Chính phủ sẽ quyết tâm, đề ra nhiều biện pháp từ đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, chi tiêu công. Tạo môi trường tốt hơn nữa để người dân hăng hái lao động tạo thêm nguồn lực”, Thủ tướng cho biết. Chúng ta phải luôn nỗ lực để tăng trưởng GDP để giải quyết việc làm, để phát triển, vì vậy dù còn khó khăn nhưng vẫn đặt mục tiêu cao để phát triển đi lên.

Về sự tự chủ độc lập của nền kinh tế, Thủ tướng cho biết, hội nhập sâu rộng nhưng phải luôn độc lập tự chủ. Trước hết là không phụ thuộc vào một thị trường, vào một đối tác... “Phải có nhiều biện pháp mới thực hiện được. Trong đó có tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng thể chế, phát huy các thế mạnh của Việt Nam, mở rộng thị trường. Sự tự chủ về kinh tế sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo tự chủ, độc lập về chủ quyền”, Thủ tướng khẳng định.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Hoàng Ngân về tái cơ cấu nông nghiệp, Thủ tướng khẳng định nông nghiệp Việt Nam có những thế mạnh lớn. Tới đây, Chính phủ sẽ trình sửa về hạn điền, tạo điều kiện để tích tụ ruộng đất cho sản xuất lớn. Đẩy mạnh đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp, tăng tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp, bảo hiểm cho sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển hợp tác xã... Bước đi, cách làm thế nào sẽ tính toán nhưng quan điểm là phải đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, có những sản phẩm nông nghiệp tốt của từng địa phương.

Về vấn đề tinh giản biên chế, Thủ tướng cho biết có hơn 5.000 đơn vị công lập, viên chức trong hệ thống với trên 2,2 triệu người, đây chính là nút thắt trong tinh giản biên chế. Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh xã hội hoá các đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng bước đi, lộ trình như thế nào thì sau khi đề án của Chính phủ được BCH Trung ương thông qua, Chính phủ sẽ báo cáo QH.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chất vấn, bổ nhiệm cán bộ là vấn đề xã hội đang bức xúc. Vừa qua có hiện tượng cán bộ làm sai rồi bỏ trốn... Cử tri cho rằng, quy trình bổ nhiệm cán bộ có những điểm không ổn, thậm chí không còn phù hợp. Đánh giá, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ còn nể nang. “Làm sao để người tốt, người giỏi phải được bổ nhiệm, con em nông dân cũng phải được bổ nhiệm nếu đủ tiêu chuẩn. Bổ nhiệm được người tài là hồng phúc của quốc gia”, đại biểu nêu.

Thủ tướng cho rằng, quy trình bổ nhiệm cán bộ có nhiều điểm tốt, nhưng còn bất cập sơ hở thì tới đây đã giao Bộ Nội vụ hoàn thiện quy trình để khắc phục triệt để những sơ hở, bất cập. Về giải pháp bổ nhiệm cán bộ, Thủ tướng cho rằng, phải làm tốt việc bổ nhiệm, phải công khai, thi tuyển minh bạch, có giám sát, đánh giá… mục tiêu là tuyển dụng được cán bộ tài giỏi, mở rộng cơ hội cho tất cả người tài. Vừa qua đã có nhiều đột phá trong quy trình lựa chọn cán bộ như thi tuyển, bầu cử có số dư... và sẽ phải có nhiều đột phá hơn nữa.

Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) yêu cầu cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong 5 dự án thua lỗ. Đại biểu cho rằng, càng kéo dài xử lý thì càng tốn kém, gây mất lòng tin. Vì vậy, cần dứt điểm sớm việc xử lý các dự án này.

Thủ tướng đồng tình, phải làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Cũng không kéo dài việc xử lý làm mất lòng tin của nhân dân. Phải  sớm có phương án xử lý, kể cả bán, cho thuê, phá sản, không thể xử lý theo kiểu “trùm mền đắp chiếu”.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) chất vấn Thủ tướng về quản lý Nhà nước trong doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Qua trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương về 5 dự án thua lỗ đã cho thấy pháp luật có lỗ hổng lớn khi không xác định được trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước dù thất thoát tài sản rất lớn? Vậy tới đây phải có cơ chế như thế nào để chấm dứt tình trạng này? Đại biểu cũng hỏi giải pháp nào để phòng chống tham nhũng (PCTN) hiệu quả, xây dựng một Chính phủ liêm chính?

Trả lời, Thủ tướng cho rằng, chúng ta đã có cơ chế quản lý DNNN qua từng thời kỳ, lúc thuộc Chính phủ, lúc thuộc bộ, ngành. Hiện Trung ương đã cho thành lập cơ quan quản lý vốn Nhà nước tại các DNNN. Giải pháp tới đây là đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, đi liền với đó là công khai, minh bạch, giám sát, thanh tra, kiểm tra quá trình cổ phần hóa DNNN. 

Để PCTN hiệu quả, Thủ tướng cho rằng phải hoàn thiện thể chế pháp luật, để không thể, không dám tham nhũng. Xóa bỏ cơ chế xin - cho để hạn chế triệt để cơ hội tham nhũng. Xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng. Phát huy sự giám sát của Mặt trận, đoàn thể nhân dân, báo chí đối với PCTN. Bảo đảm toàn xã hội đều có vai trò trong PCTN…

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nêu một hiện tượng phổ biến trong bộ máy công quyền, làm phá vỡ kỷ cương phép nước, đó là phạt cho tồn tại. Biết sai nhưng cơ quan công quyền chỉ phạt một mức nhỏ, tiền còn lại tư túi. Thủ tướng có cam kết nhiệm kỳ của mình sẽ loại bỏ “phạt cho tồn tại” hay không?

Đáp lời đại biểu Dương Trung Quốc, Thủ tướng cho rằng, phạt cho  tồn tại cũng là một thể chế mà chúng ta dựng lên. Nhưng bây giờ phải nghiên cứu lại trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn, cơ chế đã thực hiện. Quan điểm là khắc phục những sơ hở để xảy ra tiêu cực. “Cần quy định rõ trường hợp nào thì 2 thẻ vàng, trường hợp nào thì rút thẻ đỏ luôn” - Thủ tướng ví von.

Đại biểu Dương Trung Quốc cũng cho rằng, văn hóa từ chức đã đến lúc chín muồi khi Chính phủ quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính. Thủ tướng có cho rằng đã đến lúc xây dựng một quy trình để cán bộ công chức, viên chức từ chức nếu thấy cần thiết hay không? Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cũng hỏi tại sao văn hóa từ chức chưa có ở Việt Nam? Thủ tướng có mong muốn phát triển văn hóa này không?

Hoan nghênh ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng cho rằng, văn hóa từ chức là rất cần thiết. Thực tế có một số cán bộ muốn từ chức vì nhiều lý do, kể cả lý do sức khỏe. Thủ tướng giao Bộ Nội vụ nghiên cứu để có loại hình văn bản tạo điều kiện cho người từ chức được thực hiện văn hóa từ chức.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) đặt câu hỏi: Trong thời gian tới, Chính phủ có đề án nào để phát triển kinh tế  biển gắn với giữ vững chủ quyền biển, đảo? Tàu đánh cá của ngư dân còn lạc hậu, Chính phủ hỗ trợ thế nào để hỗ trợ người dân, giữ thế trận quốc phòng nhân dân trên biển?

Thủ tướng cho biết, BCH Trung ương Đảng đã có Nghị quyết về kinh tế biển, tới đây Chính phủ sẽ rà soát để làm rõ cần tiếp tục thực hiện tốt hơn ở khâu nào, trong dó có chương trình đánh bắt xa bờ, hỗ trợ tín dụng lớn cho ngư dân…

Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) nêu câu hỏi, nhiều vụ dư luận bức xúc cứ nóng lên rồi chìm xuồng như biệt phủ nghìn tỷ, cán bộ đánh người... Làm sao để khắc phục điều đó? Thủ tướng khẳng định, không có vụ nào bị chìm xuồng, nếu có vụ nào có dấu hiệu thì đại biểu QH phản ánh với Thủ tướng.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, nếu người lãnh đạo chú trọng tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ tăng niềm tin của dân, hạn chế khiếu nại kéo dài, vượt cấp, là giảm áp lực cho các cơ quan tư pháp. Nhưng công tác này vừa qua chưa tốt, Thủ tướng có giải pháp nào?

Thủ tướng cho rằng, cán bộ tiếp dân rất quan trọng, là khâu đầu tiên để lắng nghe xử lý, giải quyết vụ việc, vì vậy các bộ, ngành, địa phương phải bố trí cán bộ giỏi, có khả năng dân vận để tiếp dân. Vừa qua, nhiều nơi chưa làm tốt khâu này, tới đây các bộ, ngành, địa phương, từ cấp xã phải bố trí cán bộ có trình độ để tiếp dân./.

Tin, ảnh: chinhphu.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com