Bắt đầu phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn

07:11, 16/11/2016

Sáng 15-11, các đại biểu Quốc hội bắt đầu phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.

Là người đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề nghị Bộ trưởng làm rõ hơn về những sai phạm đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả do Nhà nước đầu tư và Bộ Công thương chịu trách nhiệm quản lý, những kiến nghị để khắc phục những bất cập trong công tác quản lý đầu tư tại doanh nghiệp Nhà nước, không để lặp lại tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim”.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công thương đã có đánh giá sơ bộ gửi tới các đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng đề cập cụ thể hơn: 5 dự án (gang thép Thái Nguyên, bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, nhiên liệu sinh học của Dung Quất, xơ sợi Đình Vũ) đều có chủ trương đầu tư kéo dài quá thời hạn so với được phê duyệt. 

Dự án đạm Ninh Bình không những kéo dài quá trình đầu tư, nay vẫn không quyết toán được đầu tư dù đã đi vào vận hành. Bộ trưởng chỉ rõ các dự án này có điểm chung là thị trường thế giới có biến động, giá các loại nguyên nhiên liệu có biến động, dầu khí, các sản phẩm từ đầu, dầu thô từ mức hơn 100-147 USD/thùng, hiện chỉ còn khoảng 40 USD/thùng... đã ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư của dự án; các dự án xơ sợi Đình Vũ không thể cạnh tranh nổi với các dự án đầu tư của nước ngoài có giá thành rẻ hơn.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn.

Bộ trưởng nêu rõ điểm chung dẫn đến tình trạng kém hiệu quả, thứ nhất là năng lực của chủ đầu tư, theo phân cấp của khung pháp lý, các tập đoàn, Tổng Cty 91 khi được phê duyệt chủ trương đầu tư của Chính phủ đều là người trực tiếp thực hiện, quản lý dự án đầu tư và chịu trách nhiệm trực tiếp trong phê duyệt, phương án đầu tư... Thứ hai do năng lực hạn chế của các Ban quản lý dự án, các đối tượng trực tiếp được phân công giao nhiệm vụ quản lý dự án. Thứ ba, năng lực trong đàm phán, ký kết, quản lý các hợp đồng để thực hiện dự án này, năng lực và khả năng thực hiện của các nhà thầu. 

Theo Bộ trưởng, chính sự hạn chế nguồn nhân lực và điều kiện đã dẫn đến các dự án bị kéo dài, nhiều dự án thực hiện không đúng theo hợp đồng. Trong quá trình triển khai thực hiện, các dự án có vướng mắc, đòi hỏi phải có sự can thiệp của các cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng sự can thiệp này cũng không đem lại hiệu quả vì nhiều lý do... Chính vì vậy, các dự án này đều có vướng mắc là hiệu quả kinh tế không còn - Bộ trưởng cho biết. 

Nêu giải pháp cho tình trạng này, theo Bộ trưởng Tuấn Anh phải đảm bảo mục tiêu bảo toàn vốn, bảo vệ lợi ích, tài sản Nhà nước trong các dự án này. Các giải pháp xử lý phải phù hợp với nguyên tắc thị trường và cam kết quốc tế. “Có thể tính tới bán dự án, thậm chí tuyên bố phá sản... nếu cần thiết” - Bộ trưởng cho biết. 

Người đứng đầu ngành Công thương nói thêm, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành báo cáo Chính phủ. Cụ thể, các dự án gang thép Thái Nguyên, xơ sợi Đình Vũ, nhiên liệu xăng sinh học..., Bộ đã báo cáo Chính phủ các giải pháp. Sau kỳ họp Quốc hội này, Chính phủ sẽ họp, đưa ra quyết định cụ thể. 

Chưa thấy thỏa đáng với phần trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh giơ biển tranh luận. Đại biểu “lo ngại” khi nghe Bộ trưởng báo cáo về tình trạng quản lý đầu tư của một số dự án là Bộ cho chủ trương, còn lại khoán trắng, buông lỏng cho doanh nghiệp tự quyết, tự tổ chức đầu tư, đến khi thua lỗ lại báo Chính phủ giải quyết. 

Trả lời phần tranh luận này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết những dự án này đã có quá trình thực hiện kéo dài từ lâu, từ thời điểm các tập đoàn, Tổng Cty 91 đang chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ. Do quá trình kéo dài, tính chất công nghệ, tính chất đặc thù từng dự án rất phức tạp nên quá trình đánh giá cụ thể về nguyên nhân và trách nhiệm của từng khâu, bộ phận liên quan đến những nguyên nhân đó, đối chiếu với các khung pháp lý để làm rõ trách nhiệm, cần có thời gian. 

Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, không chỉ Bộ Công thương, mà còn có Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán và hàng loạt cơ quan liên quan đều tham gia vào đánh giá tổng thể, toàn diện những dự án này với mục tiêu không chỉ là giải quyết triệt để các dự án, mà còn xem xét trách nhiệm, kiện toàn về mặt thể chế nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý Nhà nước, không để tái diễn những trường hợp này.

Trước lo lắng của đại biểu Quốc hội về việc sẽ tái diễn câu chuyện dự án lớn không hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, từ sau năm 2012, khi Nghị định 99 được ban hành, các bộ, ngành, cơ quan Nhà nước trực tiếp quản lý các doanh nghiệp trực thuộc và các dự án đầu tư thông qua các doanh nghiệp đó. 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, các dự án đạm Ninh Bình, xơ sợi Đình Vũ... sẽ được xem xét trong khuôn khổ pháp luật ở thời điểm đó. 

“Chúng tôi cần có thời gian hoàn tất những công việc này, báo cáo Chính phủ phương án xử lý dứt điểm và sẽ báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Cũng trong phiên trả lời chất vấn sáng qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng tập trung làm rõ một số vấn đề khác gồm: Giải pháp củng cố hệ thống bán lẻ hàng hóa thích ứng với hội nhập quốc tế; kiểm soát kinh doanh đa cấp; quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; chính sách đột phá phát triển ngành ô tô theo định hướng đầu tư của Nhà nước và các cam kết hội nhập quốc tế. Phương án tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng, quy hoạch các công trình thủy điện, thủy lợi và đảm bảo an toàn xả lũ trong thời gian tới.

Tiếp tục chương trình phiên họp, từ 14h30’ chiều 15-11, Bộ trưởng Bộ TN và MT Trần Hồng Hà đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, có 44 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Các đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), Phạm Đình Phúc, Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long)... chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà các vấn đề và chương trình, giải pháp khắc phục và trách nhiệm của Bộ trưởng về: Ô nhiễm môi trường nông thôn, đô thị, làng nghề, ô nhiễm các lưu vực sông; giải quyết sự cố Formosa (giám sát hoạt động doanh nghiệp và triển khai công tác đền bù cho người dân); xử lý chất thải rắn công nghiệp; xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, trách nhiệm của Bộ trong việc để xảy ra ô nhiễm môi trường; giải pháp để người dân tham gia giám sát vấn đề môi trường; kịch bản, giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn; giải pháp nâng cao chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường...

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đồng tình với đánh giá của các đại biểu về thực trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, làng nghề, các cụm công nghiệp... Nêu các nguyên nhân, Bộ trưởng nhấn mạnh các giải pháp về quy hoạch sản xuất làng nghề, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải nguy hại; tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn người dân quy trình công nghệ xử lý chất thải, gìn giữ môi trường; gắn vấn đề môi trường với chương trình xây dựng NTM;...

Về xử lý trách nhiệm cá nhân khi để xảy ra vấn đề ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng cho biết, quy định hiện hành về trách nhiệm trong vấn đề môi trường đã được phân cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên việc phối hợp giải quyết giữa Trung ương và địa phương chưa được quy định rõ, chưa xác định cụ thể trách nhiệm giữa các chủ thể; các quy định cũng được nêu trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau... Theo đó cần sửa đổi quy định pháp luật theo hướng phân cấp rõ ràng, gắn quyền hạn với trách nhiệm cụ thể của từng cấp... 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng trả lời về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các báo cáo đánh giá tác động môi trường; giải pháp về vốn, công nghệ để xử lý môi trường các lưu vực sông; môi trường làng nghề; giải pháp ứng phó biến đổi khí khậu, hạn hán, xâm nhập mặn; xử lý hậu quả sự cố môi trường biển do Formosa gây ra và các giải pháp giám sát quá trình vận hành của Formosa trong xử lý chất thải; quản lý các bãi thải công nghiệp...

Các đại biểu Hoàng Thanh Tùng, Nguyễn Văn Hiển, Đỗ Đức Hồng Hà... tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà về vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường biển, theo đó, việc thẩm tra đánh giá tác động môi trường có tiêu cực, buông lỏng quản lý hay không? Giải pháp chấn chỉnh như thế nào? Các giải pháp: Phòng ngừa bảo đảm môi trường sông Hậu; xử lý tình trạng khai thác trái phép cát sỏi trên sông; ứng phó tác động tiêu cực của các nhà máy thủy điện, nhiệt điện than,...

Trả lời về ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long; chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường,... Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, kịch bản biến đổi khí hậu 2016 đã được Bộ Xây dựng dựa trên số liệu tính toán về nước biển dâng, quá trình sụt lún,... quá trình này sẽ tiếp tục cập nhật số liệu để tính toán kịch bản cụ thể nhất.

Về giải pháp nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường, Bộ trưởng cho rằng việc xây dựng báo cáo phải dựa trên các số liệu, quy trình công nghệ. Bên cạnh đó các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phân định rõ trách nhiệm, gắn trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm tra với các hoạt động giám sát môi trường, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường... 

Về vấn đề bảo đảm môi trường lưu vực sông Hậu; Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của sông Hậu đối với đồng bằng sông Cửu Long cho biết, Bộ TN và MT cần có ngay quy hoạch tổng thể về sử dụng nguồn nước lưu vực sông này; đồng thời tiến hành rà soát lại toàn bộ các cơ sở đang sản xuất, kinh doanh ven sông (cả về công nghệ, quá trình xử lý chất thải), có biện pháp kiểm tra, giám sát xả thải, bảo đảm vấn đề môi trường;...

Về xử lý tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, bên cạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, xây dựng quy hoạch khai thác, Bộ trưởng cho rằng cần xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương...

Thứ tư, ngày 16-11, đầu giờ sáng, Bộ trưởng Bộ TN và MT và các Bộ trưởng, Trưởng ngành liên quan tiếp tục trả lời chất vấn về nội dung của buổi chiều 15-11./.

Tin, ảnh: chinhphu.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com