Thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và thảo luận hai dự án Luật

08:11, 21/11/2016

Ngày 18-11 là ngày làm việc thứ hai mươi ba của kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XIV. Các đại biểu QH làm việc cả ngày tại hội trường. Buổi sáng, QH thảo luận về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi); thảo luận dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Buổi chiều, các đại biểu QH biểu quyết thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và thảo luận về dự án Luật Du lịch (sửa đổi).

Thảo luận về dự án Luật Đường sắt, phần lớn đại biểu cho rằng, hệ thống vận tải của Việt Nam chủ yếu đang khai thác đường bộ, trong khi hệ thống đường sắt ngày càng xuống cấp, không được quan tâm đầu tư để phát triển. Luật Đường sắt năm 2005 đã bộc lộ những bất cập và không còn phù hợp thực tiễn hoạt động. Vì vậy, việc sửa đổi, xây dựng ban hành Luật Đường sắt mới là rất cần thiết.

Về công tác xây dựng dự án Luật, nhiều đại biểu cho rằng, chất lượng và tính khả thi của dự thảo lần này thấp, chưa sát thực tiễn, thậm chí có nhiều quy định, nội dung kém cả Luật Đường sắt năm 2005. Đáng chú ý, có nhiều nội dung giao Chính phủ hoặc bộ, ngành ban hành nghị quyết, quyết định thông tư để cụ thể hóa, dẫn tới những quy định ở dự thảo Luật mới không còn tính quy phạm pháp luật, thậm chí không có nội dung.

 Các đại biểu Quốc hội thông qua dự thảo Luật. Ảnh: quochoi.vn.
Các đại biểu Quốc hội thông qua dự thảo Luật. Ảnh: quochoi.vn.

Về phạm vi điều chỉnh, một số đại biểu cho rằng cần bổ sung nhiều nội dung để bảo đảm tính khái quát của luật, như: quy hoạch đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh vận tải đường sắt, công nghiệp đường sắt, phương tiện đường sắt, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, các nguyên tắc, chính sách quản lý phát triển đường sắt, công nghiệp đường sắt và bổ sung nội dung quản lý Nhà nước về vận tải đường sắt.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa phát biểu giải trình một số vấn đề đại biểu QH góp ý, đồng thời nêu rõ: Ban soạn thảo ghi nhận và tiếp thu ý kiến để tiếp tục thẩm tra, tổng hợp đầy đủ và báo cáo với cơ quan thẩm quyền xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng mà các đại biểu QH quan tâm. Đồng thời sẽ phối hợp cơ quan thẩm tra của QH và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu thấu đáo, đầy đủ, làm rõ hơn các quy định và tạo sự đồng thuận cao trước khi trình QH.

Thảo luận về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, các đại biểu Hồ Văn Thái (Kiên Giang), Đinh Công Sỹ (Sơn La) và nhiều đại biểu khác nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết xây dựng Nghị quyết về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài. Khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành sẽ là tín hiệu tốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực du lịch cũng như thu hút đầu tư, cải cách hành chính theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử và cũng phù hợp quá trình hội nhập quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, các đại biểu băn khoăn việc quy định áp dụng cho tất cả người nước ngoài được cấp thị thực điện tử nhập cảnh Việt Nam là quá rộng. Đây là vấn đề rất mới, chưa được quy định trong Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Mặt khác, các cơ quan chức năng chưa có kinh nghiệm và chưa đủ điều kiện cần thiết thực hiện công việc này. Vì vậy đề nghị nên quy định đối tượng hẹp lại…

Có đại biểu nêu rõ, thời gian vừa qua, chúng ta đã chứng kiến các vụ việc xâm nhập dữ liệu điện tử trái phép, vì thế, cơ quan triển khai thực hiện cấp thị thực điện tử cần có những giải pháp về mặt kỹ thuật để bảo đảm an ninh quốc gia, giảm các trường hợp nhập cảnh vì các mục đích trái pháp luật. Có ý kiến cho rằng, nếu Bộ Công an thực hiện nghiêm túc Luật Công nghệ thông tin và Luật Giao dịch điện tử thì sẽ không phải ban hành nghị quyết này. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị khi đã cân nhắc kỹ và thấy việc cấp thị thực điện tử cần thiết và đủ điều kiện thì không nên dùng từ thí điểm mà nên triển khai cấp ngay, bởi đã dành 200 tỷ đồng thí điểm, sau hai năm lại không làm nữa sẽ gây lãng phí…

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu ý kiến giải trình những vấn đề mà đại biểu QH nêu, đồng thời nêu rõ: Cho phép thí điểm thực hiện cấp thị thực điện tử là tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài vào Việt Nam, nhất là người nước ngoài chưa có điều kiện liên hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam để làm thủ tục mời và bảo lãnh theo quy định. Đây còn là một trong những chính sách thể hiện quyết tâm cải cách thủ tục hành chính triệt để của Chính phủ, phù hợp chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, giai đoạn 2016-2020.

Đầu giờ làm việc buổi chiều, QH đã biểu quyết thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo với 417 đại biểu tán thành, bằng 84,58% tổng số đại biểu QH. Luật gồm 9 chương, 68 điều.

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Du lịch (sửa đổi), nhiều ý kiến cơ bản thống nhất về chính sách phát triển du lịch. Các đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) và một số đại biểu lưu ý, cần cụ thể hóa nội dung này thành các điều khoản, quy định ngay trong dự thảo Luật những chính sách đặc thù, mang tính đột phá, rà soát các quy định về ưu đãi đầu tư, nghiên cứu chi tiết hóa các chính sách phát triển du lịch, huy động nguồn lực, hỗ trợ phát triển du lịch; lồng ghép phát triển du lịch trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm khai thác tốt tiềm năng du lịch để bảo đảm cho du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn và bảo đảm hỗ trợ cho du lịch như một ngành kinh tế tổng hợp.

Chung quanh trách nhiệm quản lý Nhà nước về du lịch, phần lớn ý kiến thống nhất với chủ trương giao trách nhiệm quản lý Nhà nước về du lịch cho các bộ, ngành liên quan vì du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần thể hiện rõ hơn nội dung này để tăng tính chủ động của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch. Nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay, ngành Du lịch đang phải đối mặt sự gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất, mức độ phức tạp của các hành vi vi phạm pháp luật, đòi hỏi phải tăng cường kiểm tra, giám sát của lực lượng chuyên ngành. Vì vậy, nên nghiên cứu bổ sung quy định về thanh tra du lịch theo hướng gắn kết hoạt động thanh tra với hoạt động nghiệp vụ của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch.

Đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) và một số đại biểu cho rằng, hiện nay, có tình trạng nhiều người nước ngoài hành nghề hướng dẫn viên du lịch “chui”, lợi dụng hoạt động hướng dẫn du lịch xuyên tạc lịch sử, văn hóa... làm ảnh hưởng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Hoạt động này tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, do vậy, không nên bổ sung đối tượng người có quốc tịch nước ngoài được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ VH, TT và DL Nguyễn Ngọc Thiện đã giải trình ý kiến của đại biểu QH về dự án Luật Du lịch (sửa đổi).

Thứ bảy, ngày 19-11 và chủ nhật ngày 20-11-2016, QH nghỉ.

Hôm nay, thứ hai, ngày 21-11-2016, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Buổi sáng, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quy hoạch; buổi chiều, thảo luận về dự án Luật Cảnh vệ./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com