Ngày 23-11, tại Hà Nội: Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV thành công và bế mạc

05:11, 25/11/2016

Sáng 23-11, tại Nhà Quốc hội (QH), kỳ họp thứ hai, QH khóa XIV đã thành công tốt đẹp và bế mạc. Ðến dự phiên bế mạc, có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt; các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước; các đồng chí lão thành cách mạng; nhiều đại biểu QH các khóa trước và các đại biểu QH khóa XIV.

Toàn cảnh lễ bế mạc.
Toàn cảnh lễ bế mạc.

Phát biểu ý kiến bế mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Sau hơn một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc và đầy trách nhiệm, hôm nay, QH nước CHXHCN Việt Nam đã hoàn thành chương trình làm việc của kỳ họp thứ hai với nhiều nội dung quan trọng. QH đã thể hiện tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước trong công tác xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.

Trước đó, QH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai, QH khóa XIV; nghe Phó Tổng Thư ký QH Lê Bộ Lĩnh trình bày dự thảo Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai, QH khóa XIV.

QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết này, với 471 đại biểu tán thành, bằng 95,54% tổng số đại biểu QH. Nghị quyết nêu rõ, QH giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, trong năm 2017, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp này, báo cáo QH tại các kỳ họp sau.

Ðối với lĩnh vực công thương: Rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại, khẩn trương xử lý dứt điểm đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, không để tiếp tục kéo dài gây thiệt hại cho Nhà nước; xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm. Hoàn thành việc xây dựng và thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển thị trường trong nước; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động này. Triển khai nghiêm túc, đầy đủ quy định pháp luật về quản lý thị trường để hạn chế tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh phân bón; xây dựng, ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về phân bón; thống nhất đầu mối quản lý Nhà nước đối với mặt hàng này.

Ðối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường: Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường phù hợp với điều kiện trong nước và yêu cầu hội nhập quốc tế. Hoàn thành việc rà soát, đánh giá tổng thể, có giải pháp cụ thể, khả thi để kiểm soát chặt chẽ tình trạng ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước. Giám sát chặt chẽ các tác nhân gây ô nhiễm môi trường của Dự án Formosa Hà Tĩnh, theo dõi và có biện pháp phục hồi môi trường biển, thực hiện có hiệu quả công tác bồi thường, sớm ổn định sản xuất và đời sống của người dân trong vùng bị thiệt hại ở các tỉnh miền Trung.

Ðối với lĩnh vực GD và ÐT: Tổ chức rà soát để thực hiện hiệu quả Luật Giáo dục; hoàn thành việc xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện GD và ÐT, nâng cao chất lượng đào tạo; đổi mới tổ chức công tác thi và tuyển sinh theo lộ trình, đồng bộ với quá trình đổi mới dạy và học, tránh tạo áp lực cho học sinh và phụ huynh học sinh; tổ chức định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông phù hợp với cơ cấu phát triển nguồn nhân lực quốc gia, điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu nhân lực của từng địa phương, từng vùng và của cả nước. Thực hiện việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông bảo đảm chất lượng, phù hợp định hướng đổi mới, triển khai áp dụng từ năm học 2018-2019...

Ðối với lĩnh vực nội vụ: Tổ chức thực hiện hiệu quả Ðề án tinh giản biên chế gắn với sắp xếp cơ cấu lại tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức, viên chức một cách hợp lý; xây dựng và thực hiện nghiêm kế hoạch tinh giản biên chế theo lộ trình đến năm 2021 theo yêu cầu của Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tiếp tục triển khai Ðề án vị trí việc làm; hoàn thành Ðề án tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, Ðề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. Sớm hoàn thiện Ðề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp.

QH đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; nghe Phó Tổng Thư ký QH Lê Bộ Lĩnh trình bày dự thảo Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp.

QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết này, với 469 đại biểu tán thành, bằng 95,13% tổng số đại biểu QH.

Nghị quyết nêu rõ: Phấn đấu đến năm 2020 cả nước có khoảng 50% số xã đạt chuẩn NTM; yêu cầu Chính phủ tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12-11-2015 của QH phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Trong đó, tập trung nghiên cứu sửa đổi những tiêu chí chưa phù hợp của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2016-2020.

Nghị quyết nhấn mạnh, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi chính sách về đất đai để khuyến khích tích tụ ruộng đất, tiến hành cơ giới hóa, tạo điều kiện sản xuất hàng hóa lớn; có chính sách đột phá về khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ mạnh hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông thôn; tăng cường gắn kết trong sản xuất nông nghiệp tạo chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm; tăng sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, chất lượng và có giá trị kinh tế cao.

* Ngay sau khi bế mạc kỳ họp thứ hai, QH khóa XIV, Văn phòng QH tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp. Ðồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Ðảng, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH chủ trì. Ðến dự, có đông đảo các phóng viên cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế.

Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này, QH đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng khác. Ðồng chí khẳng định, QH đã dành phần lớn thời gian xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước để thảo luận các biện pháp, giải pháp phù hợp tình hình trước mắt cũng như định hướng sự phát triển của đất nước trong những năm tiếp theo.

Tại buổi họp báo, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời các câu hỏi và nội dung liên quan kỳ họp được các phóng viên báo chí quan tâm./.

Tin, ảnh: TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com