Ngày 17-11-2016, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Đoàn Hồng Phong đã ký ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2020. Nội dung như sau:
Trong những năm qua, công tác BHXH và BHYT đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần ổn định đời sống của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội. Hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT, BHXH tiếp tục được hoàn thiện, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, số người tham gia BHYT ngày càng tăng, quyền lợi của người tham gia BHYT được bảo đảm. Công tác khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT đã có chuyển biến tích cực. Đội ngũ cán bộ, viên chức ngành BHXH ngày càng trưởng thành hơn, phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện các chế độ, chính sách BHYT, góp phần tích cực vào công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân.
Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện công tác BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, yếu kém: Nhận thức của các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác BHYT còn hạn chế. Số người tham gia BHYT, nhất là theo hộ gia đình tăng chậm; đặc biệt là đối tượng hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình. Nhiều doanh nghiệp thực hiện các chính sách, pháp luật về BHYT chưa tốt; tình trạng doanh nghiệp trốn đóng và nợ BHXH, BHYT tăng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Chất lượng khám, chữa bệnh của ngành Y tế ở một số địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân; thái độ phục vụ của một số cán bộ y tế và thủ tục hành chính trong việc khám, chữa bệnh một số nơi chưa tốt, gây bức xúc cho người tham gia BHYT.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên chủ yếu là do một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chính sách, chế độ về BHXH, BHYT. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan BHXH ở địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả. Việc tổ chức thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật BHXH, BHYT chưa được thường xuyên. Hệ thống BHXH, BHYT chưa được hiện đại hóa và còn thiếu tính chuyên nghiệp. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT chưa được quan tâm đúng mức...
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 và Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, chế độ về BHXH, BHYT; tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”, Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị và chỉ tiêu bao phủ BHYT giao phải đạt giai đoạn 2016-2020 tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để xác định rõ trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và nâng cao nhận thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhân dân tự nguyện tham gia BHXH, BHYT; coi việc thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT là chỉ tiêu pháp lệnh phải thực hiện tại mỗi địa phương.
2. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng; đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT; nâng cao ý thức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia BHYT.
3. Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, BHYT; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh, nhất là BHXH tự nguyện, BHYT theo hộ gia đình; thực hiện mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân. Xây dựng hệ thống BHXH, BHYT từng bước hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao. Quản lý, sử dụng an toàn, hiệu quả và cân đối được các nguồn quỹ BHXH, BHYT.
4. BHXH tỉnh tham mưu UBND tỉnh để giao chỉ tiêu cho các địa phương thực hiện.
5. UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua chỉ tiêu thực hiện BHYT toàn dân trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 5 năm của địa phương; xem xét, cân đối các nguồn lực từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để hỗ trợ thêm cho người dân tham gia, đặc biệt là đối tượng hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2016-2020.
6. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là chính sách BHYT cho người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh, sinh viên, hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Phấn đấu đạt chỉ tiêu bao phủ BHYT hằng năm được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28-6-2016. Tổ chức tốt việc sơ kết, tổng kết công tác BHXH, BHYT hằng năm nhằm khen thưởng, biểu dương kịp thời các địa phương, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt; đồng thời phê phán, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
7. Ngành BHXH tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ, viên chức của ngành; xây dựng đội ngũ cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng vì người dân, có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước ở các cấp trong việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Quản lý tốt người hưởng BHXH, BHYT; các quỹ BHXH, quỹ BHYT, bảo đảm thu chi theo đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ của các cơ sở có ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHXH, đảm bảo công khai, minh bạch.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách BHXH, BHYT ở tất cả các cấp, các ngành, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã; nhanh chóng xoá bỏ tình trạng không tham gia hoặc nợ BHXH, BHYT của người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã; kiểm tra, giám sát việc sử dụng quỹ BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi của người có thẻ BHYT đồng thời hạn chế, ngăn chặn tình trạng trục lợi quỹ BHYT.
8. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối họp với BHXH tỉnh, Sở LĐ-TB và XH, Sở Y tế, LĐLĐ tỉnh, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết của Trung ương, chỉ thị của Tỉnh ủy, chương trình hành động của UBND tỉnh và chính sách, pháp luật, chế độ về BHXH, BHYT.
9. Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, BHXH tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai, quán triệt và thực hiện chỉ thị này; thường xuyên báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Chỉ thị này được phổ biến đến chi bộ Đảng./.