Thảo luận 4 dự án Luật

07:10, 28/10/2016

Ngày 26-10, kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XIV dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13.

Đề xuất rà soát toàn diện Bộ luật

Thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, nhiều đại biểu QH nêu rõ: Sửa đổi, bổ sung lần này là khắc phục triệt để những điểm chưa hợp lý của BLHS năm 2015, thậm chí là có thể sửa đổi căn bản, toàn diện Bộ luật. Ngoài sửa đổi, bổ sung những điều khoản đã được phát hiện có sai sót về kỹ thuật (38 điều), các nội dung có sự bất hợp lý (102 điều), nội dung được bãi bỏ (một điều), thì cần tiếp tục rà soát BLHS năm 2015 để phát hiện thêm và có phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp. Chẳng hạn, bổ sung tội danh mới, các vấn đề liên quan trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội hoặc tính toán kỹ hơn về tính hợp lý của việc cụ thể hóa hầu hết các yếu tố định tính trong BLHS năm 2015 thành các mức định lượng...

Nhiều ý kiến nêu rõ: QH không nên quá lệ thuộc vào thời hạn trình dự án Luật này mà hạn chế phạm vi sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015; đề nghị nên tập trung rà soát kỹ lưỡng, tổng thể và thông qua Bộ luật này trong hai kỳ họp, tức là cho ý kiến tại kỳ họp này và thông qua vào kỳ họp thứ ba năm 2017.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, chỉ nên sửa đổi, bổ sung ở mức tối đa những quy định của BLHS năm 2015 có lỗi kỹ thuật đã được phát hiện và những nội dung chưa hợp lý hoặc khó áp dụng trên thực tế, để bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, lô-gíc trong các quy định. Hơn nữa, việc sửa đổi cần bảo đảm không làm thay đổi những chính sách lớn của BLHS đã được QH khóa XIII thông qua và không đặt ra vấn đề mới dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung các luật khác đang được lùi hiệu lực thi hành cùng BLHS năm 2015. Đối với những nội dung liên quan chính sách mới, lý luận phức tạp chưa có thực tiễn kiểm nghiệm, thậm chí cả những quy định và cách tiếp cận chưa đạt được sự đồng thuận cao trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý, xem xét thông qua thì chưa nên sửa đổi, bổ sung lần này mà cần được tiếp tục nghiên cứu đầy đủ, toàn diện và thấu đáo hơn để có phương án sửa đổi phù hợp trong thời gian tới.

Kiên quyết phòng, chống và xử lý các loại tội phạm

Nhiều đại biểu QH quan tâm, băn khoăn về việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015 liên quan phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Theo nhiều đại biểu QH, Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ những quy định trong dự thảo luật bởi hiện nay, tình trạng người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật đang diễn biến rất phức tạp và ngày càng gia tăng. Đáng lo lắng hơn, trong đó có nhiều người phạm các tội nghiêm trọng, gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân. Các quy định của BLHS về vấn đề này cần đặc biệt chú ý ngăn chặn, phòng ngừa việc các đối tượng xấu lợi dụng trẻ em không trong độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Có ý kiến nhấn mạnh: Với tinh thần thượng tôn pháp luật thì tất cả tội phạm đều phải chịu trách nhiệm và bị trừng phạt như nhau, nhất là đối với những hành vi phạm tội nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Như vậy mới đủ sức răn đe và góp phần quan trọng ngăn chặn tình trạng tội phạm đang diễn biến phức tạp và ngày càng tăng như hiện nay. Vì vậy, nhiều đại biểu cho rằng không nên sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung nêu trên mà nên giữ nguyên như BLHS năm 1999. Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng, quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các tội danh cụ thể được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015... là hợp lý bởi kế thừa chính sách hình sự nhân đạo đối với người dưới 18 tuổi, đồng thời, làm sâu sắc thêm chính sách nhân đạo và tính nhất quán trong chính sách xử lý đối với đối tượng phạm tội là trẻ em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi trên tinh thần bảo đảm lợi ích tốt nhất cho các em.

Tình hình tội phạm về ma túy diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; các loại ma túy và cây có chứa chất ma túy xuất hiện ở nước ta ngày càng đa dạng. Nếu không có biện pháp đấu tranh, xử lý mạnh mẽ, linh hoạt, kịp thời đối với các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma túy hoặc các loại cây có chứa chất ma túy này thì sẽ hạn chế hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội ma túy. Trên tinh thần đó, dự án Luật bổ sung quy định mang tính dự báo “loại cây khác có chứa chất ma túy thuộc Danh mục do Chính phủ ban hành”... Một số đại biểu nhất trí với nội dung này và cho rằng, quy định như vậy sẽ góp phần tăng cường công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới, tạo thuận lợi và chủ động hơn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy. Đồng thời đề nghị, Ban soạn thảo cần quy định chặt chẽ để tránh tùy tiện trong áp dụng.

Về phòng, chống và xử lý tội phạm ma túy, nhiều đại biểu quan tâm việc bổ sung quy định liên quan vấn đề xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự (các Điều 248, 249, 250, 251 và 252 của BLHS năm 2015). Các ý kiến cho rằng, quy định như vậy là không hợp lý, không bảo đảm công bằng và chính xác trong thực tế đấu tranh và xử lý tội phạm ma túy. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia trên thế giới cũng không quy định phải xác định hàm lượng chất ma túy thu giữ được để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự.

Nhiều đại biểu quan tâm việc xử lý trách nhiệm đối với tội phạm về môi trường và cho rằng, BLHS chưa đề cập cụ thể, chưa quan tâm các hình thức xử lý mạnh, đủ sức răn đe đối với loại tội phạm này trong khi thực tế đang diễn ra rất phức tạp và nguy hiểm. Cùng với tội phạm về môi trường, một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo chú trọng hơn nữa loại tội phạm buôn bán, sản xuất thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bởi đây cũng là tội phạm nguy hiểm, gây những tác động tiêu cực đối với sức khỏe, cuộc sống của nhân dân. Đáng lo lắng, loại tội phạm này ngày càng phát triển trong khi các cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả. Vì vậy, dự thảo Luật cần đề ra những hình thức xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe và chặt chẽ hơn nữa.

Thảo luận về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, nhiều đại biểu tán thành sự cần thiết phải bổ sung quy định về phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại trong BLHS, để làm căn cứ xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự... Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, đây là vấn đề mới, phức tạp, cho nên chưa thể giải quyết căn bản về phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại tại lần sửa đổi này. Vì vậy, không cần thiết phải bổ sung quy định mà chỉ nên áp dụng chung theo các quy định của điều khoản khác trong BLHS. Việc áp dụng theo hướng này không chỉ giải quyết được việc phân loại tội phạm mà còn giải quyết được cả các chế định về phạm tội chưa đạt, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, đồng phạm, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự... đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

Có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung tội danh về lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong việc bổ nhiệm, tuyển dụng trái quy định, vi phạm pháp luật. Bởi hiện nay, tình trạng lạm dụng quyền lực để bổ nhiệm, tuyển dụng diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, gây bức xúc dư luận xã hội.

Cuối phiên thảo luận chiều 26-10, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đã tham gia giải trình, làm rõ thêm một số nội dung được đại biểu QH quan tâm.

Hôm qua, thứ năm, ngày 27-10-2016, Quốc hội làm việc tại hội trường. Buổi sáng, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý ngoại thương, dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) và thảo luận ở Tổ về dự án Luật Quản lý ngoại thương. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi)./.

Theo TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com