Nghe Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự và thảo luận kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020

07:10, 24/10/2016

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XIV sáng 21-10, các đại biểu QH làm việc tại hội trường nghe Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13.

Tại phiên thảo luận tổ, nhiều ý kiến đại biểu QH đồng tình quan điểm sửa đổi, bổ sung lần này là sửa đổi, bổ sung ở mức tối đa những quy định của BLHS năm 2015 được phát hiện lỗi và những nội dung chưa hợp lý nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, không làm thay đổi những chính sách lớn của BLHS đã được QH khóa XIII thông qua và không đặt ra vấn đề mới dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung các luật khác đang được lùi hiệu lực thi hành cùng BLHS năm 2015. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật này cần phải tiếp tục góp phần đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm...

Nhiều ý kiến đại biểu QH đã tập trung thảo luận về các nội dung quan trọng, cụ thể được nêu trong dự án Luật: Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của BLHS năm 2015; về phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại (khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật); về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi (khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật); về bổ sung dấu hiệu “bỏ trốn” vào cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; về việc bỏ tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông. Nhiều ý kiến đại biểu QH cũng tập trung phân tích quy định mới về xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự (được nêu trong các khoản từ 39 đến 43 Điều 1 dự thảo luật). Một số ý kiến đại biểu QH cho rằng, nếu làm tốt khâu giám định - lâu nay vốn được xem là vấn đề nan giải, cần nỗ lực giải quyết trong lần sửa đổi bộ luật lần này, sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc xử lý hình sự bảo đảm công bằng và nghiêm minh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu Quốc hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu Quốc hội.

Về thời gian trình QH xem xét thông qua dự án Luật, phần lớn ý kiến thảo luận ủng hộ việc thông qua dự án Luật tại hai kỳ họp được nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH. Theo đó, dự án Luật bao gồm rất nhiều vấn đề liên quan đến sửa đổi, bổ sung 141 điều do Chính phủ trình. Dự án Luật vẫn còn rất nhiều nội dung liên quan đến định lượng chi tiết thuộc chuyên ngành sâu chưa thống nhất được giữa các bộ, ngành có liên quan như: Cách tính tỷ lệ tổn thương cơ thể; định mức xả thải ra môi trường; chỉ số gây ô nhiễm môi trường; danh mục hàng cấm... Yêu cầu quan trọng khác là việc sửa đổi phải bảo đảm rà soát hết các sai sót, tránh tình trạng sau khi thi hành lại phát hiện sai sót khác. Đối với những quy định có thể dẫn đến tùy tiện trong áp dụng, thiếu nhất quán về chính sách hình sự, chưa phân hóa tội phạm, nội dung thiếu rõ ràng, mâu thuẫn với luật chuyên ngành… cũng cần nghiên cứu để sửa đổi nhằm bảo đảm tính thống nhất của cả bộ luật cũng như với các đạo luật khác. Việc thông qua dự án Luật tại hai kỳ họp của QH không làm ảnh hưởng việc áp dụng các quy định của BLHS năm 2015 có lợi cho người phạm tội đã được quy định tại nghị quyết của QH khóa XIII.

Ngày làm việc hôm 20-10, QH đã nghe Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Báo cáo thẩm tra nêu rõ: Theo Tờ trình của Chính phủ, dự kiến miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho toàn bộ đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết 55, bao gồm cả phần vượt hạn mức. Phần lớn ý kiến trong Ủy ban Tài chính và Ngân sách nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, việc miễn toàn bộ số thuế phải nộp cho các hộ gia đình, cá nhân, kể cả phần vượt hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện chính sách “tam nông” của Đảng và Nhà nước. Mặt khác, số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn của hộ gia đình, cá nhân chỉ khoảng 34,3 tỷ đồng/năm là không lớn và có tác động không đáng kể tới thu ngân sách Nhà nước.

Nhất trí với quan điểm này, nhiều ý kiến đại biểu QH thảo luận tại tổ cho rằng, việc thu thuế sử dụng đất nông nghiệp không nhằm mục đích tăng thu ngân sách Nhà nước mà nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng đất. Các đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh), Nghiêm Vũ Khải, Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) và một số đại biểu khác đồng tình với việc miễn thuế đất nông nghiệp với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân vì ảnh hưởng đến ngân sách không lớn. Bên cạnh đó, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với các tổ chức được giao đất nông nghiệp chính là đòn bẩy để thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, đối với những trường hợp lợi dụng chính sách, sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích khác, phải tăng cường rà soát, kiểm tra thường xuyên và phải thu thuế...

Sáng 22-10, QH thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch năm 2017; kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Trong phiên làm việc tại tổ, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch năm 2017, nhiều đại biểu nhận định: Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội và môi trường trong nước gặp phải những thách thức lớn, song nhìn tổng thể năm 2016, Chính phủ đã có nỗ lực rất lớn trong quản lý, điều hành, khắc phục khó khăn, tìm lối thoát cho sự phát triển. Tăng trưởng kinh tế tuy không đạt kế hoạch nhưng vẫn khá cao so với các nước trong khu vực.

Đánh giá chung năm 2016, các đại biểu cho rằng: đây là năm nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn khách quan do kinh tế thế giới phục hồi chưa vững chắc, giá dầu thô giảm sâu, những tác động này ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế nước ta, thu ngân sách từ dầu thô sụt giảm. Ở trong nước, những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu như hạn hán và mặn xâm nhập ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở miền Trung và Tây nguyên, sự cố môi trường do Cty Fomosa gây ra hay hậu quả của bão, lũ lụt đang xảy ra ở các tỉnh miền Trung. Bên cạnh đó, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận một số yếu tố chủ quan khiến cho tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, đó là khả năng cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế. 

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của năm 2016, nhiều đại biểu khác nhận định, một bộ máy Chính phủ mới với phương châm kiến tạo - hành động - liêm chính, cùng với những quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành nên đã góp phần tạo nên những thành tựu đáng kể trong năm 2016. Song, nhìn nhận lại các yếu tố khách quan tác động vào nền kinh tế thì cũng có yếu tố chủ quan do con người gây ra. Tình trạng lũ lụt, hạn hán, mặn xâm nhập có nguyên nhân do quy hoạch, khai thác chưa được quản lý chặt chẽ, cần tính toán lại trong quy hoạch, định hướng và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), các giải pháp của Chính phủ đề ra nếu không có kịch bản lường trước thì khó thực hiện được, nhất là về thu ngân sách, nguồn vốn cho đầu tư phát triển và cải thiện môi trường đầu tư. Thời gian qua, Chính phủ rất tích cực, tạo điều kiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nhưng rào cản hiện nay chính là cải cách hành chính chưa được cải thiện đáng kể. Thủ tục hành chính rườm rà và những người thực hiện công vụ thiếu trách nhiệm và nhũng nhiễu đang là trở lực lớn khiến nhà đầu tư trong nước và nước ngoài rất lo ngại và nhụt chí. Đặc biệt là đối với chủ trương thúc đẩy kinh tế tư nhân, nếu không giải quyết được vấn đề này thì khó thực hiện được các mục tiêu đề ra. 

Đại biểu Lê Thanh Vân nêu cho rằng: đi sâu hơn sẽ thấy các doanh nghiệp rất khó thở khi bộ máy chính quyền sở tại, các cơ quan chức năng thường xuyên gây khó khăn, khiến cho doanh nghiệp chưa kịp lớn đã còi cọc. Nên thấu hiểu tình trạng đó để tháo gỡ khó khăn. Tôi nghĩ rằng nhiều giải pháp nhưng quan trọng nhất chính là chất lượng phục vụ của chính quyền. Trong giải pháp đưa ra nên bổ sung giải pháp cơ cấu lại nguồn lực. Đặc biệt chất lượng cán bộ công chức, những người đứng đầu bộ máy hành chính.

Một số đại biểu đề nghị, Chính phủ cần xác định tập trung vào một số giải pháp mũi nhọn. Hiện nay, động lực cho tăng trưởng chưa thay đổi, chủ yếu nhờ vào đầu tư nhưng còn 2 yếu tố giúp cho nền kinh tế ổn định trong tăng trưởng đó là năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực thì chuyển biến chưa nhiều. Đây là vấn đề lớn Chính phủ cần quan tâm trong việc xây dựng chính sách. 

Theo đại biểu Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre): “Đối với các nguồn thu không đạt thì chúng ta phải nghiên cứu định hướng một cách chiến lược, cái nào cần khai thác, cái nào tạm dừng, từ từ để khi nào có lợi cho quốc gia thì chúng ta tính toán khai thác lại. Đặc biệt, việc bồi dưỡng các nguồn thu hiện nay đang có vấn đề. Chúng ta giảm hàng loạt các lĩnh vực khác để doanh nghiệp phát triển. Nhưng bên cạnh đó, nuôi dưỡng họ để tạo ra nguồn thu, rồi xử lý vấn đề trốn thuế, nợ đọng thuế, xử lý chuyển giá của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì hiện nay chúng ta chưa có giải pháp căn cơ để xử lý. Chính phủ phải mạnh dạn và quyết liệt hơn vấn đề này”.

Trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm tới mà Chính phủ trình, qua thảo luận, nhiều đại biểu cũng nhất trí không đưa ra mục tiêu tổng quát cho từng năm nhưng phải có mục tiêu cụ thể để thực hiện tốt mục tiêu tổng thể của 5 năm. Trong số 13 chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2017, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ cơ sở xây dựng, tính khả thi và mối quan hệ phụ thuộc của các chỉ tiêu tăng trưởng như dự kiến GDP 6,7%, tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội 31% GDP, tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 6-7% để bảo đảm phản ánh đúng tình hình thực tế đất nước.

Đánh giá về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng ít có sự chuyển biến; tốc độ cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn chậm, trong đó có nguyên nhân là chưa có sự vào cuộc quyết liệt của một số bộ, ngành, chưa xác định trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp; hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Nhà nước chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực Nhà nước giao... Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước giai đoạn 2005-2015. Có ý kiến cho rằng tái cơ cấu các tổ chức tín dụng còn nhiều vướng mắc, hoạt động quản lý rủi ro, quản trị điều hành tại một số tổ chức tín dụng còn yếu kém... 

Trong xây dựng NTM, nhiều ý kiến cho rằng cần chú ý đến tính đồng đều giữa các tỉnh và tính bền vững của những xã đạt chuẩn để tiếp tục duy trì và nâng cao hơn thu nhập, chất lượng sống người dân. Đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình) đề nghị báo cáo rõ hướng xử lý nợ đọng xây dựng NTM; khó khăn, vướng mắc của việc thực hiện tích tụ ruộng đất hình thành cánh đồng lớn sản xuất tập trung; việc thu hút doanh nghiệp, phát triển hợp tác xã kiểu mới, hình thành các liên kết kinh tế bền vững trong sản xuất nông nghiệp. 

Qua thảo luận, nhiều ý kiến thể hiện sự tán thành với những giải pháp được Chính phủ đề ra trong thực hiện nhiệm vụ năm 2017, trong đó nhấn mạnh tới ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Tập trung tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; Tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống cho người dân; Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên... 

Về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, nhiều ý kiến nhất trí với đánh giá của Chính phủ. Kinh tế vĩ mô ổn định, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu. Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM đã được triển khai thực hiện; tái cơ cấu công nghiệp, dịch vụ đang được triển khai từng bước. Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng kết quả tái cơ cấu nền kinh tế chưa thực sự rõ nét, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; chưa làm rõ mô hình tăng trưởng, phương thức phân bổ nguồn lực xã hội về cơ bản chưa thay đổi. 

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nêu rõ cần phải thảo luận, đánh giá việc tái cơ cấu kinh tế thực hiện trong giai đoạn 2011-2015 đã đúng hướng hay chưa, có đạt được mục tiêu QH đề ra. Việc tái cơ cấu lại thị trường tài chính, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu ngân hàng thương mại, Phó Chủ tịch QH đánh giá vừa qua làm tương đối quyết liệt nhưng vẫn còn có cái chưa thực chất như là vấn đề xử lý nợ xấu. Một vấn đề được Phó Chủ tịch QH nhìn nhận là nguyên nhân của hạn chế đó là chưa xác định rõ mô hình tăng trưởng như thế nào. Nếu mô hình tăng trưởng đã rõ rồi thì chúng ta mới cơ cấu nền kinh tế theo mô hình đó. Đây là vấn đề Phó Chủ tịch QH đề nghị cần bàn thảo rõ ràng./.

Tin, ảnh: TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com