Khai mạc phiên họp thứ 4 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

07:10, 04/10/2016

Sáng 3-10, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp thứ 4 với nội dung cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp.

Trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong quá trình xây dựng dự án Luật, có 2 cách tiếp cận khác nhau về quan điểm sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015.

Cách tiếp cận thứ nhất cho rằng, trên cơ sở kết quả rà soát BLHS năm 2015 của Tổ công tác liên ngành do Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội chủ trì, ý kiến đề xuất của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan và với quy mô của một Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 thì nên xác định quan điểm sửa đổi, bổ sung BLHS lần này là: Sửa đổi, bổ sung ở mức tối đa những quy định của BLHS năm 2015 có lỗi kỹ thuật đã được phát hiện và những nội dung rõ ràng là chưa hợp lý hoặc có thể khó áp dụng trên thực tế liên quan đến một số chính sách cụ thể được thể hiện trong một số điều luật của BLHS năm 2015 nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, logic trong các quy định của BLHS, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Không làm thay đổi những chính sách lớn của BLHS đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và không đặt ra vấn đề mới dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung các luật khác đang được lùi hiệu lực thi hành cùng BLHS năm 2015. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 cần phải tiếp tục góp phần đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Phiên họp.

Theo cách tiếp cận thứ hai thì cần xác định quan điểm sửa đổi, bổ sung BLHS lần này là khắc phục triệt để những điểm chưa hợp lý của BLHS năm 2015, thậm chí là có thể sửa đổi căn bản, toàn diện Bộ luật, trong đó giải quyết một cách đồng bộ các vấn đề liên quan đến việc lượng hóa các tình tiết mang tính định tính trong BLHS, nhất là các mức định lượng về hậu quả (tính mạng, sức khỏe, tài sản) cũng như xử lý một cách cơ bản các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại mà một trong những vấn đề cốt lõi là mối quan hệ giữa việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại với khái niệm tội phạm, phân loại tội phạm; mối quan hệ giữa trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại với trách nhiệm hình sự của cá nhân... 

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đã thiết kế dự thảo Luật trên cơ sở cách tiếp cận thứ nhất.

Theo đó, phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 lần này liên quan đến 141 điều của Bộ luật, gồm 18 điều thuộc phần Những quy định chung và 123 điều thuộc phần Các tội phạm, trong đó có 43 điều sửa đổi về kỹ thuật, 97 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và bãi bỏ 1 điều.

Cụ thể, dự thảo Luật đã điều chỉnh mức định lượng tại các khoản của 64 điều luật của BLHS năm 2015; trong đó có 49 điều liên quan đến mức định lượng về tỷ lệ thương tích, tổn hại cho sức khỏe và 15 điều luật liên quan đến các mức định lượng khác thuộc cấu thành một số tội phạm về kinh tế, môi trường, ma túy, xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng và một số tội khác. Đặc biệt, dự thảo Luật đã điều chỉnh mức định lượng về khối lượng, thể tích các chất ma túy tại các khoản của các điều luật để tránh trùng lặp và phù hợp với thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử từ trước đến nay, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.

Dự thảo Luật đã điều chỉnh mức hình phạt trong các khung hình phạt của 12 điều luật liên quan đến tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, một số tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, xâm phạm an toàn giao thông và trật tự công cộng nhằm bảo đảm phân hóa chính sách xử lý đối với từng trường hợp phạm tội, nhất là giữa trường hợp phạm tội đã gây ra hậu quả với trường hợp phạm tội có khả năng gây ra hậu quả.

Dự thảo Luật đã có những sửa đổi, bổ sung liên quan đến cấu thành của một số tội phạm quy định tại 44 điều luật của BLHS năm 2015 để phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm...

Thẩm tra dự án Luật này, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho biết, Uỷ ban này tán thành với quan điểm sửa đổi, bổ sung của Chính phủ. Đồng thời cho rằng, đối với nhiều chính sách hình sự đã được Bộ Chính trị cho ý kiến, Quốc hội thông qua, các chính sách nhân đạo, tiến bộ mới được đưa vào BLHS năm 2015 thì không đặt vấn đề xem xét, sửa đổi lần này mà cần phải qua quá trình thi hành để tổng kết, đánh giá mới xác định được tính hiệu quả và tiến hành nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung. Bà Lê Thị Nga nhấn mạnh: “Dự án Luật lần này chỉ tập trung sửa đổi những quy định rõ ràng có sai sót dẫn đến bỏ lọt tội phạm (các điều luật bỏ trống mức định lượng), hoặc có thể dẫn đến tùy tiện trong áp dụng (các điều luật có quy định trùng mức định lượng, cùng một đối tượng tác động nhưng lại quy định ở các điều luật khác nhau mà không có quy định loại trừ) hoặc thiếu nhất quán về chính sách hình sự (chủ yếu các điều luật ở phần chung của BLHS hoặc chưa phân hóa tội phạm)…”. Tuy nhiên, việc sửa đổi phải bảo đảm là đã khắc phục hết được những sai sót, tránh tình trạng sau khi thi hành lại tiếp tục phát hiện có sai sót. Bên cạnh đó, cũng cần phải nghiên cứu để sửa đổi các điều luật có quy định chưa rõ về nội dung, mâu thuẫn với luật chuyên ngành, sai hoặc không phù hợp về kỹ thuật lập pháp; gây khó khăn trong xử lý tội phạm, thiếu tính dự báo… để bảo đảm tính thống nhất của cả Bộ luật cũng như với các đạo luật khác.

Đồng thời, bà đề nghị Chính phủ giải trình cụ thể hơn nữa một số điều luật được sửa đổi lần này có liên quan đến chính sách hình sự như: không xử lý hình sự đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng tại các Điều 134, 139, 169 đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, hành vi cung cấp dịch vụ trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292); bổ sung 2 loại chất ma túy mới, bổ sung hàng cấm là thuốc lá điếu có nguồn gốc, xuất xứ nước ngoài, pháo các loại…

Về thời gian trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật, bà Lê Thị Nga đề nghị UBTVQH trình Quốc hội cho phép thông qua dự án Luật tại 2 kỳ họp (tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội thảo luận cho ý kiến và tại Kỳ họp thứ 3 thì thông qua).

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhận xét, dự thảo Luật được xây dựng trên quan điểm chỉ sửa những điều cần thiết nhưng phạm vi sửa đổi, bổ sung lại rất lớn, có nhiều điểm mới. “Cần tiếp tục rà soát để thu hẹp phạm vi sửa đổi, ví dụ như pháp nhân thương mại không nhất thiết có đến 8 điều, 16 nội dung” - ông đề nghị.

Đối với đề xuất bổ sung chất ma tuý XLR-11 (được tẩm trong cỏ Mỹ), ông cho rằng thực tiễn đấu tranh phòng, chống ma túy ở nước ta cho thấy tội phạm về ma túy diễn biến rất phức tạp, chất ma túy ra rất nhanh... Vì vậy để bảo đảm chặt chẽ, tránh việc lạm dụng thì dự thảo Luật cần quy định rõ là: các chất ma túy khác được Chính phủ quy định trong danh mục chất ma túy và tiền chất theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy.

Tán thành việc bỏ tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292, BLHS năm 2015), song Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định đề nghị giữ lại hai hành vi là hành vi cấm kinh doanh vàng tài khoản và kinh doanh đa cấp bất chính trên mạng máy tính, mạng viễn thông vì phạm vi ảnh hưởng, tính chất và mức độ nguy hiểm cao cho xã hội, hậu quả lớn, rất khó khắc phục cần phải có quy định để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nhấn mạnh, việc sửa đổi BLHS phải thận trọng, không để sai sót; đề nghị UBTVQH trình Quốc hội cho phép thông qua dự án Luật tại 2 kỳ họp.

Trong đó, liên quan đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự, ông bày tỏ đồng tình với ý kiến của cơ quan thẩm tra. Theo đó, không xử lý hình sự hành vi “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”, “hiếp dâm”, “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thuộc trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng với những lý do như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ. Theo ông, quy định này bảo đảm phù hợp với chính sách nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội được thể hiện trong các nghị quyết của Đảng và quan điểm xuyên suốt trong các BLHS từ trước đến nay của Nhà nước ta.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhất trí chỉ sửa 141 điều có sai sót về mặt kỹ thuật và những nội dung rõ ràng là chưa hợp lý, không nên mở rộng ra. Ông nói: “Sửa luật phải hết sức thận trọng, ví dụ tội về an toàn vệ sinh thực phẩm, tàng trữ vũ khí..., quy định chi tiết cũng cần thận trọng, tránh gây khó khăn trong thực tiễn”.

Dưới góc độ công tác dân nguyện, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị, giữ lại hành vi cấm kinh doanh đa cấp bất chính trên mạng máy tính, mạng viễn thông bởi “kinh doanh bán hàng đa cấp đang tạo nên cơn ác mộng đa cấp, rất khó kiểm soát”./.

Tin, ảnh: TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com