Nam Định thực hiện lời hiệu triệu của Hồ Chủ tịch: "Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta!"

06:09, 03/09/2016

Đi trên con đường mang tên Đinh Thúc Dự tại Khu đô thị Hòa Vượng (TP Nam Định), ông Đinh Quang Tỉnh (là con trai liệt sĩ Đinh Thúc Dự, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Nam Định) đã tặng tôi cuốn sách “Đinh Thúc Dự - Một tấm gương quả cảm vì quê hương” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh phối hợp phát hành. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Đinh Quang Tỉnh xúc động kể: Bố tôi tham gia hoạt động cách mạng từ những năm 1930. Năm 20 tuổi, ông được cử làm bí thư chi bộ Đảng Đông An, một trong 2 chi bộ Đảng sớm nhất ở huyện Xuân Trường. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông đã chỉ huy quân khởi nghĩa kéo cờ đỏ sao vàng tiến vào phủ Xuân Trường, bắt sống tên tri phủ và bọn tay sai bán nước, giành chính quyền về tay nhân dân. Khi đã chiếm được phủ Xuân Trường, thu nhiều chiến lợi phẩm của địch để trang bị vũ khí, súng đạn cho quân khởi nghĩa, đoàn quân cách mạng càng thêm phấn khởi, khí thế sục sôi, dâng cao lá cờ đỏ sao vàng ồ ạt tiến đánh đồn Lạc Quần chỉ trong vòng một giờ đồng hồ, sau đó tiến đánh đồn Ngô Đồng và huyện lỵ Giao Thủy. Bọn bảo an, bảo hoàng chống đỡ yếu ớt rồi đồng loạt đầu hàng quân cách mạng. Việc chi bộ Đảng xã Xuân Thành và nhân dân trong huyện thực hiện thành công lệnh Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền tại huyện lỵ Xuân Trường và Giao Thủy không mất một viên đạn, không đổ một giọt máu là do sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo tài tình, quyết định sáng tạo, đúng đắn và biết vận dụng đúng thời cơ của đồng chí Đinh Thúc Dự. Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Đinh Thúc Dự được cấp trên giao trọng trách Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến và Bí thư Huyện ủy Xuân Trường. Rồi toàn quốc kháng chiến, từ cuối năm 1949, nhiều huyện lỵ của tỉnh Nam Định bị địch tạm chiếm, các cơ sở của Đảng ở vùng địch hậu phải rút vào hoạt động bí mật, đồng chí Đinh Thúc Dự vẫn kiên cường bám đất, bám cơ sở để trực tiếp chỉ huy lực lượng chống thực dân Pháp ở ba huyện Xuân Trường, Giao Thủy và Hải Hậu.

Một góc Thị trấn Yên Định (Hải Hậu).
Một góc Thị trấn Yên Định (Hải Hậu).

Bác Bùi Văn Sùng, 89 tuổi, quê xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng), hiện là Trưởng Ban liên lạc cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa tỉnh Nam Định là người chứng kiến khí thế giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trên mảnh đất quê hương. Trong tâm thức của bác Sùng, những hình ảnh về đời sống cơ cực của người dân quê hương phải chịu sự áp bức “một cổ hai tròng” dưới chế độ phong kiến hà khắc và sự bóc lột của thực dân Pháp cách đây 71 năm luôn hiện hữu. Nạn đói năm 1945, xã Nghĩa Minh có 814 người chết, trong đó, có gần 50 hộ chết không còn người nào như: hộ ông Trần Văn Ngưỡng có 11 người chết; hộ ông Hoàng Văn Vơn có 7 người chết; hộ ông Hoàng Văn Nhơn có 6 người chết... Thảm cảnh 1/3 dân số trong toàn xã Nghĩa Minh chết đói năm 1945 là minh chứng cho tội ác tàn bạo của chế độ thực dân, phong kiến. Ngày 18-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa; trong đó nêu rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta… Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên”. Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các vùng quê Nghĩa Hưng và đồng bào cả nước, triệu người như một, nhất tề đứng lên giành chính quyền. Sáng 20-8-1945, Uỷ ban Khởi nghĩa phát lệnh giành chính quyền trong toàn phủ Nghĩa Hưng. Lực lượng cách mạng tiến đánh đồn Ngòi Cái (Quần Liêu - Nghĩa Sơn); địch đã phải đầu hàng vô điều kiện. Chiếm xong đồn Ngòi Cái, lực lượng cách mạng triển khai theo đường 55 kéo thẳng xuống Giáo Lạc (Nghĩa Tân) bức tên bang tá đầu hàng, thu toàn bộ tài liệu ấn tín. Thừa thắng, lực lượng cách mạng kéo về Quỹ Nhất; theo triền đê sông Đáy, hạ tiếp các đồn Âm Sa, Đài Môn (Nghĩa Phú) rồi trở về hội tụ ở Quần Liêu để kéo lên chiếm phủ lỵ. Chiều 21-8-1945, lực lượng cách mạng xuất phát từ Quần Liêu vượt đò Đống Cao sang phối hợp với lực lượng ở miền trung Nghĩa Hưng do đồng chí Nguyễn Trọng Hợp lãnh đạo, giành chính quyền phủ. Sang đến nơi thì lực lượng ở đây đã phối hợp với lực lượng cách mạng ở Lương Kiệt, Hào Kiệt do đồng chí Nguyễn Cơ Thạch và đồng chí Song Hào lãnh đạo, kéo vào giành chính quyền ở phủ lỵ.

Tại huyện Hải Hậu, khí thế đấu tranh giành chính quyền trong khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám diễn ra sôi nổi. Ông Trần Văn Ngạc, xã Hải Bắc (Hải Hậu), 92 tuổi, là Bí thư chi bộ đầu tiên của xã Quần Phương Hạ (nay tách thành 2 xã Hải Phương và Hải Bắc) kể: Sau đảo chính Nhật - Pháp, ở Hải Hậu, Ban Cán sự Đảng tỉnh đã cử đồng chí Nguyễn Thiết Giáp về phụ trách phong trào trong huyện. Ngày 21-8-1945, đồng chí Nguyễn Thiết Giáp tiến hành tập hợp quần chúng giành chính quyền huyện. Trong lúc đó, đồng chí Đặng Xuân Thiều và đồng chí Nguyễn Trường Thuý ở chợ Cồn được tin các nơi đã khởi nghĩa, mặc dù chưa nhận được lệnh của Ban Cán sự, vẫn chủ động tập hợp lực lượng cách mạng và quần chúng chiếm đồn đoan Văn Lý, tịch thu toàn bộ tài sản, sau đó tổ chức mít tinh ở chợ Cồn, đồng thời một bộ phận do đồng chí Nguyễn Trường Thuý chỉ huy đánh chiếm phủ lỵ. Khoảng 10 giờ ngày 21-8, lực lượng vũ trang của ta bất ngờ đột nhập vào phủ. Bọn nha lại, binh lính tinh thần hoang mang suy sụp cực độ không kịp chống cự bị ta khống chế, tịch thu toàn bộ vũ khí. Lực lượng do đồng chí Nguyễn Thiết Giáp và Trần Văn Chử tổ chức tiến đến phủ lỵ, hai bộ phận phối hợp thành lập chính quyền cách mạng lâm thời huyện Hải Hậu. Cách mạng thành công, chính quyền phủ Hải Hậu về tay nhân dân trong niềm hân hoan của người dân. Sáng 23-8-1945, Phủ bộ Việt Minh Hải Hậu tổ chức mít tinh trọng thể tại sân vận động, tuyên bố xoá bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng. Ở Quần Phương Hạ, ngày 25-8-1945, Mặt trận Việt Minh tổ chức mít tinh tuyên bố trước nhân dân thành lập Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời, xóa bỏ chính quyền phong kiến tay sai, đế quốc. Từ đây, phong trào cách mạng ở Hải Hậu dưới sự lãnh đạo của Đảng chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng, củng cố và bảo về chính quyền dân chủ nhân dân.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng nhân dân cả nước, người dân Nam Định chung sức, chung lòng, nhất tề đứng lên đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, đế quốc, trở thành chủ nhân của một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta!”./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com