Những năm qua, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Vụ Bản đã bám sát nhiệm vụ chính trị, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần vào công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn.
Một góc Thị trấn Gôi (Vụ Bản). |
Là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của huyện, hằng năm, Trung tâm đã tham mưu với Ban Thường vụ Huyện ủy về công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, đối tượng Đảng; đồng thời, chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình và tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hội, đoàn thể cho phù hợp với từng thời điểm và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên trách và giảng viên kiêm chức gồm lãnh đạo các ban, ngành trong huyện có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ năng lực vững vàng và khả năng truyền đạt cao. Hiện tại, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị của huyện có 8 cán bộ, trong đó có 3 giảng viên chuyên trách, 5 giảng viên kiêm chức; 100% giảng viên chuyên trách và kiêm chức có trình độ chuyên môn đại học, cao cấp lý luận chính trị. Các giảng viên đều đảm nhiệm các chức danh phó, trưởng ban và tương đương của huyện; trong đó có 4 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, 2 đồng chí là ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy. Đội ngũ giảng viên thường xuyên được trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật thông tin thời sự, bám sát nội dung, vận dụng phù hợp với thực tiễn, từng bước áp dụng các phương tiện trợ giảng nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Hằng năm, Trung tâm đều cử cán bộ tham gia các hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi, các kỳ hội giảng, các hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh, các lớp tập huấn của Trung ương và của tỉnh tổ chức. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên đi nghiên cứu thực tế, học tập tại các địa phương trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cao trình độ năng lực, có cơ hội giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy. Để phục vụ cho công tác giảng dạy, Trung tâm từng bước trang bị máy tính xách tay, máy chiếu, màn chiếu… phục vụ yêu cầu giảng dạy bằng giáo án điện tử cho cán bộ, giảng viên. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng yêu cầu các giảng viên chuẩn bị bài giảng chu đáo; có kế hoạch tổ chức sinh hoạt chuyên đề cho giảng viên, đồng thời bố trí thời gian cho giảng viên dự giờ để bổ khuyết, học tập lẫn nhau về phương pháp giảng dạy. Với phương châm “học đi đôi với hành”, Trung tâm đã chỉ đạo cán bộ, giảng viên đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng mở rộng liên hệ giữa lý luận với thực tiễn, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn công tác; tăng cường khả năng vận dụng thực tiễn vào bài giảng; tăng cường đối thoại giữa giảng viên và học viên; chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt, những truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước, nhằm định hướng giáo dục tư tưởng tình cảm tốt đẹp cho học viên; lồng ghép một số nội dung phù hợp với điều kiện thực tế. Trong đó Chương trình bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng, đảng viên mới, sơ cấp lý luận chính trị bổ sung các chuyên đề “Lịch sử Đảng bộ huyện Vụ Bản”; “Tình hình kinh tế - xã hội địa phương’’... Đây là những chuyên đề cung cấp kiến thức cơ bản về lịch sử đất và người địa phương qua các giai đoạn lịch sử cũng như trong thời điểm hiện tại và tình hình kinh tế, chính trị trên địa bàn để học viên dễ liên hệ, so sánh thực tế và vận dụng vào công việc chuyên môn của mình. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức cho học viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các địa phương trong và ngoài tỉnh về chuyên đề xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh; chương trình xây dựng NTM; đề án tái cơ cấu nông nghiệp… nhằm nâng cao kiến thức và khả năng vận dụng thực tế cho giảng viên, học viên. Đặc biệt từ năm 2012 đến nay, Trung tâm đã duy trì việc tổ chức đi tham quan học tập thực tế cho các tân binh học lớp nhận thức về Đảng trước khi lên đường làm nghĩa vụ quân sự tại các địa danh, cơ sở cách mạng trên địa bàn tỉnh như: Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Phòng truyền thống Bộ CHQS tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Khu di tích lịch sử Văn hóa Đền Trần, Chùa Tháp… để khơi dậy và giáo dục niềm tự hào và truyền thống cách mạng của tỉnh cho những chiến sĩ trẻ. Kết quả sau quá trình học tập tại Trung tâm các học viên đã được nâng cao về trình độ lý luận, kiến thức và năng lực công tác, vận dụng lý luận vào thực tiễn công việc ở cơ sở, tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên toàn địa bàn huyện.
Đồng chí Trần Bùi Mịch, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Vụ Bản cho biết: Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm đã mở 5 lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng cho 397 cán bộ, đảng viên và quần chúng ưu tú; 3 lớp đảng viên mới cho 258 đảng viên; phối hợp tổ chức 4 lớp Trung cấp Chính trị - Hành chính cho 341 học viên; 48 lớp tập huấn, hội nghị chuyên đề cho 3.340 cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, thời gian tới Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Vụ Bản tiếp tục bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh hơn nữa việc nâng cao chất lượng dạy và học, trọng tâm là các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp lý luận chính trị và bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đối tượng kết nạp Đảng, đảng viên mới và bồi dưỡng các chuyên đề, cán bộ chủ chốt của xã, thị trấn và các khối đoàn thể. Trong giảng dạy gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo điều kiện cho học viên nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tốt các tình huống từ cơ sở. Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo hướng hiện đại hoá, đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng