Sáng 22-9, buổi làm việc cuối cùng phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật về hội. Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận dự án Luật về hội. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp với cơ quan soạn thảo dự án Luật (Bộ Nội vụ) và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH.
Cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, các đại biểu cho rằng, ban soạn thảo đã có sự điều chỉnh theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, trước việc đại biểu đặt ra là cán bộ, công chức có bị hạn chế trong việc tham gia hội hay không, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, theo tinh thần của dự thảo Luật đã trình Quốc hội và tiếp thu lần này, thì hội có hai loại. Thứ nhất là hội không đăng ký, tức là hội theo tinh thần Hiến pháp, họ tự nguyện lập hội, tự quản, tự trang trải, tự chịu trách nhiệm, không phải đăng ký với cơ quan Nhà nước; chẳng hạn như hội đồng hương, đồng ngũ, hội cựu học sinh, hay thậm chí là hội thích uống bia..., Thực tế hiện nay chúng ta cũng là thành viên của rất nhiều hội đồng hương. Với những hội này thì không hạn chế cán bộ, công chức tham gia vì đó là quyền tự do công dân. Hơn nữa, công chức lại còn chịu sự điều chỉnh của Luật Công chức.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khắc Định, với loại hội thứ hai là hội đăng ký, theo quy định là có tư cách pháp nhân thì cán bộ, công chức bị hạn chế. Lý giải thêm về vấn đề này, ông Định cho biết, khi thảo luận vấn đề này, cũng có ý kiến cho rằng cần cấm, vì nếu không sẽ làm mất tính độc lập của các hội, mất đi tính khách quan trong hoạt động công vụ của Nhà nước. Tuy nhiên thực tế hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang cử cán bộ, thậm chí là cán bộ cấp cao làm lãnh đạo hoặc tham gia điều hành một số hội, thậm chí một số hội có Đảng, đoàn thì do Đảng và Nhà nước cử lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao.
“Vì vậy, dự thảo Luật quy định đối với hội có đăng ký thì cán bộ, công chức và những người đang làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân chỉ được sáng lập hội, đăng ký thành lập hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động các hội có đăng ký, khi được cơ quan có thẩm quyền phân công. Tức là nếu không được phân công thì không được tham gia. Đây chính là điểm hạn chế quyền lập hội của những cán bộ, công chức”, ông Nguyễn Khắc Định cho biết.
Liên quan đến vấn đề về hội không đăng ký, theo Ủy ban Pháp luật, tại dự thảo lần này, sau khi tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật được tiếp thu chỉnh lý có một chương riêng (Chương II) quy định về hội không đăng ký. Tại hội nghị ĐBQH chuyên trách một số ý kiến cho rằng, đối với hội không đăng ký để bảo đảm có thể quản lý hoạt động của hội này thì phải bổ sung trách nhiệm của hội không đăng ký trong việc thông báo bằng văn bản việc thành lập hội và người đại diện theo ủy quyền của các hội viên với UBND cấp xã nơi có địa chỉ liên lạc. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã quy định nội dung này tại khoản 4 Điều 12 của dự thảo Luật.
Về vấn đề này, theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội Trần Văn Túy, ban soạn thảo đã tiếp thu khá đầy đủ ý kiến từ hội nghị chuyên trách, trong đó đã đưa các quy định về hội không đăng ký vào dự thảo. Nhưng đại biểu Túy đặt vấn đề: Quy định như trong dự thảo là hội này có người đại diện theo ủy quyền của các hội viên, có địa chỉ liên lạc cụ thể, rõ ràng. Hội phải có thông báo bằng văn bản với UBND cấp xã nơi có địa chỉ liên lạc về việc thành lập hội,... Nếu đưa vào thực tiễn cuộc sống thì quy định này có thực hiện được không? Hội đồng ngũ thì các hội viên là quân nhân nên có thể họ thông báo văn bản tới UBND xã khi thành lập hội, nhưng các hội khác như hội đồng niên, hội chơi chim, cá cảnh... thì sao?
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng ban soạn thảo nên cân nhắc đưa vào dự thảo quy định hẳn một chương riêng quy định về điều kiện, nghĩa vụ hoạt động của hội không đăng ký và đề nghị chỉ nên tập trung vào những hội có đăng ký để quản lý. Đồng tình với ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng bày tỏ sự băn khoăn khi dự án Luật đưa vào cả “Hội đăng ký” và “Hội không đăng ký”. “Nếu đưa vào luật cả hội không đăng ký thì dứt khoát phải giải mã cụ thể hội nào phải đăng ký, hội nào không đăng ký”, đại biểu Nguyễn Thúy Anh đề xuất./.
Theo baotintuc.vn