Sáng 17-8, Hội thảo quốc tế với chủ đề “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông” đã khai mạc tại Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Hội thảo do Trường Đại học Phạm Văn Đồng phối hợp với Trường Đại học Nha Trang tổ chức, thu hút sự tham dự của khoảng 100 đại biểu đến từ Mỹ, Ca-na-đa, Nhật Bản, Nga, Đức, Ấn Độ, Ốt-xtrây-li-a, Hàn Quốc, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Xinh-ga-po và Việt Nam, trong đó có các học giả, nhà nghiên cứu có kiến thức chuyên sâu về Luật Biển quốc tế và đặc biệt quan tâm đến tình hình Biển Đông hiện nay.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng nhấn mạnh, từ lâu vấn đề quy chế pháp lý của đảo, đá theo luật quốc tế, đặc biệt là việc giải thích và áp dụng Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) đã là một trong những chủ đề thu hút được sự quan tâm và nghiên cứu của không chỉ giới luật gia quốc tế mà còn cả những người nghiên cứu chính trị quốc tế cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực tự nhiên, hàng hải. Việc nghiên cứu, làm rõ vấn đề quy chế pháp lý của đảo, đá càng có ý nghĩa hơn trong trong bối cảnh khu vực Biển Đông, nơi tồn tại không chỉ các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa mà còn có sự giải thích khác nhau về quy chế pháp lý của các đối tượng tranh chấp này.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. |
“Cũng đã có những ý kiến cho rằng, bên cạnh nhiều nguyên nhân và yếu tố khác, chính sự không rõ ràng về quy chế pháp lý của đảo, đá và các thực thể khác trong khu vực Biển Đông cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tình hình tranh chấp ở khu vực Biển Đông ngày càng phức tạp. Một minh chứng cụ thể của nhận định này là các hoạt động bồi đắp, xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc với mục đích nhằm vừa làm thay đổi hiện trạng vừa làm thay đổi quy chế pháp lý của các thực thể ở Trường Sa”, PGS, TS Phạm Đăng Phước nhận xét.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Việc Trung Quốc trong thời gian qua tiếp tục gia tăng các hành động đơn phương, đẩy nhanh quá trình quân sự hóa ở khu vực Biển Đông đã gây quan ngại sâu sắc cho các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, việc Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS 1982 (sau đây gọi tắt là Tòa Trọng tài) ngày 12-7 vừa qua ra phán quyết cuối cùng đối với vụ kiện Phi-líp-pin - Trung Quốc, đã mang đến những cơ hội và hy vọng mới cho việc giải quyết vấn đề tranh chấp ở khu vực Biển Đông. Nhiều học giả cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài là một thắng lợi cực kỳ quan trọng của cộng đồng quốc tế yêu chuộng hòa bình, tuân thủ và thượng tôn pháp luật quốc tế. Một mặt, phán quyết làm giàu thêm kho tàng kiến thức lý luận về luật biển, mặt khác, nó là văn kiện quan trọng làm rõ các yêu sách mơ hồ, và thiếu căn cứ pháp lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Phán quyết mở đường cho các nỗ lực của các quốc gia nhằm giải quyết tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở hòa bình, công bằng, văn minh và hiệu quả.
Trao đổi với báo giới, GS E-rích Phran-cơ, thành viên Toà Trọng tài Thường trực (PCA) cho biết phán quyết của Tòa Trọng tài là cuối cùng, không thể kháng án và mang giá trị ràng buộc pháp lý với các bên liên quan trực tiếp là Phi-líp-pin và Trung Quốc. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là Tòa Trọng tài lại không có một cơ quan nào đóng vai trò như “lực lượng cảnh sát quốc tế”, theo cách gọi của GS E-rích Phran-cơ, để thực thi phán quyết. Về vấn đề này, vị học giả người Bỉ cho biết: “Tôi xin nêu ra một trường hợp trong lịch sử là vụ Ni-ca-ra-goa kiện Mỹ lên Tòa Công lý quốc tế (ICJ) năm 1986. Cho dù lúc đầu Mỹ tuyên bố không tham gia và bác bỏ vụ kiện nhưng cuối cùng cũng phải chấp nhận phán quyết của ICJ. Điều đó chứng minh rằng ngay cả một cường quốc cũng không thể đi ngược lại phán quyết của tòa án quốc tế. Một nước lớn thuộc Hội đồng Bảo an LHQ thì càng phải thực thi trách nhiệm sao cho tương xứng với vai trò của mình trước cộng đồng quốc tế”.
Biển Đông không chỉ là không gian sinh tồn của các quốc gia trong khu vực mà còn là một trong những tuyến giao thông đường biển lớn nhất, hằng năm có tới 5.000 tỷ USD hàng hoá thương mại được vận chuyển qua đây. Do đó, việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở khu vực Biển Đông không chỉ có ý nghĩa đối với các quốc gia trong khu vực mà còn đối với cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Các học giả cho rằng vai trò của việc giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và phán quyết của Tòa Trọng tài, đang trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết. Theo bà A-mi Si-rai-gơ, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS), mặc dù Tòa Trọng tài không có cơ chế thực thi phán quyết, song phán quyết sẽ tạo điều kiện để các nước có tranh chấp tại Biển Đông tiến hành tham vấn, đàm phán với nhau, nhằm đi tới một giải pháp công bằng cho các bên, cũng như mở ra cơ hội mới cho việc hợp tác. “Và trong trường hợp này, sự đoàn kết trong ASEAN là rất quan trọng”, bà A-mi Si-rai-gơ nhấn mạnh./.
Theo qdnd.vn