NGHỊ QUYẾT
Về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020
và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh Nam Định
(Số: 13/NQ-HĐND ngày 21-7-2016)
ĐỀ ÁN
Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất
đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối
(2016-2020) của tỉnh Nam Định
1. Sự cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Căn cứ Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, hệ thống quy hoạch sử dụng đất gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng và an ninh (như vậy không có quy hoạch sử dụng đất cấp xã); quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là căn cứ để thực hiện việc giao đất cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất. Luật Đất đai năm 2013 quy định quy hoạch sử dụng đất được điều chỉnh khi có sự điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của cấp trên trực tiếp làm ảnh hưởng tới quy hoạch sử dụng đất. Trong khi đó, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 9-4-2016, do đó phải điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh cho phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia.
Mặt khác, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2011-2015) tỉnh Nam Định được lập theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, theo Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản thi hành Luật thì một số chỉ tiêu sử dụng đất có sự thay đổi so với Luật Đất đai năm 2003. Tại Khoản 1, Điều 51, Luật Đất đai năm 2013 quy định “Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì phải rà soát, điều tra bổ sung để điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp với quy định của Luật này khi lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2016-2020)”.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 2341/QĐ-TTg ngày 2-12-2013, là tài liệu làm căn cứ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến việc cần thiết phải rà soát quy hoạch sử dụng đất để điều chỉnh cho phù hợp.
Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2011-2015) tỉnh Nam Định đã được phê duyệt, trong khi nhiều quy hoạch chuyên ngành chưa được phê duyệt, đến nay đã được phê duyệt, một số quy hoạch chuyên đề đã có điều chỉnh. Do vậy, trong thời gian này có một số nhu cầu sử dụng đất phát sinh chưa được cập nhật kịp thời, đòi hỏi phải điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để đáp ứng nhu cầu sử dụng đất.
Trong đề án quy hoạch sử dụng đất của tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết 15 mới chỉ có kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2011-2015), chưa có nội dung kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020), theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì việc lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối đồng thời với lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020.
Như vậy, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Nam Định là hết sức cần thiết và phù hợp với quy định của Luật Đất đai.
2. Đánh giá tình hình quản lý sử dụng đất giai đoạn 2011-2015.
2.1. Phân tích đánh giá bổ sung tình hình thực hiện các nội dung quản lý Nhà nước về đất đai.
2.1.1. Ưu điểm.
Trước tình hình công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh bị buông lỏng kéo dài, ngày 17-7-2012, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về việc tăng cường lãnh đạo công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh; ngày 2-10-2012, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện số 54/KH-UBND (sau đây gọi tắt là Kế hoạch số 54). Trong các năm từ 2012 đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch của UBND tỉnh; đã đạt được những kết quả bước đầu hết sức quan trọng; công tác quản lý đất đai có những chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp. Những kết quả nổi bật đó là:
- Đã tăng cường tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về đất đai, nhất là đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản thi hành Luật đến cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn tỉnh. Đã kịp thời ban hành theo thẩm quyền các văn bản tổ chức thực hiện và cụ thể hóa Luật Đất đai năm 2013 và các Nghị định của Chính phủ để áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh.
- Đã xác định dồn điền đổi thửa là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới; toàn tỉnh tập trung thực hiện và hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa trong sản xuất nông nghiệp, việc dồn điền đổi thửa đã đạt được 3 mục tiêu đề ra đó là: Dồn đổi quy gọn các vùng sản xuất, giảm số thửa ruộng trung bình từ 3,27 thửa/1 hộ xuống còn dưới 2 thửa/1 hộ; dồn đổi quỹ đất công và quy gọn thành từng vùng tập trung để quản lý chặt chẽ quỹ đất công, giao cho UBND các xã, thị trấn hợp đồng cho thuê theo quy định của pháp luật, đảm bảo nguồn thu ổn định cho ngân sách xã, thị trấn từ quỹ đất công ích. Nhất là đã vận động nông dân góp được 3.009ha đất để chỉnh trang hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng; tạo điều kiện để cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp và tích tụ ruộng đất để chuyển sang sản xuất hàng hóa; đây là tiền đề quan trọng để xây dựng nông thôn mới.
- Hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu 2011-2015; tăng cường quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; làm tốt công tác lập, phê duyệt và thực hiện kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện đáp ứng nhu cầu về đất cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho các công trình trọng điểm có ý nghĩa quyết định phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng cường đấu giá quyền sử dụng đất ở, đảm bảo nguồn thu tiền từ đấu giá đất ở góp phần tăng thu ngân sách; tạo nguồn vốn xây dựng các công trình hạ tầng trên địa bàn, đặc biệt là hạ tầng nông thôn góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.
- Đã tập trung chỉ đạo việc rà soát, lập, phê duyệt và thực hiện phương án xử lý các trường hợp sử dụng đất không hợp pháp đi đôi với xử lý nghiêm minh vi phạm mới phát sinh, bước đầu lập lại trật tự trong quản lý, sử dụng đất đai.
- Cơ bản hoàn thành việc cấp GCN quyền sử dụng đất ở lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân; đẩy nhanh tiến độ cấp GCN quyền sử dụng đất cho cơ quan, tổ chức, cơ sở tôn giáo đến nay đã cấp được 63% số địa điểm sử dụng đất của cơ quan tổ chức có đủ điều kiện cấp GCN, trong đó cơ bản cấp xong cho các doanh nghiệp…
- Từng bước khắc phục được tình trạng buông lỏng quản lý đất đai, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý và sử dụng đất; tăng cường quản lý chặt chẽ đất đai; khắc phục, xử lý vi phạm cũ đi đôi với ngăn chặn, phòng ngừa xử lý kịp thời vi phạm mới phát sinh; giảm thiểu tình trạng giao đất trái thẩm quyền, sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, thủy lợi...; từng bước lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất đai; khai thác, sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm, phát huy nguồn lực đất đai, đáp ứng nhu cầu đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
- Bước đầu đã huy động được cả hệ thống chính trị tăng cường cho công tác quản lý đất đai; hiệu quả phối kết hợp giữa UBND các cấp, các ngành với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức trong công tác quản lý đất đai ngày càng được tăng cường, đặc biệt là trong các lĩnh vực tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai, dồn điền đổi thửa, xử lý vi phạm pháp luật đất đai, hòa giải tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư...
2.1.2. Khuyết điểm, tồn tại.
- Sau khi có Nghị quyết 17 một số huyện, thành phố; một số xã, phường thị trấn vẫn để cho tình trạng vi phạm pháp luật đất đai phát sinh với 427 trường hợp; trong đó đáng chú ý vẫn còn có 87 hộ được giao đất không đúng thẩm quyền với diện tích 14.195m2 (gồm: huyện Ý Yên 1 hộ diện tích 4.800m2; huyện Trực Ninh 80 hộ diện tích 8.333m2; huyện Nghĩa Hưng 6 hộ diện tích 1.062m2); UBND một số xã, phường, thị trấn chưa kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm mới phát sinh.
- Sự phối kết hợp của UBND các cấp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong việc thực hiện một số nhiệm vụ về quản lý đất đai vẫn còn chưa tốt, chưa phát huy tốt vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và nhân dân đối với công tác quản lý Nhà nước về đất đai, việc quản lý Nhà nước về đất đai nhiều địa phương chưa thực sự đi vào nề nếp ổn định.
- Một số nhiệm vụ tiến độ triển khai còn chậm như: Cấp GCN quyền sử dụng đất cho cơ quan, tổ chức, lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án xử lý các trường hợp sử dụng đất không hợp pháp; phát hiện xử lý vi phạm pháp luật đất đai mới phát sinh chưa kịp thời, chưa kiên quyết; chưa kiên quyết xử lý được trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, công chức địa chính trực tiếp quản lý ở nơi để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai sau Nghị quyết 17; nhất là đối với các trường hợp giao đất không đúng thẩm quyền.
- Kinh phí đầu tư cho công tác đo đạc lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ cấp GCN quyền sử dụng đất, lập cơ sở dữ liệu về đất đai còn rất hạn chế; việc đăng ký, cập nhật biến động đất đai chưa được chú trọng nên tình trạng bất cập giữa bản đồ, hồ sơ địa chính với thực tế sử dụng đất còn khá phổ biến, gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai. UBND các huyện, thành phố chưa thực hiện nghiêm quy định về dành 10% tổng thu tiền sử dụng đất để chi cho công tác quản lý đất đai, do vậy nguồn lực chi cho công tác quản lý đất đai gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả thực hiện nhiều nhiệm vụ quản lý đất đai (mới chỉ có UBND huyện Hải Hậu, huyện Ý Yên, huyện Nghĩa Hưng và Thành phố Nam Định dành một phần nhỏ kinh phí từ nguồn thu tiền sử dụng đất cho công tác quản lý đất đai; các huyện còn lại hầu như chưa thực hiện).
(còn nữa)