Truyền thông quốc tế đưa tin rộng rãi phán quyết về vụ kiện liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông

08:07, 15/07/2016

Ngày 12-7, sau nhiều tháng điều trần và thu thập tài liệu, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết vụ Phi-líp-pin kiện Trung Quốc về yêu sách “đường 9 đoạn”. Phán quyết quốc tế đầu tiên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông ngay lập tức được các phương tiện truyền thông quốc tế đưa tin rộng rãi.

Các tờ báo lớn của Phi-líp-pin như: The Philstar, Inquirer, The Manila Times… đều trích dẫn phán quyết của PCA nêu rõ: “Tòa án kết luận rằng không có cơ sở pháp lý nào cho Trung Quốc để đòi các quyền lịch sử đối với các nguồn lực trong các vùng biển thuộc phạm vi “đường 9 đoạn””.

“Tòa án cũng nói rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Phi-líp-pin” - tờ Inquirer đưa tin cho biết thêm, đồng thời dẫn chứng phán quyết: “Sau khi phát hiện ra rằng một số khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi-líp-pin, Tòa án thấy rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Phi-líp-pin trong vùng đặc quyền kinh tế của mình thông qua việc (a) can thiệp vào các quyền đánh cá và thăm dò dầu mỏ của Phi-líp-pin, (b) xây dựng các đảo nhân tạo và (c) không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trong khu vực”.

Ngoài ra, phán quyết của PCA cũng nhấn mạnh Trung Quốc đã gây ra những nguy hại lâu dài đối với hệ sinh thái dải san hô ở quần đảo Trường Sa.

Tờ Inquirer đưa tin phán quyết của PCA về vụ Phi-líp-pin kiện Trung Quốc về yêu sách “đường 9 đoạn”. Ảnh: Khánh Linh
Tờ Inquirer đưa tin phán quyết của PCA về vụ Phi-líp-pin kiện Trung Quốc về yêu sách “đường 9 đoạn”.

Theo cơ quan thông tấn của Phi-líp-pin, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế, “Trung Quốc đã tuyên bố có “quyền lịch sử” trong việc khẳng định chủ quyền tại một khu vực được xem là giàu tài nguyên khí đốt tự nhiên và cũng là một tuyến đường thương mại quan trọng trong hàng hải quốc tế”.

Sau một loạt căng thẳng với Trung Quốc, ngày 22-1-2013, Phi-líp-pin đã đệ đơn lên PCA ở La Hay kiện yêu sách của Trung Quốc về quyền chủ quyền, quyền tài phán và “các quyền lịch sử” đối với các vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn” trái với UNCLOS 1982 vượt quá những giới hạn mà Trung Quốc có thể đòi hỏi theo Công ước.

Song thậm chí ngay cả khi “vụ kiện đã bắt đầu, Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến hành một số dự án cải tạo lớn để biến rạn ngập nước trong các hòn đảo nhân tạo có khả năng lưu trữ các cấu trúc và thiết bị quân sự” - Inquirer nhấn mạnh.

Cùng đưa tin phán quyết của PCA ở La Hay về vụ Phi-líp-pin kiện Trung Quốc về yêu sách “đường 9 đoạn”, tờ The Guardian (Anh) cho biết: “Trung Quốc đã mất một cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng đối với chiến lược các rạn và đảo san hô mà họ tuyên bố sẽ kiểm soát trên vùng biển tranh chấp ở Biển Đông”.

Theo The Guardian, “phán quyết của PCA sẽ làm gia tăng áp lực ngoại giao toàn cầu đối với Bắc Kinh”, ngăn chặn nước này mở rộng quy mô quân sự trong khu vực.

“Tòa án tuyên bố rằng “mặc dù các nhà hàng hải và ngư dân Trung Quốc, cũng như những người của các quốc gia khác, trong lịch sử, đã sử dụng các đảo ở Biển Đông, song không có bằng chứng nào cho thấy trong lịch sử Trung Quốc độc quyền kiểm soát đối với vùng nước hoặc các nguồn tài nguyên” của vùng này” - The Guardian trích dẫn phán quyết của PCA.

Ngoài ra, theo tờ báo của Anh, PCA cũng lên án các dự án cải tạo đất của Trung Quốc và xây dựng các hòn đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa, kết luận rằng nó đã gây “tổn hại nghiêm trọng đến môi trường của rạn san hô và vi phạm nghĩa vụ giữ gìn và bảo vệ các hệ sinh thái mong manh và môi trường sống bị cạn kiệt, bị đe dọa, hoặc có nguy cơ tuyệt chủng”.

The Guardian dẫn lời Giáo sư Phi-líp San-đơ QC, người đại diện cho Phi-líp-pin trong buổi điều trần, cho biết: Đây là phán quyết luật pháp quốc tế “quan trọng nhất trong gần 20 năm qua kể từ bản án Pi-nô-chê”.

Chia sẻ nội dung phán quyết của PCA, hãng thông tấn AFP (Pháp) cũng nêu rõ: “không có bằng chứng cho thấy trong lịch sử Trung Quốc độc quyền kiểm soát đối với vùng nước hoặc các nguồn tài nguyên” của vùng này và “không có cơ sở pháp lý nào cho Trung Quốc để đòi các quyền lịch sử đối với các nguồn lực trong các vùng biển thuộc phạm vi “đường 9 đoạn””.

AFP cũng dẫn phán quyết của PCA khẳng định Trung Quốc không có quyền hạn đối với vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý của bãi Mischief (Vành Khăn) hay bãi Thomas (Cỏ Mây). Theo PCA, thực thể Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa là “bãi đá”, vì vậy Ba Bình không có vùng đặc quyền kinh tế. PCA cũng nhấn mạnh Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Phi-líp-pin tại bãi Scarborough (Hoàng Nham).

Ngay sau khi phán quyết của PCA được đưa ra, Ngoại trưởng Phi-líp-pin Pê-phéc-tô I-a-say đã lên tiếng kêu gọi “kiềm chế và tỉnh táo” tại Biển Đông. Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Pê-phéc-tô I-a-say cho biết: “Các chuyên gia của chúng tôi đang nghiên cứu phán quyết này một cách cẩn trọng và triệt để bởi đó là kết quả quan trọng của tòa trọng tài”. “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và tỉnh táo. Phi-líp-pin khẳng định hết sức tôn trọng quyết định đánh dấu mốc này” - Ngoại trưởng Phi-líp-pin nêu rõ.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Phu-mi-ô Ki-si-đa ra tuyên bố cho rằng phán quyết của PCA là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý, theo đó các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này. Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Ki-si-đa nêu rõ Nhật Bản kiên định ủng hộ việc tôn trọng quy định luật pháp và sử dụng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp trên biển.

Trong khi đó, ngày 12-7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố khẳng định nước này không chấp nhận cũng như không công nhận phán quyết của PCA, cho rằng phán quyết của PCA là “không có cơ sở, vô giá trị và không có hiệu lực ràng buộc”. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ chủ quyền lãnh thổ cũng như các quyền và lợi ích hàng hải của nước này ở Biển Đông “sẽ không bị ảnh hưởng bởi phán quyết của PCA”.

Nhân sự kiện này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12-7-2016. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết.

Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5-12-2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài. Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”./.

Theo dangcongsan.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com