Chiều 5-6, Đối thoại Shangri-La 2016 tại Xinh-ga-po đã bế mạc. Trước đó, vào sáng 5-6, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng liên quan đến tình hình Biển Đông.
Vừa hợp tác vừa đấu tranh
Trong bài phát biểu của mình, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển hiện vẫn là xu hướng chủ đạo của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, tình hình an ninh khu vực vẫn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp, không thể xem thường như khủng bố, nguy cơ hạt nhân, tranh chấp biên giới, lãnh thổ, an ninh biển và các thách thức an ninh phi truyền thống... có xu hướng gia tăng. Tình hình đó là do những khác biệt về lợi ích, những tham vọng, cạnh tranh chiến lược diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, bất chấp luật pháp quốc tế. Hơn nữa đó còn là cách hành xử áp đặt; sự theo đuổi lợi ích vị kỷ, hẹp hòi, không tính đến lợi ích của nước khác, lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế. Những biểu hiện tiêu cực và khó lường này, những bất đồng, tranh chấp như đang diễn ra - nếu không được giải quyết một cách hiệu quả, đầy trách nhiệm, vì hòa bình và ổn định - sẽ dẫn đến nguy cơ xung đột.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại SLD 15 ngày 5-6. |
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nếu xảy ra xung đột quân sự, thì hậu quả sẽ rất to lớn và khó lường, không chỉ đối với các bên trực tiếp liên quan mà cả đối với khu vực và toàn thế giới.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định: Vừa hợp tác, vừa đấu tranh để giải quyết bất đồng và cùng phát triển, vì lợi ích chiến lược chung của mỗi quốc gia và của toàn khu vực, xem đây là quy luật tất yếu của thế giới hiện đại, không một quốc gia nào có thể đứng ngoài. Tất cả các quốc gia cần phải hợp tác và đấu tranh để giải quyết bất đồng, ngăn ngừa xung đột, tăng cường hợp tác cùng phát triển, xây dựng lòng tin, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau.
Về vấn đề Biển Đông, theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Việt Nam chủ trương kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải, hàng không bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; trong đó, có Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông của ASEAN và Trung Quốc (DOC) và thực tâm bàn bạc sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (COC). Trong đó coi trọng sự đoàn kết, vai trò trung tâm, dẫn dắt của ASEAN và trách nhiệm của các quốc gia thành viên, cũng như các quốc gia liên quan - đặc biệt là các nước lớn vì hòa bình và công lý; tăng cường hợp tác với Trung Quốc và các nước có liên quan nhằm xây dựng và củng cố lòng tin, tìm ra những điểm chung trong lợi ích chiến lược, đồng thời thẳng thắn đấu tranh trên tinh thần xây dựng.
Bên cạnh đó, theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, tăng cường hợp tác trong các tổ chức đa phương như các cơ chế hợp tác LHQ, những cấu trúc an ninh khu vực như ARF, EAS, ADMM, ADMM+… là giải pháp hết sức quan trọng để giải quyết tranh chấp, bất đồng, đẩy lùi nguy cơ xung đột.
Mất lòng tin với Trung Quốc
Tờ Wall Street Journal ngày 5-6 dẫn lời giáo sư Chung Min Li, khoa Quan hệ quốc tế tại Đại học I-ôn-xây ở Xơ-un, cho rằng, nhiều nước châu Á không tin tưởng Trung Quốc vì tư cách “hung hăng” của nước này trong khu vực.
Cùng ngày, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, tuyên bố tại Đối thoại Shangri-La rằng, nước này không tạo ra rắc rối nhưng cũng chẳng sợ rắc rối. Theo Wall Street Journal, Trung Quốc nói sẽ bác bỏ phán quyết của tòa quốc tế về Biển Đông. Đáp lại phát biểu trước đó của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Át-xtơn Các-tơ ngày 4-6 cho rằng, Trung Quốc có nguy cơ tạo ra “Vạn Lý Trường Thành” tự cô lập chính nước này nếu Bắc Kinh tiếp tục bành trướng quân sự ở Biển Đông, ông Tôn Kiến Quốc ngoan cố cho biết “Trung Quốc sẽ không tự cô lập mình”, đồng thời đổ lỗi cho những nước bên ngoài khu vực làm cho biển Đông nóng lên “vì hành động khiêu khích của một số nước nào đó đang hành động ích kỷ vì lợi ích của họ”.
Trong khi đó, theo Roi-tơ, phát biểu trong chuyến thăm Mông Cổ ngày 5-6, Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri đã bày tỏ lo ngại phán quyết của tòa án quốc tế dự kiến trong tuần tới về đơn kiện của Phi-líp-pin đối với tuyên bố đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông có thể thúc đẩy Bắc Kinh tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) như đã từng có ở Biển Hoa Đông vào 2013. Theo Ngoại trưởng Ke-ri, Mỹ xem tuyên bố ADIZ của Trung Quốc tại Biển Đông là hành động khiêu khích và gây mất ổn định, sẽ làm tăng căng thẳng và xói mòn cam kết của Trung Quốc giải quyết hòa bình, các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Trung Quốc ngày 4-6 tận dụng Đối thoại Shangri-La để phát hành tờ rơi, nội dung xuyên tạc về Biển Đông. Nhiều nước chất vấn về động thái này nhưng Trung Quốc “trả lời quanh co” và tiếp tục cho rằng sẽ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Tờ rơi mà Trung Quốc phân phát cho các đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-La có nội dùng bằng tiếng Anh và tiếng Trung tuyên truyền cho luận điệu sai trái lâu nay của Trung Quốc và trắng trợn nói hai quần đảo Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam) là phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Trong khi đó, theo Bloomberg, Pháp sẽ thúc giục các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) phối hợp tuần tra hải quân để đảm bảo sự hiện diện của khối này ở Biển Đông. Chính phủ Pháp xem việc bảo vệ tự do trên biển là điều quan trọng. Nếu không có tự do đi lại trên biển trong vùng này, có thể dẫn đến các vấn đề tương tự ở Bắc Băng Dương hay biển Địa Trung Hải. Điều này được Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Giăng I-vét Lơ Đri-ăng tuyên bố tại Đối thoại Shangri-La và cho biết trong năm nay, lực lượng hải quân của Pháp đã được triển khai 3 lần đến Biển Đông./.
Theo SGGP