Ths. Phạm Thị Thanh Thủy
TUV, Giám đốc Trường Chính trị Trường Chinh
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp giúp đỡ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của các thế thệ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Trường Chinh đã thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh qua các giai đoạn cách mạng, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TW ngày 8-3-1956 của Ban Bí thư Trung ương về việc mở Trường Đảng ở các cấp để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng, tại hội nghị ngày 9-6-1956, Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-TU về việc thành lập trường Đảng tỉnh, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của trường là: Huấn luyện cho cán bộ cơ sở, chủ yếu là chi ủy ở xã về: Đường lối cách mạng Việt Nam, các chính sách của Đảng và Nhà nước, những kiến thức về lý luận Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, những hiểu biết về Đảng và công tác xây dựng chi bộ. Ngày 9-6-1956, đã là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự ra đời của Trường Đảng tỉnh Nam Định - nay là Trường Chính trị Trường Chinh.
Trong suốt chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, với nhiều tên gọi khác nhau: Trường Đảng tỉnh và Trường Hành chính tỉnh (1956-1964); Trường Đảng tỉnh Nam Hà (1965-1975); Trường Đảng tỉnh Hà Nam Ninh (1976-1992); Trường Đào tạo cán bộ tỉnh Nam Hà (1993-1995); Trường Chính trị tỉnh Nam Hà (1995-1997); Trường Chính trị tỉnh Nam Định (1997-1998); Trường Chính trị Trường Chinh (từ năm 1999 đến nay) nhưng nhà trường vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ xuyên suốt là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho tỉnh.
Đặc biệt từ khi tái lập tỉnh Nam Định (1997) đến nay, nhà trường đã đào tạo 137 lớp Trung cấp Lý luận chính trị và Chính trị - hành chính, 7 lớp Trung cấp Pháp luật; bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước cho 51 lớp Chuyên viên, 3 lớp Chuyên viên chính, 5 lớp Tiền công vụ và các chương trình bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp, bồi dưỡng chức danh bí thư, phó bí thư và nhiều chương trình khác. Phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực I đào tạo 3 khóa Cử nhân chính trị, 11 khóa Cao cấp Lý luận chính trị và Lý luận chính trị - hành chính; Phối hợp với Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đào tạo 3 khóa Cử nhân hành chính… Đặc biệt năm 2015, nhà trường đã trực tiếp giảng dạy và phục vụ giảng dạy cho 71 lớp với 7.068 học viên (hoàn thành vượt 140,4% kế hoạch tỉnh giao). Trong năm học 2015-2016, nhà trường tổ chức hội thi “Học viên học giỏi lý luận chính trị lần thứ nhất” giữa học viên các lớp đào tạo trung cấp lý luận chính trị, hội thi là một kênh đánh giá chất lượng dạy và học của nhà trường. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong những năm qua, Trường Chính trị Trường Chinh đã triển khai tích cực, toàn diện nhiều giải pháp đồng bộ và không ngừng đổi mới về nội dung, phương pháp đào tạo phù hợp với từng đối tượng học viên. Một trong những nhiệm vụ then chốt để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng là nhà trường đã thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ giảng viên với cơ cấu hợp lý, có trình độ lý luận và kiến thức thực tiễn, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đội ngũ giảng viên của nhà trường tương đối đủ về số lượng, được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn và năng lực sư phạm, tâm huyết với nghề. Đến nay, nhà trường có 52 cán bộ, giảng viên, nhân viên, trong đó có 1 tiến sĩ, 2 nghiên cứu sinh, 20 thạc sĩ, 28 cử nhân... Cùng với việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nhà trường thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu thực tế của đội ngũ giảng viên và học viên nhằm thực hiện tốt mục tiêu giáo dục toàn diện, gắn đào tạo lý luận với thực tế. Đồng thời tập trung đổi mới công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế theo hướng thiết thực hiệu quả thông qua việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp và tổ chức các hội thảo khoa học. Từ năm 1997 đến nay, nhà trường đã thực hiện 4 đề tài khoa học cấp tỉnh, trong đó có 1 đề tài xếp loại xuất sắc, 4 đề tài xếp loại khá. Năm 2016, các đơn vị đang triển khai thực hiện 7 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp khoa. Các hoạt động nghiên cứu khoa học khác như: Hội thảo, sinh hoạt chuyên môn, tọa đàm, viết bài cho các tạp chí chuyên ngành, trang thông tin điện tử của trường... được các khoa, phòng, cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường duy trì khá đều đặn. Với những kết quả đạt được, Trường Chính trị Trường Chinh đã góp phần chuẩn hóa đội ngũ cán bộ tỉnh nhà theo tinh thần Nghị quyết số 08/NQ-TU ngày 6-8-2007 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVII về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ 2007-2015 và những năm tiếp theo, nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu đặt ra tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Với những thành tích đã đạt được qua 60 năm xây dựng và phát triển, Trường Chính trị Trường Chinh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1998), hạng Nhì (năm 2001), hạng Nhất (năm 2006); được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2004); 6 Cờ thi đua xuất sắc của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; nhiều Bằng khen của UBND tỉnh và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; 3 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 11 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ...
Hội thi "Học viên học giỏi lý luận chính trị lần thứ nhất" của Trường Chính trị - Trường Chinh. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Phát huy kết quả đạt được qua 60 năm xây dựng và phát triển, thời gian tới, Trường Chính trị Trường Chinh tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu với tỉnh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, góp phần chuẩn hóa đội ngũ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH. Nâng cao chất lượng toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, mở rộng quy mô, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, tập trung thực hiện chương trình bồi dưỡng cán bộ theo chức danh, cán bộ nguồn. Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong thời kỳ mới. Tiếp tục giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, xây dựng Đảng bộ và các tổ chức đoàn thể vững mạnh; Đầu tư xây dựng, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo./.