Ngày 23-5, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma thông báo Hoa Kỳ quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Đây là một quyết định lịch sử không chỉ xóa bỏ một trong những tàn tích lớn cuối cùng của cuộc chiến khốc liệt kết thúc cách đây 41 năm, mà còn mở đường đưa hợp tác song phương phát triển sâu rộng.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma tại cuộc họp báo trưa 23-5-2016. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN |
Quyết định nói trên là hệ quả của mối quan hệ ngày càng cởi mở và là bước tiến nữa trong mối bang giao giữa hai quốc gia “cựu thù”, kể từ khi Oa-sinh-tơn dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại năm 1994 và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam một năm sau đó, tới khi hai nước thiết lập quan hệ “đối tác toàn diện” năm 2013, ký Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2015 cũng như kết thúc một nửa thập kỷ đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng 10 nước khác... Động thái này cũng đánh dấu di sản đối ngoại to lớn của chính quyền Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma sau gần hai nhiệm kỳ cầm quyền.
Việc Hoa Kỳ quyết định bãi bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương nói trên chỉ diễn ra gần hai năm sau khi cho phép một số giao dịch vũ khí với Việt Nam cho thấy lòng tin chiến lược ngày một vững chắc giữa hai nước, vượt lên quá khứ, khắc phục các khác biệt và thúc đẩy các lợi ích chung hướng tới tương lai. Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm chính thức tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma cũng cùng khẳng định rằng quan hệ giữa hai nước “đã hoàn toàn bình thường” sau nhiều nỗ lực hàn gắn “can đảm”.
Quyết định được mong chờ từ lâu nói trên của phía Hoa Kỳ xuất phát từ việc hai nước ngày càng chia sẻ nhiều lợi ích và mối quan tâm chung, từ kinh tế, thương mại đến an ninh, quốc phòng... Việc thúc đẩy quan hệ mọi mặt với Việt Nam nằm trong chiến lược “xoay trục” của Hoa Kỳ sang châu Á, khu vực đang giữ vai trò động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới. Về phần mình, ngoài mong muốn khai thác, tận dụng các nguồn lực nhằm phát triển đất nước, Việt Nam cũng có nhu cầu thực sự hiện đại hóa quân đội nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia và đối phó với các mối đe dọa, thách thức an ninh đang nổi lên.
Lãnh đạo và người dân Thành phố Hồ Chí Minh đón và tặng hoa cho Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đến thăm thành phố. |
Với lệnh cấm vận vũ khí sát thương hoàn toàn được dỡ bỏ, Việt Nam có cơ hội tiếp cận nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại như radar, tàu tuần tra, máy bay… nhằm tăng cường khả năng giám sát hàng hải, bảo vệ đường bờ biển dài gần 3.300km và trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc, từ đó đảm bảo môi trường thuận lợi cho sự phát triển phồn vinh của đất nước.
Việc tăng cường quan hệ quốc phòng, “làm bạn” với Hoa Kỳ hay bất kỳ quốc gia nào khác hoàn toàn phù hợp với chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam, cũng như “dòng chảy” chính trong các mối quan hệ quốc tế và không nhằm vào bất kỳ một bên nào khác. Không chỉ phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước, điều này còn góp phần thiết thực vào việc duy trì hòa bình, trật tự, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Trong đó, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông - tuyến đường huyết mạch chiếm tới 45% giao dịch thương mại đường biển của cả thế giới - không chỉ là “lợi ích”, mối “quan tâm chung”, “đích” nhắm tới của Việt Nam và Hoa Kỳ mà của cả cộng đồng quốc tế. Đây cũng là nhận thức chung, đồng thuận rộng rãi đạt được trong các cuộc tiếp xúc, hội đàm cấp cao giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới, cũng như trong hầu khắp các diễn đàn quốc tế.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Giôn Ke-ri nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma. |
Trên thực tế, chính sách “ba không” (không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia) đã là “kim chỉ nam” trong đường lối đối ngoại quốc phòng của Việt Nam kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Hơn nữa, việc mua vũ khí phục vụ công tác quốc phòng là câu chuyện bình thường trong giao dịch thương mại quốc tế và được tiến hành hoàn toàn công khai minh bạch. Cũng cần lưu ý rằng việc mua sắm trang thiết bị quốc phòng của Việt Nam có tỷ lệ vừa phải, tương xứng với sự phát triển kinh tế của đất nước, chỉ “vừa đủ” và hoàn toàn nhằm mục đích phòng vệ. Do vậy, không có lý do gì để ai đó không “vui mừng” hay phải lo lắng.
Từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, hơn ai hết dân tộc Việt Nam hiểu rõ nhất, trân quý nhất giá trị của hòa bình và ổn định, đồng thời có đủ quyết tâm và khả năng để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc.
Cuối cùng, Việt Nam cũng có toàn quyền duy trì, phát triển các mối quan hệ trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, đồng thời mong muốn cùng bạn bè năm châu đóng góp vào các nỗ lực vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung./.
Bài và ảnh: TTXVN