Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, Tổng Cty cổ phần Dệt may Nam Định khắc phục khó khăn, vươn lên trong cơ chế mới

07:03, 26/03/2016
Nhà máy Sợi Nam Định (sau là Liên hợp Dệt Nam Định, nay là Tổng Cty CP Dệt May Nam Định) ra đời từ năm 1889 do chủ tư bản Pháp, đứng đầu là Đuy-phờ-rê đầu tư xây dựng với ý đồ khai thác, bóc lột nhân công rẻ mạt tại thuộc địa. Hơn một thế kỷ tồn tại và phát triển, nhà máy đã gắn liền với sự thăng trầm, phát triển, trưởng thành của Thành phố Nam Định và tỉnh Nam Định.
 
Cuối thế kỷ XIX, Nhà máy Sợi Nam Định đã trở thành một nhà máy lớn nhất Đông Dương với số vốn ban đầu là 5 triệu phờ-răng, sau tăng lên hàng trăm triệu phờ-răng. Diện tích nhà máy rộng trên 34ha, bằng 1/6 diện tích Thành phố Nam Định, chiếm trên 75% đất đai làng Năng Tĩnh thời đó. Từ một xưởng kéo sợi với 100 công nhân đến cuối năm 1929 đã lên tới 4.000 người. Đội ngũ công nhân nhà máy hầu hết là nông dân nghèo khổ của các xã ngoại thành và các tỉnh lân cận, trong đó còn có một số dân thành thị, thợ thủ công có tay nghề nhưng bị chèn ép phá sản phải vào nhà máy để làm thuê kiếm sống; một số ít có trình độ văn hóa nhất định và khá nhạy cảm về chính trị. Là lớp công nhân hiện đại, ra đời trước giai cấp tư sản dân tộc Việt Nam. Họ bị bần cùng hóa, với hai bàn tay trắng làm thuê cực nhọc với đồng lương rẻ mạt. Chủ nhà máy bắt công nhân làm việc quần quật 14 đến 15 tiếng đồng hồ trong các phân xưởng nóng đến 40 0C. Công nhân thường xuyên bị đánh đập, cúp phạt, sa thải và tai nạn lao động. Từ năm 1929 đến năm 1930, theo thống kê của Pháp có tới 417 người bị tai nạn lao động, trong đó có 8 người chết, 154 người bị cụt chân tay, nhiều chị em bị sảy thai, trụy thai, ốm chết rất thương tâm…
 
Có áp bức là có đấu tranh! Ngay từ những năm cuối thế kỷ XIX những cuộc đấu tranh của người thợ Nhà máy Sợi Nam Định đã xuất hiện. Ban đầu là đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế, sau đó chuyển sang đấu tranh mang ý thức giai cấp, ý thức chính trị. Từ năm 1924 đến cuối năm 1929, nhiều cuộc đấu tranh đã nổ ra với hàng trăm, hàng nghìn người tham gia. Đặc biệt từ giữa năm 1927 chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội được thành lập, do đồng chí Trần Văn Lan, thợ điện Nhà máy Sợi làm Bí thư trực tiếp lãnh đạo các cuộc đấu tranh của công nhân khiến thực dân Pháp hoang mang lo sợ.
 
Sản xuất nguyên liệu dệt may tại Tổng Cty CP Dệt May Nam Định. Ảnh: Thành Trung
Sản xuất nguyên liệu dệt may tại Tổng Cty CP Dệt May Nam Định.
Ảnh: Thành Trung
Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào ngày 3-2-1930 là bước ngoặt lịch sử của Cách mạng Việt Nam. Với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Nam Định, các chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng tại nhà máy được giữ nguyên về tổ chức và nhân sự, chuyển thành chi bộ Đảng Cộng sản lãnh đạo trực tiếp phong trào công nhân nhà máy. Đây là một trong những chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Nam Định.
 
Đầu năm 1930, Tỉnh ủy Nam Định chủ trương phát động quần chúng đấu tranh, biểu dương lực lượng chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và Ngày Quốc tế Lao động 1-5. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tỉnh ủy, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng nhà máy, 4.000 công nhân đã nhất loạt bãi công. Sự kiện bắt đầu từ 10 giờ đêm ngày 25-3-1930 tại nhà Dệt A, tên đốc công Rin-ne đã vô cớ đánh anh Phạm Văn Chi và phạt 5 hào cùng 2 công nhân khác bị phạt liên đới. Ngay lập tức một số đảng viên và công nhân đã thổi còi báo động, đóng máy hoàn toàn, cử người báo ngay cho đồng chí Khuất Duy Tiến và Ngô Huy Ngụ là cán bộ cốt cán của Đảng đang “vô sản hóa” ở nhà máy. Chi bộ Đảng nhà máy đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp và báo cáo về Tỉnh ủy Nam Định. Đêm 25 rạng ngày 26-3-1930 tại cơ sở làng Mỹ Trọng đã có cuộc họp của Tỉnh ủy, của chi bộ Đảng nhà máy và tổ chức Công hội Đỏ bàn bạc gấp chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tổng bãi công. Chi bộ Đảng nhà máy đã thành lập Ban lãnh đạo cuộc đấu tranh do đồng chí Khuất Duy Tiến trực tiếp chỉ đạo, thành lập Tiểu ban tuyên truyền vận động, Tiểu ban tài chính, Tiểu ban tự vệ, Tiểu ban đối chất. Chủ tư bản thấy nguy cơ cuộc đấu tranh bùng phát lớn đã phối hợp với thực dân Pháp giở nhiều thủ đoạn: đàn áp, bắt bớ, dụ dỗ mua chuộc... Dưới sự lãnh đạo chặt chẽ, đúng đắn, kịp thời của Tỉnh ủy Nam Định, quyết tâm cao của chi bộ Đảng nhà máy, đội ngũ công nhân đã siết chặt hàng ngũ, đoàn kết, kiên cường, không chịu lùi bước, không khoan nhượng với kẻ thù. Cuộc đấu tranh căng thẳng quyết liệt kéo dài 21 ngày đêm, kết thúc vào ngày 16-4-1930 đã giành thắng lợi hoàn toàn. Chủ nhà máy buộc phải tăng lương 10%, rút ngắn thời gian làm việc nửa giờ một ngày để công nhân ăn cơm, không được đánh đập, cúp phạt vô cớ công nhân.
 
Cuộc đấu tranh ngày 25-3 là cuộc đấu tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày và quyết liệt nhất, khẳng định vai trò, uy tín của tổ chức Đảng và sự trưởng thành của đội ngũ công nhân, đã được nhân dân trong tỉnh và các địa phương khác đồng tình ủng hộ. Nhiều nơi đã hưởng ứng, quyên góp tiền ủng hộ công nhân đấu tranh. Cuộc đấu tranh này đã tác động mạnh mẽ đến dư luận trong nước và cả nước Pháp. Trong bức điện của chủ nhà máy báo tin về Pháp nêu: “Phát hiện có vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong cuộc đình công”. Trong cuộc họp hạ viện Pháp giữa năm 1930 đoàn nghị sĩ Đảng Cộng sản Pháp đã đề cập đến cuộc bãi công này và chất vấn gay gắt Chính phủ Pháp về chính sách thuộc địa.
 
Thắng lợi vang dội của cuộc đấu tranh ngày 25-3 thể hiện sự trưởng thành lớn mạnh của đội ngũ công nhân nhà máy, khẳng định uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, của Tỉnh ủy Nam Định và chi bộ Đảng nhà máy. Cuộc đấu tranh này đã trở thành một trong ba điểm mở đầu của cao trào cách mạng Việt Nam năm 1930-1931 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 25-3 đã trở thành ngày truyền thống lịch sử của đội ngũ công nhân nhà máy, của công nhân ngành Dệt, tô thắm thêm vào trang sử vẻ vang của giai cấp công nhân Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
Phát huy truyền thống cách mạng của công nhân Dệt Nam Định, trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới, được sự lãnh đạo của Đảng, Tổng Cty CP Dệt May Nam Định đã bền bỉ phấn đấu vượt qua những thử thách khó khăn trong cơ chế thị trường cạnh tranh quyết liệt để tồn tại và phát triển. Năm 2015 giá trị sản xuất công nghiệp của Tổng Cty đạt 1.002,5 tỷ đồng, tổng doanh thu đạt hơn 1.125 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 408,3 tỷ đồng. Đời sống công nhân từng bước được cải thiện. Trong năm, Đảng bộ đã kết nạp 86 đảng viên mới, giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.
 
Năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, kỷ niệm 86 năm Ngày truyền thống ngành Dệt May Việt Nam (25-3) với truyền thống: “Đấu tranh kiên cường - Lao động sáng tạo” nhất định Tổng Cty CP Dệt may Nam Định sẽ khắc phục khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh đã đề ra./.
 
Trần Trọng Thụy
(Hội Khoa học lịch sử tỉnh Nam Định)
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com