70 năm Quốc hội Việt Nam (kỳ 4)

05:01, 22/01/2016

[links()]

(Tiếp theo kỳ trước)

2.2. Thời kỳ 1960-1980

Trong giai đoạn này, Nghị viện nhân dân được đổi tên là Quốc hội và được tổ chức theo các quy định của Hiến pháp năm 1959 và Luật Tổ chức Quốc hội ngày 14-7-1960. Đây là thời kỳ Quốc hội hoạt động trong điều kiện miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội làm hậu phương lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam với 5 khóa hoạt động, trong đó có 4 khóa Quốc hội phải hoạt động trong điều kiện đất nước bị chia cắt, đó là: khóa II (1960-1964); khóa III (1964-1971); khóa IV (1971-1975), khóa V (1975-1976). Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), kể từ khóa VI (1976-1981), Quốc hội trở thành Quốc hội chung của cả nước Việt Nam thống nhất.

Các đại biểu hai miền Nam - Bắc của Quốc hội khóa II bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa II, tháng 4-1962. Ảnh: Tư liệu
Các đại biểu hai miền Nam - Bắc của Quốc hội khóa II bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa II, tháng 4-1962. Ảnh: Tư liệu

2.2.1. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn

So với Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 đã có bước phát triển mới qua việc khẳng định “Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất; là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Trước đây, do chưa xác định rõ Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp nên có nhiều vấn đề mang tính chất luật đã được Chính phủ ban hành thành sắc luật, sau đó trình Quốc hội phê chuẩn hoặc bãi bỏ.

Thẩm quyền của Quốc hội được Hiến pháp năm 1959 quy định một cách đầy đủ hơn trước, theo đó, Quốc hội có 17 loại nhiệm vụ, quyền hạn như sau:

1. Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp;

2. Làm pháp luật;

3. Giám sát việc thi hành Hiến pháp;

4. Bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà;

5. Theo đề nghị của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà quyết định cử Thủ tướng Chính phủ; theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ quyết định cử Phó Thủ tướng và các thành viên khác của Hội đồng Chính phủ;

6. Theo đề nghị của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà quyết định cử Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng quốc phòng;

7. Bầu Chánh án TAND Tối cao;

8. Bầu Viện trưởng Viện KSND Tối cao;

9. Bãi miễn Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Thủ tướng, Phó Thủ tướng và những thành viên khác của Hội đồng Chính phủ, Phó Chủ tịch và những thành viên khác của Hội đồng quốc phòng, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao;

10. Quyết định kế hoạch kinh tế Nhà nước;

11. Xét duyệt và phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách của Nhà nước;

12. Ấn định các thứ thuế;

13. Phê chuẩn việc thành lập và bãi bỏ các bộ và các cơ quan ngang bộ;

14. Phê chuẩn việc phân vạch địa giới tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc Trung ương;

15. Quyết định đại xá;

16. Quyết định vấn đề chiến tranh và hoà bình;

17. Những quyền hạn cần thiết khác do Quốc hội định.

Từ những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể đã được Hiến pháp quy định, có thể khẳng định rằng, Quốc hội có 3 chức năng cơ bản nhất là (i) lập pháp, (ii) quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và (iii) giám sát.

Hiến pháp 1959 đã có nhiều điều khoản quy định rõ ràng hơn thẩm quyền của Quốc hội trong việc thành lập bộ máy Nhà nước như ngoài việc bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước như Hiến pháp năm 1946 quy định thì theo Hiến pháp 1959, Quốc hội còn bầu Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng Viện KSND Tối cao.

Trước đây Hiến pháp 1946 không quy định quyền thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính của các đơn vị, địa phương cho Quốc hội. Trên thực tế việc thành lập, điều chỉnh địa giới các đơn vị cấp tỉnh, khu tự trị thường được thực hiện bằng các sắc lệnh của Chủ tịch nước. Còn việc thành lập, điều chỉnh ranh giới hành chính dưới cấp tỉnh thì có thể do Uỷ ban hành chính cấp kỳ hoặc do Bộ Nội vụ quyết định. Hiến pháp năm 1959 đã quy định rõ việc thành lập và điều chỉnh địa giới hành chính của các đơn vị hành chính địa phương. Cụ thể là việc thành lập, sát nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính của đơn vị cấp tỉnh, khu tự trị là thuộc thẩm quyền của Quốc hội còn việc thành lập, sát nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính của đơn vị dưới cấp tỉnh là thuộc thẩm quyền của Hội đồng Chính phủ.

Một vấn đề nữa là quyền quyết định ngân sách, chính sách tài chính quốc gia. So với Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp 1959 quy định thêm nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội trong việc: Quyết định kế hoạch kinh tế Nhà nước; Xét duyệt và phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách của Nhà nước; và ấn định các thứ thuế.

Ngoài những nhiệm vụ và quyền hạn như đã phân tích thì Quốc hội có nhiệm vụ mới là quyết định đại xá (khoản 5 Điều 50). Đồng thời, Hiến pháp năm 1959 còn quy định “Quốc hội có những quyền cần thiết khác do Quốc hội ấn định”. Nói cách khác, quyền lực của Quốc hội theo Hiến pháp 1959 là không bị giới hạn.

Về chức năng giám sát, Hiến pháp năm 1959 có những quy định cụ thể hơn, theo đó, “Quốc hội có quyền giám sát việc thi hành Hiến pháp”. Quyền giám sát của Quốc hội còn được tăng cường thông qua hoạt động giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Theo khoản 6 và khoản 7, Điều 53 Hiến pháp 1959 thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có quyền “Giám sát công tác của Hội đồng Chính phủ, của TAND Tối cao và của Viện KSND Tối cao. Sửa đổi hoặc bãi bỏ những nghị định, nghị quyết, chỉ thị của Hội đồng Chính phủ trái với Hiến pháp, pháp luật, pháp lệnh; sửa đổi hoặc bãi bỏ những nghị quyết không thích đáng của HĐND tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương, và giải tán các HĐND nói trên trong trường hợp các HĐND đó làm thiệt hại đến quyền lợi của nhân dân một cách nghiêm trọng”.

2.2.2. Cơ cấu, tổ chức

Theo Hiến pháp 1959, cơ cấu tổ chức của Quốc hội được Hiến pháp quy định gồm có Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các ủy ban thuộc Quốc hội.

a) Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Luật Tổ chức Quốc hội năm 1960 quy định cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gồm có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký và các ủy viên. Các thành viên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không đồng thời là thành viên của Hội đồng Chính phủ.

Thời kỳ này, đồng chí Trường Chinh được Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa II đến khóa VI). Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn triệu tập và chủ tọa hội nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, điều khiển công tác của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội triệu tập các kỳ họp của Quốc hội. Tuy vậy, việc điều khiển kỳ họp Quốc hội lại giao cho Chủ tịch đoàn do Quốc hội bầu ra tại phiên trù bị của Quốc hội. Tuy vậy, cũng như Hiến pháp năm 1946, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (trước đó, theo Hiến pháp năm 1946 là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội) không được Hiến pháp năm 1959 quy định thành các điều khoản riêng về địa vị pháp lý của Chủ tịch Quốc hội như trong Hiến pháp năm 1992 sau này.

Điều 53 Hiến pháp quy định Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có 18 loại nhiệm vụ, quyền hạn như sau:

1. Tuyên bố và chủ trì việc tuyển cử đại biểu Quốc hội;

2. Triệu tập Quốc hội;

3. Giải thích pháp luật;

4. Ra pháp luật;

5. Quyết định việc trưng cầu ý kiến nhân dân;

6. Giám sát công tác của Hội đồng Chính phủ, của TAND Tối cao và của Viện KSND Tối cao;

7. Sửa đổi hoặc bãi bỏ những nghị định, nghị quyết, chỉ thị của Hội đồng Chính phủ trái với Hiến pháp, pháp luật, pháp lệnh; sửa đổi hoặc bãi bỏ những nghị quyết không thích đáng của HĐND tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương và giải tán các HĐND nói trên trong trường hợp các HĐND đó làm thiệt hại đến quyền lợi của nhân dân một cách nghiêm trọng;

8. Trong thời gian Quốc hội không họp, quyết định việc bổ nhiệm hoặc bãi miễn Phó Thủ tướng và những thành viên khác của Hội đồng Chính phủ;

9. Bổ nhiệm hoặc bãi miễn Phó Chánh án, thẩm phán TAND Tối cao;

10. Bổ nhiệm hoặc bãi miễn Phó Viện trưởng, kiểm sát viên Viện KSND Tối cao;

11. Quyết định việc bổ nhiệm hoặc bãi miễn các đại diện toàn quyền ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở nước ngoài;

12. Quyết định việc phê chuẩn hoặc bãi bỏ những hiệp ước ký với nước ngoài, trừ trường hợp mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xét cần phải trình Quốc hội quyết định;

13. Quy định hàm và cấp quân sự, ngoại giao và những hàm và cấp khác;

14. Quyết định đặc xá;

15. Quy định và quyết định việc tặng thưởng huân chương và danh hiệu vinh dự của Nhà nước;

16. Trong thời gian Quốc hội không họp, quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh trong trường hợp nước nhà bị xâm lược;

17. Quyết định việc tổng động viên hoặc động viên cục bộ;

18. Quyết định việc giới nghiêm trong toàn quốc hoặc từng địa phương.

Ngoài những quyền hạn trên, Quốc hội có thể trao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội những quyền hạn khác khi xét thấy cần thiết.

Theo các quy định trên đây thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có nhiều quyền mới mà trước đây Ban Thường vụ theo Hiến pháp 1946 không có như quyền giải thích pháp luật; quyền ra pháp lệnh; quyền quyết định việc trưng cầu dân ý.

Ngoài ra, nhiều điều khoản khác của Hiến pháp năm 1959 quy định về nhiệm vụ của Quốc hội đã làm rõ thêm chức năng của cơ quan này trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Cụ thể là trong lĩnh vực đối ngoại, không có điều khoản nào của Hiến pháp năm 1959 về nhiệm vụ này của Quốc hội mà quy định gián tiếp rằng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội “quyết định việc phê chuẩn hoặc bãi bỏ những hiệp ước ký với nước ngoài, trừ trường hợp mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xét thấy cần phải trình Quốc hội quyết định.” Như vậy, tuỳ theo tính chất và nội dung của điều ước quốc tế mà Quốc hội có thể phê chuẩn theo đề nghị của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Một điểm mới nữa là việc quy định cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyền quyết định trưng cầu ý dân. Đây là sự chuyển giao quan trọng vốn được coi là thẩm quyền của Nghị viện nhân dân theo quy định tại Điều 32 Hiến pháp năm 1946 cho cơ quan thường trực của Quốc hội.

Trong lĩnh vực giám sát, khác với cách quy định ngắn gọn tại Điều 36 của Hiến pháp năm 1946 về quyền “giám sát và phê bình Chính phủ” thì Hiến pháp năm 1959 mở rộng hơn đối tượng bị giám sát, theo đó, ngoài Chính phủ thì TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao đều là những cơ quan chịu sự giám sát của Quốc hội.

Về quyền giám sát văn bản, như đã trình bày ở trên, tại kỳ họp thứ sáu (1957), Quốc hội khóa I đã giao cho Ban Thường trực Quốc hội quyền “Xét và đề ra để Chính phủ sửa đổi hoặc huỷ bỏ những sắc lệnh và nghị định không phù hợp với những đạo luật và sắc luật”. Tuy vậy, quyền giám sát của Ban Thường trực Quốc hội mang tính chất tư vấn mà không thể tự mình hủy bỏ các văn bản của Chính phủ. Theo quy định tại Điều 53 của Hiến pháp năm 1959 thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không những có quyền kiểm tra tính hợp pháp của các văn bản mà còn có quyền trực tiếp sửa đổi hoặc bãi bỏ văn bản của Hội đồng Chính phủ trái với Hiến pháp, pháp luật, pháp lệnh; sửa đổi hoặc bãi bỏ những nghị quyết không thích đáng của HĐND cấp tỉnh và giải tán các HĐND nói trên trong trường hợp các HĐND đó làm thiệt hại đến quyền lợi nhân dân một cách nghiêm trọng. Điều này cho thấy, trong tình hình cụ thể của giai đoạn này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã được giao những thẩm quyền rất quan trọng, thể hiện sự tập trung thống nhất quyền lực Nhà nước, mà cụ thể là những nội dung cơ bản của quyền lập pháp vào cơ quan thường trực của Quốc hội là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Tương tự như vậy, trong lĩnh vực tổ chức bộ máy Nhà nước, Hiến pháp năm 1959 quy định cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội những quyền hạn rộng rãi như trong thời gian Quốc hội không họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có quyền quyết định bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm Phó Thủ tướng và những thành viên khác của Hội đồng Chính phủ; bổ nhiệm hoặc bãi miễn Phó Chánh án, thẩm phán TAND Tối cao; bổ nhiệm hoặc bãi miễn Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn có quyền “quy định hàm và cấp quân sự, ngoại giao và những hàm cấp khác; quy định và quyết đinh việc tặng thưởng huân chương và danh hiệu vinh dự Nhà nước”. Đây là một điểm mới bổ sung quan trọng vì theo Hiến pháp năm 1946, Ban Thường vụ Quốc hội không có quyền này mà việc “thưởng huy chương và các bằng cấp danh dự” là thuộc quyền của Chủ tịch nước.

Sau ngày 5-8-1964 khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đã lan ra khắp cả nước và ngày càng ác liệt, ngày 10-4-1965, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội những quyền khác vốn thuộc phạm vi thẩm quyền của Quốc hội. Theo Nghị quyết này, Quốc hội giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội:

1. Xét và quyết định việc triệu tập Quốc hội vào lúc thuận tiện trong trường hợp Quốc hội không thể họp theo thường lệ.

2. Giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sử dụng, trong thời gian giữa hai kỳ họp của Quốc hội, những quyền hạn sau: (i) quyết định kế hoạch kinh tế Nhà nước; xét duyệt và phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách của Nhà nước; (ii) ấn định các thứ thuế; (iii) phê chuẩn việc phân vạch địa giới các tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội phê chuẩn những nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về các vấn đề ghi ở trên, trong kỳ họp gần nhất của Quốc hội.

Nghị quyết cũng không xác định thời hạn Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thực thi những quyền hạn này mà chỉ ghi “quyết định trên đây được áp dụng cho đến khi có nghị quyết mới của Quốc hội”.

Có thể coi nghị quyết này như là một tu chính án của Hiến pháp năm 1959 bổ sung những thẩm quyền rất quan trọng cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xuất phát từ thực tế của tình hình đất nước lúc bấy giờ. Đó là việc trao cho cơ quan thường trực của Quốc hội quyền quyết toán ngân sách và ấn định các thứ thuế vốn là những vấn đề phải do Quốc hội xem xét, quyết định.

b) Các ủy ban của Quốc hội

Điều 57 Hiến pháp năm 1959 quy định “Quốc hội thành lập Uỷ ban dự án pháp luật, Uỷ ban kế hoạch và ngân sách và những ủy ban khác mà Quốc hội xét thấy cần thiết để giúp Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội”.

Thành phần của các ủy ban thường trực gồm có Chủ nhiệm và các Uỷ viên và có thể có Phó chủ nhiệm. Chủ nhiệm và các Uỷ viên do Quốc hội bầu theo sự đề cử của Chủ tịch đoàn. Phó chủ nhiệm do Uỷ ban chọn trong các Uỷ viên. Số thành viên của mỗi Uỷ ban do Quốc hội định. Thành viên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thể đồng thời là thành viên của Uỷ ban của Quốc hội.

Đáng chú ý là lần đầu tiên, Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định tương đối rõ về nhiệm vụ và quyền hạn của các ủy ban thường trực của Quốc hội. Cụ thể là Ủy ban Dự án pháp luật có ba nhiệm vụ, bao gồm: (i) thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh và những dự án khác về vấn đề pháp luật do Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao; (ii) dự thảo các dự án luật, pháp lệnh; (iii) đề ra dự án luật, pháp lệnh, ý kiến về vấn đề pháp luật với Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Còn Uỷ ban kế hoạch và ngân sách có nhiệm vụ thẩm tra dự án kế hoạch Nhà nước, dự toán và quyết toán dự toán ngân sách Nhà nước và những dự án khác về kế hoạch Nhà nước và về ngân sách Nhà nước.

Ngoài hai ủy ban thường trực mà Hiến pháp năm 1959 quy định thì trong quá trình hoạt động của mình, Quốc hội còn thành lập thêm ba ủy ban thường trực khác. Đó là Ủy ban thống nhất của Quốc hội (được thành lập theo nghị quyết ngày 30-4-1963 của Quốc hội); Ủy ban văn hóa và xã hội của Quốc hội (được thành lập theo nghị quyết ngày 3-7-1964 của Quốc hội); Ủy ban đối ngoại của Quốc hội (được thành lập theo nghị quyết ngày 9-2-1974 của Quốc hội). Việc thành lập thêm các ủy ban thường trực này xuất phát từ nhu cầu cần tăng cường hoạt động của Quốc hội và đồng thời, thể hiện xu hướng chuyên trách hóa hoạt động của Quốc hội theo lĩnh vực do từng ủy ban đảm nhiệm.

Về ủy ban lâm thời, Hiến pháp năm 1959 quy định Quốc hội bầu ra Uỷ ban Thẩm tra tư cách đại biểu của đại biểu Quốc hội và “các ủy ban điều tra về những vấn đề nhất định” có thể do Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thành lập. Thành phần, nhiệm vụ và cách làm việc của các Uỷ ban Điều tra do Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định.

c) Cơ quan giúp việc

Đến giai đoạn này, theo Luật Tổ chức Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức văn phòng và cơ quan giúp việc cần thiết đặt dưới sự lãnh đạo của Tổng thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cử một hay nhiều thư ký theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể hóa các quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh đã ban hành Quyết định số 87 ngày 16-1-1962 quy định Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ: (i) phục vụ các cuộc họp của Quốc hội, của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và của các Uỷ ban của Quốc hội; (ii) phục vụ việc liên hệ giữa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với Hội đồng Chính phủ và các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, các HĐND địa phương và các đại biểu Quốc hội; (iii) nghiên cứu các vấn đề về bầu cử Quốc hội và bầu cử HĐND; (iv) quản lý các hồ sơ, tài liệu của Quốc hội; (v) phục vụ việc tiếp dân và (vi) phục vụ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong công tác dân nguyện.

Theo Quyết định này, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gồm ba vụ là Vụ Hành chính, Vụ Pháp chính và Vụ Dân chính và trong mỗi vụ có các phòng và tổ công tác. Việc thành lập hoặc bãi bỏ một vụ thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Thời gian này, Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt dưới sự lãnh đạo của Tổng thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giúp việc cho Tổng thư ký có 3 ủy viên thư ký. Mỗi ủy viên thư ký của Ban thư ký được phân công phụ trách một vụ; mỗi vụ có một vụ trưởng. Trách nhiệm của Tổng thư ký ngoài việc giải quyết các công việc thường ngày của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn chịu trách nhiệm trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác của Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tháng 3-1974, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định đặt chức Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giúp Tổng thư ký trong việc điều hành và quản lý Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhiệm vụ của Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội là giúp Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ của mình nhằm phát huy vai trò của Quốc hội trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com