Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại COP 21

08:12, 02/12/2015

Chiều 30-11 (giờ địa phương), tại Trung tâm Hội nghị Bu-ghê, Pa-ri, Cộng hòa Pháp,Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể của Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 21).

Phát biểu trước 150 nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các quốc gia trên thế giới và lãnh đạo các tổ chức quốc tế đại diện cho 196 thành viên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Chúng ta có mặt tại Hội nghị COP 21 để bày tỏ cam kết ủng hộ, thúc đẩy tiến trình đàm phán và thông qua Thỏa thuận khí hậu toàn cầu sau năm 2020. Nội dung Thỏa thuận cần bảo đảm sự đóng góp công bằng giữa các quốc gia và có sự cân bằng trong các nội dung về giảm nhẹ, thích ứng, tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ... Các nước phát triển cần đi đầu trong thực hiện cam kết của mình, đồng thời hỗ trợ và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển để cùng nhau thực hiện thành công Thỏa thuận”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi nội dung Thỏa thuận toàn cầu mới về khí hậu dự kiến được thông qua tại COP 21 cần bảo đảm sự đóng góp công bằng giữa các quốc gia và sự cân bằng giữa các nội dung về giảm nhẹ, thích ứng, tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ; nhấn mạnh các nước phát triển cần đi đầu trong việc thực hiện cam kết, đồng thời tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nước đang phát triển để cùng nhau thực hiện thành công Thỏa thuận.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại COP 21 trước 150 nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các quốc gia trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại COP 21 trước 150 nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các quốc gia trên thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, từ nay đến năm 2020, mặc dù trong điều kiện khó khăn về nguồn lực nhưng Việt Nam vẫn sẽ tích cực triển khai Chiến lược, Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực với các biện pháp thiết thực. Việt Nam khẳng định thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ trong Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Ky-ô-tô, đồng thời cam kết Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016-2020.

Thủ tướng cũng nêu rõ, trong giai đoạn sau năm 2020, mặc dù phải đương đầu với nhiều khó khăn và chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ xem xét định kỳ, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Để triển khai thành công Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã được thông qua tại Niu-oóc tháng 9-2015 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ và hợp tác hiệu quả trong việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả Thỏa thuận toàn cầu mới về khí hậu; đồng thời khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới một tương lai phát triển xanh, sạch cho các thế hệ mai sau.

Trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước LHQ về biến đổi khí hậu (COP 21) tại Pa-ri, chiều ngày 30-11 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Pháp Ma-nu-en Van tại Trung tâm Hội nghị Bu-ghê.

Tại hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự cảm thông sâu sắc của Chính phủ và nhân dân Việt Nam tới Chính phủ và nhân dân Pháp, đặc biệt là tới gia đình các nạn nhân trong các vụ tấn công khủng bố ngày 13-11 vừa qua tại Pa-ri.

Thủ tướng Ma-nu-en Van cảm ơn sự chia sẻ của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đánh giá cao việc Việt Nam cử Đoàn đại biểu cấp cao tham dự và đóng góp tích cực cho Hội nghị COP 21, hội nghị lịch sử tập trung nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hai bên đã thống nhất các phương hướng, biện pháp lớn thúc đẩy hợp tác song phương, đồng thời trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm.

Hai Thủ tướng đánh giá quan hệ hai nước đã có nhiều bước phát triển tích cực trong thời gian qua. Việc hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm chính thức Pháp năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh dấu cột mốc lớn trong quan hệ Việt Nam - Pháp, đặt cơ sở cho hai nước xác định các hướng hợp tác lâu dài trên các lĩnh vực then chốt. Hai Thủ tướng nhất trí cho rằng hai nước cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ các nội hàm của quan hệ Đối tác chiến lược và đã thống nhất nhiều biện pháp cụ thể để tăng cường hợp tác Việt - Pháp trong thời gian tới.

Về chính trị, hai bên nhất trí tăng cường tiếp xúc ở các cấp, nhất là cấp cao; nâng cao vai trò của các cơ chế chỉ đạo, định hướng hợp tác trên các lĩnh vực, như Ủy ban hỗn hợp hợp tác quốc phòng và Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế; phối hợp tổ chức thành công Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 10 vào tháng 9-2016 tại Việt Nam.

Về kinh tế, hai bên nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác trong các dự án trọng điểm về giao thông vận tải, năng lượng, hàng không vũ trụ, nông nghiệp, dược phẩm… Pháp hiện là bạn hàng lớn thứ 5 của Việt Nam trong EU, kim ngạch thương mại năm 2014 đạt 3,5 tỷ USD; đứng thứ 2 trong số các nước châu Âu đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn hơn 3,38 tỷ USD; là nhà tài trợ ODA châu Âu hàng đầu cho Việt Nam, đạt 360 triệu USD năm 2014. Tuy nhiên, hai Thủ tướng cho rằng những kết quả này còn chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai nước.

Thủ tướng Ma-nu-en Van nêu rõ Pháp rất quan tâm đến yêu cầu của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất trí hai bên cần hỗ trợ lẫn nhau trong nỗ lực đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính; sẵn sàng khuyến khích doanh nghiệp Pháp tham gia tích cực vào các dự án “phát triển xanh” tại Việt Nam.

Hai Thủ tướng cũng nêu bật tầm quan trọng của việc đẩy mạnh hợp tác giáo dục, đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập, nghiên cứu.

Thủ tướng Ma-nu-en Van cam kết Pháp tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với EU, nhất là về kinh tế và thương mại; sẽ hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA). Thủ tướng Pháp hoan nghênh việc Việt Nam và EU sẽ tuyên bố chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và ủng hộ hai bên sớm ký chính thức, khẩn trương phê duyệt và triển khai Hiệp định quan trọng này, nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư Việt Nam - Pháp.

Hai Thủ tướng đánh giá cao sự phối hợp giữa hai nước trên các diễn đàn đa phương, giúp Việt Nam và Pháp nâng cao vị thế quốc tế của mình. Thủ tướng Pháp đánh giá cao chính sách và thành tựu hội nhập quốc tế của Việt Nam, vai trò của Việt Nam trong giữ gìn hòa bình, an ninh, ổn định tại khu vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng làm cầu nối giúp Pháp tăng cường quan hệ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và với ASEAN.

Hai bên nhất trí cho rằng mọi tranh chấp ở Biển Đông cần phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải và hàng không vì lợi ích của khu vực và của cả cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Chính phủ Pháp dành cho Đoàn Việt Nam và mời Thủ tướng Ma-nu-en Van thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp.

Cũng trong ngày 30-11, tại Pa-ri, nhân dịp tham dự Hội nghị COP 21, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với các nhà lãnh đạo của 24 nước gồm Anh, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, In-đô-nê-xi-a, Bra-xin, Hà Lan, Áo, Na Uy, Phần Lan, Chi-lê, I-ran, Cu-ba, Thái Lan, Căm-pu-chia, Phi-líp-pin, U-crai-na, Xlô-vê-ni-a, An-giê-ri, Bun-ga-ri, I-ta-li-a, Pa-na-ma, Niu Di-lân và Lát-vi-a.

Tại các cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong việc thúc đẩy, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác thực chất và ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả với các nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và bày tỏ cảm ơn các nước về sự ủng hộ và giúp đỡ hiệu quả đối với sự nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam thời gian qua, đồng thời đề nghị các nước tiếp tục dành cho Việt Nam sự hỗ trợ lâu dài, thiết thực trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thời gian tới.

Thủ tướng cũng đề xuất những biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước; đồng thời đề nghị các nước đối tác tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, ủng hộ Việt Nam ứng cử vào các cơ quan quan trọng của LHQ. Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp chủ động, tích cực vào việc gìn giữ môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác để phát triển ở khu vực và trên thế giới; kêu gọi bạn bè quốc tế ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam liên quan đến Biển Đông.

Lãnh đạo các nước bày tỏ sự khâm phục về những thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam thời gian qua, đánh giá cao vai trò và uy tín của Việt Nam ở châu Á - Thái Bình Dương và trên trường quốc tế nói chung cũng như những đóng góp tích cực của Việt Nam trong việc chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng; hài lòng trước những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ với Việt Nam thời gian qua, khẳng định rất coi trọng và mong muốn thúc đẩy, tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.

Các nhà lãnh đạo các nước cũng trao đổi nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Đồng thời, cam kết tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc phát triển đất nước và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, môi trường, hướng đến thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đến năm 2030 của LHQ. Lãnh đạo nhiều nước cũng bày tỏ sự đồng tình với lập trường của Việt Nam và ASEAN trong vấn đề Biển Đông.

Bên lề phiên Đối thoại cấp cao “Việt Nam chung tay cùng với các đối tác quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long” chiều ngày 30-11 (theo giờ Pa-ri), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Gim Dong Kim, Tổng Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Quỹ Môi trường toàn cầu và Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA).

Tại cuộc tiếp Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Gim Dong Kim, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và cảm ơn sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Thế giới đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua, đặc biệt trong việc tiếp tục duy trì vốn ưu đãi cho Việt Nam lên gần 1,5 tỷ USD trong kỳ IDA 17. Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Thế giới tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn phát triển và hội nhập thời gian tới.

Đánh giá về những thành tựu mọi mặt mà Việt Nam đã đạt được thời gian qua, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Gim Dong Kim nhấn mạnh: “Việt Nam là một trong những nước tiên phong, là mô hình phát triển cho các nước. Việt Nam đã làm được rất nhiều điều tạo nên sự khác biệt cho đất nước” và cho biết bản thân rất ấn tượng với các mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam, nhất là trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, Chủ tịch Gim Dong Kim cam kết Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ hết sức để quá trình chuyển đổi của Việt Nam diễn ra thành công, tiếp tục sát cánh cùng Việt Nam thực hiện mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện mục tiêu 2030.

Tại cuộc tiếp Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ và ủng hộ của KOICA trong các dự án phát triển của Việt Nam và đề nghị KOICA tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và ứng phó biến đổi khí hậu, môi trường, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới.

Chủ tịch KOICA cảm ơn Việt Nam đã mời tham dự phiên Đối thoại cấp cao về biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long; khẳng định Việt Nam là đối tác lớn nhất về cơ sở hạ tầng và phát triển của KOICA nói riêng và của Hàn Quốc nói chung; bày tỏ mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng năng lực thể chế, cơ sở dữ liệu thống kê và các vấn đề khác. Chủ tịch KOICA cam kết đóng góp nhiều hơn nữa cho Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường; sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong khâu xây dựng và chuẩn bị các dự án phát triển.

Tại cuộc gặp với bà Na-ô-cô I-si-i, Tổng giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Quỹ Môi trường toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu dành cho Việt Nam thời gian qua; khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn dành sự quan tâm lớn để giải quyết vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường; cho biết thời gian qua, với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu cũng như sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã giải quyết hiệu quả và tích cực nhiều vấn đề môi trường đang ngày càng gia tăng về quy mô và mức độ phức tạp như vấn đề hoá chất, chất thải nguy hại, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, suy thoái đất, nguồn nước…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Quỹ Môi trường toàn cầu quan tâm hỗ trợ các dự án của Việt Nam trong lĩnh vực môi trường để đảm bảo việc thực hiện hiệu quả các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững mà các nước phải thực hiện từ năm 2016.

Bà Na-ô-cô I-si-i khẳng định mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong phát triển đô thị bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long; chia sẻ quan ngại về vấn đề nước biển dâng. Đồng thời, cam kết sẽ xem xét đề nghị hỗ trợ Việt Nam triển khai thực hiện các biện pháp để giúp đồng bằng sông Cửu Long ứng phó hiệu quả với các tác động của biến đổi khí hậu và nỗ lực hợp tác với các nước khu vực Mê-công tăng cường bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê-công./.

Tin, ảnh: TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com