70 năm Quốc hội Việt Nam (kỳ 2)

09:12, 25/12/2015

[links()]

(Tiếp theo kỳ trước)

II. Văn kiện của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội

Việc xây dựng và nâng cao vị trí, vai trò của Quốc hội luôn là chủ trương xuyên suốt của Đảng qua các kỳ đại hội. Tuy nhiên, trong từng giai đoạn phát triển khác nhau, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội được đề cập với những cách tiếp cận khác nhau trong các văn kiện của Đảng. Trong tập tài liệu này, chúng tôi xin trích giới thiệu văn kiện các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng trong thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay1.

1.1 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI

Thời gian: Từ ngày 15 đến 18-12-1986.

Nhiệm vụ chính: Thực hiện đổi mới đất nước (khởi xướng đưa đất nước tiến hành công cuộc đổi mới)2.

“Tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, trước hết là nêu cao vị trí của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, vai trò của HĐND các cấp… Các cơ quan dân cử từ Quốc hội đến HĐND các cấp thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thường xuyên cải tiến và kịp thời tổng kết các mặt hoạt động; nâng cao chất lượng các kỳ họp, bàn và quyết định những vấn đề thiết thực; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và công tác giám sát đối với hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước…”3.

Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam xác định nêu cao vị trí và vai trò của Quốc hội và HĐND các cấp, tạo điều kiện cho các cơ quan dân cử thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo Hiến pháp quy định. Ảnh: Tư liệu
Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam xác định nêu cao vị trí và vai trò của Quốc hội và HĐND các cấp, tạo điều kiện cho các cơ quan dân cử thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo Hiến pháp quy định. Ảnh: Tư liệu

Để nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Nêu cao vị trí và vai trò của Quốc hội và HĐND các cấp, tạo điều kiện cho các cơ quan dân cử thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo Hiến pháp quy định. Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và quản lý xã hội bằng pháp luật. Phân định rành mạch nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước từng cấp theo nguyên tắc tập trung dân chủ, phân biệt rõ chức năng quản lý hành chính - kinh tế với quản lý sản xuất - kinh doanh, kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương và vùng lãnh thổ. Chấn chỉnh bộ máy quản lý Nhà nước theo hướng tinh, gọn, có đủ năng lực để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật, chính sách cụ thể; xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch Nhà nước; quản lý và điều hành có hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội; giữ vững pháp luật, kỷ cương và trật tự, an toàn xã hội”4.

1.2 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII

Thời gian: Từ ngày 24 đến 27-6-1991.

Nhiệm vụ chính: Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đưa đất nước đi theo con đường đổi mới5.

“Tiếp tục cải cách bộ máy Nhà nước theo phương hướng: Nhà nước thực sự là của dân, do dân và vì dân. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, dưới sự lãnh đạo của Đảng; tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện thống nhất quyền lực, nhưng phân công, phân cấp rành mạch; bộ máy tinh giản, gọn nhẹ và hoạt động có chất lượng cao trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật, quản lý6.

Cần tập trung làm tốt một số việc:

- Sửa đổi Hiến pháp; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục sửa đổi và xây dựng hệ thống pháp luật về kinh tế, văn hoá, xã hội, về hình sự, dân sự, hành chính, về quyền và nghĩa vụ công dân... Nâng cao trình độ của các cơ quan Nhà nước về xây dựng luật pháp, sớm ban hành luật về trình tự xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật, bảo đảm cho Nhà nước quản lý mọi mặt của đời sống xã hội bằng pháp luật...

- Cải tiến tổ chức và hoạt động của Quốc hội và HĐND để làm đúng chức năng quy định. Đổi mới tiêu chuẩn đại biểu, chế độ bầu cử và quy chế hoạt động của Quốc hội và HĐND”7.

1.3 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII

Thời gian: Từ ngày 28-6 đến 1-7-1996.

Nhiệm vụ chính: Thực hiện đổi mới, đẩy mạnh CNH-HĐH, quá độ lên chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa8.

“Để Nhà nước ta thực sự là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, một Nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực và hiệu quả, phải thực hiện tốt, đồng bộ các nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lập pháp và giám sát tối cao của Quốc hội đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, cụ thể:

- Về hoạt động lập pháp: Ban hành các đạo luật cần thiết để điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ưu tiên xây dựng các luật về kinh tế, về quyền công dân và các luật điều chỉnh công cuộc cải cách bộ máy Nhà nước, các luật điều chỉnh các hoạt động văn hoá, thông tin. Coi trọng tổng kết thực tiễn Việt Nam, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, ban hành các văn bản luật với những quy định cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện. Giảm dần các luật, pháp lệnh chỉ dừng lại ở những nguyên tắc chung, muốn thực hiện được phải có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành.

- Về hoạt động giám sát: Nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Xác định rõ phạm vi, nội dung, cơ chế giám sát của Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội và của HĐND các cấp; phân định rõ tính chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau giữa hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND với hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm sát của các cơ quan và tổ chức khác. Cùng với việc bảo đảm thực hiện các quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, cần nghiên cứu, hướng dẫn để mọi công dân có điều kiện phát hiện, đề xuất, kiến nghị, giúp cho hoạt động giám sát có hiệu quả”9.

1.4 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX

Thời gian: Từ ngày 19 đến 22-4-2001.

Nhiệm vụ chính: Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh CNH-HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

“Kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trọng tâm là tăng cường công tác lập pháp, xây dựng chương trình dài hạn về lập pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới quy trình ban hành và hướng dẫn thi hành luật. Quốc hội làm tốt chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, quyết định và phân bổ ngân sách Nhà nước, thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, trước mắt tập trung vào những vấn đề bức xúc như sử dụng vốn và tài sản Nhà nước, chống tham nhũng, quan liêu. Khẩn trương nghiên cứu, đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 phù hợp với tình hình mới”10.

Để phát huy dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tăng cường pháp chế, Đại hội nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, hoàn thiện những quy định về bầu cử, ứng cử, về tiêu chuẩn và cơ cấu các đại biểu Quốc hội và HĐND trên cơ sở thật sự phát huy dân chủ. Tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, mở rộng dân chủ trực tiếp ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý xã hội, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng”11,12.

1.5 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X

Thời gian: Từ ngày 18 đến 25-4-2006.

Nhiệm vụ chính: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển13.

“Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cần xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng tính cụ thể, khả thi của các quy định trong văn bản pháp luật. Xây dựng, hoàn thiện thể chế giám sát, kiểm tra tính hợp hiến và hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền.

Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Hoàn thiện cơ chế bầu cử nhằm nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội; tăng hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, phát huy tốt hơn vai trò của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội. Tổ chức lại một số Ủy ban của Quốc hội; nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Đổi mới hơn nữa quy trình xây dựng luật, giảm mạnh việc ban hành pháp luật. Thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và chức năng giám sát tối cao”14.

1.6 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI

Thời gian: Từ ngày 12 đến 19-1-2011.

Nhiệm vụ chính: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại15.

“Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm cho Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Hoàn thiện cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội để cử tri lựa chọn và bầu những người thực sự tiêu biểu vào Quốc hội. Nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, tăng hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách; có cơ chế để đại biểu Quốc hội gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri. Cải tiến, nâng cao hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội. Nghiên cứu, giao quyền chất vấn cho Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Tiếp tục phát huy dân chủ, tính công khai, đối thoại trong thảo luận, hoạt động chất vấn tại diễn đàn Quốc hội16.

Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, trước hết là quy trình xây dựng luật, pháp lệnh; luật, pháp lệnh cần quy định cụ thể, tăng tính khả thi để đưa nhanh vào cuộc sống. Thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quyết định và giám sát các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là các công trình trọng điểm của quốc gia, việc phân bổ và thực hiện ngân sách; giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí”17./.

(còn nữa)

---------------------------------------

1,2. Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam http://www.dangcongsan.vn.

3.  Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội 1987, tr. 120-121.

4. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 47 (1986), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2006, tr.562.

5,6. Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam http://www.dangcongsan.vn.

7,8,9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội 1991, tr. 91-92.

10,11. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 132-133 và 134.

12. Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam http://www.dangcongsan.vn.

13, 14. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 126.

15,17. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 248-249.

16. Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam http://www.dangcongsan.vn.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com