Vinh quang, tự hào viết tiếp những trang sử vàng truyền thống

08:11, 09/11/2015

Nguyễn Khắc Chanh
Chánh Thanh tra tỉnh Nam Định

Cách đây 70 năm, ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, là tổ chức tiền thân của ngành Thanh tra Việt Nam. Từ đó, ngày 23-11 trở thành ngày truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam. Có thể nói việc thành lập Ban Thanh tra đặc biệt đã thể hiện vai trò và sự cần thiết của công tác thanh tra đối với chính quyền ngay từ buổi đầu mới thành lập; thanh tra trở thành một chức năng thiết yếu của quản lý và là một thiết chế giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân thuộc các cấp chính quyền, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, xử lý các vi phạm pháp luật góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.

Trong suốt 70 năm xây dựng, trưởng thành, hoạt động của ngành Thanh tra luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trải qua các thời kỳ cùng với quá trình phát triển lịch sử cách mạng Việt Nam, với những tên gọi và nhiệm vụ khác nhau theo yêu cầu của mỗi giai đoạn cách mạng, hệ thống Thanh tra Việt Nam ngày càng phát triển cả về bề dày thành tích cũng như quy mô tổ chức và lực lượng cán bộ làm công tác thanh tra.

Qua 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Thanh tra Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, viết nên những trang sử truyền thống vẻ vang của Thanh tra Việt Nam. Những cán bộ, công chức ngành Thanh tra Việt Nam luôn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh chính trị thể hiện được vai trò nòng cốt trong đấu tranh, phòng ngừa, xử lý vi phạm, chấn chỉnh quản lý, đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thanh tra Nam Định được thành lập trong thời kỳ cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Những ngày đầu, các thế hệ cán bộ Thanh tra Nam Định đã ngày đêm lăn lộn với công việc, vừa xây dựng tổ chức, vừa phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao, phục vụ công cuộc khôi phục, cải tạo kinh tế - xã hội, chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt. Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội bộ máy tổ chức của ngành Thanh tra tỉnh có nhiều thay đổi. Trong quá trình chia tách, sáp nhập tỉnh, Thanh tra tỉnh Nam Định với hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Bên cạnh lực lượng Thanh tra Nhà nước ở các cấp, còn có hàng trăm Ban Thanh tra nhân dân ở các xã, phường, thị trấn và cơ quan, xí nghiệp với hàng nghìn cán bộ làm công tác thanh tra, lực lượng thanh tra chuyên ngành của các sở, ngành. Đây là lực lượng hùng hậu trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, đảm bảo đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước được thực hiện nghiêm.

Dưới sự chỉ đạo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ; sự chỉ đạo, điều hành của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, của các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương, ngành Thanh tra Nam Định đã quyết tâm đổi mới cách nghĩ, cách làm, năng động, sáng tạo, đoàn kết nhất trí nỗ lực hết mình tập trung vào nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC), phòng chống tham nhũng (PCTN) đồng thời tăng cường củng cố tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao.

Trong công tác thanh tra, 5 năm qua, toàn ngành Thanh tra Nam Định đã triển khai thực hiện 1.236 cuộc thanh, kiểm tra hành chính, chuyên ngành theo kế hoạch hay nhiệm vụ đột xuất do thủ trưởng các cấp, các ngành giao đối với trên 27.444 lượt cơ quan, đơn vị, cá nhân; phát hiện sai phạm về tiền là 79.431,12 triệu đồng và 1.715,43ha đất. Kiến nghị thu hồi về kinh tế số tiền 57.966,43 triệu đồng (trong đó xử lý thu hồi về kinh tế với số tiền 52.057,99 triệu đồng và xử phạt vi phạm hành chính số tiền 5.908,44 triệu đồng), số tiền đã thu hồi được 57.221,78 triệu đồng (đạt 98,7%) và 416,6ha đất, giảm trừ quyết toán 4.766,36 triệu đồng, yêu cầu doanh nghiệp hạch toán giảm lỗ 5.325,84 triệu đồng, xử lý khác 11.372,49 triệu đồng; tịch thu, xử lý nhiều phương tiện, tang vật vi phạm hành chính; chuyển 07 vụ việc sang cơ quan điều tra để làm rõ trách nhiệm để có biện pháp xử lý.

Công tác giải quyết KNTC, đã được các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm trong tiếp dân, giải quyết KNTC; phần lớn các vụ việc KNTC mới phát sinh đã được tập trung giải quyết; công tác đối thoại, hoà giải được coi trọng và ngày càng có hiệu quả; sự phối hợp trong xử lý khiếu nại đông người, vượt cấp, các vụ việc tồn đọng kéo dài được quan tâm; việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật được thực hiện nghiêm. Trong 5 năm qua, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, các ngành trong tỉnh đã tiếp 19.998 lượt công dân đến KNTC đề nghị, kiến nghị, trong đó có 578 lượt đoàn đông người; tiếp nhận, phân loại, xử lý 11.262 đơn thư của công dân; đã giải quyết được 670/848 vụ việc thuộc thẩm quyền, đạt 79%. Qua giải quyết KNTC đã khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của công dân với số tiền là 559,4 triệu đồng và một số loại tài sản khác; thu hồi cho Nhà nước và tập thể với số tiền 1.364 triệu đồng và 2.060m2 đất; xử lý kỷ luật hành chính 19 đối tượng; xử lý kỷ luật Đảng 15 đối tượng, chuyển xử lý hình sự 02 vụ việc.

Trong công tác PCTN, ngành Thanh tra cùng các cấp, các ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và đẩy mạnh việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” dưới nhiều hình thức. Tập trung hướng dẫn, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện khá đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Cùng với công tác phòng ngừa, ngành Thanh tra đã đẩy mạnh hoạt động thanh tra quản lý Nhà nước đối với UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành để nâng cao nhận thức về PCTN, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng.

Trong công tác xây dựng ngành, đã tổ chức triển khai và thực hiện nghiêm các quy trình nghiệp vụ, các quy chế phối hợp, quy chế điều hành hoạt động Đoàn Thanh tra… của Thanh tra Chính phủ. Tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quyết định số 29/2014/QĐ-UBND ngày 25-11-2014 của UBND tỉnh Nam Định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra tỉnh nhằm tạo lập cơ sở pháp lý trong tổ chức và hoạt động của ngành. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên của ngành Thanh tra.

Quá trình 70 năm xây dựng, phát triển, dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, các thế hệ cán bộ, thanh tra viên ngành Thanh tra tỉnh Nam Định cũng luôn thể hiện và giữ gìn phẩm chất cao quý “Trung thành, tận tụy, gương mẫu, liêm khiết, khách quan, công tâm” hết sức, hết lòng vì nhiệm vụ. Ghi nhận thành tích của các tập thể và cá nhân của ngành Thanh tra Nam Định, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương và phần thưởng cao quý khác. Năm 1985, ngành Thanh tra Nam Định được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, năm 2000 được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, năm 2007 được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và năm nay, vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.

Thanh tra tỉnh Nam Định và ngành Thanh tra Nam Định ý thức sâu sắc rằng: Để đạt được những thanh tựu to lớn đó, ngoài sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, công chức ngành Thanh tra Nam Định cũng luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của Thanh tra Chính phủ; cấp ủy, chính quyền các cấp và sự cộng tác, phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và đặc biệt là sự tin tưởng, giúp đỡ, ủng hộ, chia sẻ, đùm bọc của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã đồng vai, sát cánh với ngành Thanh tra trên mặt trận giữ gìn trật tự, kỷ cương, chấn chỉnh quản lý, phòng ngừa vi phạm, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Thành tựu 70 năm qua cũng nói lên sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của lớp lớp các thế hệ cán bộ, công chức trong ngành Thanh tra Nam Định đã trung thành, tận tụy, gương mẫu trong công tác.

Phát huy những thành tích đã đạt được trong những năm qua, khắc phục những hạn chế, tồn tại, trong thời gian tới Thanh tra Nam Định đặt ra mục tiêu phấn đấu để không ngừng phát huy vai trò của ngành Thanh tra, tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả của hoạt động thanh tra, làm cho hoạt động thanh tra thực sự đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, là phương thức hữu hiệu trong việc phát hiện xử lý tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần tích cực hơn nữa vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân; phấn đấu vì sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Để thực hiện tốt mục tiêu trên, ngành Thanh tra Nam Định cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, trong công tác giải quyết KNTC cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện đồng bộ các quy định của pháp luật về KNTC. Tập trung lực lượng tham mưu giúp thủ trưởng các cấp, các ngành làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư KNTC, kiến nghị, đề nghị của công dân.

Hai là, trong công tác thanh tra cần bám sát kế hoạch, kịp thời, thanh tra đột xuất, tập trung vào những lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, tiêu cực; nhằm phát hiện, chấn chỉnh những sơ hở, bất cập trong quản lý, xử lý các hành vi vi phạm, tiêu cực cũng như kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp. Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, bảo đảm kết luận thanh tra chính xác, khách quan, đúng pháp luật, đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra.

Ba là, trong công tác phòng, chống tham nhũng có giải pháp đồng bộ, tiến hành quyết liệt hơn để tạo chuyển biến rõ rệt. Chủ động, tích cực hướng dẫn, đôn đốc, triển khai các biện pháp phòng ngừa. Đồng thời đẩy mạnh phát hiện tham nhũng và có biện pháp kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng.

Bốn là, về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, ngành Thanh tra Nam Định cần tập trung củng cố tổ chức bộ máy, kiện toàn đội ngũ cán bộ, chấn chỉnh lề lối làm việc, tăng cường đoàn kết, thống nhất. Nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, thanh tra viên, bảo đảm trong sạch, vững mạnh, cán bộ thanh tra phải có tâm, có tầm, có bản lĩnh, có dũng khí vì lợi ích của chế độ, của nhân dân.

Năm là, tiếp tục đổi mới phong cách, phương pháp chỉ đạo, điều hành; tăng cường quan hệ phối hợp với các cấp, các ngành trong công tác; giữ mối liên hệ mật thiết với các đồng chí đã công tác trong ngành Thanh tra để tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm nhằm kế thừa, phát huy truyền thống của ngành Thanh tra Nam Định trong thời gian qua.

Cán bộ, công chức ngành Thanh tra Nam Định nguyện không ngừng phấn đấu, giữ gìn, phát huy và bồi đắp thêm truyền thống vẻ vang của ngành, nỗ lực hết mình, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và công cuộc đổi mới của đất nước, làm việc với tinh thần tận tụy, sáng tạo, khách quan, công tâm, xứng đáng với sự tin cậy của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Thanh tra Chính phủ và sự tín nhiệm của nhân dân; nguyện viết tiếp trang sử vẻ vang của ngành Thanh tra, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại “Thanh tra là tai mắt của trên, người bạn của dưới”, “Thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com