Thực hiện Chỉ thị 08 ngày 21-10-2011 của Ban Bí thư Trung ương về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATTP trong tình hình mới, Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri 09/TT-TU ngày 14-5-2012; Kế hoạch số 41 ngày 14-5-2012; UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động số 02 ngày 22-6-2012 về công tác bảo đảm ATTP. Cùng với việc quán triệt thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cũng tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật ATTP đến các tầng lớp nhân dân, trong đó nhấn mạnh các nội dung: Tầm quan trọng của ATTP đối với sức khỏe con người, sự phát triển giống nòi và phát triển kinh tế - xã hội; quyền và nghĩa vụ của mọi người dân trong việc sử dụng thực phẩm an toàn; ATTP là trách nhiệm và uy tín của các cá nhân, tổ chức trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm; sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm theo đúng quy định pháp luật về ATTP…
Cán bộ Chi cục ATVSTP tỉnh xét nghiệm thực phẩm. |
Để nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về ATTP, các ngành tham gia quản lý Nhà nước về ATTP gồm: Y tế, NN và PTNT, Công thương đã xây dựng hệ thống thanh tra chuyên ngành về ATTP để đẩy mạnh công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về ATTP. Trong 3 năm qua, trong công tác thanh tra chuyên ngành, đã xử lý được 2.442 cơ sở, trong đó phạt tiền 269 cơ sở với số tiền 689 triệu 850 nghìn đồng, tiêu hủy 151 loại sản phẩm không đảm bảo ATTP. Cũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, đã đánh giá được thực trạng về ATTP một số nhóm mặt hàng thực phẩm có nguy cơ cao lưu thông trên thị trường nhằm phát hiện và cảnh báo các mối nguy gây mất ATTP; đánh giá công tác quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP các cấp trong việc cấp các loại giấy liên quan đến bảo đảm ATTP; trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý về chất lượng ATTP, phòng chống NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm. Ngoài ra, để nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về ATTP, các ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp về ATTP để có đủ năng lực tham gia vào quá trình quản lý, kiểm tra, thanh tra về chất lượng thực phẩm từ tỉnh đến cấp xã; riêng tại địa bàn các thôn xóm, đã xây dựng được mạng lưới cộng tác viên về ATTP. Từ khi triển khai Chỉ thị 08 đến nay, đã tập huấn kiến thức cho 3.288 cán bộ chuyên trách về ATTP từ tuyến huyện đến tuyến xã, phường, thôn, xóm. Chi cục ATVSTP tỉnh cũng phối hợp với Trường Đại học Y Thái Bình, Trường Thanh tra Chính phủ tổ chức các khóa đào tạo nâng cao kiến thức ATTP cho cán bộ tuyến tỉnh, huyện và các ngành: NN và PTNT, Công thương, Công an tỉnh… Các ngành cũng chú trọng nâng cao năng lực trong công tác kiểm nghiệm thực phẩm. Tại tuyến tỉnh, đã xây dựng được 1 Phòng Kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO 17025 tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phục vụ công tác kiểm nghiệm. Tại tuyến huyện, đã nâng cao năng lực kiểm nghiệm cho 100% các huyện và 20% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh về thực hiện test nhanh. Các ngành cũng đã xây dựng và nhân rộng được các mô hình quản lý ATTP tiên tiến như: 3 mô hình điểm về ATTP thức ăn đường phố; 2 mô hình điểm về làng nghề; 4 mô hình điểm về ATTP lễ hội; các mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP và mô hình nuôi ngao sạch; mô hình chế biến thực phẩm được áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng ATTP tiên tiến như GMP, GHP, HACCP (ISO 22000)… Trong công tác nâng cao năng lực phòng chống NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm, đã xây dựng được mô hình giám sát mối nguy, qua đó xây dựng hệ thống cảnh báo và phân tích nguy cơ ATTP làm cơ sở cho công tác quản lý ATTP. Trong 3 năm qua đã giám sát được 7.074 số mẫu xét nghiệm, trong đó có 6.075 mẫu đạt, chiếm tỷ lệ 85,8%. Số mẫu không đạt chiếm 14,2%.
Để tạo sự chuyển biến thực sự về hành vi ATTP, các ngành chức năng và các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến Luật ATTP, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa thông qua các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở; qua đội ngũ cán bộ ngành Y tế, ngành NN và PTNT, các ban, ngành, đoàn thể như MTTQ, Hội CTĐ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, lực lượng vũ trang, CTV y tế thôn… với các hình thức như hướng dẫn thực hành cụ thể theo nhóm, nói chuyện, hội thảo, hội diễn, hội thi quần chúng, hội thi cộng tác viên tuyên truyền về ATTP. Công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục về ATTP được tập trung cao độ vào các thời điểm: Tháng hành động vì chất lượng ATTP, Tết Trung thu, trong dịp Tết Nguyên đán. Qua đó đã phổ biến kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước tới mọi người dân và cơ quan quản lý liên quan; thông tin kịp thời cho người dân về vấn đề đảm bảo ATTP, góp phần không nhỏ nâng cao ý thức, nhận thức của các cấp lãnh đạo, người sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Qua khảo sát của Chi cục ATVSTP tỉnh, nhận thức của người sản xuất thực phẩm hiểu biết về ATTP đã được nâng lên từ 67% lên 83%; nhận thức của người kinh doanh từ 65% nâng lên 80%; người tiêu dùng từ 70% nâng lên 83,8%; các nhà lãnh đạo quản lý từ 72% nâng lên 90%.
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 08 cũng bộc lộ một số tồn tại như: Nguồn nhân lực thực hiện công tác ATTP của ngành Y tế và ngành NN và PTNT còn thiếu, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện. Việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn tiên tiến còn nhiều khó khăn. Cụ thể, một số địa phương trong tỉnh đã quy hoạch được các vùng trồng trọt, các trang trại chăn nuôi tập trung, khu giết mổ an toàn, một số vùng nuôi trồng thủy sản sản xuất thực phẩm sạch nhưng chủ yếu để xuất khẩu, còn phần lớn mô hình sản xuất nông nghiệp của người dân trong tỉnh là sản xuất nhỏ, manh mún nên rất khó để tập hợp, thực hành quy định về quản lý chất lượng nên không có khả năng cung ứng ổn định một số lượng lớn các sản phẩm bảo đảm chất lượng và VSATTP cho thị trường. Ngoài ra công tác quản lý hóa chất BVTV, thức ăn chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp chưa chặt chẽ…; sự tham gia của chính quyền cấp cơ sở vào công tác ATTP chưa quyết liệt… Để khắc phục những tồn tại này, thời gian tới, các cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP, các ngành, các tuyến phối hợp chặt chẽ, cộng đồng trách nhiệm trong việc thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Bí thư Trung ương. Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP các tuyến và tăng cường trách nhiệm của UBND các cấp trong thực hiện Chỉ thị 08 và các văn bản chỉ đạo của tỉnh. Tăng cường tập huấn, đào tạo, phổ biến kiến thức về ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật cho chủ các doanh nghiệp để họ nắm rõ các quy định về ATTP để tăng cường trách nhiệm. Đầu tư hơn nữa cho công tác ATTP, trong đó tập trung vào công tác quy hoạch, công tác kiểm nghiệm, kinh phí hoạt động, kinh phí cho mạng lưới cộng tác viên ATTP tuyến cơ sở./.
Bài và ảnh: Minh Thuận