PHAN VĂN TÌNH
Uỷ viên Ban TVTU, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và xây dựng Đảng, ngày 16-10-1948 tại Chiến khu Việt Bắc, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Đảng ký, ban hành Quyết nghị số 29-QN/TW thành lập Ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng. Từ đó, ngày 16-10-1948 trở thành ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng. Trải qua 67 năm phấn đấu, xây dựng, ngành Kiểm tra Đảng đã không ngừng trưởng thành, Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) các cấp và các thế hệ cán bộ kiểm tra của Đảng luôn phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, giữ vững bản lĩnh chính trị, trung thành, tận tuỵ, liêm khiết, đoàn kết, kỷ luật, vượt qua khó khăn thử thách, lập nhiều thành tích.
Năm 1960, Ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nam Định được thành lập, dưới sự chăm lo, lãnh đạo của cấp uỷ các cấp, hệ thống cơ quan kiểm tra các cấp của Đảng bộ tỉnh ngày càng được tăng cường. Các thế hệ cán bộ kiểm tra trong tỉnh luôn trung thành với Đảng, tận tụy với công việc; đoàn kết, kỷ luật; vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những năm vừa qua, UBKT các cấp luôn chủ động tham mưu, giúp cấp ủy thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, thực hiện các nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định và nhiệm vụ do cấp uỷ giao.
Quán triệt tư tưởng chủ động trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và để phục vụ có hiệu quả hơn công tác lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010-2015. Ngay đầu nhiệm kỳ, UBKT các cấp đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy ban hành quy chế làm việc của UBKT; quán triệt, triển khai kịp thời, nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, quy định, chỉ đạo của Trung ương và hướng dẫn của UBKT Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.
Tham mưu cho cấp ủy xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm của cấp ủy cấp mình và của cấp ủy cấp trên; đã chú trọng kết hợp giữa kiểm tra của cấp trên với tự kiểm tra của cấp dưới. Việc xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát đã bám sát nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị phù hợp với chỉ đạo của Trung ương. Những năm vừa qua đã tập trung kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo và thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh và những vấn đề quần chúng, đảng viên quan tâm, như việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị “về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và thực hiện chính sách đối với người có công… UBKT các cấp chủ động, kịp thời báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy về những vụ việc khó, phức tạp; giải quyết dứt điểm đơn thư tố cáo, khiếu nại của đảng viên và công dân; thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên về việc sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả đạt được và rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.
Trước những tồn tại trong công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện kế hoạch khắc phục thiếu sót, khuyết điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), UBKT Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban TVTU ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TU, ngày 07-01-2014 về “Tăng cường nhiệm vụ kiểm tra tổ chức Đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm” nhằm tạo sự chuyển biến, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của UBKT các cấp; đồng thời đề ra các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của UBKT các cấp trong thời gian tới.
Trong nhiệm kỳ, UBKT cấp ủy các cấp đã tham mưu giúp cấp ủy kiểm tra 4.206 lượt tổ chức Đảng, 8.559 đảng viên; giám sát 2.998 lượt tổ chức Đảng, 6.601 đảng viên; kiểm tra 460 đảng viên, 97 tổ chức Đảng khi có dấu hiệu vi phạm; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát 5.994 lượt tổ chức Đảng; giải quyết tố cáo 9 tổ chức Đảng, 385 đảng viên; giám sát theo chuyên đề 2.730 tổ chức Đảng, 5.301 đảng viên… Qua kiểm tra, giám sát giúp tổ chức Đảng, đảng viên phát huy ưu điểm, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm và hạn chế vi phạm phát sinh; đồng thời xử lý nghiêm minh 55 tổ chức Đảng và 1.500 đảng viên có vi phạm. Việc thi hành kỷ luật trong Đảng đã được các tổ chức Đảng có thẩm quyền thực hiện đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc thủ tục; coi trọng công tác thẩm tra xác minh, kết hợp tự phê bình và phê bình của tổ chức Đảng, đảng viên để xem xét kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm; hầu hết các tổ chức Đảng và đảng viên có vi phạm đều được xem xét, xử lý kỷ luật đúng mức, được đảng viên, quần chúng nhân dân đồng tình, góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng và thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra.
Đạt được kết quả trên là do Tỉnh uỷ và cấp uỷ các cấp đã tăng cường lãnh đạo và tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Tổ chức quán triệt, triển khai kịp thời, nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, quy định, chỉ đạo của Trung ương và hướng dẫn của UBKT Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và tạo mọi điều kiện để UBKT các cấp hoàn thành nhiệm vụ; thường xuyên nghe UBKT báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo những vụ việc khó, phức tạp; củng cố kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra các cấp đủ số lượng, đúng tiêu chuẩn. Đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp luôn nỗ lực phấn đấu, không ngừng học tập, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ gìn đạo đức của người cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.
Thời gian tới, công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng bộ tỉnh cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế để thực hiện có hiệu quả chủ đề Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra: “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đoàn kết toàn dân; tạo bước đột phá về phát triển kinh tế; phấn đấu đến năm 2020, Nam Định là tỉnh NTM, có nền công nghiệp phát triển nhanh theo hướng hiện đại”, cấp ủy, UBKT các cấp tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
- Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cấp uỷ, tổ chức Đảng, UBKT các cấp và cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; làm cho các tổ chức Đảng, đảng viên nhận thức sâu sắc và đầy đủ công tác kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ của toàn Đảng, trước hết là của các cấp uỷ Đảng, vì mục tiêu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
- Cấp uỷ các cấp thường xuyên nghe UBKT báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo, giải quyết các vụ việc khó khăn, phức tạp ở địa phương, đơn vị; thường trực cấp ủy phải trực tiếp, thường xuyên tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát của cấp ủy. UBKT các cấp phải nghiêm túc chấp hành sự lãnh đạo của cấp uỷ, sự chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ của UBKT cấp trên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời phải chủ động, năng động, sáng tạo, nâng cao ý thức, trách nhiệm và bản lĩnh trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và việc thi hành kỷ luật trong Đảng.
- Bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, tình hình địa phương, đơn vị mình để xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát của cấp uỷ và UBKT cho phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm; chủ động nắm tình hình, phát hiện dấu hiệu vi phạm để kiểm tra, ngăn ngừa và xử lý vi phạm. Tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn của UBKT cấp trên với UBKT cấp dưới; thường xuyên phối hợp chặt chẽ giữa UBKT với các ban của cấp uỷ và cơ quan có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng. Chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đối với cán bộ, đảng viên là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
- Coi trọng việc sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả công tác kiểm tra, giám sát nhất là kiểm tra, giám sát theo chuyên đề; từ đó có biện pháp chấn chỉnh, kịp thời sửa chữa và rút kinh nghiệm chung trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.
- Thường xuyên quan tâm, bổ sung, kiện toàn bộ máy và cán bộ cơ quan UBKT các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị và năng lực công tác để có đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện có hiệu quả Thông báo kết luận số 312-TB/TW, ngày 9-3-2010 của Ban Bí thư về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp về làm công tác kiểm tra, giám sát và luân chuyển lãnh đạo UBKT các cấp sang công tác ở các ngành, các cấp để đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ kiểm tra...
Phát huy truyền thống vẻ vang ngành Kiểm tra Đảng, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp của các cấp, các ngành, UBKT các cấp trong tỉnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh./.