Vũ Minh Lượng
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở TN và MT
Với quan điểm “Đất đai là tài sản vô giá, là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhân dân và kiến quốc”, nên chỉ sau 31 ngày kể từ khi đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3-10-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 41 chấm dứt hoạt động của các cơ quan quản lý thuộc chế độ cũ, trong đó Sở Trước bạ, văn tự, quản chủ điền thổ và trực thu được giao cho Bộ Tài chính tiếp quản, mở đầu cho hoạt động quản lý đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 70 năm qua, gắn với từng giai đoạn lịch sử, dù chính sách, cơ cấu tổ chức và tên gọi có nhiều thay đổi nhưng toàn thể công chức, viên chức và người lao động ngành Quản lý đất đai nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng đã nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận.
Trong giai đoạn đất nước mới giành độc lập, chính quyền cách mạng non trẻ phải đối phó với thù trong, giặc ngoài nên các chính sách và hoạt động quản lý đất đai chỉ tập trung vào hình thành và củng cố bộ máy quản lý Nhà nước về đất đai. Để chấn hưng ngành kinh tế canh nông đã kiệt quệ sau nạn đói năm 1945, góp phần củng cố vững chắc liên minh công nông, ngành tập trung thực hiện quy định chia cấp ruộng đất của thực dân Pháp và Việt gian phản động cho nông dân nghèo, khuyến khích khai hoang, phục hóa, hình thành thửa ruộng đất của từng hộ dân. Trong công cuộc tái thiết đất nước sau khi đất nước thống nhất, năm 1979, để kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về đất đai, ở tỉnh đã thành lập Ban Quản lý ruộng đất tỉnh để tập trung thực hiện nhiệm vụ “thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất” nhằm xây dựng được những tài liệu cơ bản phục vụ cho công tác quy hoạch các ngành kinh tế cũng như quyết định các chính sách quản lý cho công tác kế hoạch hóa, hoàn thiện và đẩy mạnh quan hệ sản xuất. Đến năm 1985, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc đo đạc, chỉnh lý bản đồ, phân hạng ruộng đất. Qua đo đạc chỉnh lý bản đồ, phân hạng ruộng đất, đã phát hiện các vi phạm chính sách pháp luật về đất đai ở các xã, HTX như giao đất trái thẩm quyền, lấn chiếm đất công; ra quyết định phê duyệt phương án xử lý để các cấp chính quyền tổ chức hợp thức hóa quyền sử dụng đất (SDĐ) hoặc thu hồi các phần diện tích đất sử dụng không hợp lý, truy thu tiền về cho ngân sách tỉnh. Ngành Quản lý đất đai đã tích cực hướng dẫn thực hiện, giúp toàn tỉnh hoàn thành nhiệm vụ giao một phần đất nông nghiệp cho các hộ trên cơ sở xem xét số nhân khẩu hiện tại theo quyết định của UBND tỉnh để nông dân phát triển kinh tế gia đình. Ngày 29-12-1987, lần đầu tiên Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai. Những năm 1991-1993, toàn ngành tập trung tham gia thực hiện 2 nhiệm vụ lớn là: Lập hệ thống hồ sơ địa giới hành chính các cấp và giao ruộng đất ổn định lâu dài cho các hộ gia đình, cá nhân. Luật Đất đai ban hành năm 1993 quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan địa chính ở địa phương. Trên cơ sở đó, ngày 6-9-1993 UBND tỉnh có Quyết định số 479 chuyển Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở NN và PTNT về trực thuộc UBND tỉnh. Ngày 3-6-1994, UBND tỉnh có Quyết định số 468 đổi tên Chi cục quản lý đất đai Nam Hà thành Sở Địa chính Nam Hà. Thời kỳ này, toàn ngành tập trung thực hiện Luật Đất đai năm 1993, tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân; tập trung điều chỉnh quan hệ đất đai nhằm kiến tạo nền sản xuất hàng hóa nông nghiệp, xác định đất có giá và do Nhà nước quy định để tính thuế, chuyển quyền SDĐ, thu tiền khi giao đất hoặc cho thuê đất, tính giá trị tài sản khi giao đất, bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất. Tập trung điều tra, khảo sát, đo đạc, đánh giá và phân hạng đất; lập bản đồ địa chính; quy hoạch và kế hoạch hóa việc SDĐ; lập và quản lý hồ sơ, sổ địa chính, quản lý các hợp đồng SDĐ, thống kê, kiểm kê đất, cấp giấy chứng nhận quyền (GCNQ) SDĐ… Năm 1996, ngành Quản lý đất đai Nam Hà được đánh giá là tỉnh dẫn đầu toàn quốc về đo đạc lưới địa chính, tỉnh đầu tiên hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống hồ sơ địa giới hành chính theo Chỉ thị 364 của Hội đồng Bộ trưởng và là tỉnh đầu tiên trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch SDĐ hằng năm. Từ năm 2001-2003, toàn ngành đã tích cực thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2001. Ngày 30-5-2003, Sở TN và MT Nam Định được thành lập theo Quyết định số 1462/2003/QĐ-UB trên cơ sở tổ chức bộ máy và nhiệm vụ của Sở Địa chính; tiếp nhận tổ chức, nhiệm vụ về quản lý môi trường từ Sở Khoa học công nghệ và môi trường; tài nguyên, khoáng sản từ Sở Công nghiệp và Tài nguyên nước từ Sở NN và PTNT. Từ năm 2003-2010, ngành tập trung hoàn thành lập hồ sơ quy hoạch, kế hoạch SDĐ đồng bộ ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã và thực hiện kế hoạch SDĐ hằng năm do UBND tỉnh phê duyệt nên việc quản lý SDĐ theo quy hoạch, kế hoạch đã từng bước đi vào nề nếp. Tập trung thực hiện công tác lập hồ sơ, cấp GCNQSDĐ trên toàn tỉnh; tập trung thực hiện hiệu quả, nghiêm túc, đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm tiến độ công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB để thực hiện các dự án, các công trình trọng điểm của tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai năm 2003, góp phần tạo ra những bước đột phá trong quản lý và SDĐ; thúc đẩy sử dụng tài nguyên đất ngày càng tiết kiệm và hiệu quả. Với những thành tính xuất sắc trong thời kỳ này, ngành được Nhà nước tặng thưởng các Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN và MT, UBND tỉnh.
Từ năm 2010 đến nay, Sở TN và MT đã chủ động hướng dẫn và giao UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tiến hành rà soát công tác quản lý, SDĐ. Trong đó tập trung làm rõ các trường hợp SDĐ không hợp pháp, phân loại rõ nguồn gốc đất đai, xác định tính chất, mức độ, thời điểm vi phạm để có biện pháp xử lý, khắc phục dứt điểm. Song song với việc xử lý vi phạm trong SDĐ, công tác quản lý đất đai ngày càng được tăng cường, đã huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác quản lý, xử lý vi phạm về đất đai; hiệu quả phối hợp giữa UBND các cấp, các ngành với Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên được nâng lên, từng bước khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý đất đai, những tồn tại, hạn chế trong SDĐ; ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng giao đất trái thẩm quyền, SDĐ sai mục đích, lấn chiếm hành lang công trình giao thông, thủy lợi; từng bước lập lại trật tự, kỷ cương trong khai thác, sử dụng đất đai bảo đảm hợp lý, tiết kiệm, phát huy nguồn lực đất đai, đáp ứng nhu cầu đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính số thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh để đưa vào quản lý, lưu trữ, cung cấp và khai thác, sử dụng một cách hiệu quả nhất phục vụ các yêu cầu về cải cách hành chính cũng như công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Công tác cấp GCNQSDĐ ở lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân đạt 97,7 % và các cơ quan, tổ chức, cơ sở tôn giáo đạt kết quả tích cực. Công tác lập quy hoạch, kế hoạch SDĐ đã có sự gắn kết với quy hoạch xây dựng, quy hoạch các ngành, xây dựng NTM và lồng ghép yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu, tạo sự hợp lý trong quản lý và SDĐ trên địa bàn. Công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và đấu giá QSDĐ đã được triển khai hiệu quả, phục vụ cho nhu cầu phát triển đô thị và đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thông qua các hoạt động giao, cho thuê đất, thay đổi mục đích, chuyển quyền SDĐ, không chỉ góp phần chuyển đổi khai thác hiệu quả các khu vực đất ao đầm, ruộng xấu thành những khu, CCN, khu đô thị mới mà còn tăng thu cho ngân sách. Những năm qua, chỉ riêng việc giao đất cho nhân dân làm nhà ở theo hình thức đấu giá đã có nguồn thu trung bình 400 tỷ đồng/năm, đóng góp vào ngân sách của tỉnh. Sở còn phối hợp với các ngành chức năng tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong phân loại nguồn gốc đất, lập phương án đền bù, đẩy nhanh tiến độ GPMB các công trình trọng điểm của tỉnh, điển hình như các công trình cải tạo, nâng cấp, xây mới các Quốc lộ 21, 37, 38, tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý, cầu Tân Phong, cầu Thịnh Long; các tỉnh lộ 486, 489... Với thành tích đạt được, nhiều năm liền Sở TN và MT đã được Chính phủ, UBND tỉnh, Bộ TN và MT khen thưởng; năm 2014, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong thời gian tới, ngành TN và MT tiếp tục thực hiện mục tiêu tạo bước chuyển biến cơ bản trong công tác quản lý đất đai; tăng cường cải cách hành chính; nâng cao năng lực, kỷ luật, kỷ cương cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; tuyên truyền chính sách và tham mưu, cụ thể hóa các văn bản thực thi Luật Đất đai năm 2013. Đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ, trong đó đặc biệt chú trọng cấp và cấp đổi GCNQSDĐ nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa. Đôn đốc các địa phương thực hiện hiệu quả kế hoạch SDĐ. Phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tốt công tác GPMB phục vụ các dự án đầu tư xây dựng công trình trọng điểm của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ chương trình ứng dụng công nghệ thông tin để số hóa cơ sở dữ liệu đất đai. Tham mưu, cung cấp tư liệu cho cơ quan chức năng tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quản lý, SDĐ theo tinh thần Nghị quyết 17 của Tỉnh uỷ; thực hiện đúng quy trình, quy định pháp luật trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai./.