Xây dựng Thành phố Nam Định từng bước trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng

09:09, 24/09/2015
Trích tham luận tại Đại hội
của đồng chí Nguyễn Văn Va,Tỉnh uỷ viên,
Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND
Thành phố Nam Định
Kính thưa Đại hội!
 
Đảng bộ và nhân dân Thành phố Nam Định thực hiện nhiệm vụ xây dựng thành phố trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng với những thuận lợi cơ bản là: Thành phố Nam Định có đầy đủ các cơ sở pháp lý xác định vị thế đô thị lớn, đóng vai trò trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, thể hiện tại Nghị quyết số 54 ngày 14-9-2005 của Bộ Chính trị; Quyết định 109 ngày 19-5-2006 của Thủ tướng Chính phủ. Thành phố Nam Định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung tại Quyết định số 2084 ngày 22-11-2011 và công nhận là đô thị loại I tại Quyết định 2106 ngày 28-11-2011 cùng thời điểm tổ chức kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định, đã tạo động lực mới, quyết tâm xây dựng thành phố ngày càng phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có nhiều khó khăn: tình hình suy thoái kinh tế, lạm phát cao tác động đến sự phát triển của nền kinh tế - xã hội đất nước, của tỉnh và thành phố; thiên tai diễn biến phức tạp... 
 
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, BCH Đảng bộ thành phố đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, tập trung trí tuệ, năng động, sáng tạo, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, quân và dân thành phố đã quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV đề ra. Đồng thời, từ những thuận lợi, khó khăn trên, Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, các huyện chủ động báo cáo, đề xuất với tỉnh có các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội, nâng cấp hạ tầng đô thị, đảm bảo quốc phòng an ninh, tập trung vào các nhiệm vụ xây dựng thành phố trở thành trung tâm vùng và đã đạt được những kết quả lớn như sau:
Một là, tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch; phát động phong trào thi đua "Toàn dân chung sức xây dựng thành phố trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng".
 
5 năm qua, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư, tạo điều kiện cao nhất cho thành phố xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế, tạo tiền đề cho thành phố phát triển. Bên cạnh đó, Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố đã tích cực tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch cụ thể đối với 6 nhiệm vụ trung tâm vùng. Thành phố đã phát động, thực hiện liên tục, sâu rộng phong trào toàn dân chung sức xây dựng thành phố từng bước trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, là điểm nhấn để thay đổi nhận thức, phát huy sức mạnh chủ thể của người dân, coi nhân dân là nhân tố chính để xây dựng thành phố, tạo ra sức hút của đô thị trung tâm vùng.
 
Hai là, tiếp tục cải thiện môi trường, thu hút đầu tư, nâng cao vai trò trung tâm của một số ngành công nghiệp, như: Công nghiệp dệt - may, Công nghiệp cơ khí - chế tạo - công nghiệp đóng tàu thuyền. Công nghiệp dược phẩm, với trên 100 doanh nghiệp; trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn, có 100% vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền hiện đại, tạo sản phẩm có thương hiệu, thu hút, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động trên địa bàn tỉnh. Điển hình như Cty TNHH May Youngone, Cty CP May Sông Hồng, Cty CP Dệt may Sơn Nam, Cty TNHH Nam Dược…
 
Ba là, đã phát triển hệ thống thương mại - dịch vụ đa dạng, lan toả ra toàn vùng:
 
Hệ thống thương mại dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại với sự tham gia của các thành phần kinh tế. Hệ thống khách sạn, nhà hàng đã được xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo và mở rộng, hình thành một chuỗi dịch vụ quy mô lớn, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại thể hiện tầm vóc và sức thu hút toàn vùng; như BigC, Micom Plaza, Trần Anh...
 
Hệ thống ngân hàng, tín dụng phát triển mạnh với sự có mặt của nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện các ngân hàng thương mại lớn (Ngoại thương, Hàng hải, Bưu điện Liên Việt, Á châu...). Dư nợ tín dụng cho sản xuất kinh doanh tăng trưởng ổn định qua hằng năm.
 
Bốn là, Thành phố Nam Định tiếp tục mở rộng vị thế trung tâm đào tạo khẳng định và phát triển là 1 trong các trung tâm đào tạo lớn của cả nước.
 
Trên địa bàn thành phố đã có 4 trường đại học, 5 trường cao đẳng, 11 trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề. Các trường, các trung tâm đào tạo được đầu tư, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo, đã thu hút hơn 50 nghìn học sinh, sinh viên trong khu vực và cả nước về học tập. 
 
Năm là, nâng cao vai trò trung tâm văn hoá, du lịch, thể thao:
 
Trong thời gian qua, các di tích lịch sử, công trình văn hoá được tôn tạo, tu sửa, trong đó Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp tiếp tục được Trung ương và tỉnh đầu tư xây dựng hạ tầng và dự án trùng tu với quy mô lớn để phát huy giá trị. Cơ sở vật chất cho các hoạt động thể thao được đầu tư xây dựng với nhiều công trình lớn như sân vận động, nhà bảo tàng, cung thể thao tỉnh và nhiều công trình xã hội hóa khác từng bước đáp ứng yêu cầu tập luyện của nhân dân. Hiện nay Thành phố Nam Định là trung tâm đào tạo nhiều môn thể thao, vận động viên thành tích cao của cả nước. Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII tổ chức thành công trên địa bàn thành phố là đại hội có số lượng vận động viên tham gia đông nhất, đánh dấu bước tiến về phong trào thể thao của tỉnh.  
 
Đoàn đại biểu Đảng bộ Thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc (ảnh bên trái); đoàn đại biểu Đảng bộ huyện Hải Hậu và Đảng bộ Quân sự tỉnh (ảnh bên phải) thảo luận tại tổ chiều 23-9. Ảnh: Việt Thắng
Đoàn đại biểu Đảng bộ Thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc thảo luận tại tổ chiều 23-9. Ảnh: Việt Thắng
Sáu là, thành phố đã mở rộng xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, khẳng định vai trò đô thị lớn - đô thị trung tâm vùng.
 
Trong đó, 3 khu đô thị mới, 7 khu tái định cư với tổng diện tích hơn 300ha được từng bước đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn quy hoạch và thiết kế đồng bộ, hiện đại. Hệ thống công viên, cây xanh, mặt nước được xây dựng, cải tạo, tạo cảnh quan, điểm nhấn cho đô thị cũng như đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng khu dân cư thu nhập thấp với tổng mức đầu tư 50 triệu USD đã làm thay đổi bộ mặt các khu dân cư nghèo và được các tầng lớp nhân dân đồng thuận.
 
Hệ thống giao thông đối ngoại với nhiều dự án quan trọng được đầu tư, xây dựng mới và nâng cấp như: Tuyến Quốc lộ Nam Định - Phủ Lý tiêu chuẩn cấp I đồng bằng; tuyến Quốc lộ 10, Quốc lộ 21 tiêu chuẩn cấp III đồng bằng; trục đường Lê Đức Thọ, tỉnh lộ 490C… đã nâng cao sự kết nối giữa Thành phố Nam Định với khu vực và cả nước.
 
Gần 100 tuyến giao thông đối nội được đầu tư xây dựng mới và hơn 20 tuyến phố cũ nội thành được cải tạo, nâng cấp đồng bộ theo tiêu chí đô thị loại I, nâng tổng số hệ thống đường nội thành là gần 400 tuyến, đáp ứng yêu cầu phát triển.
 
- Hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối, các trạm bơm Đông - Bắc, Tây - Nam, hệ thống hồ điều hòa cùng hàng chục km mương, cống đã xây mới và nâng cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu tiêu, thoát nước của thành phố.
 
Trên địa bàn thành phố, các khu, CCN với tổng diện tích trên 500ha được đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Đây là một trong những yếu tố quan trọng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
 
Kính thưa Đại hội!
 
Sau 5 năm phấn đấu xây dựng kể từ khi được công nhận là đô thị loại I (tháng 11-2011), nếp sống văn minh đô thị tại Thành phố Nam Định được khẳng định, một số lĩnh vực của Thành phố Nam Định đã cơ bản trở thành trung tâm vùng. Có được những thành công đó, bên cạnh sự chung sức đồng lòng của nhân dân, cán bộ, đảng viên toàn thành phố, luôn có sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự ủng hộ, giúp đỡ của các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh. Đây là những bài học kinh nghiệm quý báu để Đảng bộ thành phố tiếp tục phát huy, tích cực, chủ động, sáng tạo hơn nữa trong việc xây dựng, phát triển thành phố trở thành trung tâm vùng trong các năm tới.
 
Kính thưa Đại hội!
 
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020), trong các năm tới, Đảng bộ, nhân dân thành phố xác định các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng thành phố trở thành trung tâm vùng là:
 
- Tiếp tục đầu tư hạ tầng, phát triển công nghiệp - dịch vụ, tạo thế và lực mới cho thành phố, mở rộng tầm ảnh hưởng tới các địa phương trong khu vực, từng bước khẳng định đầy đủ 6 chức năng trung tâm vùng và vai trò hạt nhân phát triển của khu vực Nam đồng bằng sông Hồng. 
 
- Triển khai đồng bộ quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt để xây dựng, phát triển Thành phố Nam Định thành đô thị hiện đại, bền vững; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa - lịch sử; nâng cao khả năng cạnh tranh mọi mặt, đáp ứng linh hoạt các nhu cầu phát triển trong nền kinh tế thị trường và bối cảnh hội nhập quốc tế với các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể của từng lĩnh vực.
 
- Tăng cường thu hút đầu tư, phát triển, khẳng định thế mạnh trung tâm của các ngành công nghiệp: dệt may, cơ khí chế tạo máy, chế biến thực phẩm, dược phẩm. Tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển hệ thống dịch vụ, thương mại và tài chính, ngân hàng; tận dụng tối đa lợi thế về nguồn nhân lực, truyền thống GD và ĐT để phát triển.
 
- Mở rộng giao lưu, liên kết phát triển về kinh tế - văn hoá - xã hội với khu vực và cả nước, tạo sự gắn kết cao để cùng phát triển trong mối quan hệ tổng thể của chùm đô thị vùng Nam đồng bằng sông Hồng, với Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hải Phòng và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com