Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng quê hương Nam Định ngày càng giàu đẹp, văn minh

09:09, 14/09/2015

ĐOÀN HỒNG PHONG
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh,
Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Nam Định

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề thi đua. Người dạy rằng: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Thấm nhuần lời Bác dạy, thời gian qua, các cấp, các ngành đã phối hợp phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước sôi nổi; góp phần cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2010-2015: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP bình quân đạt 12,5%. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, tăng gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2006-2010; GRDP bình quân đầu người gấp 2,74 lần; Giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 2,7 lần; Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 3.000 tỷ đồng. Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng - dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông - lâm - thuỷ sản. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội thu được nhiều thành tích mới. An ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế. Các phong trào thi đua yêu nước đã thực sự trở thành động lực, góp phần vào sự tiến bộ chung của tỉnh. Ở cấp nào, ngành nào, lĩnh vực nào cũng đều xuất hiện những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, tiêu biểu cho phong trào thi đua yêu nước, góp phần vào sự phát triển chung của từng ngành, lĩnh vực.

Trong phong trào thi đua phát triển sản xuất nông nghiệp, đã xuất hiện nhiều điểm sáng về phát triển kinh tế như: Mô hình trồng hoa, cây cảnh tại làng Vị Khê, Nam Điền (Nam Trực), xã Hải Tây, Hải Sơn (Hải Hậu), xã Nghĩa Hùng (Nghĩa Hưng) đã mang lại thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/ha. Mô hình lúa màu, chuyên màu ở các xã Yên Nhân, Yên Đồng (Ý Yên); xã Nghĩa Hồng, Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng); xã Minh Tân, Liên Minh, Tam Thanh (Vụ Bản); xã Nam Hùng, Nam Dương (Nam Trực)… đã mang lại giá trị kinh tế cao trên 1ha canh tác. Mô hình cánh đồng mẫu lớn của Cty TNHH Cường Tân đã trở thành mô hình tiêu biểu trong tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Hộ ông Trần Văn Tấn, xã Hiển Khánh (Vụ Bản), đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gia cầm đầu tiên của tỉnh đạt tiêu chuẩn VietGap với quy mô 20 nghìn con gà thịt, cung cấp cho thị trường 25 tấn gà sạch/năm, doanh thu hằng năm đạt từ 7-10 tỷ đồng. Hộ ông Nguyễn Văn Cửu, xã Giao Xuân (Giao Thủy), đầu tư 135ha nuôi ngao thương phẩm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 100 lao động, doanh thu hằng năm đạt 15-20 tỷ đồng. Hộ gia đình ông Trần Văn Hài, xã Trực Hùng (Trực Ninh), sản xuất sợi PE, thu hút 100-120 lao động, mỗi năm lãi từ 0,5-1 tỷ đồng; năm 2014 ông được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là hội viên nông dân xuất sắc toàn quốc…

Trong phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả: Ở nhiều địa phương lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, trực tiếp là đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã cùng với các thành viên trong Ban chỉ đạo xây dựng NTM thường xuyên bám sát cơ sở, kiểm tra, chỉ đạo và triển khai chương trình xây dựng NTM đến từng chi bộ, thôn, xóm, hộ gia đình; đã vận động nhiều hộ gia đình tham gia hiến đất, góp đất, tháo dỡ công trình để làm đường giao thông và xây dựng các công trình phúc lợi. Nhiều gia đình, cá nhân, tập thể đã nêu gương sáng trong việc chung sức tham gia xây dựng NTM như: Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thạnh, xóm 4, xã Hải An (Hải Hậu) ủng hộ 1.784m2 đất; Gia đình ông Trần Văn Vinh, xóm 10, xã Trực Tuấn (Trực Ninh) ủng hộ 1.000m2 đất; Gia đình ông Nguyễn Hồng Đông, Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) ủng hộ 400m2 đất thổ cư; Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Cty CP Kỹ thuật nền móng & công trình ngầm FECON đã ủng hộ 12,44 tỷ đồng; Ông Phạm Công Chẩn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty CP Tập đoàn Xuân Trường ủng hộ 7,3 tỷ đồng; Gia đình ông Đỗ Ngọc Phương, xóm 4, xã Hải Bắc (Hải Hậu) ủng hộ 5 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt ủng hộ 24 tỷ đồng; Tổng Cty Khí Việt Nam ủng hộ 25,7 tỷ đồng; Chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT Nam Định ủng hộ 10 tỷ đồng... Sự đóng góp công sức, tiền bạc, của cải, đất đai của các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức đã trở thành nguồn lực to lớn đối với tỉnh ta trong phong trào xây dựng NTM. Đến nay, trong 96 xã xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015, đã có 81 xã đạt 19 tiêu chí, trong đó 65 xã đã được công nhận là xã NTM và huyện Hải Hậu được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Huyện đạt chuẩn NTM.

Trong lĩnh vực phát triển sản xuất CN-TTCN: Các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật", "Năng suất, chất lượng, hiệu quả”, “Đổi mới quản lý, công nghệ, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm”, “Nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm”... cũng đã được đẩy mạnh, góp phần tích cực vào việc nâng cao quy mô, năng lực sản xuất, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp; tiêu biểu như: Tổng Cty CP Dệt may Nam Định, Cty CP May Sông Hồng, Cty CP Xây dựng TASCO, Cty TNHH Youngone, Cty TNHH Nam Dược… là những đơn vị điển hình, đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh, đóng góp nhiều cho ngân sách, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động. Đặc biệt, trong các làng nghề của tỉnh Nam Định, đã có nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất được những sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật, chất lượng cao, có thương hiệu và tạo được chỗ đứng trên thị trường như: Sản phẩm máy tuốt lúa Tân Việt của Doanh nghiệp tư nhân Tân Việt; máy phát điện (3-75KW) của Cty TNHH Chế tạo điện cơ AXUZU; máy phay mộng đa năng 5 động cơ của Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc; lò đốt rác không khói, đảm bảo vệ sinh môi trường của Cty TNHH Tân Thiên Phú; rượu nếp bắc Hải Hậu; muối sạch của Doanh nghiệp tư nhân Thanh Đạm…

Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo: Các phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn với các cuộc vận động “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”… được triển khai sâu rộng, góp phần tích cực vào thành tích chung, đáng tự hào của ngành GD và ĐT tỉnh nhà: 20 năm liên tục nằm trong tốp dẫn đầu toàn quốc về phong trào và chất lượng giáo dục, đào tạo. Nhiều tập thể tiêu biểu đã được các cấp khen thưởng ở mức cao như: Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; Trường THPT A Hải Hậu; Trường THCS Nam Hồng; Trường Tiểu học Nghĩa Bình đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Nhiều thầy giáo, cô giáo đã khắc phục khó khăn, vươn lên đạt nhiều thành tích trong công tác giảng dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi như: Cô Trần Thị Thanh Xuân, tổ phó môn Sinh học, thầy Nguyễn Văn Huyên giáo viên môn Vật lý ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; thầy Phạm Bắc Phú, giáo viên môn Toán Trường THPT A Hải Hậu… Các thầy, các cô đã động viên các em học sinh nỗ lực vượt khó, vươn lên trong học tập; nhiều em đạt được những giải thưởng cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế như: Em Nguyễn Thị Minh Nguyệt đạt Huy chương Vàng Ô-lim-pích tiếng Nga quốc tế lần thứ 13, đồng thời đạt giải Nhất “Nhà hùng biện trẻ” và giải Nhất phần thi đọc - hiểu. Em Đinh Thị Hương Thảo đã đạt Huy chương Vàng trong kỳ thi Ô-lim-pích Vật lý quốc tế lần thứ 46, tổ chức tại Ấn Độ, cùng với giải đặc biệt dành cho thí sinh nữ có thành tích cao nhất...

Trong lĩnh vực y tế: Các phong trào “Thầy thuốc như mẹ hiền”, “Thực hiện 12 điều y đức”, “Nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”... được triển khai sâu rộng với nhiều gương điển hình tiên tiến như: Thầy thuốc Ưu tú Trần Văn Quang, Trung tâm Phòng chống HIV tỉnh, Thầy thuốc Ưu tú Dương Văn Toán, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh... Một số bệnh viện được Bộ Y tế công nhận là Bệnh viện nhiều năm liên tục tiêu biểu xuất sắc toàn diện như: Bệnh viện Mắt tỉnh - Đơn vị Anh hùng Lao động; Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh; Bệnh viện Đa khoa các huyện Hải Hậu, Giao Thuỷ…

Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao: Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” được duy trì và nâng cao chất lượng; góp phần tích cực vào thành tích chung của nền thể thao tỉnh nhà. Nhiều vận động viên đã nỗ lực vươn lên, đạt được nhiều thành tích cao trong các giải thi đấu trong nước, khu vực và quốc tế như: Vận động viên Nguyễn Thị Huyền đạt 4 Huy chương Vàng tại các kỳ SEA Games và 2 Huy chương Vàng giải điền kinh Grand Prix châu Á; vận động viên Dương Văn Thái đạt 4 Huy chương Vàng môn điền kinh tại các kỳ SEA Games 26, 27 và 28…

Nhìn lại 5 năm qua, có thể thấy phong trào thi đua yêu nước của tỉnh đã phát triển rộng khắp trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Nhiều gương điển hình tiên tiến đã xuất hiện, trở thành “những bông hoa đẹp” trong vườn hoa “nghìn việc tốt”, góp phần làm cho bản lĩnh, trí tuệ và truyền thống văn hiến, anh hùng của đất và người Nam Định tỏa sáng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được; các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, thiếu sót: Một số nơi phong trào thi đua yêu nước còn mang tính hình thức; Xây dựng nội dung, chỉ tiêu thi đua chưa sát với thực tiễn; Chưa quan tâm đúng mức đến công tác thi đua, khen thưởng, nhất là khen thưởng cho công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động, sản xuất còn hạn chế... Để khắc phục những hạn chế, tồn tại này, trong thời gian tới, công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh cần tập trung đẩy mạnh, tăng cường thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, Tiếp tục quán triệt sâu sắc đến toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các văn bản của Trung ương quy định về công tác thi đua, khen thưởng. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng. Tăng cường vai trò và sự phối hợp giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền với MTTQ và các đoàn thể để đưa công tác thi đua, khen thưởng thực sự đi vào chiều sâu, có sức lan toả trong toàn xã hội.

Hai là, Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị. Cụ thể hoá tiêu chí, nội dung thi đua cho phù hợp với nhiệm vụ của từng ngành, địa phương, đơn vị, tập thể, cá nhân. Đổi mới nội dung, hình thức thi đua, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực; tập trung đưa phong trào thi đua về cơ sở, cộng đồng dân cư, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân.

Ba là, Phát động sâu rộng các phong trào thi đua hướng tới việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015-2020; nhất là triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, có tác động lâu dài đối với phát triển tế - xã hội của tỉnh như: Xây dựng cơ sở hạ tầng; phát triển các khu, cụm công nghiệp; xây dựng NTM; tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư... Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững.

Bốn là, Tăng cường bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức và chỉ đạo các phong trào thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở cả bốn khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Coi trọng khen thưởng những tập thể, cá nhân trực tiếp làm việc, lao động ở cơ sở, nhất là đội ngũ trí thức, giáo viên, nông dân, công nhân lao động… Tăng cường phổ biến kinh nghiệm hay, biểu dương gương người tốt, việc tốt; chú trọng xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất, kinh doanh.

Năm là, Thường xuyên rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng từ tỉnh đến cơ sở; chú trọng tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức công tác thi đua, khen thưởng. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu về tổ chức các phong trào thi đua và công tác khen thưởng để công tác thi đua, khen thưởng thật sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Sáu là, Chủ đề hành động chính trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020 là: “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015-2020; phấn đấu đến năm 2020, Nam Định đạt mục tiêu là tỉnh NTM, có nền công nghiệp phát triển nhanh theo hướng hiện đại”. Theo đó, người người cần ra sức thi đua, ngành ngành cần nỗ lực thi đua, tạo sự đồng tâm, hiệp lực quyết tâm tạo sự phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, nỗ lực xây dựng quê hương Nam Định ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của vùng Nam đồng bằng sông Hồng./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com