Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Toà án nhân dân hai cấp tỉnh Nam Định trong sạch vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cải cách tư pháp

08:09, 07/09/2015

Lương Hồng Minh
Chánh án Toà án Nhân dân tỉnh Nam Định

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng mới được thành lập đã phải đối phó với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn do thiên tai, nạn đói và các đội quân xâm lược cấu kết với lực lượng phản động trong nước ráo riết hoạt động nhằm lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân còn non trẻ. Để kịp thời trấn áp, trừng trị các phần tử phản cách mạng chống lại chính quyền, kiên quyết giữ vững nền độc lập, đảm bảo an ninh, trật tự và quyền tự do, dân chủ cho nhân dân, ngày 13-9-1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 33-C thiết lập các Toà án quân sự, và ngày 13- 9 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống của hệ thống TAND Việt Nam.

Ở thời điểm đó tỉnh ta là địa bàn thuộc quyền quản hạt của Tòa án quân sự Chiến khu 2 (gồm các tỉnh: Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hà Đông, Sơn Tây, Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu). Hoạt động của Tòa án tập trung phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cách mạng, kịp thời và kiên quyết trừng trị những phần tử phản cách mạng xâm phạm đến nền độc lập dân tộc. Ngày 25-4-1947, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 45, cho phép các địa phương được thành lập Tòa án tỉnh gọi là Tòa Đệ nhị cấp. Tòa Đệ nhị cấp tỉnh Nam Định được thành lập, có trụ sở tại Thành phố Nam Định. Cuối năm 1949, giặc Pháp mở các cuộc càn quét với quy mô lớn đánh chiếm các huyện phía nam tỉnh để tạo điểm đột phá trong âm mưu mở rộng phạm vi đánh chiếm đồng bằng Bắc Bộ, Nam Định trở thành vùng tạm chiếm của địch. Để đáp ứng nhiệm vụ của cơ quan bảo vệ pháp luật trong giai đoạn cách mạng hết sức cam go, Ủy ban Kháng chiến Hành chính liên khu III đã ban hành Nghị định số 2067-P4/NĐ/LK3, ngày 25-2-1951 thành lập TAND vùng tạm chiếm tỉnh Nam Định. Địa hạt quản lý của TAND vùng tạm chiếm tỉnh gồm: Thành phố Nam Định và các huyện: Mỹ Lộc, Vụ Bản, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh, Giao Thủy, Xuân Trường, Hải Hậu và Ý Yên. Ở thời điểm này, TAND vùng tạm chiếm đã góp phần bảo vệ chính quyền kháng chiến trong các khu căn cứ du kích, chống càn quét, chống bắt lính, bắt phu, bảo vệ nhân dân, bảo vệ cơ sở cách mạng ở vùng sau lưng địch; mở những phiên tòa lưu động tại các địa phương nơi xảy ra vụ phạm pháp, nơi dân cư đông đúc để xét xử những tên phản động hung ác, có nhiều nợ máu với nhân dân. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch nước đã ban hành Sắc lệnh thành lập TAND đặc biệt ở những địa phương phát động quần chúng tiến hành giảm tô, cải cách ruộng đất. Ở Nam Định, TAND có nhiều đóng góp quan trọng vào cuộc cách mạng ruộng đất, trừng trị bọn phản động, bọn địa chủ, cường hào, những kẻ chống lại chính sách ruộng đất của Đảng và Nhà nước, nhằm ổn định tình hình, lập lại công bằng xã hội.

Năm 1959, hệ thống tổ chức TAND và Viện KSND được hình thành và hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ trên nguyên tắc thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Điều 97 Hiến pháp năm 1959 quy định “TAND Tối cao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các TAND địa phương, các Tòa án quân sự là những cơ quan xét xử của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa...”. Nguyên tắc hiến định này đã được cụ thể hóa trong Luật Tổ chức TAND được Quốc hội thông qua ngày 14-7-1960.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành TAND tỉnh đã không ngừng xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức từ tỉnh đến cơ sở. Đội ngũ cán bộ được tăng cường cả về số lượng và chất lượng theo hướng “vừa hồng vừa chuyên” luôn kiên định lập trường cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với đất nước, hết lòng phục vụ nhân dân, xứng đáng với vai trò của người cán bộ bảo vệ pháp luật. Ngành TAND tỉnh đã phối hợp với lực lượng Công an, Viện Kiểm sát mở các đợt truy bắt, thụ lý và kịp thời đưa ra ánh sáng công lý nhiều vụ án chính trị. Điển hình như vụ án Đinh Viết Lộc, Ngô Văn Tước, Mai Viết Roãn xã Hải Vân (Hải Hậu) phạm tội tuyên truyền phản cách mạng; vụ án Lương Huy Hân và đồng bọn phạm tội tham gia tổ chức phản cách mạng; vụ án Nguyễn Văn Soái và đồng bọn phạm tội phản động… Các vụ án được xét xử đều thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời luôn mở lượng khoan hồng cho những kẻ lầm đường lạc lối, hoàn lương. Bên cạnh đó, toàn ngành tập trung nâng cao chất lượng xét xử các vụ án, do đó tỷ lệ các vụ án tồn đọng, bị hủy án, sửa án, án oan sai, xử không đúng người, đúng tội tại phiên tòa phúc thẩm ở thời điểm này giảm đáng kể, án sơ thẩm đạt chất lượng cao. Trật tự an toàn xã hội, chính trị trên địa bàn tỉnh được giữ vững. Các tội phạm chính trị, phản động, lưu manh, côn đồ nguy hiểm đều bị đẩy lùi. Thành quả trên của ngành TAND tỉnh đã góp phần không nhỏ cùng toàn quân, toàn dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam.

Đất nước thống nhất, sau nhiều lần sáp nhập và chia tách từ Tòa án tỉnh Hà Nam Ninh (1976), Tòa án tỉnh Nam Hà (1992) đến TAND tỉnh Nam Định (1997), hệ thống TAND tỉnh nhà đã không ngừng phấn đấu, trưởng thành trên mọi phương diện, cả về tổ chức, đội ngũ cán bộ và trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Trải qua bao khó khăn, chuyển từ chế độ bao cấp sang thời kỳ đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng; tập thể lãnh đạo và cán bộ Tòa án hai cấp tỉnh Nam Định luôn đoàn kết, nhất trí, nỗ lực học tập, tu dưỡng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Đặc biệt từ năm 2002, thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tư pháp trong thời gian tới”, kết hợp với các quy định mới của Bộ luật Tố tụng hình sự, Tố tụng dân sự mới; TAND tỉnh đã chỉ đạo TAND các huyện, thành phố nâng cao chất lượng hoạt động xét xử, chấn chỉnh phương pháp điều hành và nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa. Việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên nguyên tắc thẩm phán và hội thẩm độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đây là bước đột phá, đánh dấu một giai đoạn mới của nền tư pháp. Cũng ở thời điểm này, triển khai thực hiện lộ trình tăng thẩm quyền cho TAND cấp huyện, TAND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất cho TAND các huyện, thành phố. Bên cạnh đó, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của TAND Tối cao, của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh, TAND tỉnh đã triển khai đôn đốc Tòa án hai cấp đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác xét xử các loại án. Nhiều vụ án hình sự lớn được đưa ra xét xử kịp thời, đáp ứng yêu cầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhân dân. Điển hình như: Vụ án tham nhũng ở Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định, vụ án Nguyễn Văn Tám và đồng bọn phạm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, vụ án Tô Ngọc Thà và đồng bọn mua bán trái phép chất ma túy và các vụ án có sự tham gia của nhiều người, ảnh hưởng xấu đến an ninh nông thôn như vụ án xảy ra ở các xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), Hồng Thuận (Giao Thủy)…

Thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tòa án được xác định rõ hơn. TAND tỉnh đã chủ động, tích cực đổi mới việc tổ chức phiên toà, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp. Khi xét xử bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật; các phán quyết của Toà án căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, người bào chữa, bị cáo, những người tham gia tố tụng khác để ban hành bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và đúng thời hạn luật định. Trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, toàn hệ thống đã quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Ban cán sự Đảng TAND Tối cao, của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, nên đã hoàn thành tốt công tác xét xử, đảm bảo về tiến độ, số lượng giải quyết các loại án, chất lượng giải quyết năm sau cao hơn năm trước. Việc đổi mới thủ tục xét hỏi và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa được chú trọng, nên cơ bản các phiên tòa diễn ra dân chủ, đúng quy định, đúng yêu cầu cải cách tư pháp. Các vụ án trọng điểm, phức tạp đều được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, được dư luận đồng tình. Nhiều vụ án hình sự được tổ chức xét xử lưu động tại nơi xảy ra vụ việc, góp phần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật trong nhân dân và răn đe, phòng ngừa tội phạm. Trong công tác xét xử án dân sự, hôn nhân và gia đình..., các đơn vị đã chú trọng, tăng cường công tác hoà giải nên số lượng các vụ án hòa giải thành chiếm tỷ lệ cao. Việc tích cực hòa giải có tác dụng giúp cho vụ án được giải quyết nhanh chóng, góp phần giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, giữ gìn và tăng cường mối quan hệ đoàn kết trong mỗi gia đình và cộng đồng dân cư. Đối với án hành chính, thời gian qua số lượng các vụ án tăng đột biến, TAND tỉnh đã tập trung chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị và chú trọng biện pháp đối thoại nên công tác xét xử án hành chính đã hoàn thành tốt những yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Từ năm 2010 đến nay, TAND hai cấp tỉnh Nam Định đã giải quyết, xét xử 15.212/15.319 vụ, việc các loại; đạt tỷ lệ 99,3%. Trong đó, TAND tỉnh đã giải quyết, xét xử 1.619 vụ, việc; TAND cấp huyện giải quyết, xét xử 13.593 vụ, việc; tổ chức xét xử 240 phiên toà lưu động, góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân.

Cùng với việc tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chuyên môn, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, lãnh đạo TAND tỉnh thường xuyên quan tâm đến công tác xây dựng đơn vị, tổ chức Đảng và các tổ chức, đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Nhiều năm liên tục, Đảng bộ TAND tỉnh được công nhận danh hiệu tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu; các tổ chức đoàn thể nhiều năm liền đạt danh hiệu xuất sắc. Lãnh đạo TAND tỉnh đã tập trung thực hiện công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; coi đó là nhiệm vụ cơ bản tạo nên sức mạnh của Tòa án hai cấp. Đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được trẻ hóa, vững vàng về bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngày một nâng cao, có tinh thần dũng cảm, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ lẽ phải và bảo vệ công lý. Hiện tại TAND hai cấp tỉnh Nam Định có 100% thẩm phán, thư ký, thẩm tra viên có trình độ đại học Luật;  trong đó 28 đồng chí có trình độ thạc sĩ; 27 đồng chí có trình độ cử nhân, cao cấp chính trị. Công tác thi đua, khen thưởng được phát động sôi nổi rộng khắp, toàn diện với các nội dung và hình thức phong phú nhằm phát huy sáng kiến, cải tiến phương pháp, nâng cao chất lượng công tác xét xử. Bên cạnh đó, các phong trào văn hoá văn nghệ, TDTT được quan tâm thực hiện đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tạo ra khí thế vui tươi, phấn khởi trong cán bộ, công chức, làm động lực thi đua, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Được sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của TAND Tối cao, của Tỉnh uỷ, sự giám sát của HĐND tỉnh, sự phối hợp giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, các thế hệ cán bộ TAND tỉnh đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn thử thách, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Trải qua chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành, TAND hai cấp tỉnh Nam Định đã có 9 tập thể và cá nhân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động; 6 tập thể và 7 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen; 10 tập thể và 90 cá nhân được nhận Cờ đơn vị thi đua xuất sắc, Bằng khen của TAND Tối cao và UBND tỉnh…

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, TAND hai cấp tỉnh Nam Định tiếp tục quán triệt và thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp, nhất là Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tập trung thực hiện có hiệu quả chức năng là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp và các quy định về tổ chức và hoạt động của TAND theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án. Phấn đấu tỷ lệ giải quyết xét xử án hình sự đạt từ 95%, án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động từ 90%, án hành chính từ 85% trở lên, đảm bảo các bản án, quyết định của Toà án được ban hành trong thời hạn luật định và đúng pháp luật; không để xảy ra kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Đặc biệt chú trọng đẩy mạnh tranh tụng tại phiên toà, tập trung làm tốt công tác hoà giải trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, tăng cường đối thoại trong quá trình xét xử các vụ án hành chính và tổ chức phiên tòa lưu động. Chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng xác định và tập trung điều tra, truy tố, xét xử các vụ án trọng điểm; tăng cường công tác xét xử lưu động tại địa phương nơi xảy ra vụ án hoặc các địa bàn trọng điểm. Thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức và Hội thẩm nhân dân; cải tiến phương thức chỉ đạo, điều hành ở Toà án hai cấp theo hướng phân công, phân cấp hợp lý, gắn quyền hạn với trách nhiệm công tác đối với từng cấp Toà án, từng bộ phận. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với cuộc vận động “Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ thẩm phán, cán bộ công chức Toà án” gắn với thi đua “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.

Phát huy truyền thống và kinh nghiệm 70 năm xây dựng và trưởng thành, trong thời gian tới, TAND hai cấp tỉnh nỗ lực phấn đấu nhằm tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, góp phần xây dựng nền tư pháp nước nhà thực sự “Trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN”./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com