(Tiếp theo kỳ trước)
15. Đại hội đại biểu tỉnh Nam Định lần thứ XV
Sau gần 1 năm tái lập tỉnh, thực hiện Chỉ thị số 51-CT/TW ngày 9-3-1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong các ngày từ 18 đến 21-11-1997, Đảng bộ Nam Định đã tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XV, với 250 đại biểu tham dự.
Đại hội đề ra phương hướng: Huy động sức mạnh tổng hợp của mọi thành phần kinh tế, tận dụng mọi lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn lực của một tỉnh đông dân, có 2 vùng kinh tế và một trung tâm công nghiệp - dịch vụ đã được hình thành, những cơ sở vật chất đã được xây dựng, tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ và chỉ đạo của Trung ương, mở rộng quan hệ với các địa phương trong và ngoài nước. Tận dụng mọi cơ hội để hòa nhập vào quá trình phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Phấn đấu tạo bước chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ. Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế gắn với việc giải quyết tốt các vấn đề văn hóa, xã hội. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hoạt động của các đoàn thể, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng toàn diện công tác quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Đại hội đã bầu BCH Đảng bộ tỉnh gồm 49 đồng chí. BCH bầu Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Trần Minh Ngọc được bầu là Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí Đặng Phúc Tựu được bầu là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Đồng chí Trần Quang Ngọc tiếp tục được phân công là Chủ tịch UBND tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, trong những năm 1997-2000, kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều thành tựu nổi bật. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,85%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp. Tổng sản lượng lương thực đạt gần 1 triệu tấn/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 11,1%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân mỗi ha canh tác đạt 28 triệu đồng. Giá trị hàng xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân mỗi năm 11%. Quan hệ sản xuất được củng cố, lực lượng sản xuất phát triển. Kinh tế nhiều thành phần được hình thành và phát triển theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật trong tỉnh được đầu tư nâng cấp, bước đầu phát huy hiệu quả. Lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt được nhiều thành tích mới. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội có chuyển biến tích cực. An ninh nông thôn tuy có diễn biến phức tạp nhưng đã được tập trung giải quyết và ổn định về cơ bản. Hệ thống chính trị các cấp được củng cố, kiện toàn, từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
16. Đại hội đại biểu tỉnh Nam Định lần thứ XVI
Sau 15 năm đổi mới, tình hình kinh tế - xã hội, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân trong nước nói chung và trong tỉnh nói riêng được nâng lên rõ rệt. Vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW của Bộ Chính trị, trong các ngày từ 22 đến 25-2-2001, tại Nhà Văn hóa Trung tâm 3-2 Thành phố Nam Định, Đảng bộ Nam Định đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XVI, với sự tham dự của 300 đại biểu.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XVI, tháng 2-2001. |
Đại hội đề ra phương hướng, mục tiêu tổng quát đến năm 2005 là: Phát huy và khai thác hiệu quả các nguồn lực cho sự phát triển. Đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH, trong đó ưu tiên cho CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn. Phát triển công nghiệp kinh tế vùng biển và các ngành dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tranh thủ mọi nguồn vốn đầu tư cho phát triển, tập trung cho các ngành, các lĩnh vực trọng điểm. Phấn đấu tăng nhịp độ phát triển kinh tế cao hơn mức bình quân 5 năm trước. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp - dịch vụ và nâng cao sức cạnh tranh trong sản xuất. Xúc tiến việc xây dựng khu công nghiệp tập trung của tỉnh theo hướng phân kỳ đầu tư. Chăm lo giải quyết các vấn đề xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội. Kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh. Giữ vững an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội để ổn định chính trị. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền các cấp trong sạch vững mạnh, tăng cường công tác Mặt trận Tổ quốc và vận động nhân dân…
Đại hội bầu BCH Đảng bộ gồm 47 đồng chí; BCH bầu Ban Thường vụ gồm 13 đồng chí. Đồng chí Trần Văn Tuấn được bầu là Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí Đặng Phúc Tựu được bầu là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Đồng chí Trần Trung Am được bầu là Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Đảng bộ, quân và dân Nam Định đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng. Kinh tế có bước tăng trưởng khá; 9 chỉ tiêu do Đại hội XVI đề ra đều đạt và vượt, trong đó có một số chỉ tiêu vượt mức cao. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7,6%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 20,4%/năm. Nông nghiệp tiếp tục chuyển sang sản xuất hàng hóa. Công nghiệp có tốc độ phát triển nhanh, đặc biệt là công nghiệp địa phương, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; các ngành dịch vụ. Cơ cấu kinh tế nói chung và trong từng ngành có sự chuyển dịch tích cực; cơ cấu lao động chuyển đổi theo hướng giảm dần lao động nông nghiệp, tăng dần lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Nhiều công trình lớn, trọng điểm được khởi công hoàn thành và đưa vào sử dụng, như giao thông, điện lực, thủy lợi, bưu chính viễn thông, các công trình phúc lợi xã hội. Diện mạo đô thị và nông thôn thay đổi nhanh theo hướng văn minh hiện đại. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chăm lo. 10 năm liền ngành GD và ĐT của tỉnh là đơn vị xuất sắc dẫn đầu cả nước. Sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và công tác dân số, gia đình, trẻ em đạt kết quả khá tốt. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được tăng cường, giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được coi trọng, tạo sự ổn định và thống nhất cao trong nhận thức và hành động của đảng viên và nhân dân. Hiệu lực quản lý điều hành của bộ máy chính quyền các cấp được nâng lên. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thực hiện chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào yêu nước ở địa phương. Các chính sách xã hội được quan tâm giải quyết, số hộ nghèo giảm nhanh, đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao.
(còn nữa)
[links()]