Đảng bộ tỉnh Nam Định - Từ Đại hội đến Đại hội: Đại hội đại biểu tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ IV

08:09, 14/09/2015

(Tiếp theo kỳ trước)

11. Đại hội đại biểu tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ IV

Sau 10 năm thống nhất đất nước, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của cả nước, trong đó có Hà Nam Ninh, đã bộc lộ nhiều hạn chế: Sản xuất phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; những mất cân đối của nền kinh tế chậm được khắc phục; đời sống nhân dân, công nhân, viên chức gặp nhiều khó khăn. Việc duy trì quá lâu cơ chế tập trung quan liêu bao cấp và chủ quan duy ý chí, nóng vội trong cải tạo xã hội chủ nghĩa dẫn đến nền kinh tế bị trì trệ, rơi vào khủng hoảng trầm trọng.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Đảng ta đã nghiên cứu, tổng kết và đề ra chủ trương đổi mới, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Từ ngày 21 đến 25-10-1986, tại Nhà Văn hóa 3-2 Thành phố Nam Định, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ IV đã được tiến hành, với 516 đại biểu tham dự.

Đại hội đề ra phương hướng chung là: Tăng cường đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động cách mạng, tập trung đẩy mạnh sản xuất, thực sự lấy nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, trọng tâm là lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu; xây dựng cơ cấu kinh tế nông - công nghiệp gắn bó chặt chẽ với xuất - nhập khẩu; kết hợp chặt chẽ kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và năng lực sáng tạo của nhân dân lao động, đẩy mạnh 3 cuộc cách mạng, khai thác tiềm năng, thế mạnh của 3 vùng kinh tế trong tỉnh; từng bước ổn định tình hình kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân; tạo nguồn tích lũy từ nội bộ nền kinh tế trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho bước phát triển mạnh mẽ trong những năm sau.

Trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương, Đại hội đã xây dựng 4 chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo là:

- Chương trình lương thực, thực phẩm;
- Chương trình hàng tiêu dùng;
- Chương trình hàng xuất khẩu;
- Chương trình dân số và lao động.

Đại hội đã bầu BCH Đảng bộ gồm 65 đồng chí (trong đó có 51 ủy viên chính thức và 14 ủy viên dự khuyết). BCH bầu Ban Thường vụ gồm 15 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn An được bầu là Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Tô Xuân Toàn được bầu là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Đinh Gia Huấn được bầu là Ủy viên Ban Thường vụ - Chủ tịch UBND tỉnh. Đại hội bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, gồm 42 đồng chí.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng bộ tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh bước đầu có những chuyển biến quan trọng: Từng bước xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, hình thành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; năng lực sản xuất được giải phóng; bốn chương trình kinh tế - xã hội đạt được những kết quả tích cực, nhất là sản xuất lương thực, thực phẩm. Đời sống của nhân dân đã từng bước ổn định và có một bộ phận được cải thiện, góp phần cùng cả nước vượt qua thời kỳ suy giảm trầm trọng về kinh tế. Tình hình chính trị ổn định; trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác quân sự địa phương được đẩy mạnh. Sinh hoạt dân chủ trong Đảng và trong nhân dân bước đầu được mở rộng. Hoạt động của các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân từng bước được đổi mới.

12. Đại hội đại biểu tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ V

Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu; sự bao vây cấm vận của Mỹ và sự chống phá của các thế lực thù địch trong thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” đã tác động mạnh đến tình hình trong nước, nhất là tâm tư tình cảm của cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Thực hiện Chỉ thị số 59-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ ngày 23 đến ngày 26-4-1991, tại Hội trường Nhà Văn hóa 3-2 Thành phố Nam Định, Đại hội đại biểu Đảng bộ Hà Nam Ninh lần thứ V (vòng 1) đã diễn ra, với 499 đại biểu tham dự. Đại hội tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào các văn kiện dự thảo của Trung ương và bầu 45 đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng.

Sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V (vòng 1), Đảng bộ lãnh đạo triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, chỉ đạo các cấp tiến hành đại hội Đảng bộ vòng 2. Đồng thời thực hiện các chủ trương, biện pháp cấp bách về sản xuất và đời sống, như: tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác tổ chức quản lý HTX nông nghiệp; tăng cường quản lý, khuyến khích phát triển các cơ sở sản xuất thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh; chấn chỉnh, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh trong khu vực kinh tế quốc doanh. Chỉ đạo làm điểm đợt 2 về đổi mới quản lý HTX nông nghiệp. Đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các tuyến cầu, đường quan trọng. Đẩy mạnh các hoạt động y tế, văn hóa, giáo dục; bảo đảm an ninh quốc phòng; tiến hành sắp xếp lại một bước bộ máy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể; phát động mạnh mẽ các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc…

Trước yêu cầu mới về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước và của tỉnh, ngày 26-12-1991, Quốc hội khóa VIII đã quyết định chia tách tỉnh Hà Nam Ninh thành 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình. Vì thế Đại hội Đảng bộ Hà Nam Ninh lần thứ V (vòng 2) được chỉ đạo dừng lại để tập trung cho việc chia tách tỉnh.

(còn nữa)

[links()]

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com