Đảng bộ tỉnh Nam Định - Từ Đại hội đến Đại hội: Đại hội đại biểu tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ II

08:09, 11/09/2015

(Tiếp theo kỳ trước)

9. Đại hội đại biểu tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ II

Sau 4 năm phôi phục kinh tế sau chiến tranh, kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển mới. Tuy nhiên, phong trào phát triển chưa mạnh, chưa đều và thiếu vững chắc, nhiều chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ lần thứ I chưa đạt và có những chỉ tiêu đạt thấp. Ngoài những nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng của thời tiết, chiến tranh biên giới… Đảng bộ cũng nhận định “do lãnh đạo chủ quan, duy ý chí, bước đi chưa đúng quy luật”…

Để đánh giá đúng tình hình, đề ra phương hướng cho thời gian tới, từ ngày 26 đến 30-11-1979, tại Hội trường 3-2 Thành phố Nam Định, Đảng bộ Hà Nam Ninh đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ II, với 500 đại biểu tham dự.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ II, tháng 11-1979.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ II, tháng 11-1979.

Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho các năm tiếp theo là: Phát huy truyền thống đoàn kết chiến đấu, tinh thần tự lực, tự cường; nắm vững chuyên chính vô sản, xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt; tập trung sức mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và xuất khẩu, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, phấn đấu cân đối tiền, hàng trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác an ninh quốc phòng, đảm bảo kết hợp kinh tế với quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đấu tranh kiên quyết chống các mặt tiêu cực trong hoạt động kinh tế - xã hội. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy hiệu lực của chính quyền và chức năng các đoàn thể, trọng tâm là củng cố cơ sở và kiện toàn cấp huyện, có chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức, quản lý kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực chỉ đạo thực hiện của các cấp, các ngành; phấn đấu xây dựng Hà Nam Ninh thành một tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và ngư nghiệp phát triển, vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, có văn hóa, khoa học kỹ thuật tiến bộ và Đảng bộ vững mạnh.

Đại hội đã bầu BCH Đảng bộ gồm 45 đồng chí (trong đó có 4 ủy viên dự khuyết); BCH bầu Ban Thường vụ gồm 13 đồng chí. Đồng chí Tạ Hồng Thanh được bầu là Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Phạm Văn Bổng được bầu là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Trần Văn Soạn được bầu là Ủy viên Ban Thường vụ - Chủ tịch UBND tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ II trong bối cảnh đất nước vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều diễn biến phức tạp, tỉnh Hà Nam Ninh mới được hợp nhất; song với bản lĩnh vững vàng, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, phấn đấu thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Hầu hết các xí nghiệp, cơ sở kinh tế được xây dựng lại, mở mang các ngành nghề, thu hút lao động, giải quyết việc làm cho người lao động. Nông nghiệp được tổ chức lại theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được mở rộng, đặc biệt là khu vực quốc doanh. Cơ sở hạ tầng được xây dựng, nâng cấp, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Xây dựng cơ bản và quản lý đô thị có nhiều tiến bộ. Văn hóa, thông tin, giáo dục, y tế có chuyển biến tích cực; an ninh quốc phòng được giữ vững. Khi chiến tranh biên giới xảy ra, Đảng bộ tỉnh đã nêu cao quyết tâm, kịp thời chuyển hướng chỉ đạo, tổ chức lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh thực hiện 2 nhiệm vụ vừa xây dựng quê hương vừa chủ động sẵn sàng chiến đấu, đồng thời chi viện sức người, sức của, góp phần cùng quân dân cả nước đánh thắng chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, tiếp tục đi lên chủ nghĩa xã hội.

10. Đại hội đại biểu tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ III

Sau 5 năm xây dựng đất nước, bên cạnh những kết quả đạt được, cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp đã bộc lộ ngày càng rõ hơn những yếu kém trầm trọng. Mặt khác sự bao vây cấm vận của Mỹ, cùng 2 cuộc chiến tranh biên giới và thiên tai đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế - xã hội của đất nước. Trước tình hình đó, nhiều địa phương trong cả nước đã có những thử nghiệm, tìm tòi hướng đổi mới. Trung ương đã tiến hành tổng kết thực tiễn, từng bước có những chủ trương, biện pháp tháo gỡ khó khăn nhằm ổn định sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân. Đặc biệt, ngày 13-1-1981 Ban Bí thư đã ra Chỉ thị 100-CT/TW, chỉ đạo về khoán sản phẩm, mở đầu công cuộc đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ Hà Nam Ninh đã tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ III. Từ ngày 8 đến ngày 16-1-1982, Đại hội đại biểu tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ III (vòng 1) đã được tổ chức tại Thành phố Nam Định. Đại hội thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc và bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, gồm 46 đồng chí.

Đại hội đại biểu tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ III (vòng 2) diễn ra từ ngày 25 đến 29-3-1983, tại Thành phố Nam Định, với 507 đại biểu tham dự.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ III, vòng 2, tháng 3-1983.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ III, vòng 2, tháng 3-1983.

Đại hội xác định phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới của tỉnh là: Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng, lấy cách mạng khoa học kỹ thuật làm then chốt; tăng cường đoàn kết toàn Đảng bộ và quân dân trong tỉnh, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, tận dụng khai thác mọi nguồn lao động, đất đai, rừng, biển, ngành nghề, tiếp tục xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa theo hướng tập trung, đưa nông nghiệp một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ, đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, từng bước xây dựng cơ cấu hợp lý nông - công nghiệp từ cơ sở trên địa bàn huyện và hình thành cơ cấu công - nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường quản lý kinh tế, cải tiến phân phối lưu thông, kiên quyết xóa bỏ hành chính quan liêu bao cấp, thực sự chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, phấn đấu tạo thế cân đối mới, nhất là cân đối tài chính, tiền - hàng, bảo đảm kinh tế địa phương phát triển mạnh mẽ, vững chắc. Thường xuyên đề cao cảnh giác, tăng cường lực lượng quốc phòng an ninh, kiên quyết đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch và sẵn sàng chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống; đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân trong tỉnh, làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước và nghĩa vụ quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

 Đại hội đã bầu BCH Đảng bộ gồm 47 đồng chí (trong đó: 43 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết). BCH bầu Ban Thường vụ 13 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn An được bầu là Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Trần Bình được bầu là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Trịnh Văn Thuật được bầu là Ủy viên Ban Thường vụ - Chủ tịch UBND tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ III, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh đoàn kết, từng bước tháo gỡ khó khăn, tìm hướng đi lên trong cơ chế mới và đã đạt được những kết quan trọng. Sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư, tiếp tục củng cố quan hệ sản xuất, có bước chuyển biến mới về thâm canh, năng suất, sản lượng lúa tăng, đạt bình quân 80 vạn tấn/năm. Nhiều hộ nông dân đã có lương thực dự trữ. Công nghiệp địa phương đã khắc phục được những khó khăn, bước đầu áp dụng cơ chế mới, duy trì thường xuyên sản xuất và có mặt phát triển. Xuất nhập khẩu đã xác định được bước đi và có tiến bộ. Các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể được quan tâm củng cố, an ninh quốc phòng được tăng cường và giữ vững. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên, các nghĩa vụ với Nhà nước được thực hiện đầy đủ. Các hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục có nhiều cố gắng khắc phục những khó khăn trong chuyển đổi cơ chế, từng bước đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân. Năm 1985, Đảng bộ, quân và nhân dân Hà Nam Ninh được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước ta.

(còn nữa)

[links()]

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com