Cụ thể hóa luật về tài chính theo nguyên tắc kinh tế thị trường

08:08, 11/08/2015

Dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi) và dự thảo Luật Phí, lệ phí cần công khai, minh bạch hơn nhiều vấn đề để bảo đảm theo đúng tinh thần của Hiến pháp và nguyên tắc của kinh tế thị trường định hướng XHCN. Các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thống nhất như vậy trong nội dung thảo luận về 2 dự thảo Luật trên ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 40 của UBTVQH sáng 10-8.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển nội dung UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi) và dự thảo Luật Phí, lệ phí.

Luật Kế toán còn “mỏng”

Cho ý kiến đối với dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi), các ủy viên UBTVQH đề nghị, dự thảo Luật này cần được rà soát lại để cụ thể hóa nhiều hơn nội dung về tài chuẩn mực kế toán, kiểm toán và kiểm soát nội bộ…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá, Luật Kế toán “là luật cực kỳ quan trọng, doanh nghiệp rất chờ đợi”. Tuy nhiên, mặc dù chuyển từ dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán thành dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi), nhưng nhiều nội dung vẫn chưa thực sự công khai, minh bạch, luật hóa các quy định liên quan đến lĩnh vực kế toán, đáp ứng yêu cầu sửa đổi luật phù hợp với Hiến pháp cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng khẳng định, Luật Kế toán có tầm quan trọng rất lớn trong điều kiện hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay cũng như trong điều kiện của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản, quan trọng nhất của kinh tế thị trường là công khai, minh bạch, chính xác và phù hợp với thông lệ quốc tế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi) có tính cụ thể chưa cao, rất nhiều điểm cần được bổ sung quy định những nguyên tắc, nội dung cơ bản.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề kiểm toán nội bộ. Trong khi vấn đề này đã được bàn thảo nhiều năm nay, Chính phủ cũng đã có quy định về kiểm toán nội bộ, nhưng trong dự thảo Luật, “giờ vẫn chưa rõ hình thù” của kiểm toán nội bộ. Do còn chưa quy định đầy đủ những nội dung quan trọng như vậy, nên Chủ tịch Quốc hội đánh giá: “Luật này phải dày hơn, mỏng là chưa đạt”.

Cũng liên quan đến nội dung kiểm toán nội bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, cần đưa nội dung kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ nhằm kiểm soát nội bộ về kế toán vào dự thảo Luật.

Riêng về kiểm toán nội bộ, ông Phan Trung Lý đề nghị xây dựng một dự án luật riêng song song với Luật Kiểm toán độc lập và Luật Kiểm toán Nhà nước.

Riêng nông nghiệp còn hơn 1.000 loại phí, lệ phí

Trước khi UBTVQH cho ý kiến về những vấn đề lớn còn khác nhau liên quan đến dự thảo Luật Phí, lệ phí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày qua về thực trạng phí, lệ phí hiện tại.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, sau khi rà soát và loại bỏ, hiện vẫn còn 90 khoản lệ phí và 937 khoản phí.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại câu chuyện “một quả trứng phải “cõng” 14 loại phí” để nhấn mạnh yêu cầu rà soát lại các khoản phí, lệ phí trong nông nghiệp nói riêng và trong các lĩnh vực sản xuất khác nói chung nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển sản xuất. Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Tất cả các loại phí, lệ phí phải được quy định cụ thể vào trong dự thảo Luật Phí, lệ phí”.

Theo đó, chỉ Quốc hội mới được quyền quyết định thu những loại phí, lệ phí nào. Trong trường hợp chưa thể sửa luật, Quốc hội có thể phân quyền cho UBTVQH quyết định. Chính phủ, HĐND chỉ được phân quyền quyết định mức thu phí, lệ phí cụ thể, chứ không được quyền “sinh” thêm ra bất cứ một loại phí, lệ phí nào.

Về thủ tục hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu “phải nói rõ trong Luật này và phải hết sức đơn giản”.

Chốt lại nội dung phát biểu của mình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho ý kiến, điều quan trọng nhất là chất lượng làm luật, sau đó mới là số lượng. Đặc biệt, việc thu phí, lệ phí liên quan đến toàn dân, thu tiền của dân, nên càng phải thực hiện kỹ càng hơn. “Tôi cũng chưa bằng lòng, mà nếu chưa bằng lòng là tôi cũng chưa bấm nút”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị phân định rõ phí và giá dịch vụ. Cụ thể, giá dịch vụ là số tiền phải trả để được cung cấp dịch vụ, là số tiền được xác định theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, phí lại khác. Do có sự hỗ trợ của Nhà nước mang tính phúc lợi, nên phí không được tính đúng, tính đủ chi phí theo cơ chế thị trường và chắc chắn thấp hơn giá dịch vụ.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Trương Thị Mai cũng đề nghị, cần rõ ràng hơn về mức thu phí, lệ phí “hợp lý” là phải phù hợp với mức thu nhập của người dân.

Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, sẽ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các ủy viên UBTVQH, cụ thể hóa ở mức cao nhất có thể để bảo đảm luật hóa các nội dung cơ bản, quan trọng các vấn đề liên quan đến chuẩn mực kế toán, chứng từ điện tử, kiểm toán nội bộ, giá; phí và lệ phí./.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com