* Đề nghị tuổi của trẻ em là dưới 18 tuổi
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 40, ngày 14-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Tín ngưỡng tôn giáo. Các ý kiến phát biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tín ngưỡng tôn giáo, nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng và cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, bảo đảm quyền con người và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị mà Việt Nam là thành viên.
Về phạm vi điều chỉnh, nhiều ý kiến đề nghị, Dự thảo Luật cần điều chỉnh cả lĩnh vực tín ngưỡng để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tạo hành lang pháp lý đầy đủ thực hiện quyền tự do tín ngưỡng và định hướng cho các hoạt động tín ngưỡng được thực hiện một cách lành mạnh, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức, nhân văn truyền thống của dân tộc. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Lê Minh Thông phân tích, dù có điểm chung giao thoa nhau, nhưng tôn giáo và tín ngưỡng là hai khái niệm khác nhau, do vậy cần quy định rõ ràng trong Luật. Nếu Dự thảo Luật quy định chung cho cả tự do tôn giáo và tín ngưỡng sẽ rất khó phân định ranh giới, và việc thi hành cũng rất khó khăn. Bên cạnh đó, Ban Soạn thảo cần có những quy định rõ ràng, nếu không sẽ lẫn lộn giữa niềm tin tôn giáo, niềm tin tín ngưỡng và lễ hội văn hóa.
Theo các thành viên Ủy ban TVQH, một số quy định trong Dự thảo Luật còn chung chung, đối tượng được ghi nhận và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chưa đầy đủ. Ủy ban TVQH đề nghị, Ban Soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát một cách tổng thể các quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng như làm rõ nội hàm của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm cơ chế và phương thức thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Cũng theo các thành viên Ủy ban TVQH, thực tiễn hoạt động tín ngưỡng hiện nay đang hình thành các thiết chế tương tự tôn giáo, nhưng Dự thảo Luật thiếu các quy định điều chỉnh những nội dung này. Vì vậy, cần bổ sung những quy định cụ thể nhằm bảo đảm hoạt động tín ngưỡng vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, tinh thần của một bộ phận lớn quần chúng nhân dân, phù hợp thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời hạn chế các hoạt động tín ngưỡng lạc hậu, thiếu tính nhân văn. Đề cập vấn đề này, Trưởng ban Dân nguyện của QH Nguyễn Đức Hiền đề nghị, Ban Soạn thảo cần tổng kết tình hình tôn giáo chung hiện nay, đặc biệt là công tác quản lý Nhà nước để quy định cụ thể, rõ ràng hơn, tạo điều kiện cho mọi người thực hiện quyền tự do tôn giáo; làm rõ hơn các điểm bất cập trong thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo thời gian qua; xây dựng các quy định chặt chẽ hơn để tạo điều kiện cho tôn giáo tự do hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, trong Dự thảo Luật, tạo cơ sở pháp lý để người dân biết mình được làm gì, không được làm gì, đồng thời là căn cứ để cơ quan chức năng quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Chiều 14-8, Ủy ban TVQH đã thảo luận về dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Một trong những điểm mới dự án luật quy định điều chỉnh độ tuổi của trẻ em là dưới 18 tuổi (tăng 2 tuổi so với hiện hành là dưới 16 tuổi). Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Đào Trọng Thi tán thành với đề nghị trên. "Các nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế cho thấy trẻ em trong độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 có quá trình thay đổi phức tạp cả về thể chất lẫn tâm sinh lý và chưa có sự phát triển đầy đủ, hoàn thiện về thể chất, trí tuệ và tinh thần, nên cần có sự hướng dẫn, quan tâm, chăm sóc của gia đình, xã hội và Nhà nước. Hiện nay, đa số các nước đều quy định độ tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi" - ông Thi nói. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng, có những nghiên cứu mới, cụ thể, thuyết phục về mức độ trưởng thành của trẻ, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay.
Để bảo đảm tính khả thi của luật, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, Ban Soạn thảo nghiên cứu, làm rõ những vấn đề có ý kiến khác nhau. Ngoài ra, vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong chăm sóc, bảo vệ thế hệ măng non cần được thể hiện rõ./.
Theo Nhân dân