Phát huy tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, bảo đảm an sinh xã hội, tạo nền tảng phát triển bền vững

08:08, 25/08/2015

NGUYỄN VĂN VINH
Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở LĐ-TB và XH

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bản Tuyên cáo thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thành lập 13 bộ, trong đó có 3 bộ làm chức năng quản lý các lĩnh vực công tác LĐ-TB và XH là Bộ Lao động, Bộ Xã hội và Bộ Cứu tế xã hội, tiền thân của Bộ LĐ-TB và XH ngày nay. 70 năm qua, cùng với ngành LĐ-TB và XH cả nước, ngành LĐ-TB và XH tỉnh ta không ngừng nỗ lực xây dựng và phát triển về mọi mặt, thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, bảo đảm an sinh xã hội. Qua các thời kỳ cách mạng, mặc dù cơ cấu, tổ chức, bộ máy và nhiệm vụ có nhiều thay đổi nhưng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành LĐ-TB và XH tỉnh luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; luôn phát huy công sức, trí tuệ, tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, triển khai có hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Những năm đầu của Nhà nước Việt Nam độc lập, cùng với cả nước, ngành LĐ-TB và XH tỉnh đã triển khai thực hiện các chính sách về lao động việc làm, khuyến khích tăng gia sản xuất, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, đồng thời phát động phong trào “nhường cơm sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách”, tổ chức cứu tế cho người thiếu đói… Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, ngành đã cùng với Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu; triển khai thực hiện các chính sách về lao động, việc làm, tăng cường quản lý lao động xã hội, thực hiện tốt chính sách tiền lương, đảm bảo đời sống và điều kiện lao động, chính sách về lao động nữ, coi trọng công tác đào tạo công nhân kỹ thuật, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Thực hiện tốt các chính sách, chế độ ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ; vận động các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân tham gia công tác thương binh - liệt sĩ, như phong trào giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ trong HTXNN; phong trào nhận đón thương binh về gia đình, sắp xếp việc làm và nuôi dưỡng; phong trào đỡ đầu và chăm sóc con liệt sĩ… tạo điều kiện giúp đỡ các gia đình chính sách ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đất nước thống nhất, cả nước đi lên XHCN, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, ngành LĐ-TB và XH có bước phát triển vượt bậc. Ngành tập trung tham mưu, triển khai thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, thực hiện các giải pháp giải quyết việc làm cho người thất nghiệp; thực hiện chủ trương phân bổ lại lao động và dân cư. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về LĐ-TB và XH từng bước được xây dựng tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh. Các bộ luật được ban hành như: Bộ luật Lao động, Pháp lệnh Ưu đãi người có công, Pháp lệnh Phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; các pháp lệnh, nghị định về người tàn tật, người cao tuổi, xóa đói, giảm nghèo, cứu trợ xã hội đã ban hành… Với khối lượng công việc lớn, điều chỉnh ở nhiều diện đối tượng và trên nhiều lĩnh vực khác nhau, song ngành LĐ-TB và XH đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện và hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị.

Đặc biệt trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành LĐ-TB và XH đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực quản lý lao động, thực hiện chính sách người có công, công tác an sinh xã hội. Sở LĐ-TB và XH đã chủ động tham mưu cho tỉnh và trực tiếp ban hành nhiều văn bản triển khai các chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác lao động, người có công và xã hội. Các chỉ tiêu về giải quyết việc làm, dạy nghề, giảm nghèo đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Hằng năm đã tham mưu và tổ chức tốt các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho đối tượng người có công nhân dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; Tham mưu hướng dẫn lập hồ sơ, xét duyệt hồ sơ, rà soát các diện đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội; Tham mưu tổ chức các hoạt động Tháng hành động vì trẻ em, Tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Thực hiện hiệu quả Chương trình ATVSLĐ, đẩy mạnh công tác tư vấn, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động, tăng cường kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động, tiền lương, BHXH, thực hiện tốt chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg; Tham mưu chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội… Hiện nay, toàn tỉnh có 38 cơ sở dạy nghề với quy mô đào tạo 30.200 người/năm ở 3 cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp), góp phần nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề tăng từ 34,5% năm 2011 lên 38,8% năm 2014, phấn đấu năm 2015 đạt 40%. Bình quân mỗi năm toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 30.683 lượt người, trong đó xuất khẩu lao động trên 2.000 người. Trong 5 năm qua, Chương trình ATVSLĐ đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho trên 620 lượt người là cán bộ làm công tác ATVSLĐ cấp huyện, xã; trên 6.900 lượt người là chủ sử dụng lao động, cán bộ làm công tác ATVSLĐ và người lao động đang làm các nghề có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, làm công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chính sách ưu đãi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công, bình quân hằng năm thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho trên 52 nghìn đối tượng người có công đầy đủ, đúng thời gian quy định, mỗi năm kinh phí chi khoảng 1.000 tỷ đồng. Từ năm 2011 đến nay đã giải quyết cho 281 nghìn lượt đối tượng người có công và thân nhân người có công được hưởng các chế độ, quyền lợi ưu đãi theo quy định. Năm 2013, thực hiện Nghị định 31/CP của Chính phủ, toàn ngành đã xem xét giải quyết điều chỉnh chế độ cho trên 125 nghìn lượt hồ sơ người có công chuyển sang chính sách mới. Năm 2014, tổ chức xét duyệt và đề nghị Nhà nước phong, truy tặng cho 317 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Hằng năm, ngành LĐ-TB và XH tham mưu cho cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ và các công trình tưởng niệm liệt sĩ đảm bảo cảnh quan môi trường khang trang, sạch đẹp, đáp ứng yêu cầu tâm linh, thể hiện sự thành kính tri ân các Anh hùng liệt sĩ và có tính giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Phong trào ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được phát động và được các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hưởng ứng tích cực. Số tiền ủng hộ Quỹ (cả 3 cấp) bình quân mỗi năm đạt trên 4 tỷ đồng. Riêng quỹ cấp tỉnh bình quân mỗi năm đạt gần 400 triệu đồng. Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm đã trích quỹ cấp tỉnh và vận động các cơ quan, ban, ngành trong và ngoài tỉnh xây mới trên 40 Nhà Tình nghĩa, sửa chữa 35 nhà đối tượng người có công trị giá trên 2,2 tỷ đồng. Riêng từ năm 2014 đến nay, đã hỗ trợ xây mới 3.320 nhà người có công từ nguồn kinh phí Trung ương theo Quyết định số 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với số tiền là 132,8 tỷ đồng; 100% số xã, phường, thị trấn của tỉnh đã đạt tiêu chuẩn nâng cao mức sống, an toàn nhà ở và thực hiện tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công.

Các lĩnh vực công tác khác của ngành như: Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bảo trợ xã hội, Bình đẳng giới, Phòng, chống tệ nạn xã hội cũng đạt được những kết quả quan trọng. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo được triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả, tạo điều kiện để người nghèo được vươn lên thoát nghèo bền vững, với 100% số hộ nghèo, người nghèo có nhu cầu được hỗ trợ, trợ giúp từ các chính sách, dự án hỗ trợ của Nhà nước. Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,3% năm 2011 xuống còn 3,77% năm 2014 và năm 2015 ước giảm còn dưới 3%, tình trạng tái nghèo dần được hạn chế. Chính sách trợ giúp xã hội được quan tâm, mỗi năm thực hiện trợ cấp thường xuyên cho khoảng 70 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng, hướng dẫn các địa phương tổ chức trợ cấp kịp thời cho các gia đình gặp thiên tai, khó khăn đột xuất và dịp Tết Nguyên đán; chăm sóc, nuôi dưỡng trên 220 đối tượng tại cơ sở bảo trợ xã hội. Thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, toàn tỉnh đã vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ “Bảo trợ trẻ em tỉnh” với số tiền và hiện vật trị giá khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm, tạo nguồn chăm lo cho trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội đã được ngành chủ động phối hợp với các ngành liên quan triển khai, tổ chức thực hiện, hằng năm phối hợp tổ chức kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh các vi phạm của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và tại các cơ sở giáo dục - chữa bệnh lao động xã hội cho hàng trăm lượt người nghiện ma túy, góp phần hạn chế và từng bước triệt xóa tệ nạn mại dâm, ma túy trên địa bàn tỉnh.

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, ngành LĐ-TB và XH đã góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Sở LĐ-TB và XH đã nhiều lần được tặng Bằng khen, Cờ Thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ LĐ-TB và XH và của UBND tỉnh. Năm 1997, Sở LĐ-TB và XH đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; năm 2007, được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba. Năm 2013, ngành đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Phát huy truyền thống vẻ vang 70 năm qua, ngành LĐ-TB và XH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và phong trào thi đua yêu nước. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, vươn lên ngang tầm mọi mặt về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Tăng cường tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với người có công với cách mạng; chỉ đạo các địa phương thực hiện đúng, đầy đủ, chu đáo các chế độ chính sách người có công, tạo điều kiện về nhà ở, chăm sóc sức khoẻ đối với người có công với cách mạng; giải quyết dứt điểm những tồn đọng về xác nhận, công nhận người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học trong chiến tranh. Thực hiện tốt việc chăm sóc, xây dựng, tôn tạo, nâng cấp mở rộng các nghĩa trang liệt sĩ, công trình tưởng niệm, ghi tên liệt sĩ, quy tập và đón nhận hài cốt liệt sĩ về an táng tại quê nhà. Đẩy mạnh cuộc vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và xã hội hoá chăm sóc người có công để tạo nguồn lực cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công. Coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chế độ về LĐ-TB và XH đến các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đồng thời thường xuyên tiến hành kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chính sách, chế độ nhằm phát hiện kịp thời những sai sót để xử lý, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các đối tượng được thụ hưởng. Tiếp tục làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của ngành về các lĩnh vực: giải quyết việc làm, đào tạo dạy nghề, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bảo trợ, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com