Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm và tích cực của ASEAN

08:07, 29/07/2015

Cách đây 20 năm (ngày 28-7-1995 - 28-7-2015), Việt Nam chính thức trở thành thành viên Hiệp hội quốc gia Đông Nam Á (gọi tắt là ASEAN). Chặng đường 20 năm qua đánh dấu những bước phát triển vượt bậc của Việt Nam trong mọi lĩnh vực vào hội nhập khu vực và tiến xa hơn trong hội nhập quốc tế. Những đóng góp mang dấu ấn Việt Nam đã góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển ổn định, duy trì tính thống nhất trong đa dạng của ASEAN, đồng thời, nâng cao vị thế của Việt Nam để có thể vượt qua những thách thức trong tương lai.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời phỏng vấn phóng viên báo chí về nội dung này.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh

PV:  Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của quyết định Việt Nam gia nhập ASEAN cách đây 20 năm?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Cách đây 20 năm, Việt Nam quyết định gia nhập ASEAN. Đây là quyết định đúng đắn và sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta. Quyết định đó đã tạo ra môi trường hoà bình ổn định cho đất nước chúng ta phát triển trong 20 năm qua. Đây cũng là chủ trương thực hiện đường lối của chúng ta là đa phương hoá, đa dạng hoá.

Nếu nhìn lại bối cảnh những năm 90 thì đây là chủ trương hết sức quan trọng bởi vì sau thời kỳ chúng ta bị bao vây cấm vận thì chủ trương này giúp chúng ta mở rộng quan hệ, nhất là trong ASEAN xây dựng một khu vực Đông Nam Á hoà bình ổn định đoàn kết.

Đồng thời, đây cũng là chủ trương đầu tiên ta tham gia hội nhập quốc tế. Sau ASEAN, chúng ta đã mạnh dạn, chủ động tham gia vào các cơ chế liên khu vực khác như đồng sáng lập ASEM, tham gia APEC. Có thể nói quyết định này đã mở ra tư duy đối ngoại trong hội nhập quốc tế.

PV: Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng gì cho thành công của ASEAN trong 20 năm qua, thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Từ khi tham gia vào ASEAN chúng ta đã xác định là thành viên có những đóng góp tích cực vào ASEAN vì chúng ta thấy rằng khi gia nhập ASEAN là xây dựng khu vực vững mạnh đoàn kết thì đó cũng là môi trường để chúng ta phát triển và duy trì hoà bình, ổn định.

Chúng ta đã tích cực tham gia đóng góp vào việc xây dựng các văn kiện tạo dựng khuôn khổ pháp lý cho ASEAN phát triển như Hiến chương của ASEAN, Tầm nhìn ASEAN 2020, Tuyên bố hoà hợp ASEAN 2, cũng như Lộ trình xây dựng Cộng đồng giai đoạn 2009-2015. Đây là những văn kiện hết sức quan trọng, vừa tạo khuôn khổ hoạt động của ASEAN.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng đóng góp vào việc thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN, hay các cơ chế của ASEAN. Ví dụ khi chúng ta làm Chủ tịch ASEAN vào năm 2010, chúng ta đã đóng góp vào việc mở rộng diễn đàn cấp cao Đông Á với sự tham gia của Nga và Hoa Kỳ. Hay là sáng kiến của chúng ta về việc mở rộng Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng, hay còn gọi là ADMM +.

Chúng ta cũng đóng góp vào việc tăng cường vai trò của ASEAN đối với G20 bằng việc cử đại diện tham dự. Mặc dù mới gia nhập ASEAN vào năm 1995, nhưng chúng ta đã đứng ra tổ chức Hội nghị cấp cao 1998, chỉ 3 năm sau khi gia nhập.

Chúng ta đã đưa ra được Chương trình hành động Hà Nội mà cho đến nay vẫn có giá trị quan trọng. Rồi tại Hội nghị cấp cao ASEAN 2010 tại Hà Nội, chúng ta cũng có những đóng góp lớn mà quan trọng là xây dựng văn hoá thực thi trong ASEAN, thực hiện các cam kết đề ra. Đó là những đóng góp hết sức quan trọng đối với ASEAN.

PV: ASEAN sẽ thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay. Xin Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam đã chuẩn bị những gì để đón nhận những cơ hội và thách thức trong tiến trình hội nhập này?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Đến cuối năm nay, ASEAN trở thành cộng đồng ASEAN. Nhưng điều đó không có nghĩa đến sau 31-12-2015, gõ kẻng một cái là ta thành cộng đồng mà đây là một quá trình.

Thời gian vừa qua, chúng ta đã xây dựng và đang là Cộng đồng ASEAN. Thời điểm cuối năm chỉ là một dấu mốc của ASEAN. Các nước ASEAN đã xây dựng cộng đồng thông qua việc thực hiện các mục tiêu mà cho đến nay, chúng ta đã thực hiện được hơn 93% các cam kết so với trung bình các nước ASEAN là 90%.

Với việc thành lập cộng đồng chung như vậy, chúng ta phải đóng góp vào việc lãnh đạo ASEAN để duy trì môi trường hoà bình ổn định ở khu vực thông qua phối hợp các chính sách, liên quan đến an ninh quốc phòng.

Thứ 2 là phải giúp người dân hiểu được, cảm nhận được cộng đồng ASEAN tức là người dân thực sự tham gia vào cộng đồng ASEAN, không chỉ coi là một bộ phận của ASEAN mà sẽ trở thành là người dân của cộng đồng hơn 600 triệu người này và phải tận dụng cơ hội được tạo ra của cộng đồng ASEAN.

Đó là một không gian phát triển thống nhất, một môi truờng tương đối hoà nhập với nhau, tạo cơ hội cho từng người dân về công ăn việc làm, đi lại trong ASEAN cũng như nhiều lĩnh vực và chính sách khác. Đó là cơ hội mà từng nước ASEAN, từng người dân phải cảm nhận được.

PV: Nhưng cũng có nhiều thách thức phải vượt qua và cần phải có sự chuẩn bị, thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Đương nhiên là đối với cộng đồng nào cũng vậy. Song song với cơ hội là những thách thức. Thách thức với từng cộng đồng cũng khác nhau. Đối với cộng đồng ASEAN, đây là cộng đồng đa dạng về văn hoá. Trong ASEAN vẫn nói là thống nhất trong đa dạng.

Điều đó có nghĩa là mỗi quốc gia có bản sắc riêng và khi trở thành cộng đồng thì phải vừa có mẫu số chung về lợi ích chung của cộng đồng, vừa phát huy bản sắc riêng. Và đương nhiên mỗi quốc gia cũng có những lợi ích riêng nên việc làm sao đạt được lợi ích chung nhất.

Đây là thách thức lớn. Điều đó cũng gắn với đoàn kết trong ASEAN để ASEAN trở thành trung tâm trong cấu trúc khu vực. Thách thức thứ 3 đương nhiên là trình độ phát triển còn có sự khác biệt nhau. Chúng ta ở trong số các nước có trình độ phát triển thấp hơn thì phải chịu sự cạnh tranh lớn hơn trong môi trường kinh doanh và cũng phải đáp ứng những đòi hỏi cao hơn và phải có những chính sách làm sao đáp ứng được những yêu cầu đó.

PV: Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng./.

Theo vov.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com