Trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã rút ra năm bài học lớn; trong đó, bài học số một là “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Đây là sự tổng kết sâu sắc về lịch sử và lý luận, “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt đường lối cách mạng nước ta, được thể hiện sâu sắc trong Cương lĩnh chính trị và các văn kiện đại hội Đảng. Bài học đó, đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà văn kiện trình Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định.
Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Ảnh: PV |
Văn kiện Đại hội XI của Đảng yêu cầu phải “kiên định mục tiêu là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, vì đây vừa là mục tiêu, lý tưởng, vừa thể hiện bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ của Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên. Nắm vững mối quan hệ biện chứng giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng phù hợp trong từng thời kỳ lịch sử là một trong những nguyên nhân của thành tựu cách mạng nước ta. Đặc biệt, trong bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới cũng như những thuận lợi và khó khăn ở trong nước hiện nay, việc kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội lại càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
1. Lựa chọn mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là tất yếu khách quan của cách mạng nước ta. Quá trình ra đi tìm đường cứu nước, chỉ khi đến được với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mới tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Năm 1924, khi đọc Luận cương của V.I. Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người thấy “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”1. Trong cuốn “Đường Kách mệnh”, Người viết rằng, bây giờ chủ nghĩa nhiều, học thuyết nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin. Người chỉ ra: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”2. Đó cũng chính là con đường kết hợp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sự lựa chọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta là một tất yếu khách quan do lịch sử quy định, phù hợp với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, với mục tiêu lớn của thời đại và ý nguyện của nhân dân; được gắn với đặc điểm, tình hình của mỗi giai đoạn khác nhau của cách mạng Việt Nam. Đây không phải do ý muốn chủ quan của Đảng mà là tổng hợp những điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan, kinh tế và chính trị, trong nước và quốc tế, phản ánh khát vọng của dân tộc.
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Năm 1986, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn do chủ nghĩa xã hội trên thế giới lâm vào thoái trào, phe xã hội chủ nghĩa đứng trước nguy cơ tan rã, khủng hoảng kinh tế - xã hội trong nước kéo dài, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, tạo ra một bước ngoặt mang ý nghĩa cách mạng cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhờ đó, gần 30 năm qua, nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo ra thế và lực mới, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Có thể khẳng định các sự kiện trong những năm: 1930, 1945, 1954, 1975, 1986 đã trở thành những cột mốc lịch sử quan trọng cho sự lựa chọn con đường chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nó minh chứng con đường cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản chân chính lãnh đạo tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội; độc lập dân tộc luôn gắn liền với chủ nghĩa xã hội là một tất yếu, nội tại. Bởi, độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Đúng như Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”3.
2. Kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái phủ nhận mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Gần 30 năm đổi mới, đất nước đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển; khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Tuy nhiên, đất nước ta cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ. Tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là sự cạnh tranh về chủ quyền, lãnh thổ, biển, đảo ngày càng quyết liệt giữa các nước diễn ra ở nhiều khu vực, trong đó có Biển Đông; sự chống phá quyết liệt bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch... Trong nước, những hạn chế, khuyết điểm vốn có của nền kinh tế chưa được giải quyết; những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, quản lý và những vấn đề mới phát sinh đã làm cho kinh tế phát triển thiếu ổn định, chưa bền vững; chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động xã hội và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp... Lợi dụng tình hình đó, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, thậm chí một số cán bộ, đảng viên non kém về bản lĩnh chính trị và sự nhạy cảm về chính trị muốn phủ nhận mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng. Họ cho rằng “chủ nghĩa xã hội là con đường mù mờ, không có tương lai”, “đi vào ngõ cụt”, “đã bị lịch sử phủ định”; “ngày xưa trong thời kỳ phong kiến đã có chủ nghĩa xã hội đâu mà vẫn giữ được độc lập dân tộc”, “lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa là do ý chí chủ quan của Đảng”; “chủ nghĩa nào, chế độ nào cũng được, miễn là dân giàu, nước mạnh”... Những quan điểm trên đây không thể đứng vững được trước sự phê phán, bởi lý luận và trước thực tế lịch sử.
Trong thời kỳ trước đây, ở nước ta, các triều đại phong kiến tiến bộ đại diện cho dân tộc đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập cho đất nước. Khi đó chưa có chủ nghĩa xã hội. Trên thế giới, chủ nghĩa xã hội được đặt ra về lý luận khoa học khi chủ nghĩa Mác ra đời, về thực tiễn khi Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) thành công. Do đó, nếu đặt vấn đề chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong thời kỳ phong kiến là phi lịch sử và không thể dựa vào đó để phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa của nước ta. Những quan điểm phủ nhận trên đã có cái nhìn sai lệch về chủ nghĩa tư bản và xã hội chủ nghĩa, nó cường điệu những thành tựu của chủ nghĩa tư bản mà không thấy hoặc coi nhẹ những khuyết tật, mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản. Hiện tại, chủ nghĩa tư bản vẫn còn tiềm năng phát triển, nhất là về kinh tế, nhờ ứng dụng những thành tựu mới của khoa học và công nghệ... Tuy vậy, về bản chất, chủ nghĩa tư bản vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công, dù có những điều chỉnh thích nghi. Những người phủ nhận mục tiêu của cách mạng Việt Nam còn có cái nhìn định kiến với quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội trước đây ở một số nước. Họ đồng nhất chủ nghĩa xã hội hiện nay với những khuyết tật trong mô hình chủ nghĩa xã hội Xô-viết trước đây, không thấy những thành tựu trong đổi mới, cải cách đang diễn ra ở Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Cu Ba. Cần phải rõ rằng: sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu không phải là sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa nói chung, mà chỉ là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội - mô hình chủ nghĩa xã hội tập trung, quan liêu, bao cấp. Chủ nghĩa xã hội với những phẩm giá tốt đẹp vẫn là lý tưởng mà nhân loại tiến bộ đang hướng tới; những giá trị cao cả của nó vẫn tồn tại trong đời sống nhân loại. Điều này được minh chứng rõ ở phong trào xã hội “cánh tả”, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đang từng bước phục hồi.
Thời gian gần đây xuất hiện trên internet và một số ấn phẩm in, tán phát những quan điểm sai trái, như đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lê-nin để từ đó phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Họ nói: “Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội”, “thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay là độc đảng, toàn trị, đang kìm hãm tự do, dân chủ, chia rẽ dân tộc,…”; họ yêu cầu Việt Nam ngày nay phải chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ... Thực chất, họ muốn chúng ta phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; Đảng phải từ bỏ vai trò lãnh đạo của mình, từ bỏ hệ tư tưởng Mác - Lê-nin, từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa để chuyển sang dân chủ tư sản, tức là từ bỏ mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
3. Nắm vững và thực hiện có hiệu quả mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong tình hình mới. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng là: tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đây cũng chính là những nội dung cốt lõi của việc thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong 5 năm tới. Chúng ta đồng tình với quan điểm của Đảng là tiếp tục giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội; coi đó là định hướng quan trọng cho con đường phát triển của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới của cách mạng. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu đó, Đảng cần phải đánh giá, dự báo một cách khách quan tình hình thời cuộc, nhất là tình hình thế giới và trong nước cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, ảnh hưởng trực tiếp đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Chúng ta nhất trí với hệ thống phương hướng, giải pháp nêu trong các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng và làm rõ thêm một số vấn đề có tính nguyên tắc để tiếp tục khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn mới. Đó là, phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Không ngừng đổi mới tư duy lý luận, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện đổi mới đồng bộ giữa kinh tế và chính trị với những bước đi phù hợp; tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Đồng thời, đẩy mạnh CNH-HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tiếp tục thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược; phấn đấu nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các thành phần kinh tế, trong đó, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế có đầu tư nước ngoài. Mặt khác, phải phát huy nhân tố con người cả về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; giải quyết tốt những vấn đề bức thiết, tăng cường quản lý xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi cho người dân. Thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; kinh tế với quốc phòng và an ninh, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế một cách có hiệu quả; giải quyết tốt quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
GS, TS. LÊ HỮU NGHĨA
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
---------------------------
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 562.
2 - Sđd, tr. 30.
3 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011, tr.70.