Lê Hữu Hảo
Tỉnh uỷ viên, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
Ngày 26-7-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký lệnh công bố Luật Tổ chức Viện KSND, đánh dấu sự ra đời của ngành KSND trong bộ máy Nhà nước. Việc thành lập Viện KSND là một yêu cầu tất yếu khách quan, đảm bảo cho pháp chế xã hội chủ nghĩa được tuân thủ nghiêm minh và thống nhất trong tiến trình cách mạng ở nước ta.
Dưới sự lãnh đạo của Viện KSND Tối cao, của Tỉnh uỷ, sự giám sát của HĐND, sự phối hợp hỗ trợ của UBND tỉnh và các ngành, các cấp cũng như sự ủng hộ của nhân dân, hơn nửa thế kỷ qua, các thế hệ cán bộ ngành KSND tỉnh Nam Định đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, làm tròn chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Vừa hoạt động, vừa xây dựng, ngành Kiểm sát đã cùng Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước trong cuộc đấu tranh chống xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Trong những năm đầu mới thành lập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 1-2-1963 của Bộ Chính trị, thực hiện chỉ đạo của Viện KSND Tối cao và của Tỉnh uỷ, ngành Kiểm sát tỉnh nhà đã tập trung mọi hoạt động theo chức năng nhằm bảo vệ thành quả của công cuộc cải tạo XHCN, xây dựng quan hệ sản xuất mới, bảo vệ quyền tự do, dân chủ của nhân dân, đấu tranh chống tội phạm phản cách mạng và các tội phạm nghiêm trọng khác, nhất là những đối tượng phản động lợi dụng tôn giáo, các thế lực thù địch chống phá CNXH.
Từ năm 1965 đến 1975, miền Bắc vừa phải trực tiếp chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa phải ra sức chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Năm 1965, sau khi hợp nhất tỉnh Nam Định và tỉnh Hà Nam thành tỉnh Nam Hà, ngành KSND đã thực hiện hiệu quả các khâu công tác kiểm sát nhằm bảo đảm tăng cường pháp chế, bảo vệ tài sản XHCN, kiểm sát việc thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, chính sách hậu phương quân đội. Trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm, Viện KSND tỉnh đã phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật của địa phương điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án xâm phạm nghiêm trọng an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của bọn phản cách mạng. Do vậy, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của tỉnh ta luôn luôn được giữ vững, pháp chế được tăng cường, sản xuất phát triển, đời sống nhân dân ổn định. Thực hiện Nghị quyết 228 của Bộ Chính trị ngày 12-1-1974 về tăng cường quản lý kinh tế, đấu tranh chống tiêu cực, làm ăn phi pháp, Viện KSND tỉnh đã triển khai một cách toàn diện và đạt hiệu quả cao. Nhiều vụ án tham nhũng lớn với những tội phạm lạm dụng chức quyền để tham ô, đầu cơ trục lợi, cố ý làm trái đã được đưa ra truy tố, xét xử, được cán bộ và nhân dân đồng tình.
Sau giải phóng miền Nam, thi hành Hiến pháp 1980 và Luật Tổ chức Viện KSND năm 1981, ngành Kiểm sát đã triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm sát phục vụ các nhiệm vụ kinh tế - xã hội; phối hợp với các cơ quan Nhà nước ở địa phương ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, tội phạm; tăng cường kiểm sát điều tra, kiểm sát việc bắt, giam giữ và tập trung cải tạo, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo của công dân. Tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm của Viện KSND, nhất là việc khiếu nại về oan, sai và tố cáo vi phạm quyền dân chủ, xâm phạm hoạt động tư pháp.
Quán triệt đường lối đổi mới toàn diện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Viện KSND tỉnh đã đổi mới phương pháp công tác, xác định mục tiêu, phương hướng và nội dung công tác trong từng thời gian nhằm đấu tranh, phòng ngừa có hiệu quả đối với hành vi vi phạm và tội phạm, bảo đảm tăng cường pháp chế, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN. Tập trung kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội, ngành Kiểm sát tỉnh đã phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác. Đặc biệt, toàn ngành đã đóng góp có hiệu quả trong việc thực hiện Chỉ thị 135 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về tấn công truy quét tội phạm hình sự, lập lại trật tự, kỷ cương xã hội.
Từ năm 1997, tỉnh Nam Định được tái lập, ngành Kiểm sát đã tập trung phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng CNH-HĐH. Đã tiến hành kiểm sát việc chấp hành pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, quản lý xuất nhập khẩu, việc thực hiện các chương trình mục tiêu trong quản lý GD và ĐT, y tế, xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và các hoạt động dịch vụ phát triển sản xuất nông nghiệp… Qua kiểm sát đã phát hiện, ban hành nhiều kháng nghị, kiến nghị yêu cầu huỷ bỏ, sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật có vi phạm, yêu cầu khắc phục nhiều việc làm không đúng pháp luật trong quản lý, yêu cầu thu hồi nhiều tài sản của Nhà nước, của tập thể bị thất thoát.
Hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp được chuyển biến mạnh theo tinh thần Chỉ thị 53-CT/TW ngày 21-3-2000 của Bộ Chính trị. Chất lượng công tác kiểm sát, trách nhiệm pháp lý của Viện KSND nói chung, của mỗi cán bộ, kiểm sát viên nói riêng được nâng lên. Các việc làm vi phạm pháp luật trong việc khởi tố, bắt, giam, giữ… được kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục, bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Các hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiểm sát thi hành án đều được chú trọng đẩy mạnh, đáp ứng yêu cầu của các tổ chức kinh tế - xã hội, các cơ quan Nhà nước và công dân.
Trong mọi hoạt động công tác kiểm sát, toàn ngành luôn quán triệt yêu cầu bảo vệ quyền dân chủ, đấu tranh chống tham nhũng phải đi đôi với giữ vững trật tự kỷ cương, bảo đảm cho đường lối, chính sách của Đảng được thực hiện đúng đắn, pháp luật của Nhà nước được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, dưới sự lãnh đạo của Viện KSND Tối cao, Viện KSND tỉnh đã cùng Công an, Toà án tỉnh ban hành quy chế phối hợp liên ngành trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; triển khai thực hiện Nghị quyết 388 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và sau đó là Luật Bồi thường Nhà nước. Đồng thời, do phối hợp chặt chẽ ở cả 2 cấp tỉnh và huyện việc phát hiện, xử lý các vụ phạm tội hình sự được kịp thời và chính xác. Nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm tính mạng, tài sản, vận chuyển buôn bán ma tuý, tham ô tài sản được tập trung điều tra, truy tố, xét xử nhanh. Một số vụ được tổ chức xét xử lưu động có đông đảo quần chúng tham dự, đưa lại hiệu quả tốt trong giáo dục, tuyên truyền pháp luật và phòng ngừa tội phạm.
Thi hành Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Viện KSND năm 2014, Viện KSND tỉnh Nam Định đã tham mưu với Ban TVTU ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 22-5-2015, về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng trong việc tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn toàn tỉnh, tạo điều kiện cho hoạt động kiểm sát có chất lượng và hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và chống oan sai trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự. Trong công tác kiểm sát, việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại, Viện KSND tỉnh đã chỉ đạo quán triệt và triển khai thực hiện Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Dân sự, Luật Tố tụng hành chính nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Viện KSND được tố tụng quy định. Nâng cao hiệu quả, chất lượng việc giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp, không để những tồn đọng bức xúc thuộc trách nhiệm của Viện KSND.
Cùng với việc tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, được sự quan tâm của Viện KSND Tối cao và của các cấp ủy Đảng, đội ngũ cán bộ ngành KSND tỉnh nhà đã có những bước trưởng thành vững chắc. 55 năm qua, đội ngũ cán bộ, KSV được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Về cơ bản, đội ngũ KSV và chuyên viên nghiệp vụ của ngành Kiểm sát Nam Định đã đạt được tiêu chuẩn hóa theo luật định. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cơ sở vật chất, nhất là phương tiện và điều kiện làm việc được đầu tư ngày một đầy đủ hơn, khang trang hơn.
Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, cán bộ ngành Kiểm sát Nam Định đã bền bỉ phấn đấu, vượt qua khó khăn, rèn luyện bản lĩnh cách mạng, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Cán bộ Kiểm sát phải công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” và cuộc vận động đội ngũ cán bộ, KSV “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.
Nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập ngành, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành KSND tỉnh Nam Định xin trân trọng cảm ơn Viện KSND Tối cao, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các ngành, các cấp, cán bộ và nhân dân toàn tỉnh luôn quan tâm, lãnh đạo, giám sát, hỗ trợ ngành KSND tỉnh nhà hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự lãnh đạo, giúp đỡ của Viện KSND Tối cao, của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đặc biệt là các ngành nội chính để Viện KSND tỉnh Nam Định hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao cho.
Cũng nhân dịp này, thay mặt Ban Cán sự Đảng, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn và tri ân các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, KSV qua các thời kỳ đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, toàn tâm, toàn ý đóng góp công sức cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành. Tôi xin ghi nhận và biểu dương các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức, KSV luôn đoàn kết, phấn đấu không ngừng, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị công tác của mình, góp phần tích cực vào kết quả chung của toàn ngành.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới mà trọng tâm là thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Viện KSND năm 2014, trong những năm tới, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành KSND tỉnh Nam Định quán triệt và thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
1. Tiếp tục quán triệt các nghị quyết của Đảng, thường xuyên nắm vững nhiệm vụ trọng tâm của cả nước, của ngành, của tỉnh trong mỗi thời kỳ; trên cơ sở đó, hướng mọi hoạt động theo chức năng của ngành góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
2. Nâng cao hơn nữa chất lượng thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Viện KSND năm 2014, góp phần thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, bảo đảm xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi phạm tội, không để xảy ra oan, sai hay bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
3. Thực hiện đúng nguyên tắc về sự lãnh đạo của Đảng đối với ngành Kiểm sát và công tác kiểm sát, kết hợp đúng đắn và chặt chẽ nguyên tắc Đảng lãnh đạo với nguyên tắc tập trung, thống nhất trong ngành, xây dựng Đảng bộ cơ quan Viện KSND tỉnh, chi bộ Viện KSND cấp huyện luôn luôn là tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh.
4. Tăng cường và chủ động phối hợp với các cơ quan Nhà nước, nhất là các cơ quan bảo vệ pháp luật, với Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các đơn vị LLVT để tạo thuận lợi cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành. Luôn luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật những khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm của ngành.
5. Tiếp tục xây dựng ngành KSND thực sự trong sạch, vững mạnh, đặc biệt coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ KSV các cấp cả về bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn và năng lực hoạt động thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Mọi cán bộ Kiểm sát phải luôn rèn luyện, phấn đấu thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Cán bộ Kiểm sát phải công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, KSV “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” do Viện KSND Tối cao phát động.
Với lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, với truyền thống vẻ vang 55 năm xây dựng, hoạt động và trưởng thành; cán bộ, công chức, viên chức ngành KSND tỉnh Nam Định tiếp tục đoàn kết, phấn đấu vượt mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó./.