Vũ Đức Hạnh
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Nam Trực
Huyện Nam Trực nằm ở cửa ngõ phía nam Thành phố Nam Định, có diện tích tự nhiên 161,7km2, dân số trên 19 vạn người. Những năm qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự giúp đỡ của Trung ương, các sở, ngành của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong huyện đoàn kết phấn đấu xây dựng Nam Trực phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, BCH Đảng bộ huyện đã tập trung trí tuệ, phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết và sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV thành các nghị quyết, đề án chuyên đề, tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ chính trị.
5 năm qua, bên cạnh những thuận lợi cơ bản cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với những yếu kém của nền kinh tế, những vướng mắc tích tụ nhiều năm chưa được giải quyết; kỷ cương trong các tổ chức Đảng, trong hệ thống chính trị và kỷ cương xã hội bị buông lỏng; vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai và bảo vệ môi trường, trong thực hiện chính sách xã hội gây bức xúc trong nhân dân và tiềm ẩn những nhân tố bất ổn... Ban Thường vụ, BCH Đảng bộ huyện đã phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ đi sâu phân tích, đánh giá sát, đúng chất lượng của hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, thực hiện nhiệm vụ chính trị có hiệu quả, hoàn thành và hoàn thành vượt mức 22 chỉ tiêu cơ bản mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đã đề ra.
Trước hết, về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, BCH Đảng bộ huyện coi việc triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (NQTW4) (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị 03 của Bộ chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là nội dung cốt lõi trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương ngời sáng trí tuệ và nhân văn để mỗi người học tập, noi theo, chúng ta không chỉ học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người mà còn phải tuân theo những nguyên tắc cơ bản về xây dựng Đảng cầm quyền do Người đề ra để rèn luyện, xây dựng Đảng ta. Nội dung của NQTW4 và Chỉ thị 03 hòa quyện vào nhau trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cần được triển khai thực hiện toàn diện trên tất cả các mặt công tác. Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản nhất về xây dựng Đảng, phát huy dân chủ để phát huy trí tuệ tập thể, tôn trọng nghị quyết tập thể, đồng thời phải giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Việc kiểm điểm theo tinh thần NQTW4 phải làm kỹ, không qua loa đại khái, kiểm điểm sâu sắc từ lãnh đạo, cấp ủy đến cán bộ, đảng viên, phải chỉ rõ những yếu kém và biện pháp khắc phục. Cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng phải lấy tự phê bình và phê bình là chính để khắc phục và sửa chữa khuyết điểm nhưng nếu khuyết điểm nghiêm trọng, gây mất lòng tin với nhân dân phải được xem xét, xử lý nghiêm minh. Phát huy dân chủ trong Đảng đồng thời với mở rộng dân chủ xã hội để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia quản lý kinh tế - xã hội; chính quyền các cấp đẩy mạnh cải cách hành chính để thực sự gần dân, sát dân, trọng dân và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; MTTQ và các đoàn thể chính trị hướng về cơ sở có chương trình hoạt động cụ thể, thiết thực.
Sau 5 năm nhìn lại, hệ thống chính trị của huyện có sự chuyển biến tích cực: 90% số tổ chức cơ sở Đảng đạt TSVM và hoàn thành tốt nhiệm vụ, 90% đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ; 85% đơn vị chính quyền vững mạnh; 85% đoàn thể tiên tiến; sức chiến đấu của các tổ chức Đảng được nâng lên rõ rệt, nhất là vai trò lãnh đạo của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; mối quan hệ giữa cấp ủy với các thành viên trong hệ thống chính trị chặt chẽ, nhịp nhàng hơn; kỷ cương trong các tổ chức nghiêm minh hơn, trách nhiệm công việc của mỗi cán bộ, đảng viên tốt hơn. Khi chất lượng tổ chức, bộ máy có chuyển biến tốt lên thì các tổ chức Đảng có sự tìm tòi, đổi mới phương thức lãnh đạo; chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đổi mới phương thức, nội dung hoạt động. Đó là cội nguồn, là động lực để xây dựng lòng tin với nhân dân, ổn định tình hình chính trị nội bộ và ổn định xã hội, tình hình khiếu kiện giảm dần, bầu không khí trong các cơ quan và toàn xã hội lành mạnh và phấn chấn hơn, huy động sức mạnh tổng hợp, huy động mọi nguồn lực làm chuyển biến cơ bản tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương.
Về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh: Xây dựng NTM theo 19 tiêu chí của Chính phủ với nội dung toàn diện, ý nghĩa sâu sắc là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược không chỉ của nhiệm kỳ 2010-2015 mà là nhiệm vụ trọng tâm chiến lược của nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo. Với tinh thần các tổ chức Đảng, chính quyền giữ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo; MTTQ và các đoàn thể tổ chức, vận động để người dân thực hiện vai trò chủ thể trong xây dựng NTM. Nếu không coi trọng, phát huy dân chủ thì không thể xây dựng được phong trào quần chúng rộng rãi, thực hiện cho được các tiêu chí về xây dựng NTM. Cấp ủy, chính quyền các cấp phải khởi xướng, đề ra mục tiêu, nội dung, kế hoạch công việc để nhân dân thảo luận, tạo sự đồng thuận thì chắc chắn thành công. Huyện Nam Trực đã hoàn thành quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó hoàn thành quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch mạng lưới giao thông, thủy lợi, quy hoạch dân cư, quy hoạch mạng lưới văn hóa, y tế, giáo dục, quy hoạch công nghiệp, thương mại và thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, phát triển nghề truyền thống, tạo việc làm mới cho gần 2 vạn lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, phân bố lại lao động hợp lý và tăng thu nhập cho người dân… Xây dựng trung tâm hành chính “một cửa”, cổng thông tin điện tử hoạt động có chất lượng, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống chính trị; 398 khu dân cư đã xây dựng, phê duyệt quy ước nếp sống văn hóa; tổ chức tốt công tác tiếp dân, tích cực giải quyết công tác khiếu nại, tố cáo làm ổn định tình hình chính trị, xã hội; tích cực giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường; thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội…
Vì vậy, tình hình kinh tế - xã hội đạt được kết quả đáng phấn khởi, làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân. Đến năm 2015 đã đạt được một số kết quả nổi bật là: Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 6.000 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.500 tỷ đồng (hằng năm đều tăng trên 20%); giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 100 triệu đồng/1ha canh tác; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng - dịch vụ chiếm 77% giá trị sản xuất; thu ngân sách năm 2015 đạt gần 90 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,2%; 85% thôn, làng, trường học đạt tiêu chuẩn nếp sống văn hóa và 77% gia đình đạt tiêu chuẩn nếp sống văn hóa; 100% số hộ dân được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%, gần 2 vạn lao động nông nghiệp chuyển sang làm công nghiệp, dịch vụ… Đặc biệt, sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận đã thu hút được các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng NTM, nhân dân đã góp hơn 420ha đất, hơn 600 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó những người con xa quê đã kêu gọi, đóng góp cho địa phương được hơn 200 tỷ đồng. Các tiêu chí đạt được về NTM thực chất, vững chắc. Đến nay, đã có 12 xã đạt trên 15 tiêu chí, xã thấp nhất đạt 11 tiêu chí, đến cuối năm 2015 có 5 xã đạt tiêu chuẩn NTM.
Bước vào nhiệm kỳ mới 2015-2020 là giai đoạn cả nước tập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Những thành tựu to lớn đạt được, những kinh nghiệm sâu sắc trong 30 năm đổi mới, hệ thống pháp luật dần được hoàn thiện và đi vào cuộc sống, tình hình chính trị, xã hội ổn định là tiền đề vững chắc để thực hiện các mục tiêu đề ra. Cùng với sự phát triển chung của toàn tỉnh và cả nước, kinh tế - xã hội của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực; Đảng bộ đoàn kết, thống nhất, đội ngũ cán bộ, đảng viên được đào tạo cơ bản, được rèn luyện trong thực tiễn và kinh nghiệm rút ra trong nhiều nhiệm kỳ là thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ nhiệm kỳ mới đạt được những kết quả vững chắc hơn. Nhiệm kỳ tới, Đảng bộ tiếp tục phấn đấu tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng đạt TSVM và hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đạt 85% trở lên, đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đạt 85% trở lên, tỷ lệ đơn vị chính quyền vững mạnh hằng năm đạt 85% trở lên; 85% các đoàn thể đạt danh hiệu tiên tiến; phấn đấu đến năm 2020, 20 xã, thị trấn trong huyện hoàn thành xây dựng NTM; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) bình quân hằng năm 12% trở lên, trong đó, tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ 83%; nông nghiệp 17%; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 70 triệu đồng; giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha đất canh tác đến năm 2020 đạt 130 triệu đồng; thu ngân sách Nhà nước từ kinh tế trên địa bàn hằng năm tăng bình quân 10%; hoàn thành kiên cố hóa hệ thống đê, kè, cống, các công trình thủy lợi, hệ thống giao thông huyết mạch. Đến năm 2020 có 100% xã, thị trấn hoàn thành xử lý rác thải theo tiêu chí xây dựng NTM; 85% tỷ lệ thôn, xóm, cơ quan, trường học đạt chuẩn văn hóa, gia đình văn hóa với chất lượng cao hơn; 90% dân số tham gia BHYT; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1-1,5% hằng năm theo chuẩn 2015-2020; 60% lao động được đào tạo nghề; chuyển 2 vạn lao động nông nghiệp sang làm công nghiệp và dịch vụ; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, không để xảy ra đột xuất bất ngờ về an ninh trật tự.
Để đạt được mục tiêu trên, huyện Nam Trực cố gắng khắc phục nhiều khó khăn thử thách. Đó là việc tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển; một số vấn đề nổi cộm, bức xúc phải tiếp tục giải quyết; Đảng bộ và nhân dân trong huyện tăng cường đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện các giải pháp toàn diện, quyết liệt với quyết tâm chính trị cao. Các cấp, các ngành phải bám sát các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác chính trị tư tưởng; tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống; đổi mới nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng cán bộ; giữ vững kỷ cương trong Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải là những công dân gương mẫu; cấp ủy, tổ chức Đảng phải xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm trong từng thời kỳ, lĩnh vực, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; tiếp tục phát huy dân chủ trong Đảng, dân chủ xã hội; phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ; tích cực đổi mới, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp. Trong phát triển kinh tế - xã hội, tập trung quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, củng cố Ban nông nghiệp xã, đổi mới HTX theo Luật HTX năm 2012; đẩy mạnh liên kết sản xuất, xây dựng những mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. Tiếp tục huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình xây dựng NTM; quản lý tốt quy hoạch sử dụng đất, xử lý nghiêm các vi phạm về đất đai; thực hiện tốt các giải pháp bảo vệ môi trường ở các làng nghề, trong các khu dân cư; tiếp tục thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo quy hoạch, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và giá trị sản xuất; kiên cố hóa các công trình giao thông đảm bảo kết nối liên hoàn giữa các xã, thị trấn. Khai thác tốt các nguồn thu, quản lý chi đúng mục đích, ưu tiên cho phát triển hạ tầng; các tổ chức tín dụng linh hoạt trong cung ứng và thanh khoản, đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, tạo điều kiện để phát triển các hoạt động dịch vụ du lịch ở các làng nghề sinh thái, các lễ hội dân gian. Nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa; hoàn thành việc quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện; nâng cao chất lượng quản lý, chú trọng bồi dưỡng nâng cao chất lượng học sinh giỏi. Đẩy mạnh xây dựng mạng lưới y tế cơ sở, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu, kiểm soát tốt vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phục vụ cho việc chuyển dịch cơ cấu lao động. Thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức tốt việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng huyện Nam Trực thành khu vực phòng thủ vững chắc, chủ động phòng ngừa không để xảy ra đột xuất, bất ngờ về an ninh trật tự, không để xảy ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng; tiếp tục cải thiện trật tự ATGT, trật tự công cộng.
Mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho nhiệm kỳ tới là rất nặng nề. Song, với tinh thần phát huy truyền thống cách mạng, sức mạnh đoàn kết, kết quả, kinh nghiệm của nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, quân và dân Nam Trực sẽ tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, vươn lên hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng./.