"Cánh tay nối dài" của cấp ủy, chính quyền cơ sở

07:07, 16/07/2015

Hệ thống chính trị ở thôn (xóm) tuy không phải là một cấp nhưng phải lãnh đạo và thực hiện toàn diện các mặt công tác; được ví như “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Với mục tiêu tăng cường xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, nhiệm kỳ 2010-2015, Huyện ủy Ý Yên đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 13-7-2011 với 5 Chương trình công tác; trong đó có Chương trình “Củng cố tổ chức nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở thôn (xóm, tổ dân phố) giai đoạn 2010-2015”. Qua 5 năm thực hiện, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở thôn (xóm) đã từng bước được nâng lên, đạt nhiều kết quả tích cực.

Đảng bộ huyện Ý Yên có 581 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở; trong đó, có 419 thôn (xóm, tổ dân phố) ở 32 xã, thị trấn với gần 10 nghìn đảng viên, chiếm 90,4% tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ. Các tổ chức trong hệ thống chính trị ở thôn (xóm) gồm: chi bộ, trưởng thôn, Ban công tác Mặt trận, chi Đoàn Thanh niên, chi Hội Phụ nữ, chi Hội Nông dân, chi Hội Cựu chiến binh. Thời điểm đầu nhiệm kỳ trở về trước, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở thôn (xóm, tổ dân phố) có nhiều bất cập. Có thôn có đến 2 tổ chức hệ thống chính trị; có nơi 2 thôn gộp lại mới được 1 chi bộ nhưng lại lãnh đạo 2 Ban công tác Mặt trận, 2 chi Hội Phụ nữ, chi Hội Nông dân, chi đoàn… Đến thời điểm triển khai chương trình (năm 2012) còn 17 xã, thị trấn có mô hình tổ chức trong hệ thống chính trị ở thôn (xóm, tổ dân phố) chưa đồng bộ gây khó khăn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Từ thực tiễn của cơ sở, xác định vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở thôn (xóm, tổ dân phố), BCH Đảng bộ huyện Ý Yên khóa XXII đã thành lập Ban Chủ nhiệm Chương trình của huyện và chọn thôn 12, xã Yên Nhân để chỉ đạo xây dựng thôn có các tổ chức trong hệ thống chính trị tiêu biểu. Bên cạnh đó, mỗi tổ chức cấp huyện xây dựng một mô hình điểm của tổ chức mình như: Ban Tổ chức huyện ủy chỉ đạo xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu ở chi bộ 14, Đảng bộ xã Yên Khánh; phòng Nội vụ huyện chỉ đạo xây dựng thôn vững mạnh ở thôn An Hộ, xã Yên Thành; Hội Nông dân huyện chỉ đạo xây dựng nâng cao chất lượng hoạt động của chi Hội Nông dân thôn Nam Vinh, xã Yên Lương… Mỗi xã, thị trấn chọn xây dựng một mô hình điểm để nhân ra diện rộng. Các tổ chức trong hệ thống chính trị ở huyện xây dựng các tiêu chí về nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức mình ở thôn chọn làm điểm để hướng dẫn cơ sở thực hiện. Một trong những biện pháp quan trọng của việc nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở thôn (xóm, tổ dân phố) là nâng cao năng lực, sức chiến đấu của chi bộ Đảng, đảm bảo chi bộ là hạt nhân chính trị lãnh đạo toàn diện các hoạt động ở thôn (xóm). Đề cao vai trò, trách nhiệm của Bí thư chi bộ, của cán bộ, đảng viên; phát huy tính tiền phong, gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ và các phong trào; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, định hướng tư tưởng, tạo sự thống nhất cao trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở địa phương. Thực hiện tốt việc phân công công tác cho đảng viên, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ thôn, nhất là Bí thư chi bộ, trưởng thôn. Gắn nhiệm vụ được phân công của cán bộ, đảng viên với phân loại cán bộ, đảng viên hằng năm; xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên nông thôn. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị, thực hiện có nề nếp công tác kiểm tra, thường xuyên tự phê bình và phê bình, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện vi phạm; khắc phục tình trạng nể nang, né tránh. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền ở các xã, thị trấn tập trung tăng cường công tác quản lý Nhà nước ở thôn (xóm). Trong đó, đề cao trách nhiệm, năng lực quản lý, điều hành của trưởng, phó thôn, duy trì kỷ cương theo quy định của pháp luật, quy ước, hương ước của thôn, tạo môi trường lành mạnh, dân chủ. Triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa cho nhân dân, xây dựng NTM. Đề cao vai trò của các tầng lớp nhân dân trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ ở thôn. Các tổ chức đoàn thể duy trì, thực hiện tốt Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở, tăng cường các hoạt động tự quản, công tác hòa giải ở các khu dân cư; duy trì chế độ sinh hoạt theo Điều lệ của từng tổ chức chính trị - xã hội; đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động nhằm tập hợp và thu hút hội viên, đoàn viên tham gia các hoạt động của chi hội, chi đoàn…

Nhân dân xóm 2, xã Yên Nhân cấy lúa mùa sớm.
Nhân dân xóm 2, xã Yên Nhân cấy lúa mùa sớm.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, huyện đã chỉ đạo tập trung sắp xếp, củng cố các tổ chức ở thôn (xóm). Đối với 14 xã đã có hệ thống chính trị thôn (xóm, tổ dân phố) đồng bộ, tiếp tục rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng các tổ chức vững mạnh. Đối với các xã, thị trấn mô hình tổ chức chưa thống nhất, tiến hành củng cố, sắp xếp lại cho phù hợp. Việc củng cố, sắp xếp, kiện toàn tổ chức thực hiện theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệ của các tổ chức dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy xã, thị trấn. Huyện ủy cũng đã chỉ đạo các cấp ủy tăng cường tập huấn, bồi dưỡng về trình độ lý luận chính trị, trình độ quản lý Nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Tăng cường bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên mới, quan tâm phát triển đảng viên trẻ, trực tiếp lao động sản xuất, bổ sung đội ngũ cán bộ kế cận ở thôn (xóm). Thực hiện tốt công tác cán bộ, thường xuyên rà soát, kiện toàn bổ sung cán bộ trong các tổ chức trong hệ thống chính trị khi có sự thay đổi. Nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức hệ thống chính trị ở thôn (xóm) hoạt động, huyện chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đảm bảo kinh phí hoạt động theo quy định, chế độ phụ cấp cho đội ngũ cán bộ. Xây dựng và thực hiện quy chế hoạt động của từng tổ chức trong hệ thống chính trị ở thôn (xóm); chú trọng công tác phối hợp hoạt động giữa các đoàn thể, chế độ hội họp, phân công cấp ủy phụ trách các đoàn thể. Điển hình như Đảng bộ xã Yên Nhân có 21 chi bộ với 310 đảng viên, trong đó có 16 chi bộ thôn (xóm) và là một xã thuần nông. Nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ xã Yên Nhân xác định muốn phát triển kinh tế - xã hội, trước hết phải chú trọng công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao hệ thống chính trị ở thôn (xóm). Trên cơ sở chương trình trọng tâm của Đảng bộ huyện, Đảng bộ xã xây dựng chương trình trọng tâm nâng cao hệ thống chính trị ở thôn (xóm) giai đoạn 2011-2015. Dưới sự chỉ đạo của huyện ủy và Đảng ủy xã cùng những giải pháp thiết thực được đề ra, hoạt động hệ thống chính trị ở thôn (xóm) từng bước được nâng lên. Đồng chí Nguyễn Công Trình, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Yên Nhân cho biết, Chương trình hành động đề ra thực hiện trong 5 năm nhưng đến năm 2012, xã đã hoàn thành xóa xóm không có chi bộ. Đảng uỷ xã đã kiện toàn các ban chi ủy với 59 chi ủy viên; tập trung chỉ đạo tổ chức đại hội củng cố các Ban công tác Mặt trận, BCH các đoàn thể đi vào hoạt động có hiệu quả. Nét nổi bật nhất trong công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng ở xã là Đảng bộ xã chú trọng phát triển Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò lãnh đạo trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước giảm nghèo ở địa phương.

Từ thực tiễn ở cơ sở cho thấy, nơi nào các tổ chức trong hệ thống chính trị ở thôn (xóm) vững mạnh, hoạt động có chất lượng, nơi đó có phong trào mạnh, kinh tế phát triển, văn hóa, xã hội có tiến bộ, an ninh nông thôn được giữ vững. Qua khảo sát đánh giá chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở các thôn (xóm, tổ dân phố) cho thấy, về cơ bản, các tổ chức đã bám sát sự chỉ đạo của ngành dọc cấp trên, trực tiếp là xã, thị trấn, nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần tích cực hoàn thành các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở thôn (xóm, tổ dân phố) đã góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của toàn huyện. Kinh tế tăng trưởng với tốc độ khá, tỷ trọng CN-TTCN và dịch vụ tăng mạnh trong cơ cấu kinh tế, thu ngân sách trên địa bàn tăng, huy động được nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phục vụ tốt hơn nhu cầu phát triển sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; chương trình xây dựng NTM đạt được nhiều kết quả quan trọng, các hoạt động văn hóa - xã hội có những tiến bộ mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, diện mạo quê hương ngày càng đổi mới. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng được nâng lên, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền từ huyện đến cơ sở có hiệu quả, hiệu lực hơn. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đội ngũ cán bộ tiếp tục được rèn luyện và có bước trưởng thành. Dân chủ được mở rộng, kỷ cương xã hội được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, thế trận quốc phòng toàn dân được củng cố vững chắc./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com