Ngày 26-6, tại Hà Nội: Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII thành công và bế mạc

08:06, 29/06/2015

Ngày 26-6, kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) khóa XIII đã thành công tốt đẹp và bế mạc. Dự phiên bế mạc, có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Phạm Thế Duyệt, Huỳnh Đảm; các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; các đồng chí lão thành cách mạng, nhiều đại biểu QH các khóa trước và các đại biểu QH khóa XIII.

Phát biểu ý kiến bế mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Kỳ họp thứ 9, QH khóa XIII đã thành công, để lại niềm tin, ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng bào, cử tri cả nước về một kỳ họp hợp lòng dân, sôi động, dân chủ, đoàn kết, trí tuệ và đổi mới. Chủ tịch QH đề nghị, sau kỳ họp này, các đại biểu QH kịp thời gặp gỡ, báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri để luôn có tiếng nói đại diện cho quyền lợi của cử tri vào các quyết định của QH.

Trước phiên bế mạc, các đại biểu QH biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn chức danh Thẩm phán TAND Tối cao, với 440 đại biểu tán thành, bằng 89,07% tổng số đại biểu QH. Kết quả, toàn bộ 15 ứng viên mà Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình đề cử đều được QH phê chuẩn. Trên cơ sở Nghị quyết phê chuẩn của QH, Chủ tịch nước sẽ ký bổ nhiệm các thẩm phán TAND Tối cao. Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mới - cơ quan trực tiếp thực hiện chức năng xét xử của TAND Tối cao sẽ có 16 thành viên, gồm Chánh án TAND Tối cao và 15 thẩm phán TAND Tối cao vừa được bổ nhiệm.

Phát biểu ý kiến kết thúc phiên bỏ phiếu, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, đây là lần đầu QH phê chuẩn các chức danh Thẩm phán TAND Tối cao. Lần đầu trong lịch sử ngành Tư pháp, Tòa án được giao quyền tư pháp, một nhánh quyền rất quan trọng, bảo đảm công lý, bảo đảm quyền con người, bảo đảm quyền công dân, bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đọc diễn văn bế mạc.Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đọc diễn văn bế mạc.
Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN

Tiếp đó, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết của QH về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng, với 455 đại biểu tán thành, bằng 92,11% tổng số đại biểu QH.

Nghị quyết nêu rõ, QH giao Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao chỉ đạo cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án các cấp tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, của QH về công tác tư pháp, các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, về bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội và tranh tụng trong xét xử; chấp hành nghiêm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự. Khi đã xác định có oan, sai thì phải kịp thời minh oan cho người bị oan, bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định pháp luật; xử lý nghiêm minh và xem xét trách nhiệm hoàn trả theo Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước đối với người mắc sai phạm; xử lý trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan gây nên oan, sai, để xảy ra bức cung, dùng nhục hình. Chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp chủ động, tích cực điều tra, khám phá kịp thời các loại tội phạm; áp dụng các biện pháp ngăn chặn chính xác để giảm tối đa các trường hợp bắt, tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính; không để xảy ra bức cung, dùng nhục hình; không để xảy ra các trường hợp chết do tự sát, chết do can phạm đánh nhau tại cơ sở giam giữ và làm rõ trách nhiệm của cán bộ trực tiếp quản lý và người đứng đầu cơ sở này. Quá trình điều tra, lập hồ sơ vụ án phải tuân thủ đúng pháp luật, thu thập, đánh giá đầy đủ, khách quan các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội để xác định đúng sự thật vụ án; khắc phục việc làm oan người vô tội do hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế; chấn chỉnh việc đình chỉ điều tra không đúng pháp luật để tránh oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm; tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia các vụ án theo quy định pháp luật.

Cũng trong ngày 26-6, với 458 đại biểu tán thành, bằng 92,71% tổng số đại biểu, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, QH khóa XIII.

Nghị quyết nêu rõ, QH ghi nhận các giải pháp mà các thành viên của Chính phủ đã cam kết trước QH khi trả lời chất vấn và yêu cầu: Đối với lĩnh vực nông nghiệp, có biện pháp quyết liệt thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho nông, lâm, thủy sản. Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Sớm có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân ở vùng thường xuyên xảy ra hạn hán; nhất là các giải pháp về khoa học, công nghệ. Rà soát loại bỏ các loại phí, lệ phí không hợp lý trong nông nghiệp. Đối với lĩnh vực công thương, đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân và doanh nghiệp về các thị trường có liên quan khi Việt Nam ký kết hoặc gia nhập các Hiệp định thương mại song phương, đa phương, nhất là những thông tin liên quan đến việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015. Bảo đảm đến năm 2016 có thị trường thí điểm bán buôn điện cạnh tranh, trước năm 2021 có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới tổ chức và hoạt động, đẩy nhanh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Đẩy mạnh triển khai Chương trình sản phẩm quốc gia, sản phẩm có chất lượng cao mang thương hiệu Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế việc nhập khẩu các máy móc, thiết bị lạc hậu vào Việt Nam. Đối với lĩnh vực GD và ĐT, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tổ chức thực hiện tốt, tổng kết, đánh giá kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 để tiếp tục hoàn thiện Đề án đổi mới kỳ thi, bảo đảm tổ chức kỳ thi ổn định trong những năm tiếp theo. Hoàn chỉnh hệ thống văn bản về đánh giá học sinh tiểu học theo phương pháp mới.

* Sau khi bế mạc kỳ họp thứ 9, QH khóa XIII, Văn phòng QH tổ chức họp báo trong nước và quốc tế công bố kết quả của kỳ họp, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc.

Theo Văn phòng QH, tại kỳ họp này, QH đã xem xét, cho ý kiến và thông qua nhiều dự án luật quan trọng liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Văn phòng QH cho biết, qua công tác tổng hợp dư luận xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy, cử tri hài lòng về chương trình và nội dung của kỳ họp. Cử tri cho rằng, kỳ họp có nhiều đổi mới; các đại biểu QH lắng nghe và truyền tải nguyện vọng chính đáng của cử tri trên diễn đàn QH. Cử tri cũng hài lòng với vai trò giám sát tối cao của QH, trong đó có nội dung giám sát chuyên đề về tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng.

Tại buổi họp báo, đại diện Văn phòng QH đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên trong nước và quốc tế liên quan chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com