Như tin đã đưa, từ ngày 23 đến 26-6-2015, tại Thành phố Nam Định, Bộ TT và TT, UBND tỉnh phối hợp tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Triển lãm góp phần khẳng định lập trường chính nghĩa của Việt Nam, nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Phóng viên Báo Nam Định có cuộc trao đổi với các nhà quản lý, nhà khoa học, đại diện nhân dân về ý nghĩa, mục đích của triển lãm.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh tham quan mô hình nhà giàn DK1 tại triển lãm. |
"Chúng ta nhớ ơn các thế hệ người Việt Nam đã đổ bao mồ hôi và xương máu để xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc"
Đồng chí Phạm Hồng Hải
Thứ trưởng Bộ TT và TT
Thời gian gần đây, vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có những diễn biến rất phức tạp, khó lường, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài cũng như dư luận quốc tế. Sau vụ ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam từ ngày 2-5 đến ngày 15-7-2014, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền để khẳng định yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của họ trên Biển Đông; đồng thời tăng cường xây dựng, tôn tạo trên các bãi đá ngầm chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nhân tạo, có quy mô lớn, vi phạm tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC), đe doạ nghiêm trọng hoà bình, an ninh trên Biển Đông cũng như trong khu vực và trên thế giới.
Trước tình hình trên, việc công bố các tư liệu, bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc là công việc hết sức quan trọng và cần thiết.
Các tư liệu, hiện vật trưng bày ở cuộc triển lãm này là một phần các bằng chứng lịch sử và pháp lý thu thập được ở trong nước và nước ngoài, trong đó có cả từ Trung Quốc, góp phần chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa - đó là phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Việt Nam, đã được các thế hệ người Việt khai phá, được các Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ quản lý, bảo vệ và khẳng định chủ quyền một cách liên tục, hoà bình trong suốt hàng trăm năm nay.
Qua triển lãm khẳng định lập trường chính nghĩa của Việt Nam, nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài trong công cuộc bảo về chủ quyền biển, đảo; đồng thời giúp bạn bè quốc tế, trong đó có cả người dân Trung Quốc hiểu được sự thật lịch sử, hiểu được mong muốn, nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam trong việc duy trì hoà bình, ổn định ở Biển Đông và trong khu vực để phát triển đất nước.
Thông qua cuộc triển lãm này, chúng ta nhớ ơn các thế hệ người Việt Nam đã đổ bao mồ hôi và xương máu để xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đồng thời cũng khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của tổ tiên để lại.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng vào sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, làm cho đất nước giàu mạnh. Do đó, nhiệm vụ lâu dài của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc là:
Thứ nhất, phát huy được sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, vùng trời của Tổ quốc.
Thứ hai, kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng, an ninh trong quản lý vùng trời, bảo vệ vùng biển, đảo.
Thứ ba, phát triển kinh tế biển gắn với quản lý vùng trời, bảo vệ biển, đảo và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.
Thứ tư, xây dựng lực lượng vũ trang, nòng cốt là hải quân, không quân, cảnh sát biển, biên phòng, dân quân tự vệ biển mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất và khai thác tài nguyên biển.
Thứ năm, xây dựng chính sách đặc biệt để thu hút và khuyến khích người dân ra đảo định cư lâu dài và làm ăn dài ngày trên biển, vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định đã tập trung phát triển kinh tế biển, khai thác các nguồn lợi từ biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" tại Nam Định là một trong những hình thức hoạt động thông tin cơ sở, đưa thông tin trực tiếp đến với người dân. Để làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về biển, đảo, chúng ta cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa lợi thế và hiệu quả của các hoạt động thông tin cơ sở. Từ đó góp phần giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trang lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa được viết bằng máu
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc
Đại học Quốc gia Hà Nội
Từ thời kỳ tiền sử đến nay, con người ở các vùng nội địa Việt Nam liên tục tiến ra chiếm lĩnh, khai phá, sinh sống trên các đảo, quần đảo. Bắt đầu từ các thời Lý - Trần - Lê, Biển Đông đã trở thành chiến lược phát triển của quốc gia Đại Việt. Con đường mở mang bờ cõi xuống phía nam của dân tộc Việt Nam cũng đồng thời là con đường tiến ra chiếm lĩnh biển, đảo. Đây chính là cơ sở hết sức quan trọng, một bước chuẩn bị thiết yếu để các chính quyền Đàng Trong đã thực hiện được kỳ tích tuyệt vời là xác lập và thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Dưới thời Nguyễn, những ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa phong phú, đa dạng với nhiều thông tin cụ thể trong cả tài liệu chính thức của Vương triều và tài liệu của các học giả.
Thuộc nguồn tài liệu thư tịch và có giá trị cao để khẳng định quá trình các Nhà nước Việt Nam dưới thời Nguyễn thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa là các Châu bản triều Nguyễn. Qua nghiên cứu khảo sát 144 tập của hai triều Minh Mệnh và Thiệu Trị, chúng tôi tìm ra được một số tư liệu là bằng chứng rõ ràng về quá trình thực thi chủ quyền của các Nhà nước phong kiến Việt Nam ở hai quần đảo này, như bản dụ của Vua Minh Mệnh (13-7-1835 và 13-7-1837) về các đoàn đi công vụ ở Hoàng Sa; các bản tấu của Thủ ngự Đà Nẵng về việc thuyền của Pháp mắc cạn ở Hoàng Sa (21-6-1830); các bản tấu của Bộ Công về việc phạt những người đi Hoàng Sa không lập xong bản đồ (13-7-1837), về việc phái đoàn công vụ lên đường ra Hoàng Sa nhưng do gặp gió lớn mà không xuất phát được... Đặc biệt có tờ tấu của Bộ Công (21-6-1838) cho biết đoàn khảo sát Hoàng Sa trở về báo cáo đã đến được 25 đảo (trong 3 sở), còn 1 sở hơi xa lại gặp gió lớn nên chưa tới được..
Dưới thời Nguyễn, bên cạnh việc triển khai đo vẽ thực tế ở Hoàng Sa, Trường Sa là việc Nhà nước cho hoàn thành nhiều bộ bản đồ quan trọng, trong đó tiêu biểu nhất là Đại Nam nhất thống toàn đồ hoàn thành trong khoảng từ năm 1838 đến năm 1840 dưới thời Vua Minh Mệnh. Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong bản đồ được vẽ chung thành một cụm hình lưỡi dao, kéo dài gồm khoảng ba chục đảo lớn, trong đó Hoàng Sa ở phía cực bắc được nối liền với Vạn Lý Trường Sa (tức Trường Sa) ở phía nam trong một chuỗi các đảo chưa có dấu hiệu phân tách. Thật ra vào năm 1830 cũng đã xuất hiện tấm Bản đồ vẽ theo phong cách này, nhưng đang còn ở dạng bản thảo và sau này thời Thiệu Trị có Đại Nam toàn đồ, dưới thời Tự Đức có Đại Nam nhất thống toàn đồ (Nam Bắc kỳ hội đồ) là sự tiếp nối của phong cách vẽ bản đồ hiện đại.
Trong những thập kỷ cuối thế kỷ XIX, khi Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, triều đình Tự Đức không còn đủ sức chống lại đã lần lượt để mất chủ quyền về tay thực dân Pháp, trong đó có cả chủ quyền các vùng biển, đảo. Tuy nhiên vùng đất máu thịt của tổ tông vẫn là niềm thôi thúc các thế hệ con dân đất Việt đấu tranh đến cùng để giành lại chủ quyền bằng mọi giá
Tư liệu về nguồn gốc, chức năng và hoạt động của các đội Hoàng Sa và Bắc Hải (trong đó đặc biệt là đội Hoàng Sa) càng ngày càng được tập hợp phong phú hơn, đa dạng hơn. Chúng ta không chỉ biết về các đội Hoàng Sa, Bắc Hải trong chủ trương thành lập và chỉ đạo hoạt động của các Chúa Nguyễn, của Vương triều Tây Sơn và các vua nhà Nguyễn, mà còn biết khá cụ thể các chủ trương ấy đã được chính quyền và nhân dân các địa phương tự giác chấp hành và thực hiện một cách đầy đủ và hết sức nghiêm chỉnh. Đây không chỉ dừng lại ở những văn bản chính thức của Nhà nước và những hoạt động phong phú đa dạng ở các địa phương, mà còn được tập hợp trong những ghi chép của các học giả, các nhà chức trách Việt Nam, các thương nhân và giáo sĩ phương Tây, thậm chí đến cả nhà sư Trung Quốc đương đại, những người đã thông qua quan sát trực tiếp hay khảo cứu công phu từ những văn bản gốc về hoạt động của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải mà ghi chép lại một cách khách quan, trung thực.
Tất nhiên các đội Hoàng Sa và Bắc Hải với chức năng chủ yếu là bảo vệ và khai thác các vùng quần đảo xa giữa Biển Đông, cũng có lúc thiên về công việc khai thác, cũng có lúc thiên về công việc bảo vệ, nhưng dù là thiên về chức năng nào thì cũng không thể thay thế được các đội Thuỷ quân. Vì thế trong lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, có những lúc hoạt động của đội Hoàng Sa rất nổi bật, nhưng cũng có những lúc bị lu mờ, thậm chí có khi bị ghép chung vào công việc của đội Thuỷ quân. Chúng ta từng biết có triều đình đã từng quyết định bãi bỏ đội Hoàng Sa và chuyển công việc của đội Hoàng Sa cho đội Thuỷ quân, nhưng ngay sau đó họ lại phải tính chuyện tái lập... Các đội Hoàng Sa, Bắc Hải dù hoạt động độc lập hay phụ thuộc vào đội Thuỷ quân, thậm chí có là hoạt động dưới danh nghĩa của đội Thuỷ quân đi nữa, thì cứ vẫn là một tổ chức độc đáo của các Nhà nước Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII, XIX trong chủ trương khẳng định chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa mà không có bất cứ một quốc gia nào trong khu vực có được.
Tư liệu cho biết các Nhà nước Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa dưới các hình thức và biện pháp khác nhau. Lực lượng ra làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ có các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, các đội Thuỷ quân, Biền binh, Vệ giám thành mà cả binh đinh, dân phu. Mỗi chuyến đi ra Hoàng Sa, Trường Sa đều phải có quyết định của Nhà nước dưới hình thức "tờ sai để thi hành công vụ" và nhiều khi chính nhà vua trực tiếp chỉ đạo việc quyết định cho thuyền ra khơi hay tạm dừng lại. Sau khi kết thúc công việc họ phải chạy thuyền thẳng về Kinh đô để báo cáo tình hình, khai nộp hoá vật, hải vật. Nhà vua thông qua Bộ Công để kiểm tra, đánh giá và tuỳ mức độ đóng góp hay vi phạm mà luận công hay định tội, thưởng phạt công minh. Những người hoàn thành nhiệm vụ đều được Nhà nước cấp bằng xác nhận. Công việc ở Hoàng Sa và Trường Sa là vô cùng gian nan nguy hiểm, nhiều trường hợp có đi mà không có về. Thậm chí có khi người ta phải làm lễ truy điệu sống, làm đám tang trước để an ủi người đi. Ý thức được đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm với quê hương đất nước, nhiều người thản nhiên đi vào cái chết, tự giác coi đó là trách nhiệm của chính mình. Trang lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa được viết bằng máu, được đánh đổi bằng cả cuộc đời của lớp lớp những con người như thế.
Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa là một trong những trang đẹp nhất, bi hùng nhất của lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta, mà bất cứ người Việt Nam chân chính nào cũng cần phải biết trân trọng và gìn giữ, không chỉ cho hôm nay, mà còn cho muôn đời sau.
Phát huy bản chất anh bộ đội Cụ Hồ động viên thế hệ trẻ chung sức bảo vệ quê hương
Đồng chí Lưu Mạnh Lực
Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh
Thông qua Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”, với tư cách một CCB từng tham gia Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam hoạt động trên vùng biển Tây Nam Tổ quốc, nhất là hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, tôi thấy đây là việc làm có ý nghĩa to lớn nhằm giáo dục thế hệ trẻ, góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đặc biệt, hôm nay là ngày đầu tiên khai mạc triển lãm đã có rất nhiều các bạn trẻ tới tham dự. Hy vọng qua triển lãm, các thế hệ trẻ tới đây sẽ phát huy truyền thống của các bậc tiền bối để tiếp tục đóng góp vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Hiện nay, với trách nhiệm là lãnh đạo Hội CCB, tôi luôn động viên các CCB khi trở về cuộc sống đời thường sẽ tiếp tục giữ vững và phát huy bản chất anh bộ đội Cụ Hồ để làm tấm gương động viên con cháu và các thế hệ trẻ sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc.
Thêm tự hào, quyết tâm học tập tốt xây dựng đất nước
Em Trần Thị Bích Ngọc, học sinh lớp 12B1,
Trường THPT Trần Hưng Đạo, Thành phố Nam Định
Được nhìn tận mắt và đọc qua các tư liệu về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, em cảm thấy vô cùng xúc động bởi đất nước ta có cả biển và đảo, đó là Trường Sa và Hoàng Sa và hàng trăm đảo khác… Qua triển lãm em mới biết được một số tư liệu, ấn phẩm do các nước phương Tây biên soạn và xuất bản từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa... Trong đó, đáng chú ý là 4 cuốn atlas do nhà Thanh và Chính phủ Trung Hoa dân quốc xuất bản, gồm Trung Quốc địa đồ (xuất bản năm 1908), Trung Quốc toàn đồ (xuất bản năm 1917), Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1919) và Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1933). Các atlas này là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra vào năm 1906 và được Chính phủ Trung Hoa dân quốc kế tục vào các năm sau đó. Với đầy đủ các chứng cứ pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam về hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa như vậy, em và các bạn trẻ đều thấy rằng các luận điệu của Trung Quốc về Biển Đông thật vô lý và ngang ngược. Là một học sinh ngồi trên ghế nhà trường, em sẽ cố gắng học tập tốt, là con ngoan trò giỏi để sau này có những việc làm đóng góp thiết thực cho quê hương. Em mong muốn Ban tổ chức thông báo về triển lãm này rộng rãi hơn để học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh có thể đến đây tham quan và tìm hiểu nhiều hơn về biển, đảo của Tổ quốc./.
Việt thắng và Viết Dư (Thực hiện)