Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri

08:06, 23/06/2015

Từ đầu nhiệm kỳ 2011-2016 đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tích cực đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri. Qua đó đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri và những vấn đề nổi cộm trong đời sống kinh tế - xã hội phản ánh tới các cơ quan chức năng của Trung ương và của tỉnh để xem xét, giải quyết.

Thực hiện đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của Quốc hội để tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri, trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đều phối hợp với Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh tổ chức cho các vị ĐBQH tiếp xúc cử tri bằng nhiều hình thức theo địa bàn xã, phường, thị trấn; tiếp xúc cử tri nơi công tác; theo chuyên đề, lĩnh vực; luân phiên thay đổi địa bàn tiếp xúc giữa các ĐBQH để tạo điều kiện cho các ĐBQH gặp gỡ, lắng nghe được nhiều ý kiến, nguyện vọng của cử tri ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tại các đợt tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thông báo nội dung, kết quả các kỳ họp Quốc hội và ý kiến trả lời kiến nghị cử tri của các bộ, ngành Trung ương; thông báo nội dung, chương trình kỳ họp sắp tới, đồng thời lắng nghe ý kiến của cử tri về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh và đề đạt nguyện vọng của mình với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và lãnh đạo địa phương. Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương giải trình những vướng mắc, tồn tại trên địa bàn mà cử tri có ý kiến và có những định hướng cụ thể trong việc giải quyết các vấn đề vướng mắc, giúp các đơn vị, địa phương từng bước tháo gỡ khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ngoài việc tổ chức tiếp xúc cử tri tại địa bàn dân cư, Đoàn ĐBQH tỉnh còn tăng cường tiếp xúc theo chuyên đề, theo đối tượng, nội dung như: tiếp xúc với các ngành Quân sự, Công an, Kiểm sát, Ban quản lý các khu, CCN… Qua đó, nhiều ý kiến thiết thực của lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đã được thu thập, đóng góp vào các dự thảo luật của Quốc hội. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp cùng Thường trực HĐND, UBND và Uỷ ban MTTQ các cấp tổ chức 15 đợt tiếp xúc cử tri tại hơn 180 điểm tiếp xúc ở các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn tỉnh với trên 20 nghìn lượt cử tri tham gia. Sau các đợt tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh đã kịp thời tổng hợp, phân loại hơn 2.700 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương để xem xét, giải quyết. Các ý kiến kiến nghị của cử tri tập trung vào các lĩnh vực như: Nông nghiệp, NTM; TN và MT; Đầu tư, Giao thông, Xây dựng; Tài chính - Ngân hàng; Văn hóa, xã hội, nội vụ... được chuyển đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh và được giải quyết kịp thời. Cụ thể như ý kiến kiến nghị của cử tri về việc quan tâm hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật và công nghệ cho các vùng nuôi trồng thủy, hải sản đã được UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN và PTNT, Sở KH và ĐT phối hợp với UBND các huyện, thành phố, căn cứ quy hoạch nuôi trồng thủy sản đã được phê duyệt và tình hình thực tế từng địa phương để lập các dự án đầu tư, nâng cấp, cải tạo các công trình hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản trình UBND tỉnh phê duyệt. Từ năm 2010 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 11 dự án đầu tư hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản; riêng năm 2014 đã phê duyệt 5 dự án, trong đó có 2 dự án trên địa bàn huyện Giao Thủy gồm: Dự án nâng cấp, cải tạo Trung tâm giống hải sản tại xã Bạch Long và Dự án nâng cấp hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Giao Phong. Hiện nay, các dự án UBND tỉnh phê duyệt đều đã trình Bộ NN và PTNT, Bộ KH và ĐT để đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2015-2020 theo Chương trình hỗ trợ có mục tiêu phát triển hạ tầng nuôi trồng thủy sản từ ngân sách Trung ương. Riêng năm 2015 đã bố trí vốn cho Dự án nâng cấp hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Giao Phong với kinh phí 18 tỷ đồng để triển khai, thực hiện. Hay kiến nghị của cử tri về việc sớm giải quyết số hồ sơ đề nghị hưởng chế độ đối với những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Y tế tăng cường kiểm tra, phối hợp với Sở LĐ-TB và XH chỉ đạo, xem xét việc nằm viện, khám, điều trị, cấp giấy tờ ra viện, sao bệnh án cho bệnh nhân đúng đối tượng; thực hiện khám, giám định y khoa chặt chẽ và hạn chế tối đa những sai sót, tiêu cực có thể xảy ra. UBND tỉnh cũng giao Sở LĐ-TB và XH khẩn trương thẩm định hồ sơ của các huyện, thành phố đảm bảo chặt chẽ, chính xác, đúng quy trình để giải quyết kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát kết quả sản xuất, kinh doanh tại Cty TNHH Youngone Nam Định.
Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát kết quả sản xuất, kinh doanh tại Cty TNHH Youngone Nam Định.

Để đẩy mạnh hoạt động giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương, hằng năm, trên cơ sở chương trình giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh lập chương trình giám sát để thống nhất thực hiện. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Uỷ ban MTTQ tỉnh tổ chức 15 đợt giám sát trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề được cử tri quan tâm. Trong đó, đi sâu giám sát những ngành, lĩnh vực có nhiều ý kiến cử tri phản ánh; tăng cường công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các ngành, các cấp, các địa phương theo quy định. Thông qua các cuộc giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chuyển nhiều ý kiến, kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền để xem xét giải quyết. Qua các cuộc giám sát đã cho thấy tình hình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật trên địa bàn tỉnh và chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân, từ đó kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan chức năng ở địa phương sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Trong đợt giám sát trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII về “Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO)” trên địa bàn tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp và đề xuất kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển phù hợp với các cam kết gia nhập WTO để tỉnh vận dụng, thực hiện có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội như: Quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, thông tin tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tiễn về nhu cầu kêu gọi đầu tư, doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa của địa phương. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh tham gia và triển khai các đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm và doanh nghiệp từ các dự án hợp tác quốc tế và từ nguồn kinh phí Trung ương. Tạo điều kiện giới thiệu, kêu gọi các Chương trình, dự án Viện trợ phi Chính phủ vào địa phương…

Đồng chí Nguyễn Anh Sơn, TUV, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh góp phần để các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được thực hiện nghiêm chỉnh, thực sự đi vào cuộc sống./.

Bài và ảnh: Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com